Bạo lực, biểu tình tiếp diễn, đoàn Mỹ đột ngột rời lễ tang cố Tổng thống Haiti
Trong ba ngày qua, nhiều người dân Haiti đã biểu tình, đặt câu hỏi về trách nhiệm của lực lượng an ninh quốc gia khi để Tổng thống Moise bị ám sát.
Đoàn đại biểu cấp cao Mỹ đã đột ngột rời đi sau khi nổ súng và biểu tình xảy ra lúc chính quyền Haiti tổ chức lễ tang cho ông Jovenel Moise - tổng thống đã thiệt mạng trong vụ ám sát hôm 7-7, tờ South China Morning Post đưa tin.
Lễ tang cấp nhà nước của Haiti được tổ chức tại Cap-Haitien - thành phố quê nhà của ông Moise nằm ở phía bắc nước này. Chính quyền mong muốn lễ đưa tiễn tổng thống quá cố sẽ thúc đẩy đoàn kết trong nước nhưng bạo lực vẫn tiếp diễn.
Những chiếc ô tô bị phá hỏng nằm chắn nhiều con đường bên ngoài nơi tổ chức tang lễ. Khói và mùi hăng bốc lên từ những chiếc lốp xe bị đốt cháy. Tro đen ám cả lên quần áo những người đi đưa tang. Một số nguồn tin của hãng Reuters cho biết họ ngửi thấy khí gas và nghe tiếng súng nổ bên ngoài khu vực tổ chức tang lễ.
Trong ba ngày liền, nhiều người ủng hộ ông Moise đã biểu tình do bất mãn trước việc lực lượng an ninh quốc gia không thể bảo vệ tổng thống khi tư dinh của nhà lãnh đạo này bị nhóm biệt kích đột nhập giữa đêm. Một trong những người bị chỉ trích gay gắt nhất là lãnh đạo lực lượng cảnh sát quốc gia, ông Leon Charles.
Đoàn cấp cao đại diện cho chính phủ Mỹ do Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc, bà Linda Thomas-Greenfield dẫn đầu đã rời đi sau chưa đầy một giờ có mặt dự lễ tang. Trong suốt thời gian lễ tang diễn ra, hàng chục nhân viên an ninh có vũ trang đã thành lập vòng bảo vệ các quan chức trên khán đài.
Sau đó, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan thông báo phái đoàn Mỹ đã về nhà an toàn, đồng thời cho biết Nhà Trắng “quan ngại sâu sắc” trước tình hình bất ổn tại quốc đảo láng giềng.
Ông Sullivan kêu gọi các bên tại Haiti cần phát ngôn và hành động “một cách hòa bình”, đồng thời thúc giục chính quyền Port-au-Prince yêu cầu những người ủng hộ ông Moise phải kiềm chế, không gây ra bạo lực.
Trước đó, khi đặt chân tới Cap-Haitien, bà Thomas-Greenfield đã kêu gọi tân Thủ tướng Haiti Ariel Henry tạo điều kiện tổ chức bầu cử lập pháp và bầu cử tổng thống “càng sớm càng tốt”.
Trong lễ tang, phu nhân của tổng thống quá cố là bà Martine Moise đã đọc bài điều văn bằng cả ngôn ngữ địa phương (tiếng Creole Haiti) và tiếng Pháp. Bà Moise kêu gọi công lý cho chồng minh và khẳng định “cuộc đấu tranh vẫn chưa kết thúc”.
Các quan chức Haiti cho biết nhóm biệt kích ám sát ông Moise gồm hai người Mỹ gốc Haiti và 26 cựu binh Colombia. Trong số này, Lầu Năm Góc xác nhận ít nhất bảy người từng được huấn luyện tại Mỹ. Cảnh sát trưởng Colombia Jorge Vargas cho biết một cựu quan chức Bộ Tư pháp Haiti bị nghi là chủ mưu vụ ám sát.
Vụ ám sát ông Moise đã khiến bất ổn ở Haiti thêm nghiêm trọng. Sau vụ ám sát, thủ tướng lâm thời lúc bấy giờ của Haiti là ông Claude Joseph đã đề nghị Mỹ triển khai quân đội tới Haiti nhưng Nhà Trắng đã từ chối. Ông Joseph đã tự nhận trách nhiệm lãnh đạo đất nước từ hôm 7-7 nhưng buộc phải giao lại quyền lực khi ông Henry nhậm chức Thủ tướng Haiti hôm 20-7.