Bạo lực gia đình bằng lời nói
Những năm qua, việc phòng chống bạo lực gia đình (BLGĐ) đã được quan tâm nhiều hơn và lĩnh vực này đã có những chuyển biến theo chiều hướng tích cực.
Tuy vậy, BLGĐ vẫn diễn ra, dù ở quy mô hẹp hơn, song tính chất lại rất nghiêm trọng. Hẳn nhiều người chưa quên các vụ án xuất phát từ BLGĐ dẫn đến nạn nhân bị tử vong đã diễn ra trong thời gian qua. Làm gì để phòng chống BLGĐ, dự thảo Luật Phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi) mới đây được đưa ra thảo luận tại Quốc hội, cho thấy BLGĐ là vấn đề chưa bao giờ nguội.
Nói đến BLGĐ, lâu nay chúng ta thường nghĩ ngay đến bạo lực về thể chất của chồng đối với vợ, của bố mẹ đối với con, mà ít người quan tâm đến bạo lực tinh thần, hay bạo lực bằng lời nói. Bạo lực về thể chất gây tổn hại tới sức khỏe của các thành viên trong gia đình, theo thời gian vết thương có thể xóa nhòa, song những lời đay nghiến nhắc đi nhắc lại hằng ngày sẽ theo đứa trẻ đến hết cuộc đời. BLGĐ bằng lời nói có thể tạo ra những đứa trẻ kém tự tin, nhìn cuộc đời bằng lăng kính tiêu cực, gây ra lòng ẩn ức, thậm chí thù hận đối với cha mẹ mà chúng không dám nói ra.
Tôi có một người bạn, anh kể vợ anh là người như thế, dù "tâm Phật" nhưng "khẩu xà". Cô ta có thể quát mắng, lăng mạ con bất kể lúc nào và ở bất kỳ bối cảnh nào. Khi con có lỗi, thay vì nhẹ nhàng cùng tìm nguyên nhân thì người mẹ này sẵn sàng dùng cách xưng hô "mày-tao" với con. Kể cả khi vừa ngồi vào mâm cơm, cô ta sẵn sàng lôi chuyện con mắc lỗi ra để xỉ vả, khiến bữa cơm của cả gia đình trở nên nặng nề. Rồi khi có chuyện bực mình ở cơ quan, cô ta cũng mang vẻ mặt cau có trở về nhà để trút giận lên con. Anh đã nhiều lần nhẹ nhàng khuyên nhủ vợ nhưng cô ta sẵn sàng quay sang mắng nhiếc cả chồng. Không thể thượng cẳng chân, hạ cẳng tay và không muốn to tiếng vì ảnh hưởng đến tâm lý của con, anh đành im lặng. Hậu quả là cháu bé, từ ngoan ngoãn, hiểu chuyện, tiếp thu tốt, trở thành một đứa trẻ luôn có tâm trạng u uất, kém nhanh nhẹn. Đã nhiều lần cháu tâm sự với bố, chỉ muốn mẹ đi công tác thật lâu, cháu rất sợ tiếng mở cửa mỗi khi mẹ về nhà.
Người xưa thường nói "yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi", song quan điểm này không còn phù hợp với xã hội hiện tại. Giáo dục con có rất nhiều cách, không chỉ có roi vọt, lăng mạ mới làm nên một đứa trẻ ngoan. Bằng chứng là nhiều bậc cha mẹ chưa từng dùng roi vọt, chưa từng dùng những từ ngữ nặng nề nhưng vẫn giáo dục được những đứa trẻ tốt, sống có trách nhiệm, tình thương.
Roi vọt, lăng mạ, mạt sát chỉ sinh ra những đứa trẻ ương ngạnh, bất cần đời, phản kháng, đứa trẻ sẽ tìm nơi trút giận, thậm chí có nhiều hậu quả đau lòng khi đứa trẻ dại dột tìm cách quyên sinh.
Ngày nay, những tư tưởng tiến bộ về quyền con người càng trở nên phổ biến thì BLGĐ, trong đó có bạo lực bằng lời nói cần sớm bị loại bỏ. Loại bỏ những lời nói gây tổn thương đứa trẻ không chỉ bảo đảm quyền trẻ em mà còn thể hiện sự văn minh của cá nhân mỗi bậc cha mẹ.
Trong những năm qua, phòng chống BLGĐ đã được các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương và dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Nhiều vụ án có nguyên nhân từ BLGĐ đã mau chóng được đưa ra xét xử nghiêm minh, có tính răn đe cao, được dư luận đồng tình ủng hộ. Phòng chống BLGĐ đã được cụ thể hóa bằng các quy phạm pháp luật như Hiến pháp; Luật Hôn nhân và Gia đình; Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; Bộ luật Dân sự... Tuy vậy, BLGĐ bằng lời nói rất khó dùng pháp luật để điều chỉnh, khi hình thức bạo lực này diễn ra trong không gian hẹp, không để lại dấu vết trên thực thể.
Có câu "Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau". Để xóa bỏ BLGĐ bằng lời nói, hơn ai hết mỗi thành viên trong gia đình phải là người đứng ra giải quyết, khuyên nhủ lẫn nhau để tìm ra cách giáo dục con phù hợp nhất. Trong gia đình, đứa trẻ xứng đáng được nghe những lời khích lệ, được sống trong môi trường vui vẻ, yêu thương. Trẻ em nhất định không thể là nạn nhân của những lời cay nghiệt!
Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/goc-nhin/bao-luc-gia-dinh-bang-loi-noi-206019