Bạo lực gia đình gây bức xúc xã hội: Trách nhiệm của chính quyền địa phương?
Liên tiếp trong thời gian vừa qua, nhiều vụ bạo lực, xâm hại trong gia đình khiến dư luận xã hội bức xúc. Những vụ bạo hành này đều do người dân phát hiện, được xác định đã xảy ra từ lâu, diễn ra thường xuyên ở cộng đồng nhưng chính quyền địa phương không hề hay biết…
Những vụ bạo hành gia đình trái luân thường đạo lý
Vừa qua, dư luận rất phẫn nộ khi người mẹ ruột của 5 đứa trẻ cấu kết với em trai bạo hành con mình. Đào Thị Gái (38 tuổi, ngụ Bà Rịa - Vũng Tàu) có chồng khi đang tuổi mới lớn và sinh được 2 người con gái. Chia tay người chồng đầu, Gái quen biết và lấy anh N.Đ.T xã Xuân Bảo, H.Cẩm Mỹ, Đồng Nai) và sinh thêm 5 người con. Năm 2018, anh N.Đ.T mất, sau đó, Gái đã cùng em trai là Đào Văn Bé (24 tuổi) bạo hành và “chăn dắt” chính những đứa con của mình, hành nghề ăn xin. Bé là cậu ruột nhưng trong quá trình chung sống cùng chị gái và các cháu đã quan hệ tình dục nhiều lần với 2 con gái của chị ruột là cháu Đ.T.H (thời điểm cháu mới 13 tuổi) khiến H. mang thai 2 lần và quan hệ với chị của H. (19 tuổi).
Một vụ việc khác thời gian qua cũng gây phản ứng gay gắt trong xã hội, đó là vụ bà Nguyễn Thị Hoa (56 tuổi, xã Long Hòa, huyện Cần Đước, Long An) đánh, mắng mẹ ruột của mình 79 tuổi được ghi lại trong đoạn clip lan truyền trên mạng xã hội ngày 7-9. Đoạn clip dài khoảng 7 phút do chính con ruột của bà Hoa quay lại. Trong clip, bà Hoa liên tiếp dùng những lời lẽ chửi bới, lấy chổi đánh vào mặt, đầu, đổ rác lên đầu, mặt bà cụ... Do tuổi cao, sức khỏe yếu bà cụ chỉ biết chịu đựng người phụ nữ này bạo hành. Khi đoạn clip trên được đăng tải trên mạng xã hội đã nhanh chóng được chia sẻ rộng rãi. Công an huyện Cần Đước đã khởi tố bị can, bắt tạm giam bà Hoa vì đã có hành vi ngược đãi hoặc hành hạ mẹ ruột là bà Nguyễn Thị Đường (79 tuổi, mẹ ruột của Hoa).
Hay vụ Châu Minh Tiến (24 tuổi) nhậu xỉn, bực tức vì vợ không nghe lời, đã đánh con trai chỉ mới 4 tháng tuổi. Sau đó, Tiến đu võng mạnh rồi giật lại đột ngột làm con trai té xuống đất gãy chân, xuất huyết não....
Đây chỉ là một vài trong rất nhiều vụ bạo lực gia đình nổi cộm gây chú ý thời gian gần đây. Điều đáng nói, những yếu tố mang tính huyết thống có trong các vụ án xâm hại, bạo hành tới mức báo động dường như đã đi ngược với thuần phong mỹ tục, đảo ngược giá trị truyền thống, đạo lý của người Việt Nam. Hầu hết nạn nhân từ các vụ bạo lực gia đình không chủ động tìm kiếm sự trợ giúp từ các cơ quan ban ngành. Bởi lẽ họ nhận thức rằng, những gì họ đang phải hứng chịu sẽ làm mất thể diện của gia đình hoặc phải chịu hậu quả về mặt kinh tế. Họ chỉ tìm đến các cơ quan này khi bạo lực đã ở mức độ rất nghiêm trọng, vượt ngưỡng chịu đựng, đe dọa đến tính mạng của họ và người thân.
Dù đã có một luật riêng về phòng, chống bạo lực gia đình từ hơn 10 năm nay, các vụ bạo hành nghiêm trọng gần đây không còn là câu chuyện cá biệt. Tính chất, mức độ, hành vi bạo lực gia đình vẫn không có dấu hiệu suy giảm mà ngày càng nguy hiểm, phức tạp khó lường. Không phải ngẫu nhiên dư luận bất bình, đưa ra những ý kiến thiếu kiềm chế đối với trách nhiệm của chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng liên quan. Bởi các vụ bạo hành do người dân phát hiện vừa qua, được xác định đã xảy ra từ lâu, diễn ra thường xuyên ở cộng đồng nhưng chính quyền sở tại không hề hay biết.
Vậy, có bao nhiêu số phận bị ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp bởi bạo lực, cưỡng bức và quấy rối trong xã hội vẫn còn đang sợ hãi thu mình trong im lặng? Còn bao nhiêu nạn nhân của bạo lực gia đình đang đau đớn chịu đựng vẫn chưa được trợ giúp và can thiệp? Bạo lực gia đình cần phải được nâng mức cảnh báo như một vấn nạn xã hội và rất cần sự vào cuộc quyết liệt mạnh mẽ của các cấp chính quyền địa phương.