Bạo lực gia đình: Không ai là người chiến thắng
Trong 3 năm gần đây, trên địa bàn tỉnh xảy ra 130 vụ bạo lực gia đình dưới các hình thức về tinh thần, thân thể, tình dục và kinh tế. Để răn đe, giáo dục, các địa phương đã phê bình, góp ý cho 55 trường hợp; xử phạt hành chính 65 trường hợp...
Họ đã hứa với nhau rất nhiều về tương lai. Nhưng sau tuần trăng mật, trái với việc cùng nhau vun bồi hạnh phúc, họ lăng mạ, đánh đập nhau vì ích kỷ trỗi dậy. Cái tôi cá nhân lấn lướt lý trí và tình cảm làm không khí gia đình nặng nề, ngột thở. Sau cãi vã, đánh đập, rồi họ cũng nhận ra việc vợ chồng ẩu đả không có ai là người chiến thắng.
Chuyện bạo lực gia đình (BLGĐ), nhiều người dân Thái Nguyên còn nhắc đến một số vụ án kinh hoàng, đáng tiếc kẻ thủ ác và nạn nhân lại là chồng hoặc vợ. Điển hình như vụ án Trương Thị Thưa, xã Thượng Đình (Phú Bình), chém chết chồng mang ném xuống sông Cầu phi tang. Vụ Hoàng Văn Chín, xã Sơn Phú (Định Hóa), dùng búa đánh vợ đến chết.
Dù vụ việc đã khép lại từ lâu, kẻ ác thú đã phải trả giá, nạn nhân cũng yên mồ, nhưng luôn là bài học cảnh tỉnh, nhắc nhở mỗi người đừng vì một phút nông nổi mà tước đoạt đi chính tương lai của mình. Chỉ thương đàn trẻ bơ vơ vì không cha mẹ.
Theo số liệu tổng hợp của Phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và Gia đình (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch): Trong 3 năm gần đây, trên địa bàn tỉnh xảy ra 130 vụ BLGĐ dưới các hình thức về tinh thần, thân thể, tình dục và kinh tế. Để răn đe, giáo dục, các địa phương đã phê bình, góp ý cho 55 trường hợp; xử phạt hành chính 65 trường hợp; áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc đối với 5 trường hợp; áp dụng biện pháp giáo dục tại chỗ 7 trường hợp; xử phạt hình sự 2 trường hợp.
Các cơ quan chức năng cũng đã tư vấn tâm lý, tinh thần, pháp luật cho 90 nạn nhân; 33 nạn nhân được chăm sóc hỗ trợ sau khi bị bạo lực.
Thực chất con số này chỉ là “phần nổi của tảng băng trôi”. Bởi người gây bạo lực và nạn nhân bị bạo lực là người thân trong một gia đình, quan niệm “Xấu chàng, hổ ai”. Giả như đi trình báo về vụ việc, chính quyền vào cuộc, chưa biết chuyện trong nhà có ổn được không, nhưng trước mắt bị nêu tên trước “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân”, đồng thời cũng là lý do mất danh hiệu “Gia đình văn hóa”.
Một cán bộ trong ngành Tòa án đúc kết: Cứ 10 vụ ly hôn thì 8 vụ có nguyên nhân từ BLGĐ. Cực chẳng đã, trước tòa, các bên liên quan bao giờ cũng trình bày vì “vợ chồng không hợp nhau”. Song qua giải hòa, phân tích hậu quả ly hôn, các cặp vợ chồng mới thú thực nhiều lý do: Người chồng hoặc vợ có máu mê cờ bạc, làm ăn thua lỗ; nghiện ma túy; nghiện điện tử, việc nhà bê trễ; cậy mình kiếm ra tiền, thiếu tôn trọng nhau, ức chế dẫn đến cãi vã... Không ai chịu nhịn, chân tay “lên tiếng” và họ dắt nhau ra tòa giải thoát.
Có cặp vợ chồng ly hôn khi đã ngoài 70 tuổi; nhiều cặp vợ chồng trẻ làm thủ tục ly hôn sau ngày cưới chưa đầy 3 tháng.
“Tại cả đôi đường”, lời người xưa dạy đến nay còn nguyên giá trị. Người bị bạo lực thường do thiếu kỹ năng ứng xử; không biết kiềm chế nóng giận, nói năng thiếu suy nghĩ làm tổn hại đến danh dự của đối phương. Còn người gây bạo lực thường do tính gia trưởng, ích kỷ, cậy mình là trụ cột kinh tế trong nhà dẫn đến có hành vi ứng xử, lời nói thô lỗ, luôn đòi hỏi quá cao ở “đối tác”. Lâu ngày, vợ chồng mất đi điểm thống nhất chung, dẫn tới việc xô xát, lăng mạ như một cách xả đi bực bội.
Để “cơm lành, canh ngọt”, chẳng còn cách nào hơn là mỗi người nên biết kiềm chế cái tôi ích kỷ, biết tôn trọng, sẻ chia với nhau những khó khăn trong cuộc sống hằng ngày.
Vợ chồng khi nóng giận gắng kiềm chế và tế nhị nhắc nhớ lại lời hứa của ngày háo hức bước vào đời sống hôn nhân. Bởi ẩu đả xảy ra, giữa vợ và chồng không có ai là người chiến thắng.