Bạo lực học đường: Cần giám sát, can thiệp sớm
Mấy ngày qua, mạng xã hội lan truyền clip một nam sinh lớp 6 của Trường THCS thị trấn Đồi Ngô 1 (huyện Lục Nam, Bắc Giang) bị 2 bạn học cùng trường hành hung dã man ngay trong khuôn viên nhà trường. Hình ảnh chảy máu và tiếng khóc nấc lên của nam sinh lớp 6 đã khiến dư luận vô cùng bức xúc.
Tất cả đều cùng quay trở lại với một câu hỏi rất cũ “làm cách nào để xóa bỏ vấn nạn bạo lực học đường?” và mọi giải pháp đưa ra cũng cũ như câu hỏi ấy. Chính các giải pháp được bàn luận đó đã chỉ ra một thực tế là vấn nạn này là một thách thức cực khó và không dễ gì có thể giải quyết chỉ bằng các biện pháp răn đe mạnh tay.

Bạo lực học đường là bài toán đau đầu với nhiều quốc gia, không chỉ riêng Việt Nam. Ảnh minh họa
Thực chất, bạo lực học đường là bài toán đau đầu với nhiều quốc gia, không chỉ riêng Việt Nam. Thứ nhất, lứa tuổi vi phạm chưa phải chịu trách nhiệm hình sự. Điển hình như trường hợp ở Trường THCS thị trấn Đồi Ngô 1 kể trên. Hai “thủ phạm” đang học lớp 7, mới chỉ 13 tuổi nên can thiệp mạnh bằng các hình sự hóa vụ việc là không khả thi.
Giáo dục các em nhận thức đúng lại là việc yêu cầu không chỉ năng lực sư phạm, năng lực tâm lý học mà còn đòi hỏi cả quá trình. Trong khi đó, có nhiều em mang bản tính nóng nảy, lại thường bị ảnh hưởng từ môi trường xung quanh, từ nơi sinh sống cho tới môi trường mạng xã hội. Giáo dục một trường hợp sai phạm cũng chỉ là giải quyết được vấn đề nổi cộm, trong khi nguy cơ tiềm tàng từ những học sinh khác vốn chưa bộc lộ hành vi bạo lực có thể vẫn còn.
Đuổi học các em vi phạm lại càng không phải giải pháp tốt bởi khi rời xa môi trường giáo dục, rất có thể các em sẽ bước vào một ngã rẽ khác của cuộc đời với nhiều tiêu cực khó có thể đoán trước. Trong khi đó, bạo lực học đường lại rất đáng ngại ở chỗ các em còn quá nhỏ, chưa nhận thức được hết hậu quả của việc mình làm nên nguy cơ để lại di chứng về sau đối với nạn nhân cả về thể xác lẫn tinh thần là không nhỏ chút nào.
Vậy thì tại sao chúng ta không chủ động giám sát, can thiệp sớm nhằm tránh những hệ quả đáng tiếc của bạo lực học đường. Một trong những giải pháp để chủ động giám sát chính là lắp đặt các hệ thống camera thông minh có khả năng cảnh báo sớm về bạo lực khi thấy các chuyển động bất thường về tốc độ cũng như mật độ và các âm thanh bất thường về tần số.
Ở kỷ nguyên của AI này, những camera có tích hợp các ứng dụng thông minh như vậy không hiếm. Bối cảnh diễn ra bạo lực học đường cũng là khi không có mặt thầy, cô, giám thị hoặc bảo vệ nhà trường. Chính những camera thông minh này sẽ là “đôi mắt” giám sát bao quát nhất và gửi cảnh báo sớm nhất vào điện thoại của những cá nhân quản lý cơ sở giáo dục nhằm mục đích họ có thể can thiệp ngay khi bạo lực chớm xảy ra và từ đó ngăn được hậu quả đáng tiếc.
Trao đổi với người viết, giám đốc của một tập đoàn công nghệ lớn trong nước cho biết trên thị trường hiện có nhiều đơn vị có thể cung cấp camera tích hợp phần mềm thông minh này. Thậm chí, vị giám đốc này còn sẵn sàng đồng hành với ngành giáo dục nếu hệ thống camera như vậy được triển khai.
Có lẽ, không chỉ ngành giáo dục nên sử dụng hệ thống camera thông minh như thế để cảnh báo bạo lực mà chính quyền địa phương cũng nên sử dụng ở các không gian công cộng. Nó không chỉ giúp ngăn bạo lực học đường diễn ra ngoài khuôn viên nhà trường mà còn có thể giúp phát hiện các va chạm xã hội khác và hỗ trợ rất lớn cho công tác bảo vệ trật tự xã hội.
Nói tóm lại, phát hiện để can thiệp sớm bao giờ cũng tốt hơn là xử lý sau khi sự việc đã diễn ra bởi hậu quả thực sự là rất khó lường.