Bạo lực học đường: Cần hành động mạnh mẽ để ngăn chặn kịp thời

Hơn lúc nào hết, gia đình, nhà trường và xã hội cần quyết liệt hành động để chặn đứng các vụ bạo lực học đường nhằm xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh cho học sinh.

Ảnh minh họa. (Nguồn: educhatter.wordpress.com)

Ảnh minh họa. (Nguồn: educhatter.wordpress.com)

Thời gian gần đây, tỉnh Đắk Lắk liên tiếp xảy ra tình trạng bạo lực học đường với những vụ việc nghiêm trọng, gây nhức nhối trong xã hội. Điều này không chỉ gây tổn thương về thể xác, tinh thần của những học sinh là nạn nhân của các vụ việc, mà còn là “tiếng chuông” cảnh báo về sự lệch lạc trong suy nghĩ, hành động của một bộ phận học sinh.

Đây cũng là “bài toán cần lời giải” của các bên liên quan để hạn chế và chấm dứt nạn bạo lực học đường.

Nguyên nhân nhỏ, hậu quả lớn

Chỉ trong vòng gần một tháng, tỉnh Đắk Lắk liên tiếp xảy ra các vụ việc liên quan đến bạo lực học đường với mức độ, tính chất nghiêm trọng, không chỉ ảnh hưởng đến công tác giáo dục học sinh, tương lai của những bạn trẻ, còn gây nhiều hệ lụy nặng nề cho cá nhân, gia đình và xã hội nếu không được ngăn chặn kịp thời.

Gần đây nhất là vụ việc tối 9/3, học sinh của trường Trung học phổ thông Lê Duẩn (thành phố Buôn Ma Thuột) có mâu thuẫn với một nhóm thanh, thiếu niên nên hẹn nhau đến khu vực hồ Ea Kao (thành phố Buôn Ma Thuột) để giải quyết mâu thuẫn. Tại đây, cả hai nhóm đã dùng hung khí dao, gạch, đá… tấn công nhau, khiến một thiếu niên nhập viện cấp cứu.

Hay vụ việc ngày 4/3, khi hai nhóm học sinh của các trường trung học phổ thông trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột hẹn nhau ra quán nước trên đường Hồ Tùng Mậu (thành phố Buôn Ma Thuột) để giải quyết mâu thuẫn.

Tại đây, hai nhóm với khoảng 30 em (trong đó có học sinh) đã lao vào đánh nhau. Vụ việc đang được Công an thành phố Buôn Ma Thuột điều tra làm rõ.

Đặc biệt, vào ngày 3/3, một nhóm học sinh Trường Trung học phổ thông Ngô Gia Tự (huyện Ea Kar) đã đánh hội đồng một bạn học ngay trong nhà vệ sinh của trường học với sự chứng kiến, thậm chí “cổ vũ,” chia sẻ trực tiếp lên mạng xã hội của nhiều học sinh xung quanh.

Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk Phạm Đăng Khoa, những vụ bạo lực học đường xảy ra trong thời gian vừa qua tại Đắk Lắk đã gây ra tâm lý lo lắng đối với phụ huynh và xã hội trong công tác quản lý, giáo dục học sinh.

Hầu hết những vụ việc vừa qua đều xuất phát từ những mâu thuẫn nhỏ trong quá trình học tập tại trường. Tuy nhiên, với nhiều nguyên nhân, tác động khác nhau, các em giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực và gây nên những hậu quả nặng nề.

Bạo lực học đường không chỉ gây tổn thương về thể chất, tinh thần, còn để lại di chứng nặng nề đối với sự phát triển trong tương lai của học sinh bị bạo lực.

Chị Huỳnh Thị Hoa, một phụ huynh tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, cho rằng những vụ bạo lực học đường xỷ ra gần đây cho thấy tính chất rất nghiêm trọng, đáng báo động, khi xảy ra những vụ việc học sinh giải quyết mâu thuẫn theo nhóm với số lượng đông, thậm chí có chuẩn bị hung khí.

Đặc biệt, ở một số vụ việc, các em không những không can ngăn, còn “tung hô” bạo lực, vô tư phát trực tiếp, phát tán clip bạo lực lên mạng xã hội. Điều này cho thấy sự lệch lạc trong suy nghĩ, hành động của học sinh hiện nay, cần được giáo dục, chấn chỉnh kịp thời.

“Với vai trò là một phụ huynh, tôi nhận thấy các bên liên quan và xã hội cần nhanh chóng vào cuộc, có những giải pháp thiết thực, hiệu quả để chấm dứt tình trạng bạo lực học đường, tạo môi trường học tập, vui chơi lành mạnh để đáp ứng sự phát triển về thể chất và tinh thần cho các em học sinh,” chị Hoa chia sẻ.

Các vụ bạo lực học đường liên tiếp xảy ra là hồi chuông cảnh báo, đòi hỏi ngành giáo dục, gia đình, xã hội phải có hành động mạnh mẽ để ngăn chặn kịp thời, không để lại những hậu quả đáng tiếc.

Ngăn chặn bạo lực học đường

Theo ông Phạm Đăng Khoa, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk, để ngăn chặn có hiệu quả nạn bạo lực học đường, ngành giáo dục đã có văn bản đề nghị các cơ sở giáo dục tăng cường các giải pháp phòng, chống bạo lực học đường trong cơ sở giáo dục; yêu cầu các nhà trường tăng cường công tác truyền thông, phổ biến giáo dục pháp luật, đạo đức lối sống trong học sinh; đẩy mạnh tư vấn tâm lý học đường, giáo dục kỹ năng ứng xử, kỹ năng giải quyết mâu thuẫn cho học sinh; tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao để tạo sân chơi lành mạnh cho học sinh.

Những tổn thương về tâm lý là vết thương khó có thể chữa lành khi xảy ra bạo lực học đường. (Ảnh cắt từ một clip)

Những tổn thương về tâm lý là vết thương khó có thể chữa lành khi xảy ra bạo lực học đường. (Ảnh cắt từ một clip)

Bên cạnh đó, các nhà trường cần phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an, chính quyền địa phương để phối hợp quản lý, giáo dục, có biện pháp răn đe khi cần thiết; kiểm tra, ngăn chặn các vụ việc học sinh tổ chức đánh nhau trong và ngoài nhà trường; nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm trong công tác quản lý, giáo dục học sinh để ngăn chặn kịp thời các vụ bạo lực học đường.

“Đặc biệt, phải có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các môi trường giáo dục là nhà trường, gia đình và xã hội nhằm quản lý, giáo dục tốt hơn các em học sinh. Đây là một trong những giải pháp quan trọng để phòng ngừa và ngăn chặn có hiệu quả tình trạng bạo lực học đường. Trong đó, các bậc phụ huynh cần dành thời gian quan tâm đến con em nhiều hơn, kịp thời chấn chỉnh những suy nghĩ, hành động sai trái liên quan đến bạo lực học đường để tránh những tình huống đáng tiếc xảy ra,” ông Phạm Đăng Khoa cho hay.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk, đối với các vụ việc bạo lực học đường xảy ra ngay trong trường học, trách nhiệm trước hết thuộc về Hiệu trưởng Nhà trường, giáo viên chủ nhiệm và các giáo viên liên quan.

Tùy thuộc vào tính chất, mức độ vụ việc, ngành giáo dục sẽ xử lý trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác quản lý, giáo dục học sinh.

Đối với những vụ việc bạo lực học đường nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột trong thời gian vừa qua, ngành giáo dục đã tích cực, chủ động hợp tác với phía công an để xác minh các trường hợp học sinh vi phạm, có hình thức xử lý nghiêm khắc và kịp thời nhằm tạo sự răn đe đối với học sinh, duy trì kỷ cương, nề nếp và tạo ra môi trường an toàn, lành mạnh cho học sinh học tập, phát triển.

Theo Đại úy Hoàng Văn Thiết, Phó Đội trưởng đội Cảnh sát hình sự, Công an thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, trước tính chất, mức độ của những vụ việc bạo lực học đường diễn ra gần đây trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột, nhà trường, phụ huynh cần quan tâm, quản lý chặt chẽ hơn nữa học sinh.

Đặc biệt, cần quản lý chặt hơn việc học sinh sử dụng điện thoại, tham gia các trang mạng xã hội, các nhóm trên mạng xã hội; đồng thời nắm bắt tâm tư, những biểu hiện bất thường của học sinh để phối hợp cùng chính quyền địa phương, lực lượng chức năng kịp thời phát hiện, ngăn chặn những sự việc đáng tiếc có thể xảy ra.

Bạo lực học đường đã, đang hủy hoại môi trường phát triển bình thường của học sinh. Hơn lúc nào hết, gia đình, nhà trường và xã hội cần quyết liệt hành động để chặn đứng các vụ bạo lực học đường nhằm xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, đáp ứng nhu cầu học tập, rèn luyện cho những “chủ nhân tương lai” của đất nước./.

Tuấn Anh (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/bao-luc-hoc-duong-can-hanh-dong-manh-me-de-ngan-chan-kip-thoi/699930.vnp