Bạo lực học đường: Có phải người lớn đang quá vô tâm với trẻ?
Theo chuyên gia, cần giải quyết vấn đề bạo lực học đường từ gốc trên tinh thần giáo dục nhân văn vì quyền lợi của tất cả các đứa trẻ chứ không phải là chuyện đổ lỗi hay rút kinh nghiệm.
Đừng nghĩ bạo lực học đường là nói về những đứa trẻ hư
Ngày 15/4, em N.T.Y.N (SN 2007, học sinh lớp 10A15, Trường THPT Chuyên Đại học Vinh) đã tự tử tại nhà riêng. Nguyên nhân ban đầu nhận định em là nạn nhân của nạn bạo lực học đường. Dù đã cố gắng tìm cách giải quyết song không nhận được sự hỗ trợ của những người xung quanh. Sự việc khiến dư luận đau xót, bàng hoàng. Vấn đề bạo lực học đường một lần nữa được xới lên. Hiện các cơ quan chức năng đang vào cuộc để làm rõ.
Cái chết của nữ sinh gây đau xót, phẫn nộ cho rất nhiều người. TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) chia sẻ, mấy ngày nay, cái chết đau đớn, tức tưởi của cô bé 17 tuổi - lứa tuổi đẹp nhất và sung sức nhất của đời người, đã làm rúng động cả nước.
TS Khuất Thu Hồng gọi đó là "hành trình đi đến cái chết oan khốc" vì theo những thông tin đang được chia sẻ, bản thân cháu đã cố gắng, gia đình cháu đã cố gắng trong nhiều tháng trời, để vượt qua khủng hoảng. Nhưng oan khốc thay, những lời cầu xin của cháu, những khẩn khoản của mẹ cháu đã bị gạt đi vì những lý do không thể tệ hơn.
"Khi một đứa trẻ cầu xin, nguyên tắc của người lớn là phải xem xét gốc rễ nguyên nhân. Khi trẻ nói gặp vấn đề, nguyên tắc nữa là phải bảo vệ trẻ bằng mọi giá. Người lớn đừng vội nghĩ đến điều gì khác như thành tích hay danh dự, hãy nghĩ trẻ cần giúp đỡ và phải bảo vệ chúng. Sự việc nữ sinh tự vẫn vừa nêu, chắc hẳn người lớn ai cũng thấy mình có lỗi", TS Khuất Thu Hồng nói.
Hiện chưa có kết luận của cơ quan chức năng, song vấn đề bạo lực học đường được xới lên thu hút sự quan tâm của đông đảo dư luận. Theo bà Hồng, lâu nay những vụ việc bắt nạt học đường thường được tường thuật và nhìn nhận như vài hiện tượng đơn lẻ của những đứa trẻ hư. Phần lớn các trường xảy ra vấn nạn này thường lên tiếng theo kiểu phủi trách nhiệm hoặc giải quyết theo cách "uống thuốc hạ sốt cho căn bệnh ung thư". Nhưng cách mà chúng ta né tránh và tự dối mình như vậy đã khiến chúng ta không hành động quyết liệt. Cách chúng ta nhìn nhận hiện tượng đó một cách hời hợt, phiến diện đã khiến chúng ta không có những giải pháp căn cơ.
"Bạo lực học đường giờ không chỉ nói về những đứa trẻ hư nữa. Trẻ ngoan cũng có thể trở thành nạn nhân của bạo lực học đường. Vấn nạn đó đang trở nên báo động hơn bao giờ hết", TS Khuất Thu Hồng nói.
Một quan niệm sai lầm phổ biến mà nhiều người mắc phải là cho rằng cứ trẻ con đánh nhay là trẻ hư. Thực tế không có trẻ nào sinh ra đã hư. Và người lớn không thể vô can trong chuyện đứa trẻ hư. Khi xã hội đầy rẫy những chuyện như thầy cô bạo hành, dâm ô học sinh, cha mẹ đánh chửi nhau, hành hạ con cái... không thể trách vì sao trẻ bị nhiễm thói xấu, trở nên hư. Chỉ nên trách người lớn đã chưa thực sự quan tâm và giúp đỡ trẻ vượt qua những khủng hoảng này.
Đừng để có thêm đứa trẻ nào phải ra đi!
"Xin đừng nói rằng vấn nạn bắt nạt học đường đầy rẫy ở châu Âu, ở Mỹ, ở Hàn, ở Nhật … Kiểu lập luận như vậy không thể trưng ra để hợp thức hóa sự thờ ơ đối với trẻ hay những hành động mang tính đối phó, thụ động. Cải cách triệt để giáo dục để trường học trước hết phải là nơi trẻ cảm thấy an toàn, được bảo vệ và hạnh phúc. Nhiệm vụ cung cấp tri thức cho trẻ chỉ là một trong những nhiệm vụ của nhà trường bên cạnh việc dạy cho trẻ những giá trị chân, thiện, mỹ một cách gần gũi, cụ thể, sinh động chứ không phải theo kiểu kinh viện, phiến diện. Trẻ phải được trang bị kỹ năng sống và rèn luyện bản lĩnh để đối mặt và vượt qua khó khăn, thách thức trong cuộc đời", TS Khuất Thu Hồng nhận định.
Ngoài ra, người lớn cũng đừng dạy trẻ theo kiểu xã hội này toàn là màu hồng, hãy nói với trẻ về những vấn đề xã hội tiêu cực nhưng trên tinh thần xây dựng. Về điều này thì gia đình cũng phải đóng vai trò quan trọng. Cha mẹ nhất định phải là tấm gương cho con cái, phải là tấm gương sáng nhất, tốt đẹp nhất để chúng noi theo.
TS Hồng cảm thấy rất thương xót và có lỗi vì đã không thể làm gì giúp nữ sinh thoát khỏi kết cục tệ nhất. "Tôi cầu mong hương hồn cháu được an nghỉ. Cầu mong gia đình cháu tha lỗi vì đã khơi lại nỗi đau của họ. Nhưng tôi lên tiếng để cái chết của cháu tạo ra sự thay đổi, để cứu những đứa trẻ khác", TS Hồng nói.
Đối với một đứa trẻ, dù chúng có như thế nào cũng không ai có quyền bạo lực, xúc phạm nhân phẩm, thân thể. Trẻ có hành vi sai ở đâu thì các bạn cũng có thể báo thầy cô giải quyết chứ không có quyền chọc ghẹo, tấn công bạn bằng lời nói hành vi không đúng chuẩn mực. Tất cả mọi trẻ em đều phải hiểu quyền cơ bản bất khả xâm phạm thân thể và nhân phẩm của mình, học sự tôn trọng người khác để tránh lấy cớ bắt nạt. Người lớn, thầy cô giáo cũng cần hiểu điều này để không vô tình dung dưỡng bạo lực theo kiểu đổ lỗi cho nạn nhân "nó có sao thì đứa khác mới làm thế" theo kiểu bao che, phủ nhận vấn đề.
Chuyên gia mong các phụ huynh cùng nhà trường hợp tác để giúp chấm dứt sớm chuyện bắt nạt, bạo lực học đường để bảo vệ, dạy dỗ cả con mình và bảo vệ, dạy dỗ các bạn khác trong trường. Cần giải quyết vấn đề bạo lực từ gốc trên tinh thần giáo dục nhân văn vì quyền lợi của tất cả các đứa trẻ. Không phải chỉ là bảo vệ trẻ bị bắt nạt mà còn vì sự trưởng thành của mọi đứa trẻ!