Bạo lực học đường dưới góc nhìn của học sinh

Bạo lực học đường (BLHĐ) là vấn đề ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý, sức khỏe của học sinh cũng như chất lượng giáo dục nhà trường và sự an toàn của gia đình và xã hội. Hiện nay, BLHĐ đang diễn ra khá phổ biến ở các trường học và yếu tố chính để xử lý những tình huống bạo lực là phản ứng tích cực của các em học sinh.

Bạo lực học đường không chỉ diễn ra trong nhà trường mà còn diễn ra ngoài nhà trường và thậm chí còn xảy ra trên không gian mạng. Đó là những lời nói, hành vi thô bạo, xúc phạm nhân phẩm, thân thể người khác gây nên những tổn thương tinh thần và thể xác. Trong đó, bạo lực tinh thần được coi là hình thức bạo lực phổ biến nhất ở học sinh, đặc biệt là học sinh nữ.

Đã từng là nạn nhân từ những lời nói xúc phạm gây nên tổn thương tinh thần trong một thời gian dài, em Lương Minh H, Trường THPT Bế Văn Đàn (Thành phố) đã phải đến trường trong sự lo lắng và sợ hãi, cảm giác cô đơn, tuyệt vọng đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe, chất lượng học tập của em trong suốt thời gian bị bạo lực. Bắt đầu từ khi học lớp 10, H bị một nhóm bạn trong lớp bắt nạt, lúc đầu chỉ là trêu đùa nhưng dần dần những hành vi đó trở nên thường xuyên và có nhiều từ ngữ xúc phạm đi kèm với dọa nạt. Lúc đó H rất hoang mang và sợ hãi, khi đến lớp em không dám làm gì, chỉ biết thu mình lại vì sợ các bạn lại để ý và tiếp tục bắt nạt mình, nhiều lúc em không muốn đến trường. Em H chia sẻ: Thời gian đó em đã khóc rất nhiều, do mới chuyển trường, cũng chưa có nhiều bạn nên em cũng không chia sẻ với ai. Để vượt qua thời gian khó khăn này, các thầy cô và bố mẹ đã động viên, cho em nhiều lời khuyên bổ ích để em có những phản ứng tích cực hơn. Từ đó dần dần em và các bạn đã hiểu nhau hơn, nhiều bạn có hoàn cảnh giống em đã đồng cảm và giúp đỡ em.

Có nhiều nguyên dẫn đến BLHĐ, đặc biệt trong thời đại công nghệ số hiện nay, mạng xã hội như: Facebook và TikTok… là những nơi hình thành của hình thức mới trong BLHĐ, còn được gọi là bắt nạt trực tuyến trong môi trường giáo dục.

Là nạn nhân từ những dòng trạng thái công kích, xúc phạm quấy rối, đeo bám, loại bỏ, cô lập, trêu ghẹo… trên Facebook, em A, Trường THPT Bế Văn Đàn (Thành phố) đã trải qua thời gian dài bị stress, lo âu và thậm chí là có triệu chứng của trầm cảm. Em cho biết: việc các bạn hùa theo nhau, trêu ghẹo và bắt nạt em trên Facebook là do có mâu thuẫn từ trước, mặc dù là trên không gian mạng nhưng lại có ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý em. Việc đàm tiếu, bàn luận hoặc xúc phạm có khi còn gọi điện quấy rối trong thời gian dài đã khiến em cảm thấy rất mệt mỏi và ảnh hưởng đến việc học rất nhiều. Rất may là em đã chia sẻ với các thầy cô và bố mẹ, những lời khuyên từ mẹ, sự giúp đỡ từ các thầy cô đã giúp em có đủ tự tin để vượt qua nỗi sợ, giải quyết mâu thuẫn không để xảy ra những hậu quả nghiêm trọng. Theo em, để bảo vệ mình và bạn bè không bị bắt nạt trong môi trường học tập thì trước tiên bản thân mỗi học sinh cần phải cư xử đúng mực, luôn tôn trọng và lắng nghe các bạn học của mình. Và đặc biệt không tham gia vào những hành vi nói xấu, gây hấn, tạo ra môi trường học tập vui tươi và lành mạnh thì sẽ không còn bạo lực trong học đường.

Để phòng chống, đẩy lùi và từng bước xóa bỏ bạo lực học đường, quan trọng nhất là ý thức và sự nhận thức của chính các em học sinh.

Để phòng chống, đẩy lùi và từng bước xóa bỏ bạo lực học đường, quan trọng nhất là ý thức và sự nhận thức của chính các em học sinh.

BLHĐ nảy sinh từ những mâu thuẫn nhỏ, từ đó cũng có thể dẫn tới những cãi vã, xô xát, tuy nhiên đó chỉ là một trong nhiều yếu tố phụ dẫn tới hành vi bắt nạt bạn học. Trong đó, sự thờ ơ, vô tâm của những người bạn học xung quanh, đã tiếp tay, làm méo mó đi những giá trị tốt đẹp trong môi trường học đường. Em Nông Quốc Đạt, lớp 10A5, Trường THPT Nội trú tỉnh chia sẻ: Trước đây em đã gặp tình huống bạn trong lớp bị một nhóm bạn bắt nạt, bạn đấy rất hiền và ít nói, nhưng chính vì vậy các bạn khác lại càng được đà bắt nạt. Rồi sau đó bạn ấy đã bị nhiều bạn trong lớp cùng đánh, nhiều bạn còn hò reo cổ vũ, em đã vào can ngăn nhưng không được, cuối cùng sự việc đã trở nên nghiêm trọng các thầy cô giáo và bố mẹ bạn ấy phải vào cuộc mới giải quyết được sự việc. Nhưng sự bắt nạt đó vẫn tồn tại trong một thời gian khá dài, khiến kết quả học tập của bạn giảm đáng kể.

Có thể thấy, việc nhận diện và ngăn chặn bạo lực kịp thời là điều vô cùng cấp thiết, khi những vụ bắt nạt, đánh đập về mặt thể xác, hay gây tổn thương tinh thần xảy ra, hầu hết các học sinh đều bối rối và xử lí vấn đề một cách cảm tính. Chính vì vậy, vai trò của nhà trường, gia đình và xã hội là hết sức cần thiết trong việc ngăn chặn và giải quyết những bất đồng, mâu thuẫn… dẫn đến BLHĐ. Em Nguyễn Khánh Huyền, lớp 10A3, Trường THPT Nội trú tỉnh cho biết: Đối với học sịnh nội trú như chúng em thì thầy cô chính là cha mẹ của mình, bên cạnh việc dạy kiến thức, các thầy cô cũng luôn lắng nghe tâm sự của em. Trong giai đoạn mới lớn tâm sinh lý của chúng em có nhiều thay đổi, có những bạn trưởng thành hơn, chín chắn hơn nhưng cũng có những bạn trở nên bốc đồng, nóng nảy hơn. Những lúc khó khăn nhất, thì thầy cô luôn là chỗ dựa vững chắc để chúng em có cơ hội trải lòng về những khó khăn, thách thức mà mình đang mắc phải, từ đó đưa ra những lời khuyên phù hợp.

Để phòng chống, đẩy lùi và từng bước xóa bỏ BLHĐ, cần sự vào cuộc của gia đình, nhà trường và xã hội. Gia đình là điểm tựa quan trọng giúp các em chia sẻ, định hướng vào đời. Các trường học tăng cường những khóa học, ngoại khóa để bổ sung kiến thức, những kỹ năng mềm cho học sinh, giúp các em biết tự bảo vệ bản thân trước mọi tình huống. Hãy để mỗi ngày đến trường của học sinh là một ngày vui, bổ ích và ý nghĩa, góp phần xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, nâng cao chất lượng giáo dục, vì thế hệ tương lai của đất nước.

Thế Hiển

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/bao-luc-hoc-duong-duoi-goc-nhin-cua-hoc-sinh-3176223.html