'Bạo lực học đường' ở mức nào thì cần tìm đến luật sư?
Những năm gần đây, bạo lực học đường có chiều hướng gia tăng, nhất là lứa tuổi thanh thiếu niên. Tuy nhiên, bạo lực học đường không chỉ là hành vi đánh đập, gây thương tích mà còn là những lời xúc phạm, lăng mạ… Vậy khi nào cần tìm đến luật sư?
Bạo lực học đường là vấn đề nan giải và ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe tâm thần của thanh thiếu niên, gia tăng các nguy cơ rối loạn, lo âu, trầm cảm và làm giảm sự tự tin của học sinh vào bản thân.
Các tác động không chỉ nhất thời mà còn lâu dài, tiềm ẩn mối nguy về các rối loạn nghiêm trọng hơn như trầm cảm, tự hoại hay tự tử.
Trong bối cảnh Internet và mạng xã hội ngày càng phát triển như hiện nay, tình trạng bạo lực học đường đang trở thành vấn đề nhức nhối, thu hút sự quan tâm của dư luận.
Theo Luật sư Phùng Huyền - Phó Giám đốc Công ty Luật A+, bạo lực học đường không chỉ có hành vi đánh đập, gây thương tích mà còn là những lời xúc phạm, lăng mạ… tác động tiêu cực đến tâm lý người bị hại.
Nói cách khác, tất cả những tác động tiêu cực liên quan đến quá trình đứa trẻ học trong môi trường nhà trường và cả gia đình dẫn tới sự đau khổ cho đứa trẻ đều coi là bạo lực học đường.
Luật sư Phùng Huyền nhìn nhận, có những vụ việc gây chấn động dư luận nhưng cũng có những vụ nhỏ lẽ chỉ có người trong cuộc mới biết đến. Người bị bạo lực không chỉ tổn thương về thể chất mà còn tổn thương về tinh thần. Nếu không được can thiệp kịp thời, tổn thương lâu ngày tích tụ sẽ dẫn đến những hậu quả xấu.
Điển hình vụ việc học sinh đánh nhau không chỉ ảnh hưởng đến những em có liên quan mà còn đến cả môi trường học tập chung. Những học sinh còn lại có thể cảm thấy bất an ngay trong chính lớp học, ngôi trường của mình. Xa hơn nữa có thể là cảm giác nặng nề hoặc suy giảm lòng tin kéo dài trong các em.
Trong các độ tuổi thì THCS, THPT là thời kỳ các con hình thành và chứng tỏ “cái tôi” của mình, do đó tình trạng bạo lực thường diễn biến phức tạp ở lứa tuổi này.
Để hạn chế bạo lực học đường, luật sư cho rằng cần giúp các con thoát khỏi suy nghĩ tiêu cực, khai phóng bản thân, không phải trong trường hợp nào cứ khăng khăng chuyển lớp, chuyển trường là xong vì nỗi ám ảnh của các con vẫn còn đó.
Do đó, trước khi đưa ra hướng giải quyết cần xem vấn đề cần giải quyết nằm ở đâu, từ đó căn cứ vào mỗi trường hợp cụ thể để có cách xử lý phù hợp.
Về phía phụ huynh, luật sư khuyên nên dành thời gian đồng hành cùng con.
Trên thực tế, nhiều học sinh dù bị bạo lực nhưng e ngại hoặc không muốn nói ra nên người thân không biết. Vì vậy, phụ huynh nên trải nghiệm cùng con qua các hoạt động, như ăn cùng con, rồi tập thể dục, mua sắm và tham gia nhiều hoạt động khác để sớm phát hiện bất thường từ con, can thiệp kịp thời, tránh xảy ra bạo lực học đường.
“Hành vi bạo lực học đường được pháp luật quy định rất rõ. Phụ huynh và học sinh phải tìm hiểu và nắm kỹ. Khi hiểu đúng, chúng ta sẽ biết cách phòng tránh và nhờ sự can thiệp của pháp luật nếu xảy ra sự việc, hạn chế mức thấp nhất trường hợp bị bạo lực học đường”, Luật sư Phùng Huyền chia sẻ.
Luật sư nhận định, bạo lực học đường là vấn đề nghiêm trọng, thậm chí vết hằn này có thể theo con suốt đời. Vì vậy, điều phụ huynh cần làm là hãy nhờ sự hỗ trợ của chuyên gia, trong đó có luật sư.
"Nhờ luật sư không có nghĩa phải là làm những án lớn, nghiêm trọng. Có những vụ việc sau khi nắm bắt, luật sư chỉ cần nhắn tin cho cô giáo thì sự việc được giải quyết ổn thỏa, khúc mắc các bên được tháo gỡ. So với thời điểm trước thì những năm gần đây, chúng tôi nhận được nhiều cuộc gọi từ phía phụ huynh liên quan đến bạo lực học đường, ở góc độ luật sư, chúng tôi sẵn sàng đồng hành, hỗ trợ", Luật sư Phùng Huyền nói thêm.
Bạo lực học đường - Những hiểu biết đúng luật và cách phòng tránh” cũng chính là chủ đề trong buổi Talkshow ngày 6/10 do Hãng luật A+ và CLB Truyền thông - MC nhí tổ chức.
Chương trình nhằm năng cao kiến thức cho học sinh, phụ huynh về cách phòng tránh bạo lực học đường, hướng đến cuộc sống an vui, hạnh phúc.
Theo quy định tại khoản 5 Điều 2 Nghị định 80/2017/NĐ-CPthì “bạo lực học đường là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của người học xảy ra trong cơ sở giáo dục hoặc lớp độc lập”.
Nguồn Công Lý: https://congly.vn/bao-luc-hoc-duong-o-muc-nao-thi-can-tim-den-luat-su-453792.html