Bạo lực học đường và bộ tam Nhà trường - Gia đình - Chính quyền

Hiện trạng bạo lực học đường mặc dù đã được ngành giáo dục và toàn xã hội đặc biệt quan tâm và đã tăng cường nhiều biện pháp phòng chống nhưng len lõi đâu đó vẫn tồn tại nhiều thảm cảnh đau lòng.

Vừa qua facebook, Tiktok, … tiếp tục đăng đoạn Clip học sinh tiểu học đánh nhau dã man (2 em nữ đánh một em nữ) ngay trong lớp học, các bạn khác lại quanh quẩn nhìn xem, có em còn cười đùa như không có chuyện gì xảy ra và quay lại Video. Hay vụ nữ sinh lớp 8 bị đánh hội đồng ở Hà Nội, vụ nữ sinh bị đánh hội đồng ở Quảng Trị diễn ra mới nhất này 26/4,… Những cảnh tượng phản cảm này khiến bất kỳ người xem nào cũng phải đau lòng, chua xót.

Số liệu được Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra tháng 4/2022 cho thấy, trong một năm học, toàn quốc xảy ra gần 1.600 vụ việc học sinh đánh nhau (trung bình khoảng 5 vụ/ngày).

Những con số biết nói này đã thật sự gây đau nhức cho toàn xã hội, nhất là đội ngũ thầy cô giáo, cha mẹ và những người trong cuộc. Chúng ta cần phải làm gì đây để ngăn chặn triệt để vấn nạn để làm tươi sáng hơn khung trời giáo dục và cho cả toàn xã hội?

Từ trước đến nay, môi trường giáo dục đã gắn kết và phát huy rất tốt vai trò của bộ tam: Nhà trường – Gia đình – Chính quyền địa phương. Hiện trạng BLHĐ đang tiến triển phức tạp, mối quan hệ không thể tách rời này cần phải xiết chặt tay hơn nữa.

Thành lập Ban phòng chống Bạo lực học đường

Bất kỳ trường học nào cũng cần phải thành lập Ban phòng chống Bạo lực học đường (PC BLHĐ) trong trường học. Ban này gồm các thành phần: Đại diện chính quyền địa phương, Ban đại diện Cha mẹ học sinh, Đại diện Chi ủy, đại diện Ban giám hiệu, Ban chấp hành Công đoàn, Ban chấp hành Chi đoàn, tổ khối trưởng, Tổng phụ trách, Liên đội trưởng. Ban này phải xây dựng kế hoạch hoạt động, nội dung phòng, chống và cách thức xử lí khi có bạo lực học đường xảy ra. Đầu năm học, nhà trường cần phổ biến và công khai nội dung hoàn chỉnh về phòng chống bạo lực và cách thức xử lí trong toàn trường, toàn thể các bậc phụ huynh.

Khi xảy ra tình huống mang tính bạo lực, Ban này sẽ nhanh chóng phối hợp với giáo viên chủ nhiệm tư vấn, xử lí, đề ra biện pháp giáo dục phù hợp, giúp các em chuyển biến tốt trong tư tưởng. Tuyệt đối không thể bỏ qua những trường hợp bạo lực xảy ra, bạo lực xảy ra tất cả mọi người đều có thể biết, phải xử lí nghiêm khắc mang tính kỉ luật, răn đe.

Trong những ngày đầu xảy ra, Ban PC BLHĐ phải trực tiếp làm việc với đối tượng BLHĐ và với cha mẹ các em. Yêu cầu các em phải có bản tường trình vụ việc một cách chi tiết. Ban PC BLHĐ tư vấn, giảng giải, chỉ ra những sai phạm trong vụ việc, trao đổi với đối tượng BLHĐ để tìm ra những cách thức xử lí phù hợp một cách tâm phục khẩu phục. Sau đó, yêu cầu những đối tượng hành hung ấy phải tường trình bằng văn bản đảm bào đủ 3 nội dung: Cảm nghĩ của em về vụ việc; Chỉ ra cách thức xử lí hài hòa, thể hiện tính nhân đạo, nhân văn phù hợp đạo đức dân tộc Việt; Nếu thấy những trường hợp tương tự sắp xảy ra em cần phải làm gì?

Tường trình này tuyệt đối không thể làm đơn giản. Nhất thiết phải được chỉn chu từ nội dung đến hình thức (Ban PCBLHĐ phải hướng dẫn giúp đỡ để các em hoàn thành như mong muốn). Văn bản này có thể nói là tác phẩm đầu đời mà các em được thể hiện và sẽ ghi nhớ suốt đời theo suy nghĩ tích cực mà các em thể hiện. Sau khi đã hoàn chỉnh với nội dung tốt, nhà trường cần chọn lọc những ý tưởng chính (mang tính hối cải) thông qua dưới cờ và yêu cầu các em này phải đứng trước sân cờ trình bày quan niệm của mình và xin lỗi trước toàn trường về vụ việc đã gây nên.

Chúng ta cũng không dừng lại ở đó mà cần tiếp tục đưa ra thêm những tình huống xấu sẽ xảy ra để các em xử lí bằng văn bản (ít nhất 3 lần) để hiểu rõ mức độ cảm nhận của các em về bạo lực như thế nào. Nếu đã có chuyển biến tốt cần tuyên dương trước cờ một trong ba trường hợp để lấy lại danh dự cho các em và dẫn dắt các em vào dòng chảy đạo đức truyền thống dân tộc Việt.

Nhằm giúp học sinh hiểu thấu những hành vi bạo lực là sai trái, mất đạo đức, Ban PC BLHĐ phải đưa ra tình huống để học sinh toàn trường xử lí bằng bài viết cảm nhận và cách thức xử lí (mỗi tháng 01 lần – những môi trường trong sáng có thể một quý 1 lần hoặc 1 học kỳ một lần). Những bài viết còn tẻ nhạt, thờ ở lãnh cảm cần phải được ban PC BLHĐ mời tư vấn, giáo dục (Cần cho thêm tình huống xử lí khi thấy các em chưa thấu hiểu). Phải tổng kết và tuyên dương, khen thưởng những suy nghĩ hay, cách giải quyết vấn đề phù hợp chuẩn mực đạo đức trước toàn trường để khuyến khích, nhân rộng.

Ban PC BLHĐ cần có sự theo dõi, quan sát sát sao, phát hiện những hành động đẹp của các bạn học sinh đã góp phần hóa giải, tránh được những hiềm khích, mâu thuẫn của bạn bè hay những tấm gương thân thiện, đoàn kết, biết chia sẻ, giúp đỡ bạn trong những lúc khó khăn để tuyên dương, khen thưởng trước toàn trường.

Trong năm, nhà trường cần phải tổ chức buổi nói chuyện, sinh hoạt về BLHĐ, hoặc tổ chức hội thi thuyết trình, sân khấu hóa, … chủ đề BLHĐ (ít nhất một lần) để các em được tham gia, trải nghiệm nhằm nâng cao hiểu biết, nâng cao nhận thức, thực hành phản biện mạnh mẽ và chuẩn xác.

Cha mẹ dành thời gian quan tâm chăm chút con nhiều hơn nữa

Việc hàng đầu cha mẹ cần làm là dành thời gian quan tâm và chăm chút con nhiều hơn. Dù ở xa hay gần con cái cũng phải thăm hỏi, động viên, chỉ bảo uốn nắn kịp thời những biểu hiện chưa đúng của các con. Gia đình cần hạn chế tối đa "những pha" tranh cãi, ấu đã, cau có, hằn học, chửi bới,… tăng cường những lời nói hay, ý đẹp, tế nhị rất cần được thể hiện trước mặt con cái. Giám sát, quản lí và kiểm tra thời gian học tập, làm việc, vui chơi, lên mạng xã hội,… của các con để có những lời khuyên thấu đáo xoáy vào tâm hồn con trẻ.

Phối hợp chặt chẽ với nhà trường. Cùng nhà trường thống nhất kế hoạch và nội dung PC BLHĐ để giáo dục con. Thường xuyên phân trần diễn giải, chỉ cho con trẻ thấy tác hại và hậu quả của vần nạn học đường đồng thời điểm qua những điều tốt đẹp về hành vi đúng đắn phù hợp chuẩn mực đạo đức dân tộc Việt. Cha mẹ phải uốn nắn con từ nếp áo. Mưa dầm thấm lâu. Có như thế mới thay đổi tích cực thái độ, hành vi của con trẻ.

Con dại cái mang. Cha mẹ phải gánh chịu sự cắt giảm những ưu đãi, chính sách của địa phương khi gia đình để xảy ra bạo lực nói chung (bạo lực gia đình và BLHĐ). Đồng thời phải phối hợp tốt với Ban tư vấn và PC BLHĐ địa phương giáo dục con cái tốt hơn trong thời gian ngắn nhất có thể. Việc này rất cần thiết. Nó sẽ giúp các em nhận ra hậu quả nghiêm trọng của việc mình làm. Một phút nông nổi, một phút chứng tỏ mà cả gia đình phải gánh chịu hậu quả.

Chính quyền cũng phải thành lập Ban tư vấn và PC BLHĐ

Chính quyền địa phương cũng cần thiết lập Ban tư vấn và PC BLHĐ để trợ giúp, xử lí vấn nạn BLHĐ tại địa phương mình. Ban này bao gồm: Đại diện Ủy ban, Đại diện Đảng ủy, Đoàn thanh niên, Đại diện Công an, Đại diện quân sự, chi bộ khóm ấp.

Đầu năm học, đại diện chính quyền địa phương phải cùng nhà trường, cha mẹ học sinh xây dựng kế hoạch và thống nhất nội dung PC BLHĐ. Phải tuyên truyền sâu rộng trên toàn địa phương trong nhiều ngày, nhiều kỳ, nhiều đợt để tất cả mọi người được thấm nhuần một cách sâu sắc nhất.

Ban tư vấn và PC BLHĐ sẽ giám sát, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch và nội dung PC BLHĐ trong nhà trường và gia đình. Đồng thời làm đầu mối kích hoạt liên kết bộ ba để xử lí tình trang bạo lực học đường xảy ra.

Ban tư vấn và PC BLHĐ địa phương được quyền đề xuất kiến nghị với chính quyền địa phương cắt giảm những chế độ chính sách cần thiết khi gia đình để xảy ra hiện trạng BLHĐ hay bạo lực gia đình. Những chính sách có thể cắt giảm như: Hộ nghèo, cận nghèo, gia đình văn hóa, hay xét duyệt chính sách ưu đãi, cơ cấu đề bạt chức vụ,… Phải xóa bỏ sự cắt giảm ấy khi gia đình đã có sự cải thiện tích cực, chuyển biến rõ nét được tuyên dương.

Chính quyền địa phương cần phải tạo điều kiện tốt nhất cho nhà trường và gia đình trong việc chăm sóc, giáo dục con trẻ. Cần có kế hoạch động viên khen thưởng kịp thời những hành vi tích cực, những việc làm đáng khen, đáng kính.

Gia đình là tế bào xã hội. Địa phương là rường cột quốc gia. Giáo dục là luồng sinh khí ấm áp nhất của mỗi quê hương. Tổng hòa và thắt chặt mối quan hệ bộ ba: Nhà trường – Gia đình – Chính quyền địa phương, phong trào PC BLHĐ sẽ hóa thành cơn lốc xoáy cuốn trôi mọi ám ảnh của bạo lực để trả lại bầu trời mới rạng ngời, trong sáng và tươi đẹp!

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả!

NGƯT Tô Ngọc Sơn (từ CHDCND Lào)

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/bao-luc-hoc-duong-va-bo-tam-nha-truong-gia-dinh-chinh-quyen-16923042516482931.htm