Bạo lực là công cụ gây cười rẻ tiền ở Nhật Bản

Các chuyên gia cho rằng những cách tạo tiếng cười bằng bạo lực, lời nói giễu cợt trên chương trình hài kịch nên được loại bỏ để tránh làm gia tăng hành vi bắt nạt.

Nam diễn viên hài bị ép mặc chiếc quần lót được bôi thuốc gây cảm giác bỏng rát ở vùng dưới. Một nghệ sĩ giải trí cố gắng thoát khỏi hố sâu trong lòng đất trong tiếng cười nhạo điên cuồng của bạn diễn. Anh ta liên tục ngã khi trèo lên nhưng may mắn không bị thương.

Những tiểu phẩm này được các chương trình tạp kỹ Nhật Bản sản xuất dựa trên nhiều hành động được coi là hành hung, quấy rối hoặc bắt nạt trong đời thực để gây cười một cách khiếm nhã, theo SCMP.

Một báo cáo được công bố giữa tháng 4/2022 của Tổ chức Cải thiện Chương trình và Đạo đức Phát thanh Truyền hình Nhật Bản (BPO) đã chỉ ra rằng những phân cảnh như trên mang xu hướng tiêu cực, nên ngừng được chiếu trên đài truyền hình hoặc chương trình cụ thể.

 Một số chương trình truyền hình ở Nhật dùng các hành động bạo lực, hành hung để gây tiếng cười. Ảnh: New York Times.

Một số chương trình truyền hình ở Nhật dùng các hành động bạo lực, hành hung để gây tiếng cười. Ảnh: New York Times.

Ngoài ra, tổ chức này còn kêu gọi các nhà đài, đơn vị sản xuất chương trình giải trí, hài kịch tránh những cảnh quay chế giễu nỗi đau tinh thần và thể xác của người khác. Vì nó có thể tạo nên tác động không mong muốn đối với sự phát triển về tư duy, cảm xúc của thanh thiếu niên.

“Ở một mức độ nào đó, nạn nhân có thể đã được thông báo trước. Nhưng nỗi đau là có thật và các diễn viên khác đang chế giễu anh ta vì điều đó”, trích trong báo cáo.

Lạm dụng bạo lực để gây cười

Ủy ban Thanh niên và Phát thanh của BPO cho rằng bạo lực và sỉ nhục để gây cười trên các chương trình truyền hình có thể dẫn đến hành vi bắt nạt ở những người trẻ tuổi.

Như trường hợp của nữ đô vật chuyên nghiệp Hana Kimura (22 tuổi), hậu quả để lại là cái chết của một tài năng.

Sau khi trở thành mục tiêu của bắt nạt trực tuyến vì xuất hiện trong chương trình thực tế Terrace House (Nhà sân thượng) của Netflix, cô đã tự kết liễu đời mình vào tháng 5/2020.

Về mặt văn hóa, sự hài hước của Nhật Bản có thể được mô tả bằng một từ tiếng Đức: schadenfreude, nghĩa là lấy niềm vui trong nỗi đau hoặc sự sỉ nhục của người khác.

 Việc dùng bạo lực để gây cười có thể vô tình cổ súy cho hành vi bắt nạt. Ảnh: Variety.

Việc dùng bạo lực để gây cười có thể vô tình cổ súy cho hành vi bắt nạt. Ảnh: Variety.

“Loại hài kịch này khá phổ biến ở Nhật Bản và sử dụng ai đó làm mục tiêu để tạo tiếng cười. Một số công ty không có ngân sách lớn để làm chương trình nên họ dựa vào kiểu bạo lực này để thu hút khán giả.

Nó đơn giản, rẻ tiền và vẫn hấp dẫn người xem, mặc dù hiện nay rất ít người trẻ xem truyền hình thông thường. Đa số khán giả là người lớn tuổi, vì vậy họ không còn nhạy cảm với những hình thức hài cũ đó nữa”, Makoto Watanabe, giáo sư ngành truyền thông tại Đại học Hokkaido Bunkyo ở Sapporo, chia sẻ.

Vào những năm 1980, một chương trình mang tên "Za Gaman" đã gây sốc cho nhiều người nước ngoài. Thí sinh phải thực hiện những phân cảnh như đặt con chuột trên bụng, sau đó bị kéo trên nền đất đá trong khi giữ một khối băng giữa 2 chân.

“Za Gaman”, có nghĩa là “chịu đựng” trong tiếng Nhật, không còn được phát sóng. Tuy nhiên, những tiểu phẩm lạm dụng như vậy vẫn tồn tại.

Thúc đẩy nạn bắt nạt

Gavin Blair, một người cộng tác lâu năm với The Hollywood Reporter, cho biết bối cảnh hài kịch của Nhật Bản vẫn bị chi phối bởi “manzai” - một loại hình nghệ thuật truyền thống được thực hiện bởi 2 người và khiến khán giả bật cười bằng cách trò chuyện hài hước, tát đối phương.

“Hình thức giải trí này có từ nhiều thế kỷ trước ở Nhật Bản nhưng nó vẫn được các studio ở Osaka truyền bá cho đến ngày nay”.

Blair lưu ý rằng “manzai” rất tuân công thức và ít thay đổi trong nhiều thập kỷ. Studio Yoshimoto Kogyo thậm chí còn mở một trường học dành cho những diễn viên hài sắp ra mắt. Điều này càng củng cố thêm niềm tin rằng một cái tát nhanh sẽ gây cười.

 Người trẻ có thể hiểu nhầm bối cảnh của những hành động trên show truyền hình. Ảnh: GaijinPot Blog.

Người trẻ có thể hiểu nhầm bối cảnh của những hành động trên show truyền hình. Ảnh: GaijinPot Blog.

“Ngay cả ngày nay, loại hài kịch này vẫn chiếm tới 90% các chương trình giải trí trên TV. Hầu như không có phim hài chính trị - vì sợ xúc phạm nhân vật quan trọng - hoặc sitcom, hài châm biếm. Đánh người là rất an toàn, theo một nghĩa nào đó", Blair nói thêm.

Watanabe nói rằng những cái tát trong một màn trình diễn “manzai” hoặc trên các show truyền hình không nhất thiết phải được coi là bạo lực. Đôi khi đó là cách để giữ cho mạch chương trình được tiếp tục.

Vấn đề xảy ra khi những người trẻ tuổi không xem xét nguyên nhân của những hành động đó mà mặc nhiên biến nó thành cái cớ của trò bắt nạt.

“Chúng tôi ít thấy những cảnh bạo lực hay coi thường người khác trên TV trong những năm gần đây. Tuy nhiên, tôi vẫn e ngại việc sao chép hành động của các ngôi sao mà không đánh giá bối cảnh”, ông nói.

Thảo Ngân

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/bao-luc-la-cong-cu-gay-cuoi-re-tien-o-nhat-ban-post1313769.html