Bạo lực: Nan đề chưa có lời giải
NSGN - Chính con người tạo nên địa ngục hay thiên đường vì mọi thứ đều khởi từ tâm, từ ý nghĩ, lời nói cho đến hành động.
Hành xử bạo lực: căn bệnh cấp tính hay mãn tính?
Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong 9 ngày Tết đầu năm Kỷ Hợi (2019), các bệnh viện cả nước tiếp nhận gần 5.500 trường hợp cấp cứu do đánh nhau, có 15 người tử vong. Sang đến Tết Nhâm Dần (2022), còn 2.800 vụ, 1.088 ca nhập viện, có 9 tử vong; Tết Quý Mão (2023), có 1.983 ca đánh nhau, tử vong 9 người… Cần lưu ý, số ca nhập viện do đánh nhau vào những ngày Tết trong những năm gần đây có xu hướng gia tăng. Giữ kỷ lục là năm 2015, số bệnh nhân cấp cứu do đánh nhau trong dịp Tết là 6.868 trường hợp, trong đó có 15 người tử vong. Đây là một con số không còn gây “sốc” vì hầu như Tết năm nào cũng có hàng nghìn người nhập viện do nguyên nhân trên, trong đó có người đã không bao giờ trở lại. Bạo lực trong thời bình giữa những con người thậm chí rất thân thiết với nhau trước khi ẩu đả như anh em, bạn bè, có lẽ là một vết buồn trong không khí đầu năm.
Lý do thì nhiều. Trực tiếp thì có thể do bia rượu làm mờ lý trí, nhưng cũng có khi chẳng say cũng đánh nhau. Chưa kể rằng trước Tết cũng đã xảy ra hàng loạt vụ “giao chiến” với số lượng hàng chục, hàng trăm người từ Quảng Ninh cho đến Hà Nội, Nha Trang, TP.HCM… và cả những vùng quê trước đây vốn yên tĩnh. Ở đây chúng ta không nói đến tội ác do cướp bóc, cưỡng hiếp rồi giết mà chỉ khoanh những vụ đánh nhau vì những lý do có khi hết sức không ngờ: không được yêu - giết, cãi nhau vì va quẹt xe - giết, đi nhầm phòng karaoke - giết, nhìn thấy ghét - giết (?)… Trong gia đình, chồng xin tiền vợ đi nhậu không được - giết, con bực vì mẹ la mắng - giết, anh em giành nhau mảnh đất - giết… Và nguy hiểm hơn, tội phạm ngày một trẻ hơn, phần lớn từ 16 đến 25 tuổi (!).
Lại đi tìm nguyên nhân?
Sở dĩ dùng chữ “lại” là vì đã có nhiều người phân tích và ngay trên những trang báo này trước đây khá lâu, vấn đề cũng đã được bàn luận trong bài viết “Đi tìm cội nguồn cái ác”, nhưng hẳn là chưa thể đầy đủ và cũng chưa có giải pháp thực sự khả thi. Trong bài viết này, vấn đề một lần nữa được xới lại với nhận định cả bên ngoài và bên trong.
Bên ngoài, nhiều nhà xã hội học vẫn cho rằng nguyên nhân từ trò chơi trực tuyến hay do phim ảnh. Chúng tôi không phủ nhận tác dụng tiêu cực của thức ăn tinh thần mà nhà Phật gọi là “xúc thực”, một trong bốn loại thức ăn mà chúng ta tiếp thu từ bên ngoài. Theo nhà Phật thì những gì chúng ta thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm, suy tư, tưởng tượng… tất cả đều như muôn sông chảy về biển tâm thức. Và những vô minh, hận thù, buồn khổ của ta đều trở về biển cả của tâm thức ta. Điểm qua một số chương trình truyền hình gần đây, phóng viên báo Phụ Nữ Online đã liên hệ với một số đạo diễn Việt để tìm câu trả lời cho câu hỏi: “Có nhất thiết phải đâm chém, máu me, thanh trừng bạo lực và văng tục, chửi thề thì mới thể hiện được chất giang hồ trong phim đề tài tội phạm?”.
Bởi suy cho cùng, những câu chuyện trên phim ảnh cũng chỉ phản chiếu góc nhìn của xã hội và con người tại thời điểm đó. Nếu chỉ lướt qua những phim đang được nhiều người xem nhất hiện nay, chúng ta có thể “choáng” với những cái tựa sặc mùi “bạo lực” như Sài Gòn gangster - Thợ săn giang hồ, Ông trùm - Dẹp loạn giang hồ, Giang hồ chợ mới, Giang hồ chợ cũ (web drama), Người trong giang hồ, Thiếu niên ra giang hồ (phim ca nhạc)… Đó là chưa kể những phim không gắn tựa “giang hồ” nhưng vẫn nói về giới này như “Thập tam muội”, “Chết thì chịu”, “Vi cá tiền truyện”…
Các nhà phê bình cho rằng đang có tình trạng “lạm phát” giang hồ trên màn ảnh. Họ viết: Không giới hạn ở các sản phẩm chiếu mạng, những câu chuyện về xã hội đen tiến thẳng lên màn ảnh truyền hình - nơi các khán giả nhỏ tuổi có thể cùng xem với người lớn: “Người phán xử, Con gái bố già, Quỳnh búp bê”… hay mới nhất là “Kẻ ngược dòng”. Nếu như trước đây, hình ảnh giang hồ hay những pha đánh đấm của dân anh chị trên phim ảnh được miêu tả hời hợt, ngô nghê kiểu “giang hồ ta chỉ giang hồ vặt” thì giang hồ trong các phim hiện nay được khai thác “chất” hơn, đánh đấm cũng thật hơn, đến mức VTV từng phát sóng vài tập rồi dừng “Quỳnh búp bê”, “Kẻ ngược dòng” để chờ xếp giờ chiếu mới cho phù hợp nội dung bạo lực của phim”. Lưu ý rằng những phim này thường đứng đầu “rating”, nghĩa là số người xem luôn ở mức rất cao.
Nhưng nguyên nhân bên ngoài không chỉ có thế! Còn có nguyên nhân liên quan đến việc chấp hành luật pháp. Có nhiều bản án chưa được thuyết phục khiến dư luận lên tiếng hay khi kẻ thủ ác kiếm được một tờ giấy xác nhận tâm thần (!).
Còn một nguyên nhân người ta hay đưa ra dù rất khó thuyết phục dư luận hôm nay là “mặt trái cơ chế thị trường” khi các băng nhóm tranh giành “lãnh địa” buôn bán ma túy, bảo kê hay “đòi nợ thuê”… Nhưng nếu tìm hiểu các quốc gia có nền kinh tế thị trường phát triển tốt hay đi trước chúng ta, tỷ lệ tội phạm lại thấp hơn nhiều. Cụ thể như ở Hà Lan, người ta đóng cửa bớt nhà tù, ví dụ nhà tù Breda 130 năm tuổi trở thành địa điểm tổ chức trò chơi phiêu lưu có tên “Vượt ngục” vì số tội nhân giảm đến 40% tại Hà Lan trong những năm qua; hay tại New York, tội phạm hình sự giảm đến 75% từ năm 1993 đến 2005 và còn tiếp tục giảm.
Nguyên nhân bên ngoài đáng kể nhất là đạo đức xã hội xuống cấp
Vì đạo đức xã hội xuống cấp nặng nề, người ta giải quyết những mâu thuẫn với nhau bằng vũ lực. Có lẽ cần nhắc lại một nhận xét trước đây chúng tôi đã từng trích dẫn: “Còn trong xã hội ta, cái ác đang ngự trị. Các sát thủ Việt Nam có máu lạnh à? Thì hầu hết chúng ta cũng đeo những khuôn mặt lạnh lùng vô cảm đó thôi. Tìm đâu ra những khuôn mặt thư thái, từ hòa đây? Theo tôi, thần thái an nhiên vui sống đã mất trên khuôn mặt người Việt từ lâu rồi. Cả xã hội như trong một vạc dầu sôi của tham lam và tham vọng. Ai cũng căng thẳng, ai cũng ‘nhấn mạnh chân ga’, chỉ cần một trở ngại là có vấn đề, có thù hằn, có án mạng”.
Phải chăng, trong một xã hội thiếu kỷ cương, kẻ giàu bất kể nguồn gốc của tài sản được suy tôn trọng vọng, kẻ mạnh có uy lực không ai kiểm soát được, có thể luồn lách pháp luật thì bạo lực nghiễm nhiên trở thành phương cách giải quyết mọi vấn đề, từ tranh chấp tư lợi cho đến “giữ thể diện”.
Còn nguyên nhân bên trong thì sao? Trước hết là vấn đề giáo dục
Chúng ta thử xét trong chương trình hiện nay có môn học nào dạy về ứng xử không? Học sinh không biết cảm ơn, xin lỗi, thưa gửi khi gặp người lớn là chuyện bình thường vì nhà trường cho rằng đó là trách nhiệm của gia đình. Mà gia đình thì còn tùy phụ huynh có đủ thời gian hay không và quan trọng hơn, phụ huynh ấy có “văn hóa ứng xử” không! Rất nhiều người chửi thề, vượt đèn đỏ nhưng vẫn yêu cầu con cái mình chấp hành luật pháp, lịch sự, tôn trọng bè bạn, thầy cô. Điều ấy khó có thể thành hiện thực. Bạo lực, do đó, cần phải dập tắt từ trong gia đình và nhà trường.
Người Việt ứng xử kém, không được giáo dục kỹ năng xử lý tình huống, nhất là thanh thiếu niên. Nhiều khi chỉ là những va chạm nhỏ nhưng người ta cũng đẩy lên đến xung đột dẫn đến bạo lực. Phải chăng thanh niên ngày nay sống thực dụng, nên những mối quan hệ xã hội, đạo đức lễ nghĩa ngày càng lỏng lẻo, hơn thua nhau chỉ vì những giá trị vật chất bề ngoài. Họ dễ dàng ẩu đả nhau vì sĩ diện? Hãy nhớ ngày trước cha ông chúng ta nghèo hơn nhưng đâu lỗ mãng, hung hăng thế? Xã hội học cho chúng ta biết hành vi của con người bị ảnh hưởng bởi bốn yếu tố: “Sinh lý, môi trường sống, sự giáo dục và những hoạt động giao tiếp hàng ngày”. Trong những vụ bạo lực học đường thủ phạm là học sinh, sinh viên nhưng vẫn có thể ra tay tàn nhẫn. Do đó, việc chúng ta tiếp xúc với ai, giao tiếp trong môi trường nào quyết định rất lớn đến nhân cách và suy nghĩ của chúng ta.
Đâu là giải pháp?
Người ta dễ nhầm lẫn khi cho rằng dân tộc Việt Nam bản chất hiền lành vì sùng đạo, nhất là đạo Phật, khi số người kéo đến chùa những ngày đầu năm đông nghịt. Nhưng họ đến làm gì? Ngoài một số ít người thực sự thuần thành đến để lễ Phật còn một “bộ phận không nhỏ”, nhất là tín đồ các tỉnh phía Bắc, đến chỉ để xin xăm, cầu mua may bán đắt hay cúng sao giải hạn. Nhưng cái hạn lớn nhất nằm ngay trong tâm họ là sự sân hận, thiếu nhẫn nhịn, quá khích, thói côn đồ thì họ không sao giải được nên mới có cảnh đạp nhau chen lấn xin ấn, xin lộc!
Đã có chùa nào giảng cho họ về những điều căn bản trong Phật pháp chưa? Đã có bài học nào, môn học nào trong chương trình trung tiểu học dạy các em về lòng thương người và loài vật chưa? Suy cho cùng, chúng ta thấy toát lên nguyên lý nhân - quả như một chân lý. Chúng ta đang gặt hái những gì mình gieo trồng trong những năm qua. Một xã hội và một nền giáo dục thiếu vắng lòng từ bi. Bản thân người lớn không đủ mẫu mực làm gương cho giới trẻ.
Giáo dục đạo đức trước tiên là dạy người ta biết suy nghĩ dựa trên đạo đức về hành vi mà mình muốn làm. Giáo dục đạo đức trong trường học hiện nay là học thuộc những bài học đạo đức, chứ không phải dạy học sinh biết suy nghĩ và hành động theo thiện nguyện.
Trong kinh Tăng chi bộ, Đức Phật dạy: “Một hành động khi làm với lòng thù hận, sinh ra từ lòng thù hận, gây ra bởi lòng thù hận, phát sinh ra từ lòng thù hận, sẽ chín muồi bất cứ nơi nào người này tái sinh và bất cứ khi nào hành động chín muồi, người này nhận lấy kết quả của hành động, ở trong đời này, hoặc là trong đời sau, hoặc là trong những đời kế tiếp sau đó…
…Này các Tỳ-kheo, có ba nguyên nhân khác bắt nguồn của hành động. Ba nguyên nhân này là ba nguyên nhân gì? Đó là lòng không tham lam, lòng không thù hận, và sự không si mê”.
Theo nhà Phật: “Trong số những phiền não cấu uế về tinh thần gây nhiều xáo trộn cho hòa hợp xã hội, có lẽ tai hại nhất là sân hận. Vì hầu như trong tất cả cộng đồng, kể cả trong các ngôi chùa, đều có những người có khuynh hướng tham dục vị kỷ, họ luôn có nguy cơ gây chia rẽ do sân hận, oán hận, và trả thù những thành viên trong cộng đồng của họ. Vì thế, việc chế ngự sân hận là rất quan trọng đối với sự hòa hợp trong cộng đồng. Đức Phật mô tả sân hận giống như một rễ cây độc hại với đầu ngọn dính chút mật ngọt”.
Có nhiều cách để khắc phục sân hận, mà cách hay nhất là thực hành hạnh nhẫn nhục (khanti). Nhẫn nhục vừa là phương tiện chữa lành tâm sân hận vừa là đức hạnh tối cao.
Giáo dục tâm từ bi và lòng nhẫn nhục là những bài học bắt buộc từ trong gia đình cho đến nội dung sách giáo khoa và ứng dụng trong hoạt động học đường và công tác xã hội. Tổ chức những chuyến đi đến những trại trẻ mồ côi, trại nuôi người già, thăm viếng, cứu trợ những vùng nghèo đói, những bệnh viện nhi là những hoạt động cần thiết khơi gợi tâm từ bi nơi con trẻ. Lập ra những quỹ giúp người nghèo, học sinh khó khăn, kêu gọi các em đóng góp dù ít dù nhiều nhưng để các em thấy rằng có những người khổ hơn, nghèo hơn mình cần giúp đỡ.
Về phía những bậc cha anh, Phillip Moffitt, Tổng Giám đốc Điều hành và Biên tập viên trưởng Tạp chí Esquire khuyên: “…Sự thực hành tâm linh về lòng tha thứ cùng với lòng từ bi là nền tảng vững chắc nhất mà ta có thể chuẩn bị cho tương lai tốt đẹp của thế hệ mai sau. Nếu chúng thấy ta bạo lực trong hành động, lời nói hay ý nghĩ, chúng sẽ học phản ứng lại bằng bạo lực, dù chúng ta có nói gì với chúng. Nhưng nếu chúng thấy ta đổi sân hận bằng tình thương yêu, khi trưởng thành chúng cũng hành động như thế”. Hãy nhớ lời Phật dạy: “Hận thù không xóa bỏ hận thù. Chỉ có tình thương yêu mới xóa được hận thù”.
Hãy nhớ bản chất Phật giáo là phi bạo lực. Có người ví bản chất ấy với tính chất thấm ướt tự nhiên của nước trong đại dương. Chữ ahimsa trong tiếng Pāli có nghĩa là vô hại (inoffensiveness) hay không gây ra tác hại (non-hurting), nghĩa là tránh tất cả mọi sự chủ tâm gây phiền toái cho kẻ khác hay cho chính mình, dù là ý nghĩa hay ngôn từ. Do đó lời nói khích động bạo lực, nói dối hay lèo lái hành vi người khác cũng không khác nào việc ẩu đả vì hận thù dù là trong tâm thức có thể tạo nghiệp nặng nề không thua gì hành động.
Chúng ta phải giải quyết tận nguồn những ác nghiệp sinh ra từ ý, khẩu và thân. Muốn dập tắt cái ác từ ý hay tâm thức, phải xây dựng lại nền móng chương trình và phương pháp giáo dục từ gia đình đến học đường. Qua đó, thông điệp yêu thương được gửi đi nhằm lan tỏa trong cộng đồng. Một xã hội dù đầy đủ vật chất nhưng không hạnh phúc khi những con người không có kỹ năng sống cùng, sống với và sống cho nhau. Phải dập tắt nghiệp ác là vậy. Hành động khởi đi từ suy nghĩ có tác ý, do đó nghiệp là tư tưởng, lời nói, sau đó mới là hành động, nếu không có ý muốn sẽ không có nghiệp. Mọi người phải chịu trách nhiệm về những hành động từ ý nghĩ, lời nói đến việc làm của mình; muốn sướng hay khổ hoàn toàn do mình tự tạo chứ không do một ai khác có quyền định đoạt sướng khổ cho mình. Vì vậy, muốn không bị tham sân si và tà kiến thúc đẩy tạo nghiệp, chúng ta phải biết làm chủ lấy mình, không để những đam mê danh vọng, giàu sang, quyền lực… lung lạc ý chí của chúng ta.
Phật dạy: “Chính do nghiệp chuyển mà chúng sinh luân chuyển tồn tại không ngừng trong sáu cõi...”.
Chính con người tạo nên địa ngục hay thiên đường vì mọi thứ đều khởi từ tâm, từ ý nghĩ, lời nói cho đến hành động.
Để thay đổi cộng nghiệp của cả xã hội, cần lắm những kế sách cấp bách và lâu dài. Trước mắt là thay đổi những nguyên nhân bên ngoài từ việc áp dụng luật pháp nghiêm minh, trừng trị kẻ có tội, đưa vào chương trình thông tin đại chúng, phim ảnh sách báo ca ngợi lòng nhân từ, vị tha, nêu những tấm gương hy sinh vì cộng đồng. Trong nhà trường, trước hết, thầy cô phải làm gương về lối sống hòa ái, dạy các em lễ phép, lịch sự, tôn trọng của công, ý thức kỷ luật khi xếp hàng…
Câu hỏi “Làm sao để thần thái người Việt Nam trở lại an nhiên nhu hòa như xưa, thời ta còn nghèo nhưng chứa chan tình người trong cuộc sống?” sẽ khó có thể có đáp số nếu cả xã hội không chung tay xây dựng lại một xã hội hiếu hạnh, hướng thiện. Khi cuộc sống quanh ta và tâm hồn ta đang cằn khô vì những toan tính thực dụng, những mánh khóe để đối đãi với nhau, thiếu chân tình và cảm thông, rất cần một cơn mưa mà theo nhà Phật, cơn mưa ấy rất mong là cơn mưa pháp.
Nếu bạn là Phật tử, suối nguồn Phật pháp không thể thiếu trong việc tưới tẩm và nuôi dưỡng cội nguồn tâm linh của chúng ta. Mong thay!
____________
Tài liệu tham khảo
1- Quang Hùng, Có nhất thiết phải văng tục… www.phunuonline.com.vn (24-5-2018).
2-Nguyễn Lệ Hằng, Tội ác và hình phạt, Thể thao & Văn hóa cuối tuần (17-7-2015).
3- Những nguyên nhân của hành động, Nguyễn Minh Tiến dịch: http://vuonhoaphatgiao.com/phat-phap/giao-phap/nhan-qua-nghiep-bao-luan-hoi/nhung-nguyen-nhan-cua-hanh-dong/.
4- Bhikkhu Bodhi, Lời Phật dạy về sự hòa hợp trong cộng đồng và xã hội (The Buddha’s Teachings on Social and Communal Harmony), Wisdom Publications.
5- Phillip Monffitt, Forgiveness, bản tiếng Việt “Tha thứ” do Diệu Liên Lý Thu Linh dịch, Nguyệt san Giác Ngộ số 275, tháng 2-2019.
Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn/bao-luc-nan-de-chua-co-loi-giai-post75119.html