Bạo lực ở giải bóng đá V-League: Đâu là gốc rễ của nguyên nhân?

Tư tưởng 'chơi quyết liệt, chơi rắn' để cho đối phương sợ và rụt rè của nhiều cầu thủ là nguyên nhân chính khiến thực trạng bạo lực ở V-League vẫn còn tồn tại nhiều năm qua.

(Ảnh: Hải An/Vietnam+)

(Ảnh: Hải An/Vietnam+)

Thực trạng bạo lực ở V-League không phải vấn đề mới nhưng chưa bao giờ cũ vì cứ “đến hẹn lại lên.”

Sự việc của Hùng Dũng vừa qua một lần nữa khiến những nhà tổ chức, người làm bóng đá hàng đầu Việt Nam đau đầu.

Tư tưởng "chơi quyết liệt"

Bàng hoàng và sửng sốt là những gì người hâm mộ Việt Nam cảm nhận khi chứng kiến tình huống Hoàng Thịnh xoạc bóng bằng cả hai chân với Hùng Dũng ở trận đấu hôm 23/3 vừa qua.

Ám ảnh hơn là khoảnh khắc tiền vệ Hà Nội FC khóc nức nở, nằm trên cáng, lên thẳng xe cứu thương và đến bệnh viện với chiếc chân phải gãy làm đôi. Trong khi đó, Hoàng Thịnh liên tục nắm tay nói lời xin lỗi muộn màng cũng trong nước mắt.

 Hoàng Thịnh nói lời xin lỗi với Hùng Dũng trên xe cứu thương tại sân vận động Thống Nhất. (Ảnh: Contras Hà Nội)

Hoàng Thịnh nói lời xin lỗi với Hùng Dũng trên xe cứu thương tại sân vận động Thống Nhất. (Ảnh: Contras Hà Nội)

Hùng Dũng rõ ràng là nạn nhân của một pha bóng đậm chất bạo lực khi hứng chọn gầm giày từ đối phương vào cẳng chân.

Thế nhưng, thủ phạm có chăng là Hoàng Thịnh?

Hoàng Thịnh chắc chắn không muốn triệt hạ Hùng Dũng trong một pha bóng không gây nguy hiểm ở khu vực giữa sân. Trước pha bóng ấy, Thịnh và Dũng không có hiềm khích trên sân, thậm chí cả hai có mối quan hệ tốt ngoài sân cỏ.

Đặc biệt, sau ngần ấy năm “chinh chiến” tại V-League, tiền vệ sinh năm 1992 thừa hiểu đôi chân quan trọng như thế nào với nghiệp cầu thủ mà bất cứ ai cũng bảo vệ bằng mọi giá.

Dẫu vậy, sau cùng Hoàng Thịnh vẫn vào bóng, vẫn quyết liệt và thậm chí sử dụng kiểu xoạc thô bạo bậc nhất trong bóng đá.

 Hoàng Thịnh xoạc bóng bằng cả hai chân với Hùng Dũng. (Ảnh: Lâm Thỏa)

Hoàng Thịnh xoạc bóng bằng cả hai chân với Hùng Dũng. (Ảnh: Lâm Thỏa)

Chưa thể kết luận Hoàng Thịnh có cố tình hay không nhưng chắn chắn rằng tư tưởng cố hữu “chơi quyết liệt, chơi rắn” là thủ phạm.

Tình huống trên sân diễn ra rất nhanh, dù gần 30 tuổi song có lẽ Thịnh vẫn bị cái tư tưởng kia lấn át, khiến lý trí bị lu mờ và quyết định vào bóng với Hùng Dũng.

Lối mòn đào tạo

Khi sự việc Hoàng Thịnh xoạc bóng Hùng Dũng được đẩy lên đỉnh điểm trong vòng hai ngày qua, bất ngờ dư luận hướng “mũi rìu” về lò đào tạo trẻ Sông Lam Nghệ An.

Dựa vào những trường hợp xoạc bóng thô bạo và để lại hệ quả nghiêm trọng trong quá khứ của Quế Ngọc Hải, Sầm Ngọc Đức và Trần Đình Đồng, người ta lại thêm lý lẽ để ám chỉ những cầu thủ gốc Nghệ và đánh đồng sự việc mang tính vùng miền. Họ cho rằng đây là “cái nôi” của thứ bóng đá bạo lực.

Nhưng thực tế không vậy, tư tưởng “chơi quyết liệt, chơi rắn” đang được nhiều huấn luyện viên tuyến trẻ nhồi vào học trò mà không chỉ ở Sông Lam Nghệ An mới sử dụng. Đó là lối mòn trong công tác đào tạo nhiều năm qua của bóng đá Việt Nam.

Một ví dụ để thấy rõ hơn là trưởng hợp của tiền vệ Hải Huy (Quảng Ninh FC). Năm ngoái, cầu thủ này cũng gãy đôi chân sau một pha va chạm mạnh và mới chỉ trở lại ở V-League 2021.

Tiền vệ số 14 chấn thương nặng sau một pha bóng tranh chấp mà không phải do đối phương có lỗi. Chính anh ham bóng và phải chịu thiệt. Nhưng đó cũng là do tư tưởng “chơi quyết liệt, chơi rắn” ăn sâu vào tiềm thức.

Tư tưởng 'chơi quyết liệt, chơi rắn' ngấm sâu vào nhiều cầu thủ ở V-League. (Ảnh: Hải An/Vietnam+)

Tư tưởng 'chơi quyết liệt, chơi rắn' ngấm sâu vào nhiều cầu thủ ở V-League. (Ảnh: Hải An/Vietnam+)

Huấn luyện viên Nguyễn Đức Thắng (Bình Định FC), người từng nhiều năm làm công tác đào tạo trẻ nói rằng: “Khái niệm từ ngữ trong huấn luyện mà các thầy hay nói với những cầu thủ trẻ là 'đá mạnh vào, máu lửa vào.' Nhưng họ không chỉ cho học trò là đá mạnh như thế nào? Máu lửa là như thế nào?”

“Cá nhân tôi nhiều lần đuổi thẳng cổ các trò ra ngoài trong các buổi tập khi thấy họ không nhiệt huyết và có ý định trả đũa sau mỗi lần va chạm với nhau trên sân... Tôi biết lúc đó họ rất ghét tôi. Tại sao tôi lại phải vậy? Để học trò ghét mình đâu có phải là cái lợi đối với huấn luyện viên,” ông Thắng cho hay.

Nói một cách cụ thể hơn, nếu xoạc bóng là một kỹ thuật trong bóng đá, thì chưa có ai ở Việt Nam tự tin dạy cầu thủ xoạc bóng ra sao cho chuẩn xác và đảm bảo an toàn với bản thân và đối thủ.

 Công tác đào tạo trẻ ở Việt Nam chưa đủ tốt để ngăn ngừa bạo lực sân cỏ. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Công tác đào tạo trẻ ở Việt Nam chưa đủ tốt để ngăn ngừa bạo lực sân cỏ. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Những nền bóng đá hàng đầu thế giới coi xoạc bóng là cách cuối cùng, bất đắc dĩ để đoạt lại bóng, ngăn cản đối thủ và chưa bao giờ khuyến khích nó.

Những trận cầu đỉnh cao nhất trên thế giới khoảng 5 năm trở lại đây gần như không có kịch bản rằng đội yếu hơn “chặt chém” đối thủ để tìm cách giành kết quả có lợi. Người làm bóng đá tiên tiến hiểu rằng tư tưởng “triệt hạ đối phương” không thể trở thành công thức chiến thắng.

Các chuyên gia cho rằng, bóng đá Việt Nam còn ở vũng trũng, cách thế giới cả một khoảng cách xa thì lại càng cần phải sớm thay đổi chứ không thể đi mãi lối mòn dẫn tới vực thẳm.

"Đồng phạm"

Thế nhưng, thứ tư tưởng nêu trên không phải là nguyên nhân duy nhất khiến thực trạng bạo lực ở V-League cứ thế xảy ra. Bởi, chính những nhà tổ chức cũng đang gián tiếp khiến mọi chuyện tồi tệ đi. Những án phạt chưa đủ nặng để răn đe là điều hiển hiện đầu tiên.

Ở pha bóng giữa Hùng Dũng và Hoàng Thịnh, trọng tài chính đầu tiên chỉ rút thẻ vàng cho cú xoạc bóng bằng cả hai chân và gầm giày. Sau đó, ông nhận thấy mức độ nghiêm trọng của chấn thương mới thay đổi quyết định.

 Những án phạt chưa đủ nặng là nguyên nhân khiến bạo lực ở V-League vẫn có cơ hội tiếp diễn. (Ảnh: Hải An/Vietnam+)

Những án phạt chưa đủ nặng là nguyên nhân khiến bạo lực ở V-League vẫn có cơ hội tiếp diễn. (Ảnh: Hải An/Vietnam+)

Hay như sự bao che quá mức của người hâm mộ cũng có thể khiến những hành vi bạo lực được dung túng. Giả sử, nếu Hùng Dũng và Hoàng Thịnh đổi vai cho nhau trong pha bóng vừa qua, liệu với tư cách một ngôi sao, trụ cột đội tuyển Việt Nam thì Dũng “chíp” có nhận về đủ nhiều những “gạch đá”?

Không ít lần tình cảm của người hâm mộ khiến những vấn đề cần được thổi phồng, lên án lại lắng xuống. Mạc Hồng Quân từng bị chỉ trích, xăm soi dữ dội về câu chuyện tình cảm riêng tư với hai người bạn gái nổi tiếng nhưng vụ việc của Quang Hải nhanh chóng đi vào dĩ vãng...

Và bởi thế, sẽ không chỉ những người làm bóng đá, mà đã đến lúc những người yêu môn thể thao vua cần phải tự soi lại mình để có những cách ứng xử chuẩn mực, có vậy, bóng đá Việt Nam mới có thể cất cánh./.

Nguyên An (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/bao-luc-o-giai-bong-da-vleague-dau-la-goc-re-cua-nguyen-nhan/701573.vnp