Bạo lực ở Sudan có 3 kịch bản nhưng đều chẳng có lợi cho người dân
Giới phân tích đã chỉ ra 3 kịch bản khả dĩ cho cuộc giao tranh ở Sudan, nhưng dường như không kịch bản nào là có lợi cho người dân nước này.
Bất chấp lệnh ngừng bắn mong manh và giao tranh tạm lắng ở Sudan, không nhiều người tin rằng đây là điểm kết thúc của cuộc xung đột giữa lực lượng quân đội - do tướng Abdel Fattah al-Burhan chỉ huy - và nhóm bán quân sự Lực lượng Phản ứng nhanh (RSF) do tướng Mohamed Hamdan Dagalo (Hemedti) chỉ huy.
Tính đến ngày 29/4, ít nhất 528 người Sudan đã thiệt mạng và 4.599 người bị thương kể từ khi xung đột bùng phát gần 15 ngày trước đó, theo Al Jazeera.
Câu hỏi được đặt ra lúc này là mọi chuyện có thể diễn biến như thế nào trong vài tuần và tháng tới. Các nhà phân tích được BBC phỏng vấn đã chỉ ra 3 kịch bản khả dĩ về cuộc xung đột này.
Một bên chiến thắng nhanh chóng
Điều này dường như khó xảy ra vì cả hai bên đều có những lợi thế cho họ trong các giai đoạn xung đột khác nhau.
BBC dẫn chia sẻ của người dân đã rời Khartoum cho biết RSF dường như có ưu thế nhỉnh hơn tại thủ đô. Lực lượng du kích cơ động này có thể thích ứng nhanh hơn so với phe đối địch, giúp họ có lợi thế trong các cuộc giao tranh đang diễn ra ở trung tâm thành phố Khartoum.
Dẫu vậy, quân đội Sudan được cho là có khả năng tiếp cận hỏa lực lớn hơn nhiều hoặc giành ưu thế trên không.
“Ở phần lớn thành phố, lực lượng RSF đang tràn ngập các khu dân cư và các chiến binh đang chiếm đóng những ngôi nhà”, chuyên gia Alan Boswell, thuộc Nhóm Khủng hoảng Quốc tế (ICG), nhận định.
"Về cơ bản, họ đang thách thức quân đội phá hủy thành phố của chính họ. Người ta sẽ cho rằng quân đội không muốn tiêu diệt Khartoum, nhưng đối với họ, đây là một cuộc chiến sinh tồn”, ông nói thêm.
Theo ông Jonas Horner, nhà phân tích độc lập về Sudan, cả hai bên cũng có thể kêu gọi sự giúp đỡ từ những người ủng hộ bên ngoài, và điều này có thể khiến cuộc giao tranh kéo dài.
Lực lượng quân đội được cho là có sự hậu thuẫn của một cường quốc trong khu vực là Ai Cập - mặc dù về mặt chính thức, nước này vẫn giữ thái độ trung lập.
Trong khi đó, RSF có Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và các lực lượng dân quân khu vực khác đứng về phía mình.
Xung đột kéo dài
BBC nhận định cuộc xung đột này có thể diễn biến theo nhiều kịch bản, nhưng không có kịch bản nào tốt cho người dân Sudan.
"Chắc chắn cuộc xung đột có tất cả yếu tố để trở thành một cuộc nội chiến kéo dài", phóng viên người Sudan Mohanad Hashim của BBC chia sẻ. Theo ông Hashim, những người trung thành với chính quyền cũ của ông Omar al-Bashir và đảng Quốc đại đã khiến mâu thuẫn trở nên sâu sắc.
Ông Bashir bị quân đội phế truất vào năm 2019 sau các cuộc biểu tình rầm rộ trên đường phố. Trong suốt 30 năm cai trị của ông, nhiều nhóm dân quân vũ trang sắc tộc đã nổi lên.
“Ông Bashir đã rất cố gắng để tạo ra sự chia rẽ giữa các nhóm sắc tộc khác nhau, từ đó tạo ra các lực lượng dân quân”, ông Horner nói. Theo vị chuyên gia, khoảng trống an ninh được tạo ra sau khi ông Bashir bị lật đổ đồng nghĩa với việc các lực lượng dân quân hoạt động trở lại vì họ phải đảm bảo an ninh cho chính họ.
Ông Horner tin rằng nếu các lực lượng dân quân chọn bên, cuộc xung đột này có thể tiến triển nguy hiểm hơn, có khả năng "mở rộng cuộc xung đột này và khiến việc đưa nó trở lại khuôn khổ khó khăn hơn nhiều".
Yếu tố sắc tộc tiềm tàng cũng khiến nhiều nhà quan sát thực sự lo lắng. Đó cũng là điều mà cả hai vị tướng đều tìm cách biến thành lợi thế của mình. Theo ông Hashim, trước khi giao tranh bắt đầu, "chúng tôi đã thấy cả tướng Hemedti và tướng Burhan khơi dậy sự chia rẽ sắc tộc".
“Chúng ta có thể thấy một kịch bản trong đó RSF chiêu mộ lực lượng ở những vùng bị thiệt thòi của đất nước, cố gắng thể hiện họ là bên thống nhất các khu vực nông thôn”, Ahmed Soliman, của tổ chức tư vấn Chatham House, nhận định.
Điều này có thể chia cắt đất nước và RSF sẽ di chuyển "đến vùng trung tâm Darfur của họ để cố gắng tái phân bổ và huy động thêm chiến binh".
Thỏa thuận hòa bình
Các nhà ngoại giao đang cố gắng thuyết phục hai vị tướng đồng ý gia hạn lệnh ngừng bắn, nhưng không ai nghĩ rằng việc đàm phán hòa bình có thể sớm bắt đầu. Bên cạnh đó, BBC cho biết còn có nhiều câu hỏi về những gì có thể được dân thường Sudan chấp nhận.
Ông Hashim đã ở Khartoum trong cuộc chính biến năm 2019 và chứng kiến các tướng lĩnh liên tục thất bại trong việc chuyển giao quyền lực cho nhân dân, đỉnh điểm là cuộc chính biến năm 2021.
Theo ông, hai vị tướng đã không thể điều hành đất nước trong hơn một năm rưỡi sau cuộc chính biến đó. "Hai người đàn ông này có thể đạt thỏa thuận gì để người Sudan có thể hài lòng?", ông Hashim đặt câu hỏi.
Bên cạnh đó, nhiều người dường như đồng thuận rằng thỏa thuận chỉ đến khi có áp lực từ bên ngoài. Chuyên gia Boswell cho rằng việc Sudan có thể chấm dứt hoàn toàn giao tranh mà không có áp lực chính trị hay kinh tế từ các đồng minh trong khu vực như Ai Cập, UAE, Saudi Arabia, “là rất khó tưởng tượng”.
Vấn đề là hai bên có quá nhiều xung đột lợi ích, nhiều lợi ích trong số đó là loại trừ lẫn nhau.
Nhiều người lo ngại nếu các cuộc đàm phán hòa bình không sớm bắt đầu, cuộc xung đột có thể dẫn đến sự chia rẽ sâu sắc khiến việc tìm ra giải pháp trở nên khó khăn hơn.
"Vẫn còn cơ hội cho các cuộc đàm phán. Thách thức ở đây là việc cả hai bên đều không sẵn sàng xuống thang. Và thật không may, trọng tâm ngoại giao ngắn hạn vẫn là giải quyết những gì hai vị tướng muốn, với cái giá phải trả là tham vọng dân chủ”, ông Soliman nói.
Vấn đề là những gì cả hai người đàn ông muốn đều mâu thuẫn trực tiếp không chỉ với người kia, mà quan trọng hơn là với mong muốn của người dân Sudan.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/kich-ban-nao-cho-vong-xoay-bao-luc-tai-sudan-post1426343.html