Bạo lực sân cỏ tại V.League 2021: Coi chừng vết xe đổ
Hai pha vào bóng đầy ác ý của cầu thủ Nam Định và Đà Nẵng khiến những gương mặt đã và đang là tuyển thủ Việt Nam gặp những chấn thương khác nhau. Đáng nói hơn, các trọng tài lại nương nhẹ với các hành vi không đẹp mắt trên sân cỏ như vậy.
Thanh Hậu suýt gãy chân, Hùng Dũng chưa bình phục
V.League 2021 quả thực rất đáng xem. Sự trở lại của hàng loạt những gương mặt nổi tiếng như Lee Nguyễn, Kiatisak, Petrovic… mang đến một sức hút lớn hơn cho giải đấu này. Nhưng song song với đó, người hâm mộ cũng lo ngại về công tác trọng tài và bạo lực sân cỏ. Ở vòng khai màn V.League, các trọng tài không để lại điều tiếng gì quá lớn. Nhưng cách họ xử lý tình huống an toàn lại phát sinh ra vấn đề nghiêm trọng hơn. Đó là bạo lực sân cỏ.
Phút 18 trận đấu giữa Nam Định và Hà Nội, Đinh Văn Trường của đội chủ nhà đạp thẳng vào cổ chân của Đỗ Hùng Dũng bên phía đội bóng thủ đô. Vài phút sau, Hùng Dũng phải rời sân vì không thể tiếp tục thi đấu. Sau trận, cổ chân anh càng sưng to hơn. Bác sĩ chẩn đoán Hùng Dũng phải nghỉ 2 tuần. Còn với pha phạm lỗi ấy, trọng tài Elite - Ngô Duy Lân chỉ rút thẻ vàng cảnh cáo.
Nếu như đó là một tấm thẻ đỏ, cục diện trận đấu đã rất khác khi ấy rồi. Nhưng ông Ngô Duy Lân cũng không dám đưa ra một quyết định xác đáng. Bởi trước sức ép của người Nam Định trên sân Thiên Trường, cũng như chính sức ép từ quá khứ khi một loạt trọng tài đưa ra những quyết định bất lợi cho Nam Định dẫn đến làn sóng phản đối gay gắt, ông Lân đã xử lý an toàn.
Ban Kỷ luật VFF sau đó có án phạt nguội cho Thanh Trường. Hai trận treo giò là một mức phạt nặng nếu xét về tỷ lệ thi đấu ở mùa giải năm nay (giai đoạn 1 chỉ có 13 trận và giai đoạn 2 chỉ có tối đa 7 trận). Thanh Trường có thể không thoát khỏi án phạt dành cho mình vì hành vi bạo lực sân cỏ. Nhưng một người khác thì lại ung dung không bị lĩnh án.
Đó là Võ Ngọc Toàn của Đà Nẵng. Phút bù giờ thứ 3 của hiệp 2 giữa Đà Nẵng và TP HCM, Võ Ngọc Toàn ham bóng dẫn đến pha xoạc sau bằng hai chân nguy hiểm với Phan Thanh Hậu. Tiền vệ sinh năm 1997 sau đó phải rời sân bằng cáng. Anh cũng được một thành viên CLB TP HCM cõng vào phòng thay đồ. Theo CLB TPHCM, Thanh Hậu bị bong gân cổ chân phải, phải nghỉ thi đấu từ 1-2 tuần.
Phải tránh vết xe đổ
“Ở tình huống đó, tôi nghĩ mình sẽ lướt lên đè người ta thôi, không nghĩ người ta lao vào như thế nên không xoay người né được. Anh ấy (Ngọc Toàn) cũng sang xin lỗi tôi nhưng tôi nghĩ không nên có những pha bóng như vậy. Pha bóng như thế mà trúng tôi thì chắc tôi gãy chân rồi. Tôi nghĩ không nên như vậy, cầu thủ phải biết giữ đôi chân cho nhau”, Thanh Hậu chia sẻ lại khoảnh khắc rợn người ấy.
Pha vào bóng của Ngọc Toàn đáng ra còn đáng bị phạt nặng hơn cả tình huống từ Thanh Trường. Nhưng Ban Kỷ luật VFF không hiểu vì sao lại bỏ qua điều đó. Việc xử lý quá an toàn từ trọng tài và việc Ban Kỷ luật VFF luôn có những quyết định “hở sườn” đã dung túng không biết bao nhiêu những vụ việc đáng tiếc trên sân cỏ V.League.
Khi người ta hoài niệm về 10 năm trước thời Kiatisak và Lee Nguyễn thì cũng là lúc họ không khỏi ám ảnh với những màn bạo lực trên sân bóng của Việt Nam - giải đấu vốn vẫn bị xem là “Võ League”.
Chất lượng của V.League cần phải được nâng tầm từ chính ý thức của các cầu thủ. Việc bảo vệ đôi chân vốn là miếng sinh nhai là điều tối thiểu mà những cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp phải biết, hiểu khi thi đấu trên sân cỏ. Nếu như từ ý thức, tư duy của họ còn chưa ở độ chuyên thì làm sao V.League thực sự bước lên một tầm cỡ chuyên nghiệp.
20 năm qua, người ta vẫn cứ đau đáu về một giải đấu nửa nạc nửa mỡ. Bởi suy cho cùng, từ chính các cầu thủ vẫn còn có ý đồ “ăn chân” đối phương thì làm sao giải đấu này đem lại sự hứng thú một cách tuyệt đối cho khán giả.