Bạo lực từ phim 'Squid Game' len lỏi vào nội dung cho trẻ nhỏ
Chưa đủ tuổi xem phim, nhiều trẻ em vẫn nắm được nội dung, các trò chơi bạo lực trong bộ phim nhờ mạng xã hội và có nguy cơ ảnh hưởng đến nhận thức.
Squid Game, bộ phim chủ đề sinh tồn của Hàn Quốc đã trở nên nổi tiếng sau khi được phát hành trên nền tảng Netflix. Tuy nhiên, cũng chính sự phổ biến này đã gây ra nhiều tranh cãi, theo Channel News Asia.
Tại Australia, một trường học cảnh báo nhiều trẻ em đang tái hiện các trò chơi. Một hội đồng trường học ở Anh mới đây cũng gửi email tới các bậc phụ huynh, kêu gọi "cảnh giác" sau khi nhận được báo cáo nhiều người trẻ tuổi đang sao chép các trò chơi bạo lực từ phim.
Lan truyền khắp YouTube, TikTok
Dù Squid Game được gắn mác 18+, nhiều trẻ nhỏ tuổi hơn vẫn nắm được nội dung các trò chơi trong phim nhờ những clip lan truyền trên mạng xã hội, đặc biệt là YouTube, TikTok.
Nhiều kênh YouTube Kids nổi tiếng, dành cho trẻ dưới 12 tuổi, cũng đang lấy cảm hứng sáng tạo nội dung từ bộ phim Hàn Quốc, ví dụ như các video hướng dẫn vẽ nhân vật hay tạo chủ đề trên Roblox - trò chơi nổi tiếng với trẻ em, cho phép người dùng tự lập trình trò chơi và chia sẻ với người khác.
Squid Game đang là chủ đề rất phổ biến trong các trò chơi do người dùng lập trình. Nhiều video Squid Game Roblox có hàng trăm nghìn, thậm chí hàng triệu lượt xem. Trên cả YouTube phiên bản chính và dành cho trẻ em, những video hướng đến trẻ nhỏ có các nhân vật, thường là người nhỏ tuổi, chơi các trò chơi này cũng nhận được nhiều sự yêu thích.
Trên TikTok, các thử thách như trò "Đèn xanh, đèn đỏ" cũng trở thành xu hướng, nhiều người mô phỏng trò chơi trong bối cảnh đời thực và trò chơi điện tử.
Hầu hết video trên YouTube Kids đều khá vô thưởng vô phạt. Tuy nhiên, chúng cho thấy Squid Game đã len lỏi vào nội dung kỹ thuật số nhắm mục tiêu đến trẻ nhỏ như thế nào.
Ranh giới giữa nội dung trực tuyến dành cho người lớn và trẻ em
Với sự ngây thơ, thường chỉ tập trung vào các thử thách trên sân chơi, không ngạc nhiên khi những nội dung đang lan truyền hấp dẫn nhóm người xem nhỏ tuổi. Tuy nhiên, ranh giới giữa nội dung trực tuyến dành cho người lớn và trẻ em luôn rất mờ mịt.
YouTube từng vướng nhiều tranh cãi liên quan đến các video chứa nội dung không phù hợp nhắm vào đối tượng nhỏ tuổi.
TikTok cũng đã phải đối mặt với những vụ việc tương tự liên quan đến sự an toàn của trẻ em trên nền tảng và những nội dung có vấn đề để trẻ xem được, chẳng hạn như video chống vaccine. Bên cạnh đó, dù TikTok chỉ cho người từ 13 tuổi trở lên truy cập, nhiều báo cáo cho thấy vẫn đang có không ít trẻ nhỏ tuổi hơn mức cho phép đang dùng ứng dụng.
Sau khi bị Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ phạt 170 triệu USD vào năm 2019 với cáo buộc vi phạm các biện pháp bảo vệ quyền riêng tư cho trẻ, YouTube đã đưa ra một số thay đổi để phân biệt rõ hơn giữa nội dung người lớn và trẻ em trên nền tảng này.
Ví dụ, người sáng tạo hiện phải thông báo cho YouTube nếu nội dung của họ dành cho trẻ em hay nền tảng này sử dụng học máy (machine-learning) để xác định các video nhắm vào người xem nhỏ tuổi.
Nỗi lo của nhiều bậc phụ huynh về việc con em bị ảnh hưởng bởi các trò bạo lực trong Squid Game tương tự hiện tượng trong năm 2018 và 2019. Cụ thể, hình ảnh kinh dị về Momo - một tác phẩm điêu khắc có tên "Chim mẹ" của nghệ sĩ Nhật Bản Keisuke Aisawa - được lan truyền trên mạng xã hội.
Hình ảnh này được kẻ xấu sử dụng cho một thử thách khiến người chơi có thể trầm cảm và nung nấu ý định tự sát. Momo còn xuất hiện ẩn bên trong các video hoạt hình nổi tiếng dành cho trẻ em như Fortnite, Peppa Pig hay thậm chí YouTube Kids, khuyến khích trẻ tham gia vào các thử thách, trò chơi chết người.