Bạo lực tuổi vị thành niên: Ngăn chặn bạo lực phải bắt đầu từ gia đình

Để giảm thiểu tình trạng bạo lực học đường, cần có sự gắn bó chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường, lấy học sinh làm trung tâm.

Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho rằng, thực trạng bạo lực tuổi vị thành niên thời gian gần đây rất đáng báo động. (Ảnh: NVCC)

Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho rằng, thực trạng bạo lực tuổi vị thành niên thời gian gần đây rất đáng báo động. (Ảnh: NVCC)

Thời gian qua, dư luận bàng hoàng và bất bình trước sự việc nam sinh lớp 8 trú tại phường Việt Hưng, quận Long Biên (Hà Nội) bị đánh đến chấn thương sọ não do mâu thuẫn nhỏ khi chơi bóng rổ. Đây chỉ là một trong những vụ việc đã xảy ra thời gian gần đây khi các em đang trong độ tuổi nông nổi, "ăn chưa no, lo chưa tới", thiếu hiểu biết, chưa kiểm soát được hành động, dễ xảy ra va chạm. Điều đáng nói, câu chuyện sẽ không quá nghiêm trọng nếu có sự ngăn cản kịp thời của người lớn.

Hay ngày 25/3/2024 việc một nữ sinh lớp 7 tại xã An Thượng, thành phố Hải Dương (Hải Dương) bị nam thanh niên hành hung, tát nhiều lần vào đầu và mặt. Nữ sinh này từng có xích mích nhỏ với một học sinh lớp 9 cùng trường, người chú của học sinh lớp 9 biết sự việc đã ra tay đánh nữ sinh lớp 7 này.

Báo Thế giới và Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội xung quanh những hệ lụy về bạo lực tuổi vị thành niên để đưa ra những giải pháp cơ bản nhằm giảm thiểu thực trạng này.

Cảm xúc của bà thế nào về những sự việc bạo lực tuổi vị thành niên thời gian gần đây?

Bạo lực học đường vẫn luôn là vấn đề nóng và nhận được sự quan tâm của toàn xã hội. Trong thời gian gần đây, xảy ra một số vụ việc đau lòng liên quan học sinh, tôi cho rằng đây là những vụ việc rất nghiêm trọng, gây sốc, gây bất bình cho dư luận, đặc biệt là các bậc phụ huynh.

Bạo lực học đường đang ngày càng trẻ hóa. Liệu có phải Internet và mạng xã hội đang tiếp tay cho thực trạng này gia tăng?

Theo tôi, có một số nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này. Cụ thể, công tác tham vấn học đường, tư vấn tâm lý, công tác xã hội trong nhà trường chưa được quan tâm đúng mức. Giáo viên, cha mẹ học sinh chưa nắm bắt về đặc điểm phát triển tâm sinh lý của con em mình.

Bên cạnh đó, tâm, sinh lý của lứa tuổi học sinh, nhất là độ tuổi từ 12-17 tuổi có nhiều biến đổi, thích tự chứng tỏ bản thân, dễ bị bạn bè rủ rê, lôi kéo, không kiểm soát được hành vi. Các em thiếu kỹ năng sống, đặc biệt là kỹ năng về quản lý cảm xúc, giải quyết mâu thuẫn. Bên cạnh đó, vẫn thiếu các hoạt động ngoại khóa, sân chơi phù hợp với đặc thù lứa tuổi.

Trong khi đó, Internet và mạng xã hội có rất nhiều lợi ích nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro. Nếu biết cách sử dụng Internet an toàn và hiệu quả chắc chắn sẽ hạn chế được những rủi ro. Do vậy, nếu nói Internet và mạng xã hội đang tiếp tay cho thực trạng bạo lực học đường gia tăng cũng chưa hoàn toàn đúng. Tuy nhiên, mạng xã hội cũng không hoàn toàn vô can bởi những nội dung độc hại, mang tính bạo lực mà trẻ em có thể xem mọi lúc mọi nơi. Nếu cha mẹ không kiểm soát nội dung, không phải "bộ lọc" của con trong việc sử dụng mạng xã hội sẽ vô cùng nguy hại đối với trẻ.

Hơn thế, nguyên nhân của bạo lực học đường nằm chính ở cách ứng xử, đạo đức, lối sống, mối quan hệ giữa học sinh với học sinh và giữa học sinh và giáo viên. Mạng xã hội và Internet là một phương thức để phản ánh lại sự việc hoặc bị lợi dụng để gây ra bạo lực học đường.

Việc chúng ta nên làm là dùng Internet, mạng xã hội để phản ánh những cái hay, cái đẹp trong học tập. Trong môi trường giáo dục, không dùng Internet, mạng xã hội để lan truyền, cổ xúy cho những hành động bạo lực.

Việc bảo vệ trẻ ngoài đời cho đến mạng xã hội trở nên vô cùng quan trọng. Bà có thể đưa ra các giải pháp cơ bản?

Để hạn chế bạo lực tuổi vị thành niên, theo tôi cần đặc biệt quan tâm đến công tác tham vấn/tư vấn tâm lý học đường. Ngành Giáo dục cần quan tâm hơn để triển khai thực hiện đồng bộ công tác tham vấn/tư vấn tâm lý học đường tại các trường học. Đặc biệt, nên có đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác này.

Bên cạnh đó, cần thiết thực hiện đồng bộ các giải pháp. Đó là, tiếp tục công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng về phòng, chống bạo lực học đường, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Giáo dục đạo đức lối sống, trang bị cho học sinh kỹ năng sống, đặc biệt là kỹ năng quản lý cảm xúc, giải quyết mâu thuẫn.

Đồng thời, tạo nhiều sân chơi cho các em, hoạt động lành mạnh, ý nghĩa và phù hợp với đặc thù lứa tuổi. Tuyên truyền về Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em (số 111), tăng cường tư vấn, tham vấn trực tuyến.

Bên cạnh đó, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị quản lý nhà nước về giáo dục và trẻ em. Đặc biệt, có sự tham gia của các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ mạng, công nghệ thông tin để phòng ngừa, phát hiện, hỗ trợ, can thiệp đối với nhóm trẻ em có nguy cơ cao bị bạo lực học đường. Xử lý kịp thời các vụ việc bạo lực học đường cả "ngoài đời” lẫn trên mạng xã hội

Tăng cường thanh tra, kiểm tra liên ngành về việc thực hiện trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền địa phương, các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục trong việc thực hiện các quy định về tiếp nhận và xử lý thông tin đối với các trường hợp trẻ em bị bạo lực học đường nói riêng và xâm hại trẻ em nói chung.

Trách nhiệm của gia đình và nhà trường thế nào trong việc giải quyết bạo lực học đường cũng như bảo vệ trẻ em trên mạng xã hội lẫn ngoài đời, theo bà?

Để giảm thiểu tình trạng bạo lực học đường, cần có sự gắn bó chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường, lấy học sinh làm trung tâm. Về phía nhà trường, ưu tiên phát triển dịch vụ tư vấn, tham vấn học đường; chăm sóc sức khỏe tâm thần cho học sinh, giáo viên và các bậc cha mẹ.

Tăng cường giáo dục về đạo đức, kiến thức, kỹ năng về thực hành quyền trẻ em, tôn trọng trẻ em cũng như kiến thức, kỹ năng về kỷ luật tích cực cho học sinh. Chú trọng nâng cao năng lực, phẩm chất và đạo đức nghề nghiệp của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên của các cơ sở giáo dục về phòng, chống bạo lực học đường.

Gia đình là môi trường giáo dục đầu tiên và ảnh hưởng nhất tới tâm lý và sự hình thành tính cách của con trẻ. Cha mẹ đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành hành vi và giá trị của con mình. Do vậy, cha mẹ hãy làm bạn với con. Hãy lắng nghe, chia sẻ, trang bị cho con những kiến thức, kỹ năng về bảo vệ trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em cũng như hướng dẫn con trong việc tham gia mạng Internet an toàn, lành mạnh.

Cũng phải nói thêm rằng, ở độ tuổi vị thành niên, các em chưa nhận thức đầy đủ và đúng đắn về hành vi của mình. Việc ngăn chặn bạo lực phải bắt đầu từ gia đình. Cha mẹ phải gần gũi và thấu hiểu con hơn, dạy dỗ để con em mình không bị nhiễm thói hư tật xấu.

Đặc biệt, bản thân các bậc phụ huynh cần thay đổi nhận thức, thái độ, hành vi, quan niệm trong việc bảo vệ trẻ em. Nâng cao kiến thức, kỹ năng để có thể chia sẻ với con, đồng hành cùng giáo viên trong việc ngăn chặn bạo lực học đường. Điều quan trọng nhất là khi gặp bất kỳ khó khăn, vướng mắc, thắc mắc nào liên quan đến trẻ em hãy gọi Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em số 111.

Xin cảm ơn bà!

“Từ ngày 1/9/2021 đến 5/11/2023, cả nước xảy ra 699 vụ bạo lực học đường, liên quan đến hơn 2.016 học sinh, trong đó có 854 là nữ; bình quân 50 cơ sở giáo dục xảy ra một vụ BLHĐ. Nhìn chung, diễn biến của BLHĐ khá phức tạp, số vụ có nhiều học sinh, nhất là học sinh nữ tham gia, xảy ra cả trong và ngoài trường học, khiến ngành giáo dục lo lắng, tìm mọi cách để cùng các địa phương xử lý… Tôi mong các ngành có liên quan hỗ trợ, cùng với ngành giáo dục giải quyết những vấn đề này”, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn thông tin.

Hồng Phúc

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/bao-luc-tuoi-vi-thanh-nien-ngan-chan-bao-luc-phai-bat-dau-tu-gia-dinh-266466.html