Báo Mỹ: Kinh tế Nga kiên cường vượt trừng phạt chưa từng có nhờ bè bạn
Quan hệ giao thương với các nước láng giềng và đồng minh đã giúp nền kinh tế Nga kiên cường trụ vững, bất chấp hàng loạt lệnh trừng phạt khắc nghiệt chưa từng có từ phương Tây.
Từ mùa Hè 2022, các chuyến hàng từ nhiều nơi trên thế giới nhập cảng nước cộng hòa nhỏ bé thuộc Liên Xô cũ - Armenia bắt đầu tăng vọt, trong đó giá trị nhập khẩu điện thoại đã tăng hơn 10 lần từ những tháng trước đó.
Đồng thời, Armenia ghi nhận sự bùng nổ giá trị xuất khẩu điện thoại thông minh sang Nga - một đối tác thứ ba trong giao dịch thương mại, cũng là một đồng minh đang bị bao vây cấm vận.
“Huyết mạch mới” của kinh tế Nga
Xu hướng này, được lặp lại đối với máy giặt, chip máy tính và các sản phẩm khác tại một số quốc gia châu Á từ năm ngoái, tạo nên một số “huyết mạch mới” đang nuôi dưỡng nền kinh tế Nga tồn tại và phát triển.
Dữ liệu gần đây đã cho thấy sự gia tăng thương mại ở một số nước láng giềng và đồng minh của Nga, như Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc, Belarus, Kazakhstan và Kyrgyzstan… cung cấp cho Moscow nhiều loại hàng hóa mà các nước phương Tây đã cố gắng ngăn chặn bằng các lệnh trừng phạt, kể từ sau chiến dịch quân sự mà nước này triển khai tại Ukraine.
Tính từ năm 2014, sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea, người Nga đã trải qua 8 năm và 9 vòng trừng phạt từ phương Tây, được đánh giá là khắc nghiệt chưa từng có - bao gồm các hạn chế đối với các ngân hàng lớn nhất, cùng với các giới hạn đối với việc bán công nghệ mà quân đội Nga có thể sử dụng, cũng như chặn quyền mua bán, trao đổi nhiều loại hàng hóa được cho là quan trọng đối với nền kinh tế.
Chuyên gia Maria Snegovaya, một thành viên cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế, mới đây đánh giá, mặc các đòn trừng phạt, thương mại của Nga dường như đã phục hồi phần lớn, như trước khi xảy ra cuộc xung đột với Ukraine vào tháng 2/2022.
Giới phân tích ước tính, nhập khẩu của Nga có thể đã phục hồi về mức tháng 2/2022, hoặc sẽ sớm phục hồi, tùy thuộc vào mô hình của họ. Một phần được cho là, các nền kinh tế nhận thấy khó có thể từ bỏ một thị trường lớn và hấp dẫn như Nga. Nghiên cứu gần đây cho thấy, ít hơn 9% các công ty có trụ sở tại Liên minh châu Âu và Nhóm G7 đã thoái vốn khỏi một trong các công ty con của họ ở Nga.
Tất nhiên, với lý do đạo đức và hậu cần, một số thương hiệu nước ngoài lớn, bao gồm H&M, IBM, Volkswagen và Maersk đã tạm phải dừng hoạt động tại Nga, sau khi Moscow triển khai chiến dịch quân sự tại Ukraine.
Tuy nhiên, nền kinh tế Nga đã tỏ ra kiên cường một cách đáng kinh ngạc trong năm qua, đặt ra câu hỏi về tính hiệu quả của các biện pháp trừng phạt ồ ạt từ phương Tây.
Các công ty theo dõi hàng hải vẫn chứng kiến sự gia tăng hoạt động của các đội tàu vận chuyển, dường như đang bỏ qua các hạn chế của phương Tây? Các lệnh trừng phạt của phương Tây không cấm vận chuyển các sản phẩm tiêu dùng như điện thoại di động và máy giặt đến Nga. Các lệnh trừng phạt sâu rộng nhắm mục tiêu kìm hãm nền kinh tế này phát triển và hạn chế nguồn thu được cho là để tài trợ cho chiến dịch quân sự tại Ukraine, bao gồm, giới hạn về giá dầu Nga xuất khẩu, cũng như hạn chế tiếp cận với chất bán dẫn và các công nghệ quan trọng khác.
Trên thực tế, các quốc gia khác đã gặp nhiều khó khăn trong việc giảm sự phụ thuộc vào Nga về năng lượng và các mặt hàng cơ bản khác. Nhưng kinh tế Nga không bế tắc như thế, họ đã và đang tìm mọi cách để vượt qua các trừng phạt hà khắc và Ngân hàng Trung ương Nga đã thành công trong việc hỗ trợ giá trị của đồng Ruble và giữ cho thị trường tài chính ổn định.
“Không có thảm họa, không có sụp đổ”
Mới đây, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo nền kinh tế Nga sẽ tăng trưởng 0,3% trong năm 2023. Đây là sự cải thiện mạnh mẽ so với ước tính trước đó về mức âm (giảm -2,3%). IMF cũng dự kiến, khối lượng xuất khẩu dầu thô của Nga sẽ duy trì tương đối mạnh dưới mức giá trần hiện tại và thương mại của Nga sẽ tiếp tục được chuyển hướng sang các quốc gia không áp đặt lệnh trừng phạt.
Trên thực tế, hầu hết các tàu container đã ngừng vận chuyển hàng hóa như điện thoại, máy giặt và phụ tùng ô tô vào cảng St. Petersburg. Thay vào đó, những sản phẩm như vậy đang được vận chuyển bằng xe tải hoặc xe lửa từ Belarus, Trung Quốc và Kazakhstan.
Fesco - nhà điều hành vận tải của Nga, đã bổ sung thêm các con tàu mới và các cảng đến mới cho tuyến đường tới Thổ Nhĩ Kỳ để vận chuyển hàng hóa công nghiệp của Nga, cũng như các thiết bị và thiết bị điện tử nước ngoài giữa Novorossiysk và Istanbul.
Tại một sự kiện mới đây, cựu Thứ trưởng Tài chính Nga Sergey Aleksashenko khẳng định, năm 2023 sẽ là “một năm khó khăn” đối với nền kinh tế Nga, nhưng sẽ “không có thảm họa, không có sụp đổ”. Ông cho biết, một số bộ phận của nền kinh tế Nga đang gặp khó khăn, các nhà máy sản xuất ô tô đã phải đóng cửa sau khi không thể đảm bảo nguồn cung linh kiện từ Đức, Pháp, Nhật Bản và Hàn Quốc. Tuy vậy, chi tiêu quân sự và giá năng lượng cao hơn đã bù đắp vào các khoản thiếu hụt trong năm ngoái.
“Đừng nói nền kinh tế Nga đang điêu tàn hay bị phá hủy, rằng Tổng thống Putin thiếu tiền để tiếp tục tài trợ cho chiến dịch quân sự. Nói thế là không đúng", ông Aleksashenko khẳng định.
Nga ngừng công bố dữ liệu thương mại sau khi nổ ra xung đột với Ukraine, nhưng các nhà phân tích và kinh tế vẫn có thể đưa ra kết luận về mô hình thương mại của Nga bằng cách cộng lũy kế báo cáo thương mại của các quốc gia khác đã giao dịch với Nga.
Matthew Klein, đồng tác giả của cuốn Chiến tranh thương mại là chiến tranh giai cấp là một trong những người đưa ra kết luận về lỗ hổng lớn cỡ "kinh tế Nga" trong nền kinh tế toàn cầu. Theo tính toán của ông, giá trị xuất khẩu toàn cầu sang Nga trong tháng 11 chỉ thấp hơn khoảng 15% so với mức trung bình hàng tháng vào trước thời điểm chiến dịch quân sự bắt đầu.
Vị này cho rằng, xuất khẩu toàn cầu sang Nga rất có thể đã phục hồi hoàn toàn vào tháng 12 vừa qua, mặc dù nhiều quốc gia vẫn chưa công bố dữ liệu thương mại trong tháng. “Hầu hết sự phục hồi đó đã được thúc đẩy bởi Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ", Matthew Klein nói.
Ông cũng cho biết: “Không rõ có bao nhiêu hoạt động thương mại vi phạm các biện pháp trừng phạt do phương Tây áp đặt, nhưng điều đó phù hợp với ý kiến cho rằng, có nhiều cách để vượt qua trừng phạt”.
Một trong những trường hợp điển hình được đề cập là doanh số bán điện thoại thông minh ở Armenia tăng vọt. Andrew S. David, Gám đốc cấp cao về Nghiên cứu và phân tích tại Silverado, cho biết, xu hướng này phản ánh cách các chuỗi cung ứng đã chuyển dịch để tiếp tục cung cấp hàng hóa cho kinh tế Nga.
Samsung và Apple - những nhà cung cấp điện thoại di động lớn trước đây cho Nga, đã rút khỏi thị trường này. Số liệu xuất khẩu các thương hiệu điện thoại phổ biến của Trung Quốc, như Xiaomi, Realme và Honor, ban đầu cũng giảm xuống, khi các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc hiểu và tìm cách đối phó với những hạn chế mới trong các vòng trừng phạt, về công nghệ hoặc thanh toán quốc tế với Nga.
Dù vậy, chỉ sau một giai đoạn điều chỉnh, các thương hiệu Trung Quốc bắt đầu "cất cánh" ở Nga, ông David nói. Nhìn chung, xuất khẩu của Trung Quốc sang Nga đạt mức cao kỷ lục trong tháng 12, giúp bù đắp cho sự sụt giảm mạnh trong thương mại với châu Âu. Điện thoại của Apple và Samsung dường như cũng bắt đầu tìm đường quay trở lại Nga, thông qua các nước "láng giềng thân thiện".
“Armenia chắc chắn không phải là nước duy nhất. Có rất nhiều người khác đã tìm cách đi qua trung tâm Tây Á, Thổ Nhĩ Kỳ và các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ”, chuyên gia David nói. Các chuyến hàng đến Nga cũng đang dần tăng trở lại. Trung Quốc đã bắt đầu tăng xuất khẩu chất bán dẫn sang Nga, mặc dù tổng nhập khẩu chip của Moscow hiện vẫn đang ghi nhận ở dưới mức trước xung đột Nga-Ukraine.