Báo Mỹ: Máy bay ném bom H-6N Trung Quốc có thể đã có tên lửa siêu thanh
Căn cứ không quân Andersen trên đảo Guam và đảo Wake của Hoa Kỳ cũng sẽ trở thành những mục tiêu tiềm năng nếu vũ khí mới của TQ là thật.
Trang The Drive của Mỹ ngày 18/10 đưa tin, gần đây, một video xuất hiện từ phía Trung Quốc cho thấy thứ có vẻ là một quả tên lửa siêu thanh khổng lồ được gắn dưới bụng máy bay ném bom H-6N của Không quân Trung Quốc.
Theo trang báo chuyên về các vấn đề quân sự - phòng thủ của Mỹ, hình mũi nhọn độc đáo của phần phía trước của tên lửa cho thấy khả năng đây là một hệ thống vũ khí siêu thanh.
Đặc biệt, yếu tố bề ngoài của nó trông giống với các đặc điểm được tìm thấy trên vũ khí siêu thanh DF-17 phóng từ mặt đất của Trung Quốc.
Tên lửa siêu thanh DF-17 phiên bản bắn từ xe phóng trên mặt đất sử dụng tên lửa đạn đạo để đẩy một phương tiện bay siêu âm không được trang bị đầu đạn hạt nhân, có thể đạt vận tốc vượt Mach 5.
Cổng thông tin The Drive cho hay, các công việc của Trung Quốc liên quan đến những phương án phóng từ trên không đối với tên lửa đạn đạo phóng từ mặt đất của họ không hẳn là mới.
Một tên lửa đạn đạo chống hạm DF-21D phóng từ trên không được cho là đã được phát triển trong một thời gian. Trung Quốc có thể đang theo đuổi mục tiêu sở hữu vũ khí phương tiện siêu thanh phóng từ trên không, nhưng đây có thể là lần đầu tiên công chúng thực sự nhìn thấy nó.
Máy bay ném bom H-6N được thiết kế đặc biệt để có thể mang theo những tải trọng lớn, từ bom hạng nặng, máy bay bay không người lái tốc độ cao đến tên lửa đạn đạo chống hạm, cũng như các tên lửa hành trình truyền thống khác.
H-6N là phiên bản phát triển vượt bậc của phiên bản H-6K. Trong khi đó, bản thân máy bay ném bom H-6 của Trung Quốc lại là một phiên bản được cải tiến và cập nhật hoàn toàn của một thiết kế của máy bay Tu-16 Badger có xuất xứ từ Liên Xô.
Theo trang báo Mỹ, hoàn toàn hợp lý khi Trung Quốc phát triển vũ khí siêu thanh phóng từ trên không, dựa trên thiết kế phóng từ mặt đất hiện có.
Sự lựa chọn rõ ràng nhất và duy nhất được biết đến sẽ là DF-17 nói trên mà Bắc Kinh đã quảng cáo rầm rộ trong cuộc duyệt binh quy mô gần đây của nước này.
Mặc dù nó được cho là đã được trang bị và hoạt động trực chiến, tình trạng chính xác của loại vũ khí này và khả năng của nó vẫn chưa được xác định, nhưng Trung Quốc chắc chắn muốn thế giới nghĩ rằng nó là một vũ khí siêu thanh hoạt động đầy đủ.
Bất kể, việc sử dụng DF-17, hoặc ít nhất là các bộ phận của nó, chẳng hạn như phương tiện phóng – đẩy Đông Phong mang theo phương tiện bay siêu thanh phóng từ trên không đều có ý nghĩa với quân đội Trung Quốc, đặc biệt trong bối cảnh quân đội Mỹ đang đẩy mạnh cạnh tranh chiến lược với Bắc Kinh trong cả lĩnh vực quân sự.
Tuy nhiên, trang The Drive cũng thừa nhận rằng điều này cũng không có nghĩa là nó có thể giải quyết được bí ẩn về chính xác những gì chúng ta đang thấy ở đây (sức mạnh thật sự của các tên lửa siêu thanh do Trung Quốc chế tạo và phô diễn).
Giống như Hoa Kỳ, Trung Quốc có một số chương trình vũ khí siêu thanh đang được tiến hành và đã thử nghiệm nhiều hình dạng phương tiện phóng có thể được sử dụng cho các ứng dụng vũ khí khác nhau.
Việc chế tạo tên lửa hành trình siêu thanh phóng từ trên không cũng là một điều chắc chắn. Vì vậy, đây có thể là một cấu hình hoàn toàn mới có tính năng của một phương tiện siêu thanh mới, mà bản thân các chuyên gia của The Drive cũng chưa biết một cách chắc chắn vào thời điểm này.
Cũng có khả năng đây là một tên lửa đạn đạo truyền thống sử dụng đầu đạn cơ động, giống như loại được tìm thấy trên các tên lửa đạn đạo DF-21D và DF-26, nhưng hình ảnh dường như chỉ ra khả năng dựa trên sự bố trí thiết kế mũi đặc biệt trên tên lửa.
Tuy nhiên, những thước phim và hình ảnh chất lượng tốt hơn trong tương lai có thể thay đổi dòng suy nghĩ đó.
Nếu Trung Quốc thực sự đã có tên lửa siêu thanh phóng từ trên không và có sức mạnh như một số chuyên gia quân sự đánh giá, sẽ là cơn ác mộng đối với nhiều quốc gia có thù địch hoặc thù địch tiền tàng với Trung Quốc bởi một loại vũ khí như vậy có thể được bắn xa từ hàng trăm đến hàng ngàn dặm, hoàn toàn có thể tấn công các căn cứ quân sự bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc ở khoảng cách lớn.
Đặc biệt, căn cứ không quân Andersen trên đảo Guam và đảo Wake của Hoa Kỳ cũng sẽ trở thành những mục tiêu tiềm năng. Theo báo cáo của The Drive, một loại vũ khí như vậy cũng có thể được sử dụng trên nhiều khu vực căn cứ khác đang được Mỹ bảo vệ ở cấp cao trên khắp bán cầu.
Vũ khí siêu thanh cũng đang được phát triển để chống lại vũ khí của đối thủ. Khả năng như vậy sẽ thể hiện rằng Trung Quốc đã đi trước Hoa Kỳ một bước về lĩnh vực này, điều vẫn còn đang gây tranh cãi.
Hiện tại, theo cổng thông tin The Drive, video này như một lời nhắc nhở rằng một cuộc chạy đua vũ trang siêu thanh là rất thực tế và phức tạp. Trong khi Hoa Kỳ có một số các chương trình siêu âm đang được phát triển và nhiều chương trình khác được phân loại, thì Trung Quốc cũng không đứng yên.
Ví dụ, một trong những vũ khí siêu thanh đầu tiên của Không quân Hoa Kỳ đã lộ diện khi gần đây máy bay ném bom B-52 đã tiến hành phóng thử tên lửa siêu thanh AGM-183 ARRW.
Quân đội Trung Quốc sẽ được hưởng lợi rất nhiều từ việc họ có có thể đặt bất kỳ mục tiêu của đối phương, những nơi nằm cách xa đất liền của nước này hàng ngàn dặm vào tầm tấn công hiệu quả.
Nếu video này được chủ động công bố, Trung Quốc có thể muốn chứng minh rằng họ đang tích cực cố gắng theo kịp những phát triển của Hoa Kỳ về lĩnh vực này.