Báo Mỹ muốn giải Nobel cho Salman Rushdie
Tờ The New Yorker mới đây đã đưa ra nhận định rằng Viện Hàn lâm Thụy Điển cần sớm ghi nhận những thành tựu văn chương của Salman Rushdie.
Năm 1901, Viện Hàn lâm Thụy Điển đã trao giải Nobel Văn chương lần đầu tiên cho Sully Prudhomme, một nhà thơ người Pháp không quá nổi bật lúc đương thời và đến ngày nay hầu như không còn mấy ai nhớ đến.
Tại buổi lễ trao giải ở Stockholm, Thư ký thường trực của Viện lúc bấy giờ là Carl David af Wirsén đã ca tụng “tính hướng nội” của Prudhomme, ông cho rằng phẩm tính ấy thật “giàu rung cảm và tinh tế”. Wirsén đã tiếp tục phát biểu thật chừng mực, chưa bao giờ tiết lộ rằng Viện Hàn lâm đã có cân nhắc nên trao giải cho Leo Tolstoy hoặc Émile Zola. Về sau mới có thông tin tiết lộ rằng Tolstoy trượt 16 lần đề cử liên tiếp vì những lý do thuộc về hệ tư tưởng.
Những sai lầm của giải Nobel Văn chương
Ngoại trừ huy chương vàng dành cho bộ môn điền kinh chạy trăm mét, bất kỳ giải thưởng nào cũng đều không hoàn toàn khách quan, khiến người nhận giải bị nghi ngờ ít nhiều. Năm 1942, bộ phim Citizen Kane (Công dân Kane) đã trượt mất giải Oscar Phim hay nhất, để giải thưởng này thuộc về phim How Green Was My Valley (Thung lũng xanh thẳm).
Ngay cả những giám khảo thông tuệ nhất cũng có thể mắc sai lầm. Tuy nhiên, có lẽ Viện Hàn lâm Thụy Điển đã quá lạm dụng đặc quyền được phép sai. Rốt cuộc, Prudhomme đã gia nhập vào hàng ngũ nhóm người được trao giải Nobel văn chương còn nằm trong vòng hoài nghi cùng những cái tên khác như Rudolf Eucken, Paul Heyse, Władysław Reymont, Erik Axel Karlfeldt, Verner von Heidenstam, Pearl S. Buck, và Dario Fo.
Còn danh sách những người không được giải Nobel gồm có Joyce, Proust, Chekhov, Musil, Wharton, Woolf, Kafka, Brecht, Borges, Akhmatova, Rilke, Orwell, Lorca, Twain, Baldwin, Achebe, Murakami Haruki và nhiều khuôn mặt khác nữa.
Bất kể những sai lầm trong quá khứ, giải Nobel vẫn là niềm khao khát của rất nhiều người. Những tác giả đang vô vọng chờ đợi một cuộc gọi từ Stockholm sẽ rất rầu rĩ khi không được xướng tên. Khi Bob Dylan thắng giải Nobel năm 2016, Philip Roth nói với bạn bè rằng ông cảm thấy thật buồn cười, ông đùa thêm là chắc giải Nobel năm sau sẽ trao cho Peter, Paul và Mary.
Tháng 10 năm nay, Viện Hàn lâm Thụy Điển sẽ có cơ hội để gỡ gạc lại quá khứ khi bỏ qua những tác giả kiệt xuất, đồng thời sửa chữa sai lầm cho những do dự đáng tiếc để dũng cảm đứng dậy, vinh danh những giá trị của người thắng giải.
Rushdie xứng được giải Nobel trong tư cách nhà văn
Vào giữa những năm 1980, kiệt tác Những đứa con của nửa đêm và Shame (Ô nhục) của Salman Rushdie đã được dịch sang tiếng Ba Tư, tạo ra làn sóng hâm mộ ở Iran vì tinh thần chống chủ nghĩa đế quốc. Mọi thứ thay đổi vào ngày 14/2/1989 khi nhà lãnh đạo Ruhollah Khomeini cho rằng The Satanic Verses (Những vần thơ của quỷ Satan) là một tiểu thuyết báng bổ mà ông chẳng muốn đọc, và ban lệnh truy nã tử hình nhà văn. Sắc lệnh của Khomeini đã làm dấy lên những cuộc biểu tình, phong trào đốt sách chống lại Rushdie từ Karachi đến London.
Rushdie có lẽ không thể ngờ tác phẩm của ông sẽ tạo ra phản ứng dư luận như thế, ông đã phải chịu cảnh lẩn trốn và được bảo vệ nghiêm ngặt trong suốt 10 năm sau đó. Giới văn chương không nghiêng hẳn về phía bảo vệ ông. Roald Dahl, John Berger, và John le Carré là một trong số những người viết đánh giá rằng có lẽ Rushdie đã không đủ tỉnh táo để lưu tâm đến sự nhạy cảm của giới tăng lữ ở Tehran.
Tuy nhiên, ở thời điểm đó, Viện Hàn lâm Thụy Điển còn có cách cư xử thiếu dũng cảm hơn khi từ chối đưa ra phát ngôn ủng hộ Rushdie. Phải mất đến 27 năm, khi đã có quá nhiều hiệu sách ở Mỹ và châu Âu chìm trong biển lửa, cộng thêm việc dịch giả Nhật ngữ của Rushdie bị ám sát, Viện Hàn lâm mới chịu lên tiếng rằng lệnh fatwa truy nã tử hình là “vi phạm nghiêm trọng đến quyền tự do ngôn luận”.
Về phần Rushdie, ông đã có cách đối diện vấn đề. Trong một bài tiểu luận gần đây, ông viết: “Tôi đã không chủ tâm chọn lựa cuộc chiến này, nhưng ít nhất thì đây cũng là cuộc chiến chính nghĩa, bởi vì mọi thứ tôi yêu mến và quý trọng (văn chương, tự do, sự bất tôn ti trật tự, tự do, phi tôn giáo, tự do) ở trong cuộc chiến chống lại mọi thứ tôi căm ghét (cuồng tín, bạo lực, niềm tin mù quáng, sự thiếu hài hước, chủ nghĩa vật chất, và những hành vi trái phép mới của thời đại)".
Dù phải trải qua nhiều khó khăn, Rushdie chưa bao giờ ngừng viết, sau một thời gian dài sống kiếp ẩn dật, ông đã quay trở lại để dạy học, thuyết giảng, tận hưởng thú vui cuộc đời. Ông dám đến những buổi tiệc, buổi hòa nhạc, những trận đấu bóng...
Ông chẳng màng quan tâm. Ông cứ kiên định sống đời mình, ông thậm chí còn tham gia vào một tập của phim truyền hình sitcom Curb Your Enthusiasm (Đừng quá nhiệt tình).
Rushdie đã 75 tuổi. Mặc dù nhà lãnh đạo tối cao của Iran đã ban lại lệnh truy nã tử hình cho Rushdie vào năm 2017, sắc lệnh này dường như đã mất đi hiệu lực. Rushdie hầu như không bao giờ có vệ sĩ đi kèm khi ông xuất hiện trước công chúng.
Ngày 12/8 vừa qua, khi Rushdie đang diễn thuyết ở Học viện Chautauqua phía Tây New York, một người đàn ông đã nhảy lên sân khấu và đâm ông nhiều nhát dao. Rushdie bị thương nghiêm trọng. Người đại diện của Rushdie là Andrew Wylie đã phát biểu rằng những thương tích của nhà văn cần thời gian dài để phục hồi.
Bản thân Rushdie với tư cách là một nhà văn cũng đã quá đủ xứng đáng để trao giải Nobel. Vụ việc vừa xảy ra chỉ mang tính tô đậm thêm vai trò của ông khi là một người chiến đấu kiên cường cho tự do và biểu tượng của tinh thần bất khuất.
Không một hành động nào có thể đảo ngược lại làn sóng phản dân chủ đang nhấn chìm phần lớn thế giới. Tuy nhiên, sau rất nhiều lựa chọn gây hoang mang, Viện Hàn lâm Thụy Điển nay lại có cơ hội đáp trả lại bản án tử bằng giải thưởng cao quý nhất. Rushdie đã cho thấy rằng quyền tự do ngôn luận không bao giờ có thể đạt được dễ dàng, nhưng giải thưởng là một cái giá xứng đáng cho công cuộc này.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/bao-my-muon-giai-nobel-cho-salman-rushdie-post1351456.html