Báo Mỹ: Ông Zelensky theo đuổi kế hoạch bí mật để độc tôn quyền lực

Tạp chí The American Conservative của Mỹ cho rằng, Tổng thống Ukraine Zelensky đang theo đuổi kế hoạch bí mật và các hạn chế quyền tự do dân sự ngày càng hà khắc nhằm củng cố quyền lực của ông.

Viết trên tạp chí The American Conservative, tác giả Ted Snider, nhà nghiên cứu chính trị quốc tế nhắc lại, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố: "Cuộc chiến ở Ukraine nói chung là cuộc chiến vì các giá trị: sự sống, dân chủ, tự do". Ông kêu gọi sự ủng hộ của thế giới bằng cách nói rằng, trong cuộc chiến chống lại Nga, Ukraine đang "bảo vệ thế giới" bằng cách "đấu tranh vì dân chủ".

Nhưng theo Ted Snider, kể từ khi được bầu, Zelensky đã ban hành một số động thái có vẻ phản dân chủ. Những động thái này được coi là sự thỏa hiệp cần thiết để chống lại Nga. Tuy nhiên, việc xem xét kỹ hơn cho thấy rằng những động thái phản dân chủ này hầu như không giúp ích gì cho việc bảo vệ Ukraine trước Nga. Và điều đó đặt ra câu hỏi liệu chúng có phản dân chủ không, liệu mục đích thực sự của các động thái này có phải là thiết lập một Ukraine độc nhất về văn hóa, thanh lọc văn hóa Nga và thiết lập quyền lực cho Zelensky ở Ukraine đó hay không.

Snider nhắc lại, nhiệm kỳ của Zelensky kết thúc vào ngày 20/5/024. Bầu cử bị cấm theo luật Ukraine trong thời gian thiết quân luật. Mặc dù Zelensky đã bóng gió trước đó rằng các cuộc bầu cử có thể được tổ chức trong thời gian chiến tranh, nhưng ông đã loại trừ khả năng làm như vậy.

Đúng là trong hoàn cảnh đó, các cuộc bầu cử sẽ là một thách thức và nhiều người Ukraine không ủng hộ việc tổ chức chúng trong thời gian chiến tranh.

Nhưng có thể có những thách thức nghiêm trọng hơn đối với nền dân chủ ở Ukraine, nơi một số người cho rằng, dù nhiệm kỳ tiếp tục nắm quyền của Zelensky có hợp pháp hay không thì ông ngày càng nắm giữ quyền lực duy nhất. Cựu Bộ trưởng Bộ Nội vụ và cựu Tổng công tố Ukraine, Yury Lutsenko nói với tờ Die Welt của Đức rằng, ở một Ukraine được cho là dân chủ, "Zelensky cai trị với tư cách là một nhà độc tài ra quyết định duy nhất", người "đưa ra quyết định một mình".

Tác giả cũng cho biết, tháng 3/2022, ông Zelensky đã ký luật chính thức cấm 11 đảng chính trị đối lập, bao gồm cả đảng Cương lĩnh đối lập vì sự sống từng là đảng lớn thứ hai trong quốc hội Ukraine, nắm giữ 10% số ghế. Ba trong số các đảng bị cấm đã tham gia cuộc bầu cử năm 2019 và tổng cộng đã giành được 18,3% số phiếu bầu.

Việc cấm các đảng được biện minh là do họ có "mối liên hệ với Nga". Nhưng trong cuốn sách mới của nhà xã hội học Volodymyr Ishchenko thuộc Đại học Freie ở Berlin có tựa đề "Hướng tới vực thẳm: Ukraine từ Maidan đến chiến tranh", Ishchenko chỉ ra rằng "hầu như mọi nhà lãnh đạo và nhà tài trợ của các đảng này có bất kỳ ảnh hưởng thực sự nào ở Ukraine đều lên án cuộc chiến của Nga và những người như vậy hiện đang góp phần bảo vệ Ukraine".

Việc cấm các đảng đối lập không phải là một sự thỏa hiệp cần thiết nhằm giải quyết các nhu cầu an ninh trước mắt của Ukraine. Lệnh cấm đã loại bỏ các đảng đại diện cho quyền văn hóa của người dân tộc Nga ở phía đông Ukraine và đứng ra phản đối một Ukraine độc nhất về văn hóa. Đó là lệnh cấm nhằm loại bỏ sự phản đối Zelensky và giúp củng cố quyền lực của ông.

Ishchenko cũng cho rằng việc cấm các đảng đối lập "là Zelenskyi nhắm vào lãnh đạo của một đảng đối thủ đang nhanh chóng nổi tiếng". Những câu hỏi tương tự có thể được đặt ra khi Tổng thống Ukraine "trục xuất" tới London đối thủ tiềm năng gần đây nhất của ông - cựu Tổng tư lệnh Lực lượng vũ trang Ukraine Valerii Zaluzhny, đưa ông này khỏi chức vụ quân sự và làm đại sứ Ukraine tại Anh.

Ngoài ra, theo tờ New York Times ngày 18/6, "các nhà báo và các nhóm giám sát quyền tự do báo chí đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về những gì họ nói là đang gia tăng các hạn chế và áp lực đối với giới truyền thông ở Ukraine dưới thời chính phủ của Tổng thống Volodymyr Zelensky". Giống như những hạn chế đối với các đảng phái chính trị, họ nói rằng những hạn chế đối với quyền tự do báo chí "vượt quá nhu cầu thời chiến của đất nước".

Sự kiểm soát của chính phủ trong thời chiến đối với các phương tiện truyền thông dường như ít liên quan đến an ninh mà thiên về "cắt giảm việc đưa tin tích cực về phe đối lập và ngăn chặn việc đưa tin tiêu cực về chính phủ và quân đội".

Lutsenko, cựu Bộ trưởng Bộ Nội vụ và cựu Tổng công tố Ukraine nói trên, đồng ý với đánh giá này và nói với Die Welt rằng "quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí bị hạn chế rất nghiêm trọng". Ông nói rằng việc kiểm duyệt được áp dụng không chỉ đối với các vấn đề quốc phòng và an ninh mà còn đối với "các cuộc tranh luận chính trị… Nhiều tiếng nói đơn giản là không được phép nghe trên màn hình tivi".

Tháng 3/2023, luật truyền thông mới đã mở rộng quyền kiểm duyệt của nhà nước đối với các phương tiện truyền thông in ấn và trực tuyến, đồng thời trao cho nhà nước quyền xem xét nội dung của tất cả các phương tiện truyền thông Ukraina, cấm nội dung mà nhà nước cho là mối đe dọa đối với quốc gia và ban hành các chỉ thị bắt buộc đối với giới truyền thông.

Tác giả Ted Snider đặt câu hỏi trên The American Conservative: Mặc dù cả việc cấm các đảng đối lập và trên các phương tiện truyền thông đều được coi là những hạn chế đối với các phần tử thân Nga do chiến tranh tạo ra, nhưng dường như cả hai đều không mang lại lợi ích an ninh. Cả hai dường như đều có lợi trong việc loại bỏ sự phản đối ông Zelensky. Nhận thức này đặt ra câu hỏi, hơn cả việc hoãn bầu cử, là liệu Zelensky có đang thông qua các biện pháp làm suy yếu nền dân chủ và củng cố quyền lực dưới hình thức ngụy trang các biện pháp an ninh cần thiết do chiến tranh hay không.

Theo V.N/Dân Việt

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/quan-su/bao-my-ong-zelensky-theo-duoi-ke-hoach-bi-mat-de-doc-ton-quyen-luc-2010824.html