Báo Mỹ phân tích lý do cuộc phản công của Ukraine 'diễn ra chậm chạp'
Tờ Wall Street Journal (WSJ) của Mỹ đã tìm cách trả lời câu hỏi được đặt ra hàng ngày ở cả Ukraine và phương Tây: Tại sao cuộc phản công lại diễn ra quá chậm?
Báo Pravda (Ukraine) ngày 10/7 dẫn bình luận của tờ WSJ giải thích rằng quân đội Nga đã có nhiều tháng để xây dựng công sự và thiết lập hệ thống phòng thủ kiên cố, bao gồm cả boongke, đó là lý do tại sao cuộc phản công của Ukraine diễn ra chậm chạp.
WSJ chỉ ra rằng vào năm ngoái, nhờ áp dụng kỹ chiến thuật linh hoạt, quân đội Ukraine đã giành được ưu thế trước các lực lượng Nga, mặc dù thiếu nhân lực, vũ khí và không được hỗ trợ đầy đủ.
"Với năng lực chỉ huy, lợi thế nắm rõ về địa hình và sử dụng hiệu quả máy bay không người lái cũng như công nghệ kỹ thuật số, các đơn vị Ukraine đã đẩy lùi lực lượng Nga lớn hơn nhiều và ban đầu được trang bị tốt hơn. Nhưng bây giờ, tất cả đã kết thúc", WSJ nêu rõ.
WSJ dẫn lời Michael O'Hanlon, chuyên gia an ninh tại Viện Brookings ở Washington nhận định, các lực lượng Nga có ưu thế hơn ở vị trí phòng thủ.
"Ukraine hiện đang tìm cách đánh bật lực lượng phòng thủ, một trong những hoạt động khó khăn nhất mà bất kỳ quân đội nào phải đối mặt. Quân đội Nga đã dành nhiều tháng để xây dựng hệ thống phòng thủ gồm boongke, bẫy xe tăng và bãi mìn", tờ WSJ viết.
Theo WSJ, trong giai đoạn này của cuộc xung đột, tình trạng thiếu nguồn lực của Ukraine đang là một thách thức. Bất chấp việc chuyển giao vũ khí mới của phương Tây trong những tháng gần đây - và cam kết gần đây nhất của Mỹ sẽ gửi bom chùm trong tương lai - nỗ lực của Kiev nhằm tiến về phía Nam qua vùng lãnh thổ do Nga kiểm soát tới Biển Azov đã bị đình trệ.
Mặc dù các quan chức Ukraine nói rằng họ đang đạt được tiến bộ và đã giành lại được một số ngôi làng ở vùng Zaporizhzhia và Donetsk trong tháng qua, nhưng họ cũng thừa nhận những thách thức lớn khi thực nhiệm vụ.
Các binh sĩ Ukraine cho biết quân đội Nga ở Zaporizhzhia Oblast đã xây dựng chiến hào quanh co, dài hàng km, liên kết với nhau, một số được gia cố bằng bê tông hoặc ngụy trang để máy bay không người lái khó phát hiện.
Một binh sĩ Ukraine giải thích rằng để chiếm được các vị trí của Nga, trước tiên khu vực này phải được tấn công phủ đầu bằng hỏa lực pháo binh, sau đó bộ binh phải tiến lên cùng xe bọc thép để giao chiến. Tuy nhiên, việc thiếu xe tăng và các phương tiện bọc thép khác khiến chiến lược này khó thực hiện.
Tờ WSJ cho biết, tấn công các lực lượng đang phòng ngự là một thách thức khó khăn ngay cả đối với những đội quân hùng mạnh nhất trên thế giới. Trong quá khứ, quân Đồng minh đã mất 2 tháng để phá vỡ các công sự phòng ngự của quân Đức khi đổ bộ lên bờ biển Normandy trong Thế chiến thứ hai.
Vào năm 1991, trước khi lực lượng trên bộ của liên minh do Mỹ đứng đầu tiến công trong Chiến dịch Bão táp Sa mạc, Mỹ đã tiến hành một chiến dịch không kích kéo dài 5 tuần nhằm làm suy yếu các cứ điểm của quân đội Iraq, theo WSJ.
Tuy nhiên, Ukraine hiện thiếu hỏa lực và ưu thế trên không như Mỹ và các đối tác của họ đã có trong các cuộc giao tranh đó. Lực lượng không quân của Ukraine chỉ gồm một số lượng nhỏ máy bay chiến đấu và máy bay trực thăng thời Liên Xô, một số được cung cấp bởi các nước Đông Âu hiện thuộc NATO.
Trong khi đó, Nga đang triển khai các máy bay chiến đấu tiên tiến Sukhoi và trực thăng Ka-52 trên khắp mặt trận phía Nam.
Ba Lan gần đây đã gửi cho Kiev khoảng một chục trực thăng vũ trang Mi-24 do Liên Xô thiết kế, theo những người quen thuộc với vấn đề này, trong một đợt chuyển giao chưa được tiết lộ trước đây. Nhưng phi đội của Ukraine vẫn còn nhỏ so với của Nga, với các hệ thống phòng thủ và nhắm mục tiêu kém tinh vi hơn. Kiev cũng sử dụng lực lượng này “một cách tiết kiệm” để tránh thiệt hại về máy bay.
Về phần mình, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg thừa nhận: “Ukraine đã đạt được nhiều tiến bộ, nhưng họ phải đối mặt với giao tranh ác liệt, địa hình hiểm trở và các tuyến phòng thủ được tổ chức chặt chẽ của Nga”.
Trong khi đó, các chỉ huy và binh sĩ Ukraine đang nỗ lực chọc thủng tuyến phòng thủ của Nga cũng nói rằng họ đang đối mặt với những bãi mìn, chướng ngại vật và quân đội được trang bị tốt của Nga.