Báo Mỹ: Thái độ của ông Trump với Ukraine hình thành sau một lần gặp ông Putin?
Cuộc gặp đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin vào năm 2017 được cho là đã định hình cách tiếp cận của ông Trump với Ukraine cho đến nay, báo Mỹ New York Times (NYT) nhận định.
Ông Trump bắt tay ông Putin trong cuộc gặp vào năm 2017. Ảnh: NYT.
Cuộc gặp Trump - Putin đầu tiên
Ngày 7/7/2017, sau khi Trump và Putin kết thúc cuộc gặp trực tiếp đầu tiên tại Hamburg (Đức), Ngoại trưởng Mỹ khi đó là Rex W. Tillerson bước ra khỏi phòng hội nghị và chia sẻ với các cố vấn một cách lo lắng. Ông Tillerson rút ghi chú ra từ túi áo và tóm tắt: "Chúng ta cần làm việc để thay đổi quan điểm của Tổng thống (Trump) về Ukraine”.
Theo NYT, ông Putin với phong cách thường thấy, đã khéo léo dẫn dắt cuộc trò chuyện theo hướng có lợi cho Nga. Ông Putin chỉ trích Ukraine - quốc gia từng là một phần của Liên Xô và có tham vọng gia nhập Liên minh châu Âu và NATO.
Ông Putin nói Ukraine là "một quốc gia tham nhũng và giả tạo”, nhấn mạnh rằng Nga có mọi quyền lực để gây ảnh hưởng đối với Ukraine.
Trong cuộc trò chuyện, ông Trump nói với ông Putin rằng Mỹ đang cân nhắc cung cấp vũ khí cho Ukraine. Ông Trump hỏi ông Putin: "Ông nghĩ thế nào về điều này?"
Ông Putin đáp lại rằng đó sẽ là "một sai lầm”. Tổng thống Nga nói dù Mỹ cung cấp gì cho Ukraine thì Kiev cũng sẽ càng yêu cầu nhiều hơn.
Ông Trump đã được các cố vấn chuẩn bị sẵn các luận điểm cứng rắn để chất vấn ông Putin nhưng trong cuộc gặp, ông Trump đã không phản bác những luận điểm của ông Putin, ba quan chức có mặt tại hội nghị cho biết, theo NYT.
Tác động lâu dài của cuộc gặp Trump - Putin
Cuộc gặp tại Hamburg là sự khởi đầu dẫn đến sự thay đổi trong quan điểm của ông Trump về Ukraine, theo NYT. Ông Putin dường như đã thành công trong việc gợi cho ông Trump ý tưởng Ukraine không phải là một quốc gia muốn hợp tác với phương Tây. Ukraine có ảnh hưởng và mối quan hệ lịch sử lâu đời với Nga nhưng lại đang chìm trong tham nhũng.
Binh sĩ Ukraine chiến đấu ở vùng Donetsk vào tháng 9/2024. Ảnh: NYT.
Theo NYT, kể từ đó, ông Trump có quan điểm “tiêu cực” hơn khi nhắc đến Ukraine. Năm 2019, ông Trump có cuộc điện đàm với ông Zelensky – người khi đó mới đắc cử Tổng thống Ukraine.
Trong cuộc điện đàm, ông Trump ám chỉ sự hỗ trợ quân sự của Mỹ dành cho Ukraine phụ thuộc vào việc ông Zelensky có điều tra việc làm ăn của gia đình ông Joe Biden ở Ukraine hay không.
Tháng 11/2019, ông Zelensky bác bỏ thông tin Ukraine sẽ mở cuộc điều tra nhằm vào cha con ông Biden liên quan tới công ty Burisma của Ukraine.
"Tôi nghĩ người dân Ukraine đã quá mệt mỏi với vụ Burisma. Chúng tôi có quốc gia riêng, có sự độc lập riêng và cũng có những vấn đề riêng”, ông Zelensky nói.
Ukraine là vấn đề trọng tâm trong cuộc bầu cử Mỹ
Theo NYT, trong những tuần cuối trước khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024 diễn ra, sự hoài nghi của ông Trump về Ukraine lại trỗi dậy.
Phát biểu sau cuộc gặp ông Zelensky ở tòa tháp Trump vào ngày 27/9/2024, ông Trump nói ông có mối quan hệ tốt đẹp với ông Zelensky và cả ông Putin.
"Chúng tôi có mối quan hệ rất tốt (với ông Zelensky) và tôi cũng có mối quan hệ rất tốt với Tổng thống Putin", ông Trump nói khi ông Zelensky đứng bên cạnh. Ông Trump cam kết sẽ làm việc với đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ Mỹ để tìm lối thoát cho cuộc xung đột ở Ukraine nếu tái đắc cử.
Cuộc điện đàm đầu tiên giữa ông Trump và ông Putin vào tháng 1/2017. Ảnh: NYT.
Theo NYT, hiện chưa rõ nếu ông Trump tái đắc cử, Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ quân sự cho Ukraine hay sẽ cắt giảm. Nhưng ông Trump có xu hướng xây dựng chính sách đối ngoại ít can thiệp quân sự và sẵn sàng đàm phán với Nga.
Tại cuộc tranh luận gần đây, Trump đã né tránh câu hỏi liệu ông có muốn Ukraine giành chiến thắng trong cuộc xung đột với Nga hay không. Ông Trump bày tỏ sự không hài lòng khi ông Zelensky liên tục kêu gọi Mỹ hỗ trợ mạnh mẽ hơn.
“Tôi nghĩ ông Zelensky là thuyết khách vĩ đại nhất lịch sử. Mỗi lần ông ấy đến Mỹ, ông ấy ra về với 60 tỷ đô la”, ông Trump nói trong một cuộc vận động tranh cử.
Ông Trump cũng nhấn mạnh quan điểm Kiev ủng hộ đảng Dân chủ Mỹ. "Ông Zelensky rất muốn đảng Dân chủ chiến thắng trong cuộc bầu cử này”, ông Trump nói thêm.
Định hình hướng đi trong tương lai
Theo NYT, Nếu ông Trump trở lại Nhà Trắng, những quan điểm khác với đảng Dân chủ và sự hoài nghi về Ukraine có thể dẫn đến những thay đổi sâu sắc trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Những thay đổi này cũng có thể ảnh hưởng đến sự ổn định của châu Âu, tương lai của NATO và quan hệ Nga – Mỹ.
Cuộc gặp đầu tiên giữa Trump và Putin vào năm 2017 không chỉ đánh dấu bước ngoặt trong mối quan hệ giữa hai nhà lãnh đạo mà còn có khả năng định hình tương lai chính trị toàn cầu trong những năm tới, NYT kết luận.