Báo Mỹ: Triều Tiên có thể đảo ngược những tuyên bố mới nhất

Khả năng chính quyền Bình Nhưỡng sẽ vẫn giữ nguyên kho hạt nhân và tên lửa.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un

Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un

Việc ngừng thử nghiệm tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên sẽ ngăn chặn hiệu quả việc triển khai các thiết kế đầu đạn mới, hiệu quả hơn hoặc nhỏ gọn hơn của nước này. Tuy nhiên, thông báo của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cuối tuần qua cũng cho thấy, khả năng chính quyền Bình Nhưỡng sẽ giữ nguyên kho hạt nhân và tên lửa.

“Vũ điệu” ngoại giao Triều Tiên

Các nhà phân tích phương Tây bình luận trên tờ The Atlantic của Mỹ ngày 23/4 nhận định, Triều Tiên có chiến lược ngoại giao hoàn hảo khi ông Kim Jong-un đưa ra một thông báo đầy kịch tính vào sáng thứ bảy (21/4): Cam kết đơn phương giới hạn về vũ khí hạt nhân và các chương trình tên lửa.

Thế nhưng, ông Kim đã không nói gì về việc sản xuất nguyên liệu phân hạch của Triều Tiên, thứ mà Mỹ cho rằng vẫn đang được tiếp tục sản xuất với một tốc độ đáng sợ. Theo Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ, Triều Tiên có thể đủ nguyên liệu để sản xuất 12 đầu đạn vũ khí hạt nhân mỗi năm. Ông Kim cũng không đề cập đến tên lửa phóng từ tàu ngầm, tên lửa tầm ngắn hoặc tầm trung bắn từ đất, thứ có thể đe dọa các đồng minh của Mỹ trong khu vực (như Hàn Quốc, Nhật Bản).

Các chuyên gia cho rằng, Triều Tiên có thể phá vỡ các giới hạn riêng vừa mới công bố bằng cách phân loại lại các thử nghiệm tên lửa tầm xa bằng phương tiện phóng vệ tinh. Và ngay cả khi Bình Nhưỡng tuân theo các cam kết mà họ vừa đặt ra, nước này vẫn có thể sản xuất và thử nghiệm thêm nhiều đầu đạn và tên lửa khác nữa.

Hơn nữa, Triều Tiên có thể không tuân thủ và dễ dàng phá vỡ các cam kết ngay khi giới hạn này trở nên phiền phức. Bình Nhưỡng có thể đảo ngược bất kỳ cam kết nào của mình trong một thông báo ở một thời điểm cần thiết, giống như sự việc năm 2006 khi nước này phá vỡ lệnh cấm bắn tên lửa năm 1999.

Vì thế, giới quan sát cho rằng, chìa khóa cho Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc họp sắp tới với ông Kim Jong-un sẽ là chuyển từ những cam kết một phần của Triều Tiên thành một cam kết chắc chắn, không thể đảo ngược.

Để làm như vậy, các nhà đàm phán Mỹ sẽ phải hệ thống hóa và xác định rõ các giới hạn đề ra của ông Kim Jong-un trong cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều sắp tới. Điều này có nghĩa là cần lập tức áp đặt giới hạn cho tất cả các thử nghiệm tên lửa, bao gồm cả phương tiện phóng vệ tinh và các thử nghiệm động cơ cố định.

Đặt ra một được một giới hạn chắc chắn và cứng rắn sẽ giúp người Mỹ an toàn hơn, trong khi các cuộc đàm phán về một thỏa thuận toàn diện diễn ra.

Ngoài cam kết của ông Kim Jong - un về hạn chế thử nghiệm hạt nhân và phóng tên lửa, cam kết về việc hạn chế phát triển công nghệ hạt nhân có lẽ là hấp dẫn nhất. Nếu cam kết này có thể được xác minh, nó sẽ làm giảm bớt phần lớn các rủi ro về hành động quân sự và giải quyết một mối quan tâm lớn của Mỹ về chương trình vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Tuy nhiên, báo The Atlantic cho rằng, cam kết này khó có thể kiểm chứng vì Triều Tiên trước đó đã cho thấy họ sẵn sàng xuất khẩu thiết kế lò phản ứng và kiến thức chuyên môn về hạt nhân cho Syria.

Bình Nhưỡng sẽ phải công khai các thông tin nhạy cảm về địa điểm và mục đích của các cơ sở hạt nhân để các cơ quan tình báo Mỹ hoặc thanh tra quốc tế có thể thu hẹp tìm kiếm của họ hơn là kiểm tra toàn bộ hàng hóa xuất khẩu từ Triều Tiên. Và nếu Mỹ - Triều Tiên có thể đồng ý với những giới hạn như vậy, đây sẽ là một thành tựu lớn không chỉ cho hai nước mà cho cả nhân loại.

Ông Trump cũng muốn chắc thắng

Mặt khác, một nguồn tin từ Nhà Trắng tiết lộ rằng, Tổng thống Trump sẽ yêu cầu lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un dỡ bỏ kho vũ khí hạt nhân của đất nước và không nhượng bộ các biện pháp trừng phạt kinh tế.

Tờ Wall Street Journal dẫn lời quan chức cấp cao này: “Khi Tổng thống nói rằng, ông ấy sẽ không phạm sai lầm của quá khứ, điều đó có nghĩa là Mỹ sẽ không nhượng bộ, chẳng hạn như dỡ bỏ lệnh trừng phạt, cho đến khi Triều Tiên đã phá hủy tất cả các chương trình hạt nhân của nước này”.

Trong khi một đặc phái viên của Tổng thống Hàn Quốc nói rằng, Bình Nhưỡng sẵn sàng đàm phán phi hạt nhân tại cuộc gặp Trump - Kim dự kiến thì các quan chức Triều Tiên chưa hề có cam kết thực sự cụ thể nào về việc từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân của mình.

Xoay quanh vấn đề này, trên Twitter, chính Tổng thống Mỹ cũng nói sẽ không từ bỏ bất cứ điều gì trong các cuộc đàm phán với Triều Tiên để đối phó với những lời chỉ trích rằng Bình Nhưỡng đang nhận được từ các cuộc đàm phán nhiều hơn Washington.

Ông chủ Nhà Trắng cũng tiếp ngay sau đó một thông điệp lấp lửng rằng: “Chúng ta vẫn còn ở rất xa so với một kết luận về vấn đề Triều Tiên, có thể mọi thứ sẽ diễn ra như vậy và cũng có thể không, thời gian sẽ trả lời”.

Địa điểm nào cho cuộc gặp lịch sử Trump - Kim

Một số địa điểm đang được xem xét để chọn làm nơi tổ chức cuộc họp thượng đỉnh Trump - Kim. Tuy nhiên, giới phân tích đã cho thấy khả năng di chuyển hạn chế của lãnh đạo Triều Tiên trong lần xuất hiện lịch sử này.

Nhận định trên tờ SCMP, các chuyên gia cho rằng, Bình Nhưỡng khó có thể đưa ông Kim Jong - un vượt Thái Bình Dương hay tới thẳng châu Âu bởi vì các máy bay của Triều Tiên chủ yếu là từ thời Liên Xô (cũ), tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn và không được nhà lãnh đạo Triều Tiên ưa dùng.

Vì thế, để giữ hình ảnh, nếu ông Kim chịu rời khỏi bán đảo Triều Tiên để gặp đại diện từ Washington ở một quốc gia thứ ba thì chắc hẳn nhà lãnh đạo Triều Tiên sẽ không đi quá xa ngoài tầm bay của chiếc máy bay chở khách Antonov An-148 (do Ukraine sản xuất) hay chiếc Ilyushin IL-62, máy bay chở khách phản lực tầm xa do Liên Xô chế tạo.

Một số nhà phân tích còn nghi ngờ độ tin cậy của máy bay do thời gian sử dụng và ít được kiểm tra thường xuyên. Hiện tại, các chuyến bay của hãng hàng không Triều Tiên Air Koryo chỉ giới hạn ở các thành phố Trung Quốc và TP Vladivostok của Nga - chỉ cách Bình Nhưỡng hơn 645km.

Một số rủi ro đã xảy ra, cụ thể: Vào năm 2014, chiếc Il-62 gặp vấn đề về hệ thống cơ khí trong một chuyến bay đến Moscow. Năm 2016, một chiếc máy bay của Air Koryo buộc phải hạ cánh khẩn cấp tại Thẩm Dương, Trung Quốc vì gặp hỏa hoạn trên máy bay. Tiếp đó, năm 2017, chiếc Tupolev của hãng hàng không này phải hạ cánh khẩn cấp khi một bên cánh “rụng xuống” lúc rời sân bay.

Với những phân tích trên, nhiều chuyên gia ngờ rằng, ông Kim Jong-un sẽ không rời bán đảo, kể cả trong cuộc gặp sắp tới với Mỹ.

Thùy Dương

Thùy Dương

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/bao-my-trieu-tien-co-the-dao-nguoc-nhung-tuyen-bo-moi-nhat-d253398.html