Báo Nhật: Mỹ - Triều cùng có lợi khi tổ chức thượng đỉnh ở VN
Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố gặp lại nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tại Việt Nam là lựa chọn mang tính biểu tượng cao cho cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thông báo trong Thông điệp Liên bang về việc ông sẽ gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un lần thứ hai vào 27-28/2 này tại Việt Nam.
Ông Trump chưa tiết lộ địa điểm tổ chức các cuộc đàm phán tại Việt Nam. Tuy nhiên, theo Japan Times, thủ đô Hà Nội và thành phố du lịch ven biển Đà Nẵng là các ứng viên hàng đầu.
Vừa là biểu tượng, vừa là mô hình có thể học theo
Theo Japan Times, Việt Nam là lựa chọn không phải bàn cãi cho cuộc họp. Với vị trí khá gần Triều Tiên, ông Kim có thể tới đây mà không cần nghỉ giữa đường hay mượn máy bay để di chuyển được xa hơn. Việt Nam cũng là quốc gia trung lập có quan hệ ngoại giao với cả Mỹ và Triều Tiên.
Việt Nam có sự ổn định chính trị và bộ máy an ninh hiệu quả. "Quốc gia này cũng có kinh nghiệm trong việc tổ chức các hội nghị quốc tế, trong đó Đà Nẵng từng tổ chức Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) vào năm 2017 và phiên bản khu vực của Diễn đàn Kinh tế Thế giới vào năm ngoái", Japan Times nhận xét.
Theo các nhà phân tích, điều quan trọng nhất là Việt Nam đại diện cho mô hình tiềm năng mà Bình Nhưỡng có thể học theo, điều mà phía Mỹ có khả năng đã tính đến khi cân nhắc địa điểm này.
Vào giữa những năm 1980, Việt Nam bắt đầu chương trình cải cách kinh tế "Đổi Mới", biến đất nước từ quốc gia cựu thù với Mỹ thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất châu Á.
"Việt Nam rất thuận tiện về mặt hậu cần, khả thi về mặt ngoại giao và có ý nghĩa biểu tượng. Nơi này đủ gần với Triều Tiên, có cơ sở hạ tầng phát triển có thể hỗ trợ một hội nghị thượng đỉnh lớn.
Hai nước đều có quan hệ với Việt Nam và đó là ví dụ về quốc gia đã tiến hành cải cách kinh tế và bình thường hóa quan hệ với Mỹ sau chiến tranh", Mintaro Oba, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, người từng làm việc về các vấn đề của Triều Tiên, đánh giá.
Theo Jenny Town, chuyên gia về Triều Tiên tại Trung tâm Stimson ở Washington, Việt Nam thường được ca ngợi là mô hình tốt để Triều Tiên học theo và cũng là mô hình mà Triều Tiên đã nghiên cứu mặc dù Bình Nhưỡng vẫn đang tìm cách áp dụng vào "hoàn cảnh cụ thể của riêng mình".
Tuy nhiên, nếu Triều Tiên quan tâm, các quan chức Việt Nam và Mỹ sẵn sàng giúp đỡ.
Trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 12/2018, Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Yong Ho được cho là đã nghiên cứu về các cải cách Đổi Mới. Tháng 7/2018, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo từng đề xuất rằng Triều Tiên có thể tiếp bước Việt Nam.
"Phép màu này có thể là phép màu của các bạn", ông Pompeo nói với các lãnh đạo Triều Tiên.
Ba tuần trước thượng đỉnh lần hai
Ngoài việc tiết lộ nước chủ nhà, ông Trump còn sử dụng bài phát biểu của mình để nhắc lại lập trường rằng sự lãnh đạo của ông trong quá trình đàm phán đóng vai trò thiết yếu để tránh một cuộc xung đột tàn khốc.
"Nếu tôi không được bầu làm tổng thống Mỹ thì theo ý kiến của tôi, ngay bây giờ, chúng ta sẽ ở trong cuộc chiến lớn với Triều Tiên", ông nói.
Các nhà quan sát đang chờ đợi xem liệu hai bên có đạt được thỏa thuận khiến Triều Tiên cụ thể hóa việc dỡ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân một cách xác định được hay không khi Mỹ đưa ra những nhượng bộ.
Thông báo của ông Trump được đưa ra khi nhà đàm phán hàng đầu của Mỹ về Triều Tiên Stephen Biegun tới gặp người đồng cấp Triều Tiên vào ngày 6/2.
Tuần trước, ông Biegun hy vọng cuộc gặp với ông Kim Hyok Chol sẽ vạch ra "loạt thành quả cụ thể" cho cuộc gặp thượng đỉnh Trump - Kim.
Ông Trump và ông Kim Jong Un đã gặp nhau tại Singapore vào tháng 6 năm ngoái trong hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa tổng thống Mỹ đương nhiệm và nhà lãnh đạo Triều Tiên. Cuộc họp đã dẫn đến một cam kết mơ hồ hướng tới phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.
Các nhà quan sát cho biết Bình Nhưỡng vẫn chưa có bước đi cụ thể cho cam kết này và các cuộc đàm phán hạt nhân đã đi vào bế tắc sau hội nghị thượng đỉnh ở Singapore.
Triều Tiên khẳng định đã hành động để để phá dỡ và phá hủy một số cơ sở vũ khí hạt nhân trong khi phía Mỹ hầu như không làm gì để đáp lại. Bình Nhưỡng yêu cầu Mỹ nới lỏng các lệnh trừng phạt và chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953.
Trong bài phát biểu tuần trước, ông Biegun nói rằng Mỹ sẵn sàng theo đuổi các cam kết tại Singapore và thảo luận về "nhiều hành động" để cải thiện quan hệ và lôi kéo Bình Nhưỡng từ bỏ vũ khí hạt nhân.
Khi chỉ còn ba tuần trước hội nghị thượng đỉnh, hai bên sẽ phải chạy đua với thời gian.
"Ba tuần là khoảng thời gian khá gấp rút. Tuy nhiên, việc hội nghị thượng đỉnh này có tạo ra kết quả thực chất hay không phụ thuộc vào động lực và ý chí chính trị hơn là thời gian", ông Oba, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, nhận xét. "Nếu Mỹ và Triều Tiên duy trì lập trường đàm phán không thể hòa giải thì không có khoảng thời gian nào là đủ dài để thay đổi điều đó".