Báo Nhật: Thủ tướng Suga Yoshihide sẽ thúc đẩy hợp tác kinh tế với Việt Nam
Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide hy vọng sẽ thúc đẩy quan hệ kinh tế với Việt Nam thông qua tăng cường thương mại tự do, đa dạng hóa các chuỗi cung ứng và hợp tác an ninh quốc gia.
Tân Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Sẽ thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng
Nhật báo hơn 120 tuổi Japan Times đưa tin như vậy về nội dung chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide. Theo nhật báo này, Thủ tướng Suga Yoshihide sẽ có chuyến công du nước ngoài đầu tiên và thăm Việt Nam và Indonesia từ ngày 18/10. Đây sẽ là thử thách sức ép quan trọng tiếp theo đối với tân Thủ tướng, nhưng lần này trên chính trường thế giới.
Kể từ khi nhậm chức cách đây một tháng, Thủ tướng Yoshihide Suga luôn bận rộn với các cuộc trao đổi trực tuyến với các nhà lãnh đạo trên thế giới và các cuộc gặp trực tiếp với nhiều quan chức chính phủ cấp cao của nước ngoài. Đây là những nỗ lực cho thấy tân Thủ tướng Nhật Bản muốn gạt bỏ những lời chỉ trích rằng ông là người chưa có kinh nghiệm ngoại giao cũng như những hoài nghi về việc ông có tiếp tục kế thừa "di sản" của người tiền nhiệm, cựu Thủ tướng Abe Shinzo không.
Việc chọn hai quốc gia thành viên nổi bật trong ASEAN làm những điểm đến đầu tiên cho thấy tân Thủ tướng Nhật Bản đang thể hiện quyết tâm của Tokyo trong chính sách Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, rộng mở (FOIP), cũng như thúc đẩy hợp tác kinh tế và an ninh quốc gia với khu vực.
Mặc dù các quan chức chính phủ Nhật Bản khẳng định chuyến thăm của Thủ tướng Suga và mục tiêu chuyến thăm không nhằm đối phó với Trung Quốc, nhưng chuyến thăm sắp tới chắc chắn sẽ thu hút sự quan tâm chặt chẽ của hai nền kinh tế lớn thế giới là Mỹ và Trung Quốc.
Thế giới cũng muốn xem tân lãnh đạo Nội các Nhật Bản sẽ thể hiện tầm nhìn về ngoại giao ra sao ở ASEAN - một trong những chính trường quan trọng nhất thế giới.
"ASEAN nằm ở trung tâm khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và rất quan trọng để thực hiện chính sách Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, rộng mở", ông Suga nhấn mạnh tại cuộc họp lãnh đạo Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền hôm 13/10. "Tôi muốn thể hiện quyết tâm ở trong và ngoài nước rằng Nhật Bản sẽ đóng vai trò dẫn dắt trong đóng góp vào hòa bình và thịnh vượng của khu vực này", ông Suga nói thêm.
Dự kiến, Hà Nội là điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của tân Thủ tướng Nhật Bản. Tại đây, ông Suga sẽ gặp Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và tiếp theo là gặp Tổng thống Joko Widodo tại Jakarta, trước khi về nước vào ngày 21/10.
Trước đó, Thủ tướng Nhật Bản đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Joko Widodo hồi đầu tuần để thiết lập nền tảng cho chuyến thăm.
Trong chuyến thăm sắp tới, Thủ tướng Nhật Bản dự kiến sẽ tái khẳng định cam kết chính sách Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, rộng mở và thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng tại Việt Nam và Indonesia.
Thăm Việt Nam lần này, ông Suga hy vọng sẽ tăng cường quan hệ kinh tế hai nước thông qua thúc đẩy thương mại tự do, đa dạng hóa các chuỗi cung ứng và hợp tác an ninh quốc gia. Tại Việt Nam, tân Thủ tướng Nhật Bản dự kiến sẽ có bài phát biểu về chính sách đối ngoại của mình ở châu Á.
Theo Japan Times, trong chuyến thăm Indonesia, Thủ tướng Nhật Bản mong muốn khẳng định nỗ lực kích hoạt lại hợp tác trao đổi nhân lực giữa hai quốc gia, một nội dung hợp tác bị trì hoãn thời gian qua do đại dịch Covid-19. Người đứng đầu Nội các Nhật Bản cũng mong muốn thúc đẩy thảo luận về xuất khẩu thiết bị quốc phòng sang Indonesia và sớm tổ chức cuộc họp song phương thứ hai giữa Bộ trưởng Quốc phòng và Bộ trưởng Ngoại giao của cả hai nước. Indonesia là quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á mà Nhật Bản có cơ chế đối thoại "hai cộng hai" về các vấn đề quốc phòng và quốc tế.
Nhiều kỳ vọng được đặt vào chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Thủ tướng Nhật Bản bởi chuyến thăm Đông Nam Á của ông Suga diễn ra trong thời điểm các nhà lãnh đạo trên thế giới đang dần nối lại các cuộc gặp trực tiếp bị tạm hoãn vì đại dịch.
Sẽ xét nghiệm PCR, tự cách ly khi về nước
Thủ tướng Suga sẽ trải qua xét nghiệm phản ứng chuỗi polymerase hay còn gọi là phản ứng khuếch đại gen (PCR) trước khi rời Nhật Bản lên đường thăm Việt Nam. Ông Suga sẽ đeo khẩu trang khi di chuyển giữa các điểm đến, nhưng có khả năng ông sẽ tháo khẩu trang tại các sự kiện chính thức của chuyến thăm. Thủ tướng Suga sẽ tự cách ly 14 ngày sau khi trở về Nhật Bản.
Đầu tháng này, Tokyo đã tổ chức Đối thoại an ninh Tứ giác kim cương (The Quad) với sự tham dự của các quan chức ngoại giao hàng đầu từ ba quốc gia còn lại là Ấn Độ, Australia và Mỹ.
Chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Suga được xem là thời điểm quan trọng để tân lãnh đạo Nhật Bản thể hiện khả năng ngoại giao của mình. Trước đó, giữa lúc ông Suga đang tăng tốc trong cuộc đua tranh "ghế" lãnh đạo Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền, một điều kiện tiên quyết để trở thành thủ tướng, nhiều nhà phê bình cho rằng thiếu kinh nghiệm ngoại giao là trở ngại của ông Suga, đồng thời bác bỏ lý lẽ rằng việc ông Suga ngồi cùng ông Abe trong các cuộc hội đàm từ xa với các nhà lãnh đạo thế giới cũng được xem là "chứng chỉ" về chính sách ngoại giao.
"Tôi đã tham gia vào tất cả các quyết định quan trọng về các vấn đề đối ngoại", ông Suga phản bác tại cuộc tranh luận vào ngày 12/9. "Tham dự cuộc họp ngoại giao từ xa có nghĩa là tôi đã được tham vấn trước về nội dung thảo luận hoặc chính sách mà chúng tôi sẽ đề xuất”, ông Suga nói thêm.
Thừa nhận ông sẽ không sánh được với người tiền nhiệm Abe Shinzo - người thường xuyên có các chuyến công du nước ngoài để làm sâu sắc thêm các mối quan hệ cá nhân, Thủ tướng Suga cho biết ông sẽ xây dựng "phong cách ngoại giao của riêng mình".
Chuyến công du nước ngoài đầu tiên là cơ hội vàng để tân Thủ tướng Nhật Bản thể hiện phong cách ngoại giao mà ông tâm đắc. Nhưng theo thượng nghị sĩ Nhật Bản Masahisa Sato, người phụ trách bộ phận đối ngoại của Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền, sẽ là vội vàng nếu kết luận về học thuyết ngoại giao của ông Suga thông qua chuyến thăm lần này.