Bao nhiêu giáo viên phổ thông có thể dạy liên tục 26-28 tiết/ tuần?
Liệu đề xuất này có phù hợp với quy định về chế độ làm việc của công chức, viên chức hiện nay và nếu thực hiện như vậy thì sẽ có bao nhiêu thầy cô kham nổi?
Sau bài viết Rất nhiều giáo viên phổ thông làm việc không đủ 8 giờ/ngày tại trường của tác giả Nhật Khoa được đăng tải trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 14/1/2021 thì đã có thêm một số bài viết khai thác thêm về chủ đề này trong những ngày qua.
Trong số đó, chúng tôi đặc biệt lưu tâm đến bài viết Bài viết của tác giả Nhật Khoa cần được nghiên cứu thấu đáo của tác giả Cao Nguyên vì bài viết này có thêm một đề xuất về số tiết dạy cho giáo viên phổ thông.
Đó là, tác giả Cao Nguyên đề xuất giáo viên sẽ dạy tăng thêm 9 tiết so với quy định hiện nay đối với giáo viên bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông.
Liệu đề xuất này có phù hợp với quy định về chế độ làm việc của công chức, viên chức hiện nay hay không và nếu thực hiện như vậy thì sẽ có bao nhiêu thầy cô kham nổi việc dạy liên tục suốt cả quãng đời đi dạy học?
Trong bài viết Bài viết của tác giả Nhật Khoa cần được nghiên cứu thấu đáo của tác giả Cao Nguyên đã đề xuất số tiết cho giáo viên dạy như sau:
“Theo ý kiến cá nhân người viết cần tăng tiết dạy cho giáo viên ở cả hai bậc học này thêm 9 tiết/tuần (tương đương 1 ngày công làm việc). Như thế giáo viên bậc trung học cơ sở sẽ dạy 28 tiết/tuần và giáo viên bậc trung học phổ thông dạy 26 tiết/tuần (kể cả kiêm nhiệm công tác chủ nhiệm).
Cụ thể, lúc này giáo viên làm việc khoảng 4 ngày/tuần – vẫn còn 2 ngày dành cho các hoạt động chuyên môn và bổ trợ chuyên môn là tương đối hợp lí.
Điều đáng nói là, thời gian làm việc của giáo viên tăng lên 1/3 nên mức lương phải được tăng theo sao cho hợp lí – có thể tăng lương gấp rưỡi (theo hệ số lương) trên tổng số tiết tăng (xem như làm việc tăng ca)”.
Tác giả Cao Nguyên cho biết: “Tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhìn chung giáo viên bậc phổ thông được sắp thời khóa biểu khá gọn gàng, khoa học, hợp lí nên thầy cô chỉ dạy (và làm công tác chủ nhiệm nếu có) khoảng 3 ngày/tuần là xong nhiệm vụ.
Đồng nghiệp của chúng tôi đa phần đều có thời gian thỉnh giảng ở các trường tư thục, trung tâm bồi dưỡng văn hóa hoặc làm thêm nghề “tay trái” khác nhưng cuối kì, cuối năm vẫn hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao”.
Bài viết của tác giả Nhật Khoa cần được nghiên cứu thấu đáo
Chúng tôi cho rằng việc đề xuất này có thể hợp với giáo viên ở Thành phố Hồ Chí Minh và những giáo viên trẻ như tác giả Cao Nguyên còn những tỉnh thành khác, những thầy cô đã qua cái tuổi 50 mà dạy 26-28 tiết/ tuần thì không thể nào kham nổi suốt cả năm học.
Hơn nữa, đề xuất này cũng rất khó khả thi trong tình hình thực tế hiện nay cho đội ngũ nhà giáo trên cả nước.
Thứ nhất: theo luật hiện hành, công chức, viên chức làm việc 5 ngày/tuần, mỗi ngày làm 8 giờ và mỗi tuần sẽ có 40 giờ làm việc tại công sở.
Đối với giáo viên là viên chức nhưng vì đặc thù của ngành giáo dục nên không làm việc hành chính là làm việc theo số tiết quy định/tuần.
Cụ thể, tại Điều 6 văn bản hợp nhất Số: 03/VBHN-BGDĐT hợp nhất Thông tư 28/2009/TT-BGDĐT và Thông tư 15/2017/TT-BGDĐT quy định về định mức tiết dạy của giáo viên như ở những trường, lớp học bình thường thì giáo viên tiểu học là 23 tiết, giáo viên trung học cơ sở là 19 tiết, giáo viên trung học phổ thông là 17 tiết.
Để xây dựng được số tiết như thế này, có lẽ lãnh đạo Bộ cũng đã kế thừa những văn bản trước đây và cũng đã tính toán, cân nhắc kĩ lưỡng về công việc trên cơ sở thực tế của đội ngũ nhà giáo đang công tác tại các nhà trường.
Thứ hai: có lẽ tác giả Cao Nguyên là giáo viên Trung học phổ thông mà lại làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh- nơi mà điều kiện kinh tế, xã hội phát triển nên chưa nắm được những đặc thù ở các tỉnh lẻ.
Học sinh cấp Trung học phổ thông ở Thành phố Hồ Chí Minh chắc không bỏ học như học sinh cấp trung học cơ sở ở những khu vực khó khăn như Tây Nguyên, Tây Bắc, Đồng bằng Sông Cửu Long.
Những thầy cô làm công tác chủ nhiệm ở Thành phố Hồ Chí Minh có lẽ cũng không phải vất vả phải vào trường 15 phút đầu giờ để quản lớp, để thu các khoản tiền đóng góp, học phí, tiền giấy kiểm tra rải rác suốt cả năm học…
Rất nhiều giáo viên phổ thông làm việc không đủ 8 giờ/ngày tại trường
Và, có lẽ tác giả cũng chưa bao giờ phải gặp trường hợp giáo viên đến vận động học sinh bỏ học bị phụ huynh không chịu gặp thầy vì họ không thích cho con đi học.
Thứ ba: với định mức như hiện nay nhưng thực tế công việc của người thầy còn có thêm nhiều công việc khác nữa mà không được quy định trong tiết dạy, đó là hội họp, tập huấn, tham gia ngoại khóa cùng học sinh, sinh hoạt chuyên môn, dự giờ đồng nghiệp theo quy định.
Vì vậy, giáo viên cũng gần như có mặt ở trường suốt tuần, nhất là dịp đầu năm, cuối học kỳ, cuối năm học và những dịp cao điểm như ngày Nhà giáo Việt Nam; Tết Nguyên đán; ngày thành lập Đoàn 26/3 để cùng học trò tập luyện văn nghệ, thể thao, làm báo tường.
Đó là chưa kể những thầy cô tham gia ôn thi học sinh giỏi, phụ đạo…cho học sinh.
Chính vì thế, việc tác giả Cao Nguyên đề xuất giáo viên Trung học cơ sở dạy 28 tiết, giáo viên trung học dạy 26 tiết rất khó khả thi.
Cho dù, tác giả chỉ ra khi áp dụng dạy 26-28 tiết thì “giáo viên làm việc khoảng 4 ngày/tuần – vẫn còn 2 ngày dành cho các hoạt động chuyên môn và bổ trợ chuyên môn”.
Nhưng, công chức, viên chức nhà nước đang làm việc 5 ngày thì lấy đâu ra “2 ngày” dư như tác giả nói.
Hơn nữa, mỗi ngày dạy 7 tiết liên tục như vậy có còn thời gian để thực hiện những hồ sơ sổ sách, họp hành như quy định hiện nay hay không? Liệu có còn thời gian để chấm bài, vào điểm, có thời gian để tham gia các hoạt động chính khóa, ngoại khóa như hiện nay không…?
Với quy định số tiết như hiện nay mà nếu nhà trường phân công “kịch trần” thì nhiều giáo viên đã còn thấy vất vả, mệt mỏi bởi nhiều lớp học bây giờ có nhiều em quậy phá, nói không nghe lời (nhất là học sinh cấp trung học cơ sở) thì phân công lên 28 tiết/ tuần làm sao giáo viên có thể dạy liên tục suốt đời đi dạy được?.
Bởi thực tế, số tiết dạy cũng chỉ chiếm một phần công việc trong rất nhiều công việc mà giáo viên đang phải đối mặt hàng ngày- nhất là những thầy cô đang giảng dạy ở những vùng, những trường khó khăn.
Tài liệu tham khảo:
https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/bai-viet-cua-tac-gia-nhat-khoa-can-duoc-nghien-cuu-thau-dao-post214963.gd