Trong số những quốc gia thuộc NATO sở hữu tiêm kích F-16, Bỉ là nước đầu tiên đặt mua loại chiến đấu cơ này từ Mỹ.
Bỉ đã đặt mua cùng lúc 116 chiến đấu cơ F-16 phiên bản A và B, chiếc đầu tiên trong lô hàng được chuyển tới Bỉ vào năm 1979. Tới năm 1991, Bỉ tiếp tục đặt mua 44 chiếc F-16 phiên bản cao cấp hơn.
Do là quốc gia đầu tiên nhập mua tiêm kích F-16 từ Mỹ, Bỉ đã được ưu ái làm nơi đặt nhà máy lắp ráp tiêm kích F-16, chuyên phục vụ cho thị trường châu Âu.
Khách hàng lớn nhất của nhà máy lắp ráp F-16 đặt tại Bỉ là Đan Mạch. Đơn hàng đặt mua F-16 đầu tiên của Đan Mạch được ký kết với Mỹ năm 1980 với số lượng tiêm kích F-16 được đặt mua là 58 chiếc.
Trong những năm sau đó, không quân Đan Mạch tiếp tục đặt mua thêm hai đơn hàng, nâng tổng số chiến đấu cơ của quốc gia này lên 62 chiếc tiêm kích F-16.
Một loạt các hợp đồng nâng cấp tiêm kích F-16 cũng được Đan Mạch ký kết sau này. Các chiến đấu cơ F-16 hiện tại đang phục vụ Đan Mạch, bao gồm phiên bản F-16AM và F-16BM.
Tiếp đến là Hà Lan, quốc gia này bắt đầu đặt mua chiến đấu cơ F-16 từ năm 1979, chiếc cuối cùng trong lô hàng bao gồm 102 chiếc này được chuyển tới Hà Lan vào năm 1992.
Một vài đơn hàng đặc biệt sau đó cũng được Hà Lan ký kết với Mỹ, nâng tổng quân số chiến đấu cơ F-16 trong biên chế nước này lên 111 chiếc.
Theo các báo cáo được tờ Aerotimes đăng tải, gần như toàn bộ đội tiêm kích F-16 của Hà Lan đã được nâng cấp giữa vòng đời theo chương trình MLU.
Cuối cùng là Na Uy, quốc gia này đặt mua một loạt chiến đấu cơ F-16 từ năm 1975 để thay thế cho đội tiêm kích F-104 quá tuổi và cực kỳ lắm tai tiếng của họ.
Trong giai đoạn từ năm 1980 tới năm 1984, Na Uy đã nhận được 72 chiến đấu cơ F-16 từ Mỹ. Toàn bộ các tiêm kích F-16 của Na Uy đều được nâng cấp giữa vòng đời theo chương trình MLU.
Tuy nhiên, từ đầu năm 2022 Na Uy đã tuyên bố sẽ cho đội bay F-16 nghỉ hưu dần, sẵn sàng thay thế chùng bằng các tiêm kích F-35 Lightning II trong thời gian tới.
Trần Trân (theo Aeroflight)