Bão Noru đang mạnh lên, mở rộng vùng rủi ro thiên tai cấp 4
Đến đầu giờ chiều nay (26/9), bão Noru đã mạnh lên cấp 13, giật cấp 15. Dự báo bão tiếp tục mạnh lên và duy trì cường độ khi áp sát đất liền nước ta. Thời gian bão quần thảo dữ dội nhất từ đêm 27 đến ngày 28/9. Vùng rủi ro thiên tai cấp 4 mở rộng ra Thừa Thiên Huế.
Cường độ rất mạnh khi áp sát đất liền
Vào 13h ngày 26/9, tâm bão trên vùng biển phía Đông khu vực Bắc và Giữa Biển Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 580km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13 (118-149km/giờ), giật cấp 15. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 230km tính từ tâm bão, bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 100km tính từ tâm bão.
Theo ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, bão Noru đang trong giai đoạn phát triển mạnh do gặp nhiều điều kiện thuận lợi như mặt biển ấm với nhiệt độ khoảng 31 độ và độ đứt gió nhỏ.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km có xu hướng mạnh thêm. Đến 13h ngày 27/9, tâm bão ngay trên khu vực phía Nam quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13-14 (134-166km/giờ), giật cấp 17. Đây là thời điểm bão đạt cường độ mạnh nhất.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20km, đi vào đất liền Trung Trung Bộ, sau đó đi qua Bắc Tây Nguyên, Lào rồi suy yếu thành vùng áp thấp tại Thái Lan.
Theo ông Mai Văn Khiêm, nhận định của các trung tâm trên thế giới cũng như Việt Nam cho thấy, bão sẽ duy trì cường độ rất mạnh khi áp sát đất liền nước ta. Thời gian bão quần thảo dữ dội nhất trên đất liền sẽ là đêm 27 và ngày 28/9. Tuy nhiên, do bão Noru có vùng mây rất rộng và lệch Tây nên bão sẽ ảnh hưởng sớm đến đất liền nước ta.
Vùng gió mạnh trải dài khắp miền Trung và Tây Nguyên
Nhận định về gió bão, ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo Thời tiết của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, từ sáng 27/9, vùng biển ngoài khơi khu vực từ Quảng Bình đến Ninh Thuận (bao gồm huyện đảo Cồn Cỏ, Cù Lao Chàm, Lý Sơn) có gió mạnh cấp 8-9, sau tăng lên cấp 10-11, vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-14, giật cấp 16, sóng biển cao 8-10m, biển động dữ dội.
Từ chiều tối và đêm 27/9 vùng biển ven bờ khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định sóng biển cao 3-5m, vùng gần tâm bão 6-8m.
Khu vực từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi cần đề phòng nước dâng do bão cao 1,0-1,5m gây ngập úng tại khu vực trũng, thấp ở ven biển, cửa sông. Toàn bộ tàu thuyền, khu nuôi trồng thủy sản và các hoạt động tại các vùng biển trên đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn, lốc xoáy và nước biển dâng do bão.
Trên đất liền từ đêm 27/9, khu vực ven biển từ Quảng Bình trở vào đến Phú Yên có gió mạnh cấp 6, sau tăng lên cấp 7-8, giật cấp 9-10.
Trong đó ven biển khu vực Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định là nơi chịu ảnh hưởng mạnh nhất của bão.
Từ đêm 27/9, khu vực này có gió mạnh cấp 9-10, vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13, giật cấp 14-15, các khu vực sâu hơn trong đất liền gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 12-13. Đây cũng là khu vực báo động rủi ro thiên tai cấp 4 do bão Noru (cấp rất lớn- chỉ sau cấp thảm họa).
Khu vực Kon Tum, Gia Lai từ sáng sớm ngày 28/9 có gió mạnh dần lên cấp 6, sau tăng lên cấp 7-8, có nơi cấp 9, giật cấp 11. Các tỉnh Quảng Trị, Phú Yên, Gia Lai và Kon Tum chịu rủi ro thiên tai cấp 3.
Mưa mở rộng cả đồng bằng Bắc Bộ
Do ảnh hưởng của bão Noru, từ ngày 27/9 đến ngày 28/9, khu vực Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum có mưa rất to với lượng mưa phổ biến 250-350mm/đợt, có nơi trên 400mm/đợt.
Khu vực Quảng Bình, Bình Định, Gia Lai có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 100-200mm/đợt, có nơi trên 300mm/đợt.
Từ ngày 28/9, mưa lớn có xu hướng mở rộng ra khu vực Bắc Trung Bộ và Nam Đồng Bằng Bắc Bộ.
Ông Mai Văn Khiêm lưu ý, do mưa cấp tập trong một thời gian ngắn, chủ yếu từ trong ngày 27 và 28/9 nên nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất và ngập úng.
Bão Noru hình thành từ một vùng áp thấp ngoài khơi Philippines, mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới trong ngày 22/9, tiếp tục mạnh lên thành bão vào ngày 23/9. Đây là một trong những cơn mạnh nhất trong vòng 20 năm trở lại đây ảnh hưởng đến Trung Trung Bộ (tương đương cơn bão số 6-Xangsane 9/2006; bão số 9-Ketsana 10/2009 và bão số 9-Molave 10/2020).