Bão qua... tình người ở lại
Bão số 4 đã đi qua nhưng người dân Quảng Nam vẫn còn đó những nỗi lo. Tuy bão không gây thiệt hại về người, song thiệt hại nhiều về tài sản, hoa màu... Thế nhưng từ trong mưa bão, hình ảnh cán bộ, chiến sĩ quân đội sát cánh cùng các lực lượng phòng chống, khắc phục hậu quả đã để lại những tình cảm sâu đậm trong lòng nhân dân.
Theo Ban chỉ đạo Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam thông tin, cơn bão số 4 sau khi đổ bộ vào đất liền đã gây nhiều thiệt hại về tài sản, hoa màu. Theo đó, có 52 người bị thương; 110 ngôi nhà bị sập trên 70%; 2.974 nhà bị hư hại, tốc mái; 131 phòng học bị tốc mái... Bão cũng làm hư hại hàng trăm ha lúa, hoa màu, hơn 2.000 con gia súc, gia cầm của người dân bị thiệt hại; hơn 1.000 ha rừng, 1.400 cây xanh ngã đổ sau bão; 5 ghe, tàu của ngư dân bị chìm, gần 1.000m bờ sông, biển sạt lở…
Là địa bàn nằm phía bắc của tỉnh Quảng Nam, huyện Duy Xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ bão Noru. Ông Nguyễn Thế Đức, Phó chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên cho biết, bão số 4 khiến 600 hộ dân/gần 2.300 nhân khẩu bị cô lập do nước lũ dâng cao, toàn huyện có 12 ngôi nhà ở xã Duy Vinh bị gió bão đánh sập và tốc mái hoàn toàn; 144 nhà dân bị tốc mái một phần; 30 phòng học ở các trường trên địa bàn huyện bị tốc mái, hư hỏng đồ dùng dạy học…
Do ảnh hưởng của bão số 4, nhiều tuyến đường trên địa bàn Tây Giang bị sạt lở nghiêm trọng, chia cắt giao thông. Tại tuyến đường DT 606 từ Bha lê lê đi A Tiêng và tuyến đường trên địa phận xã Lăng đi 4 xã vùng cao Chơ Chun, Gary, A Xan và Trhy bị cô lập hoàn toàn, nhiều nhà dân bị sập. Những số liệu nêu trên chưa phải là quá lớn, song đó cũng để lại nỗi khó khăn cho các địa phương trong thời gian tới, nhất là thời điểm khu vực miền Trung thường hứng chịu những trận mưa bão…
Thiên tai là tàn khốc, là mất mát, song từ trong gian khổ, tinh thần “cứu dân là mệnh lệnh trái tim”, “lo cho dân như lo cho mình” của cán bộ, chiến sĩ quân đội và các lực lượng trên địa bàn đối với người dân vùng lũ càng rõ nét. Bão qua... tình quân dân thêm nồng ấm.
Những ngày qua, Ban CHQS huyện Duy Xuyên huy động hơn 200 cán bộ, chiến sĩ và dân quân lao động giúp dân lợp lại mái nhà, sửa sang các phòng học, dọn vệ sinh môi trường... Với tinh thần “lo cho dân như lo cho mình”, trong hai ngày qua, Ban CHQS huyện Tây Giang huy động gần 400 cán bộ, chiến sĩ, dân quân do Trung tá Lê Huy Đông, Chính trị viên Ban CHQS huyện trực tiếp chỉ huy phối hợp cùng các lực lượng tích cực chặt cây đổ, dọn đường, thông tuyến; giúp dân khắc phục nhà sập, tốc mái.
Đến thôn Arooi xã Gari, chúng tôi thấy hơn 20 chiến sĩ dân quân do đồng chí Hối H Nhái, Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã Gary chỉ huy giúp gia đình ông Risah Kíu khắc phục hậu quả. Nhà ông Risah Kíu (dân tộc Cơ Tu) bão đến chỉ kịp dắt theo vợ và hai con nhỏ thoát thân, còn ngôi nhà bị đất đá trên núi sạt lở tràn vào khiến đồ dùng, vật dụng hư hỏng hết.
Bên ngôi nhà đang được dân quân nạo vét bùn đất, ông Risah Kíu cảm động nói: “Vợ chồng tui thường xuyên đau ốm, sức khỏe yếu, may có các chú bộ đội, dân quân giúp sức, nếu không thì nguy!".
Sát cánh cùng với Ban CHQS huyện, cán bộ, chiến sĩ biên phòng cũng “dốc sức” giúp dân. Trung tá Hoàng Thanh Hà, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Ga Ry cho biết: “Để kịp thời giúp dân khắc phục hậu quả sau bão, đơn vị đã huy động gần 100 cán bộ, chiến sĩ xuống địa bàn các xã giúp dân tháo dỡ nhà cửa bị hư hại và di chuyển tài sản từ vị trí trú tránh trở về nhà; tham gia khôi phục nhiều ngôi nhà bị hư hỏng do ngã đổ, tốc mái, bùn đất tràn vào vùi lấp".
Chiều 2-10, trao đổi với chúng tôi, Đại tá Hoàng Văn Mẫn, Chính ủy Bộ đội Biên phòng Quảng Nam cung cấp thông tin: “Hiện nay, toàn bộ lực lượng của Bộ đội Biên phòng Quảng Nam thường trực 100% để tập trung ưu tiên giúp dân khắc phục hậu quả. Sau khi bão tan, tất cả đơn vị tăng cường lực lượng xuống các địa bàn ven biển, khu vực sạt lở ở các xã miền núi để hỗ trợ, giúp dân khắc phục thiệt hại do bão gây ra, giúp người dân sớm ổn định cuộc sống".