Báo Quân đội nhân dân đoạt 4 giải thưởng Giải Báo chí quốc gia lần thứ XVII-2022
Báo cáo tổng kết hoạt động chấm Giải Báo chí quốc gia lần thứ XVII-2022 cho biết: Liên Chi hội nhà báo Báo Quân đội nhân dân là một trong số Liên Chi hội, cấp Hội lớn vẫn duy trì được chất lượng tác phẩm dự giải tốt. Minh chứng cho thành quả lao động của các nhà báo chiến sĩ đoạt 4 giải, gồm: 1 giải B, 2 giải C và 1 khuyến khích.
1. Giải B “Giải Xã luận, Bình luận, Chuyên luận (Báo in)” với loạt 5 bài “Hàng loạt “quan chức” hầu tòa: Lỗi cơ chế hay phẩm chất?” của nhóm tác giả Đoàn Xuân Bộ, Lê Ngọc Long, Nguyễn Hồng Hải, Cát Huy Quang, Nguyễn Anh Tuấn
Thiếu tướng Đoàn Xuân Bộ, Bí thư Đảng ủy, Tổng Biên tập Báo Quân đội nhân dân chia sẻ: Công cuộc phòng, chống tham nhũng của Đảng ta được các tầng lớp nhân dân ta ở mọi miền đất nước rất tin tưởng và ủng hộ. Tuy nhiên, cũng còn một vài ý kiến cho rằng lỗi của các quan chức hầu tòa là do cơ chế. Nếu cứ cơ chế thế này thì bất kỳ ai ngồi vào ghế đó cũng hầu tòa thôi, thậm chí còn lỗi nặng hơn. Người ta còn khuyên nhủ, dẫn dụ rằng: Như vậy quan chức đừng có làm gì cả. Ngồi thì khỏi mắc lỗi. Chúng tôi thấy điều này không đúng. Nhóm tác giả Báo Quân đội nhân dân đã thể hiện qua bài viết bằng 5 bài viết liên tục.
Trong 5 bài viết, chúng tôi không phủ nhận cơ chế, chính sách, luật pháp của chúng ta còn nhiều kẽ hở, nhiều điểm chưa hoàn chỉnh cần phải hoàn thiện. Thế nhưng, cơ chế là do con người vận hành. Nếu như cán bộ có tâm, có tầm, có đạo đức trong sáng, không tham lam vô độ thì sẽ vượt qua được cám dỗ của vật chất. Bài viết đã khẳng định, những quan chức hầu tòa thì lỗi chủ quan là quyết định, lỗi do phẩm chất là quyết định. Tất nhiên, chúng ta kiên trì, thường xuyên liên tục, không coi thường việc xây dựng và hoàn thiện thể chế của chúng ta.
Trong thời gian tới, tôi nghĩ rằng, các nhà báo cũng như toàn thể cán bộ đảng viên phải làm rất nhiều việc trong công cuộc xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Nhưng trước hết, tôi nghĩ rằng tất cả các nghị quyết, chỉ thị, quy định, kết luận của Đảng cần phải được quán triệt, triển khai, học tập và thực hiện một cách nghiêm túc. Trong khuôn khổ chương trình cũng như trong hướng đến từ bài viết của chúng tôi, chúng tôi thấy Kết luận 14 của Bộ Chính trị rất có ý nghĩa, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và dám đột phá vì cái chung, vì lợi ích của tập thể. Những kết luận như vậy rất có giá trị với thực tế, cần được triển khai và cần được nhân rộng.
2. Giải C “Giải Tin, bài phản ánh, phỏng vấn (Báo in)” với loạt 4 bài “Phòng, chống tham nhũng chính sách - Vấn đề hệ trọng, cấp bách hiện nay” của tác giả Nguyễn Văn Hải (Thiện Văn)
Đại hội XIII của Đảng xác định, hoàn thiện đồng bộ thể chế là đột phá đầu tiên trong ba đột phá chiến lược để thúc đẩy đất nước phát triển bền vững. Để thực hiện mục tiêu này, tại Kết luận số 19-KL/TW ngày 14-10-2021 “Về định hướng chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV”, một trong những yêu cầu mà Bộ Chính trị đưa ra là phải phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, “lợi ích nhóm”, lợi ích cục bộ trong công tác xây dựng chính sách, pháp luật.
Ngày 3-3-2022, Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký Quyết định số 556-QĐ/ĐĐQH15 về thành lập Ban soạn thảo xây dựng dự thảo “Quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật”.
Nhằm góp phần tuyên truyền Kết luận số 19-KL/TW của Đảng, tác giả đã gặp gỡ, phỏng vấn các chuyên gia: Thiếu tướng, TS Luật học Nguyễn Mai Bộ, nguyên Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội khóa XIV, nguyên Phó chánh án Tòa án Quân sự Trung ương; ThS Luật học Nguyễn Mạnh Cường, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội khóa XV; TS Luật học Hồ Quang Huy, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp; PGS, TS Vũ Công Giao, Chủ nhiệm Bộ môn Luật Hiến pháp và Luật Hành chính, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Thông qua ý kiến phân tích, phản biện sâu sắc của các chuyên gia (dưới góc nhìn tư pháp, lập pháp, hành pháp, khoa học), loạt bài góp phần làm sáng tỏ những biểu hiện lợi ích cục bộ, “lợi ích nhóm” trong công tác xây dựng chính sách, pháp luật; cảnh báo nghiêm khắc những hệ lụy tiêu cực mà nó gây ra; mổ xẻ nguyên nhân khách quan và chủ quan; đồng thời đề xuất, hiến kế các giải pháp nhằm phòng ngừa, ngăn chặn nguy cơ tham nhũng chính sách ở nước ta hiện nay. Đây là lần đầu tiên trên công luận đăng loạt bài phỏng vấn chuyên sâu về tham nhũng chính sách - một vấn đề hệ trọng, cấp bách hiện nay, qua đó góp phần tạo sức mạnh dư luận xã hội trong công cuộc đấu tranh, phòng chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.
3. Giải C “Giải Phóng sự, Phóng sự điều tra, Bút ký báo chí, Ghi chép (Báo in)” với loạt 3 bài “Mùa mưa ở Phái bộ UNISFA” của nhóm tác giả Nguyễn Mạnh Thắng, Quang Tuyển
Ngày 27-4-2022, Bộ Quốc phòng tổ chức lễ xuất quân Đội Công binh số 1 và Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 4 lên đường thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Phái bộ An ninh lâm thời của LHQ ở khu vực Abyei (UNISFA). Tại đây, Đội công binh số 1 đã triển khai nhiều nhiệm vụ hết sức đặc thù.
Sau hơn 3 tháng, Đội Công binh số 1 Việt Nam đã vượt qua khó khăn về thời tiết, khí hậu, thủy văn, phong tục, tập quán sinh hoạt của người bản địa và triển khai nhiệm vụ rất hiệu quả. Bài viết tập trung lột tả cách làm hết lòng, hết sức của Đội công binh số 1 trong thực hiện nhiệm vụ bảo đảm công binh cho phái bộ và giúp đỡ nhân dân ở khu vực UNISFA.
Chất lượng các công trình của đội xây dựng không chỉ đáp ứng tốt yêu cầu của phái bộ mà quan trọng hơn là kết quả công tác của họ góp phần chuyển đổi nhận thức, xây dựng niềm tin, giảm thiểu xung đột, đổ máu, hướng tới mục tiêu bảo đảm hòa bình, hữu nghị cho vùng đất này. Là người trong cuộc, tác giả hiểu rõ những khó khăn, vất vả thậm chí nguy hiểm cận kề, hy sinh, đổ máu mà đội đã trải qua. Họ đã “đánh trận” bằng cả tinh thần, ý chí, nghị lực và bản lĩnh để hình ảnh Quân đội nhân dân Việt Nam và Việt Nam tỏa sáng trong lòng bạn bè quốc tế cùng người dân địa phương.
Loạt bài "Mùa mưa ở Phái bộ UNISFA" giúp bạn đọc hiểu hơn về công việc thầm lặng mà không kém phần hiểm nguy của bộ đội công binh tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Phái bộ UNISFA.
4. Giải Khuyến khích “Giải Ảnh đơn, phóng sự ảnh, nhóm ảnh” với bộ ảnh “Những người “trồng rừng” dưới đáy biển” của nhóm tác giả Nguyễn Tuấn Huy (Tuấn Huy), Hoàng Thế Minh Tuấn, Nguyễn Hải Thanh
Vịnh Nha Trang (Khánh Hòa) có hệ sinh thái rạn san hô đa dạng bậc nhất thế giới với hơn 350 loài, chiếm hơn 40% số loài san hô trên thế giới, thu hút nhiều du khách trong nước và quốc tế tới chiêm ngưỡng. Các rạn san hô được ví như rừng nhiệt đới dưới lòng đại dương, là nơi cư trú của 25% các loài sinh vật biển. Tuy nhiên, những năm gần đây, sự đa dạng của sinh học và số lượng quần thể san hô ở Vịnh Nha Trang đang suy giảm nhanh chóng bởi các yếu tố khách quan cũng như hoạt động của con người.
Tháng 6-2022, theo chân các nhà khoa học của Chi nhánh Ven biển, Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga, phóng viên Báo Quân đội nhân dân được tận mắt chứng kiến và ghi lại công việc khó khăn, vất vả của các nhà khoa học Việt Nam và Liên bang Nga trong quá trình tìm kiếm, đánh số, lấy mẫu bảo tồn, nuôi cấy và phục hồi các loài san hô, các loài sinh vật biển trong Vịnh Nha Trang.
Thông qua bộ ảnh, các tác giả mong muốn truyền đi thông điệp bảo vệ môi trường biển đến công chúng, đồng thời tri ân những đóng góp của đội ngũ các nhà khoa học Việt Nam - Liên bang Nga.