Bảo quản gạo lưu kho: người 10 năm, ta 18 tháng!

Lô 15.000 tấn gạo dự trữ của Chính phủ Thái Lan đã lưu kho suốt 10 năm chuẩn bị được đưa ra đấu thầu để xuất khẩu. Năng lực bảo quản gạo nhiều năm vẫn không suy giảm chất lượng của người Thái rất đáng để một nước sản xuất gạo hàng đầu thế giới như Việt Nam tham khảo xét trên góc độ cạnh tranh.

Trong vài tuần qua, có hai bản tin liên quan đến gạo dự trữ của Thái Lan được Thông tấn xã Việt Nam đăng tải rất đáng chú ý.

Bản tin thứ nhất phát hôm 21-5-2024 cho biết, Bộ Y tế Thái Lan công bố kết quả kiểm nghiệm các mẫu gạo nhận được từ Bộ Thương mại nước này cho thấy lô gạo 10 năm tuổi từ kho dự trữ của chính phủ không chứa chất độc hại và an toàn cho tiêu thụ(1).

Việc kiểm tra chất lượng gạo được thực hiện tại một phòng thí nghiệm được xếp hạng trong số 5 phòng thí nghiệm hàng đầu thế giới và thứ 3 ở châu Á. Thử nghiệm bao gồm cả kiểm tra trực quan bằng mắt thường và dưới kính hiển vi cũng như đánh giá mùi.

Sau 10 năm nằm trong kho dự trữ, kết quả thử nghiệm gạo theo tiêu chuẩn chất lượng ISO/IEC 17025 cho thấy số gạo này đạt chuẩn chất lượng dinh dưỡng và an toàn về dư lượng hóa chất, ô nhiễm nấm.

Trong khi đó, bản tin phát ngày 11-6-2024 dẫn thông tin từ Bộ Thương mại Thái Lan cho biết, có 8 công ty xuất khẩu gạo ở nước này đã đăng ký tham gia đấu thầu mua 15.000 tấn gạo dự trữ nói trên. Cuộc đấu thầu dự kiến sẽ thu về hơn 7 triệu đô la Mỹ cho Chính phủ nước này(2).

Chi phí lưu kho bảo quản cho lô gạo 15.000 tấn nói trên theo công bố của Bộ Thương mại Thái Lan là 380.000 baht (tương đương khoảng 260 triệu đồng Việt Nam) mỗi tháng, tức bình quân khoảng 200.000 đồng/tấn/năm.

Về chi phí bảo quản gạo của Việt Nam, Thông tư số 21/2024/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định định mức chi phí bảo quản gạo như sau: Trường hợp bảo quản thường xuyên, chi phí là 68.241 đồng/tấn/năm; trường hợp bảo quản lần đầu, mức chi phí từ 118.538 đến 219.977 đồng/tấn/năm.

Tuy nhiên, thời hạn lưu kho của gạo dự trữ quốc gia Việt Nam chỉ tối đa 18 tháng, theo Thông tư 78/2019/TT-BTC của Bộ Tài chính ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với gạo dự trữ quốc gia QCVN 06:2019/BTC.

Thời hạn bảo quản được quy định tại Điều 5.8 của QCVN 06:2019/BTC như sau: “Gạo dự trữ quốc gia bảo quản kín bổ sung N2 thời gian lưu kho 15 tháng. Nếu các chỉ tiêu chất lượng đảm bảo chất lượng gạo xuất kho, quy định khoản 2.2 của Quy chuẩn này nhưng chỉ tiêu hạt vàng không lớn hơn 1,6 lần so với yêu cầu chất lượng gạo nhập kho thì thời gian lưu kho tối đa đến 18 tháng”.

Những con số về năng lực và chi phí lưu kho của Thái Lan cho thấy ngành nông nghiệp nước này đang có lợi thế cạnh tranh rất lớn về công nghệ lưu trữ nông sản. Chi phí lưu trữ của Thái Lan tuy bằng mức cao nhất của Việt Nam nhưng khả năng lưu kho 10 năm (120 tháng) mà vẫn giữ nguyên chất lượng gạo rất đáng suy nghĩ.

Nếu làm chủ được công nghệ lưu trữ như Thái Lan, thời gian lưu kho gạo dự trữ ở Việt Nam có thể kéo dài hơn. Điều này đồng nghĩa với việc tiết kiệm đáng kể thay gạo dự trữ quốc gia mỗi 15 – 18 tháng vì việc thay gạo sẽ kéo theo hàng loạt chi phí từ đấu thầu đến vận chuyển, bảo quản…

Ngoài tiết giảm chi phí, bảo quản gạo dài hạn còn có thể đóng vai trò điều tiết bằng cách giữ gạo trong kho dài hạn hơn trong trường hợp giá gạo biến động bất lợi cho nông dân, doanh nghiệp thay vì bắt buộc phải xả kho vì hết hạn lưu trữ để tránh gạo giảm chất lượng.

———————-

Tường Nghi

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/bao-quan-gao-luu-kho-nguoi-10-nam-ta-18-thang/