Bảo quản lương thực nhập kho Dự trữ Quốc gia: Thực hiện theo quy chuẩn chặt chẽ, khoa học
Ông Phan Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ bảo quản (Tổng cục Dự trữ Nhà nước) cho biết, công tác bảo quản lương thực mới nhập kho được tổng cục thực hiện chặt chẽ từ khâu kiểm tra chất lượng trước nhập kho đến các quy trình bảo quản khoa học...
Do những tác động từ dịch Covid-19, công tác mua nhập lương thực dự trữ quốc gia năm 2020 gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, bằng sự nỗ lực và quyết tâm, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã hoàn thành kế hoạch mua nhập lương thực dự trữ quốc gia được Chính phủ giao. Ông Phan Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ bảo quản (Tổng cục Dự trữ Nhà nước) cho biết, công tác bảo quản lương thực mới nhập kho được tổng cục thực hiện chặt chẽ từ khâu kiểm tra chất lượng trước nhập kho đến các quy trình bảo quản khoa học...
Hoàn thành kế hoạch thu mua lương thực dự trữ
Công tác mua nhập lương thực dự trữ quốc gia (DTQG) năm 2020 diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bùng phát đã tác động mạnh đến giá cả các mặt hàng tiêu dùng trong đó có mặt hàng gạo, nhu cầu xuất khẩu tăng mạnh ảnh hưởng đến giá gạo trong nước. Bên cạnh đó, trong những năm gần đây các địa phương có sự chuyển đổi cơ cấu giống lúa mạnh, chuyển sang sản xuất lúa có chất lượng cao đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, dẫn đến nguồn cung thóc, gạo nhập kho DTQG bị thu hẹp. Diễn biến thời tiết trong năm 2020 có nhiều biến động ảnh hưởng đến thời gian, tiến độ nhập kho.
Ông Phan Anh Tuấn cho biết, mặc dù gặp nhiều khó khăn nêu trên nhưng với sự quyết tâm, sự cố gắng quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ chính trị được Chính phủ giao và sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Tổng cục Dự trữ Nhà nước (DTNN) đến ngày 15/8/2020 Tổng cục DTNN đã hoàn thành kế hoạch mua nhập lương thực DTQG năm 2020, nhập kho DTQG 190.000 tấn gạo và 80.000 tấn thóc đảm bảo yêu cầu chất lượng theo quy định.
Chất lượng gạo nhập kho thực hiện theo quy định tại Quy chuẩn Kỹ thuật quốc gia đối với gạo DTQG (QCVN 06: 2019/BTC) gạo nhập kho phải đáp ứng yêu cầu chất lượng, cảm quan về màu sắc, mùi vị, đánh bóng, vi sinh vật gây hại; yêu cầu các chỉ tiêu chất lượng nhập kho; yêu cầu về an toàn thực phẩm. Đối với mặt hàng thóc thực hiện theo Quy chuẩn Kỹ thuật quốc gia đối với thóc DTQG (QCVN 14: 2014/BTC) thóc nhập kho phải đáp ứng yêu cầu chất lượng về: cảm quan về màu sắc, mùi, trạng thái; yêu cầu các chỉ tiêu chất lượng nhập kho...
Ngay sau khi hoàn thành kế hoạch thu mua, trên cơ sở chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của mình các đơn vị DTQG đã triển khai công tác quản lý chất lượng lương thực nhập kho DTQG. Theo đó, khâu kiểm tra chất lượng hàng trước nhập kho tại các chi cục DTNN được thực hiện chặt chẽ; tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ kỹ thuật viên và thủ kho trước vụ nhập; chuẩn bị đầy đủ các điều kiện, phương tiện thiết bị, dụng cụ phục vụ phân tích chất lượng lương thực nhập kho. Cục DTNN khu vực tiến hành lấy mẫu lô hàng nhập đầy bảo quản phân tích chất lượng thóc, gạo nhập kho năm 2020 tại 22 đơn vị đều đảm bảo các chỉ tiêu chất lượng nhập kho theo Quy chuẩn Kỹ thuật quốc gia đối với thóc, gạo DTQG.
Tăng cường công tác kiểm tra
Ông Phan Anh Tuấn cũng cho biết, để nâng cao hơn nữa công tác quản lý hàng lương thực dự trữ, ngay từ đầu năm Tổng cục DTNN đã thành lập các đoàn phúc tra chất lượng lương thực nhập kho DTQG năm 2020. Đồng thời Tổng cục DTNN giao nhiệm vụ thử nghiệm mẫu lương thực nhập kho dự trữ năm 2020 cho phòng Vilas 628 thuộc Trung tâm Kiểm định hàng dự trữ. Đến ngày 26/8/2020 đã hoàn thành công tác phúc tra lương thực nhập kho tại 22 cục DTNN khu vực, các đoàn phúc tra đã lấy tổng số 403 mẫu gồm 259 mẫu gạo và 144 mẫu thóc. Qua kết quả thử nghiệm của phòng Vilas 628 thuộc Trung tâm Kiểm định hàng dự trữ 100% các mẫu đều có các chỉ tiêu chất lượng đáp ứng Quy chuẩn.
Ngay sau khi hoàn thành kế hoạch thu mua, trên cơ sở chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của mình, các đơn vị dự trữ quốc gia đã triển khai công tác quản lý chất lượng lương thực nhập kho dự trữ quốc gia. Theo đó, khâu kiểm tra chất lượng hàng trước nhập kho tại các chi cục Dự trữ Nhà nước được thực hiện chặt chẽ; tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ kỹ thuật viên và thủ kho trước vụ nhập; chuẩn bị đầy đủ các điều kiện, phương tiện thiết bị, dụng cụ phục vụ phân tích chất lượng lương thực nhập kho.
Theo ông Phan Anh Tuấn, với ngành Dự trữ, quản lý chất lượng hàng DTQG luôn là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu. Do vậy, các cán bộ, công chức ngành Dự trữ nhất là công chức trực tiếp làm công tác bảo quản luôn chấp hành nghiêm quy trình, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với thóc, gạo DTQG nhập kho. Trong những năm gần đây, Tổng cục tổ chức phúc tra chất lượng lương thực nhập kho tại tất cả các cục DTNN khu vực, để đánh giá và chấn chỉnh kịp thời về chấp hành quản lý chất lượng lương thực nhập kho đồng thời lấy kết quả phúc tra làm cơ sở để đánh giá thi đua, khen thưởng đối với tập thể và cán bộ, công chức liên quan là thủ kho, cán bộ kỹ thuật, lãnh đạo đơn vị, từ đó đã có tác động tích cực đến công tác quản lý chất lượng.
Bên cạnh đó, nhằm tăng cường công tác quản lý chất lượng hàng DTQG, Tổng cục DTNN đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt, hệ thống các văn bản được bổ sung ngày càng đầy đủ như: Thông tư số 130/2014/TT-BTC quy định về quản lý chất lượng hàng DTQG, Quyết định số 591/QĐ-TCDT về quy chế quản lý chất lượng hàng DTQG do Tổng cục DTNN trực tiếp quản lý, các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với thóc, gạo.
Trên cơ sở đánh giá đúng được hiện trạng, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác quản lý chất lượng hàng DTQG, trong những năm qua Tổng cục DTNN đã xây dựng kế hoạch, tập trung nguồn kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, mở các lớp bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ và cập nhật kiến thức cho cán bộ, công chức làm công tác quản lý chất lượng tại cơ sở.
“Hàng năm Tổng cục có kế hoạch mua sắm trang bị đầy đủ các phương tiện, thiết bị đặc thù phục vụ cho nhiệm vụ nhập, xuất, bảo quản lương thực, đặc biệt là các trang thiết bị phục vụ kiểm tra, phân tích chất lượng thóc, gạo nhập kho tại các chi cục DTNN” – ông Phan Anh Tuấn cho biết.