Bảo quản nông sản bằng kho lạnh: Giữ chất lượng và giảm tổn thất
Nhiều doanh nghiệp, cá nhân ở Lâm Đồng đã đầu tư kho lạnh để bảo quản nông sản, nhằm giảm tổn thất và nâng cao giá trị nông sản.
Bảo quản và chế biến nông sản sau thu hoạch là một trong những khâu quan trọng của quy trình sản xuất nông nghiệp nhằm giảm tổn thất, nâng cao giá trị nông sản. Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn tỉnh, công nghệ bảo quản, chế biến nông sản mới chỉ dừng ở bước sơ chế và xuất bán thô, ảnh hưởng đến chất lượng, hạn chế sức cạnh tranh, khả năng tiêu thụ nông sản.
Anh Trần Thanh Trung, ở thôn Trường Sơn, xã Xuân Trường (Đà Lạt) có 1,2 ha nhà kính trồng đủ các loại hoa cung cấp cho thị trường Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Anh Trung là một trong những người tiên phong ở đây đầu tư hệ thống kho lạnh để bảo quản hoa sau khi thu hoạch. Anh Trung cho biết: “Có sản phẩm rồi, việc tìm đầu ra cũng rất khó khăn vì diện tích lớn mà thị trường hoa không phải lúc nào cũng hút hết hàng, có những thời điểm hoa xuống giá rất thấp… Chính vì vậy, tôi quyết định bỏ 150 triệu đồng ra đầu tư kho lạnh 20 m2 để bảo quản hoa”.
Anh Trung chia sẻ, có thể vốn bỏ ra ban đầu để làm kho lạnh là rất lớn, nhiều hộ nông dân chưa đủ sức để đầu tư, thế nhưng về lâu dài thì làm kho lạnh sẽ có lợi hơn rất nhiều, bởi nông sản Lâm Đồng thường xuyên cung vượt cầu vào lúc chính vụ, dẫn tới dư thừa. Tuy nhiên, chỉ sau thời gian ngắn những mặt hàng đó giá tăng trở lại gấp nhiều lần. Việc hình thành kho lạnh, kho bảo quản nông sản là điều hết sức cần thiết.
Hiện nay rất nhiều cơ sở, cửa hàng lớn đều chọn bảo quản nông sản bằng kho lạnh, bởi chi phí tiết kiệm hơn rất nhiều so với các hình thức bảo quản khác. Sử dụng phương pháp này cũng cho thấy với việc bảo quản bằng kho lạnh sẽ giúp cho thực phẩm giữ được khối lượng, giá trị dinh dưỡng khác hẳn so với các loại hình bảo quản khác. Công ty TNHH Trang trại Trường Phúc đã thành công bước đầu với mô hình sản xuất rau thủy canh và bảo quản nông sản sau thu hoạch. Hiện công ty đã kết nối đầu ra với hệ thống cửa hàng rau, quả sạch trong, ngoài tỉnh và xuất khẩu. Ông Tô Quang Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Trang trại Trường Phúc cho biết, đặc thù sản phẩm rau củ dễ bị dập nát, hư hỏng, vì vậy bảo quản sau thu hoạch giữ vai trò quan trọng. Hiện trang trại cũng phải đầu tư hệ thống máy lạnh công nghệ mới, nhằm rút ngắn thời gian sơ chế trong kho lạnh từ 20 giờ xuống còn khoảng 2 giờ đồng hồ, nhằm đảm bảo chất lượng rau luôn tươi ngon tới tay người tiêu dùng.
“Nhờ quy trình khép kín từ sản xuất và đóng gói, đưa vào kho lạnh bảo quản đến tiêu thụ, giá trị nông sản của Công ty tăng từ 20-40%” - ông Dũng cho hay.
Bà Nguyễn Thùy Quý Tú, Chi cục trưởng, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản cho biết, bảo quản và chế biến nông sản sau thu hoạch là một trong những khâu quan trọng của quy trình sản xuất nông nghiệp. Để bảo quản nông sản lâu mà vẫn đảm bảo chất lượng, nâng cao hiệu quả kinh tế, nhiều người tìm đến phương án sử dụng kho lạnh bảo quản nông sản. Tỉnh Lâm Đồng đang khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp có tiềm lực đầu tư thiết bị, nhà xưởng để bảo quản sản phẩm nông sản. Đồng thời, yêu cầu ngành nông nghiệp hướng dẫn nông dân tuân thủ các quy trình công nghệ trong chuỗi từ sản xuất, thu hoạch, bảo quản và lưu thông, tránh tình trạng sản phẩm bị giảm chất lượng mới được bảo quản, gây ra lãng phí lớn. Hiện tại, trên địa bàn chỉ có khoảng 15% tổng sản lượng nông sản được qua chế biến, 50% nông sản được qua sơ chế bảo quản, vì vậy lượng nông sản hư hỏng do hàng tồn kho khá nhiều. Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục xây dựng, nhân rộng các trung tâm sau thu hoạch trên địa bàn tỉnh, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, cá nhân đầu tư hệ thống kho lạnh. Tiếp tục cơ cấu lại sản xuất theo hướng tập trung sản xuất các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh. Đầu tư sản xuất theo chiều sâu gắn chế biến bảo quản, nhằm nâng cao giá trị gia tăng đối với các sản phẩm nông sản, đa dạng hóa sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.