Bảo quản nông sản bằng Map: Giảm rủi ro, tăng giá trị
Với sự hỗ trợ của Bộ Công Thương, Công ty TNHH Công nghệ và Dịch vụ thương mại Lạc Trung đã triển khai thực hiện Dự án 'Hoàn thiện dây chuyền sản xuất và nâng cao chất lượng bao gói khí quyển biến đổi (MAP) phục vụ bảo quản nông sản, thực phẩm'. Đây là công nghệ mới lần đầu tiên được nghiên cứu một cách hệ thống và triển khai sản xuất ở Việt Nam.
Hoàn thiện quy trình công nghệ
Việt Nam là một trong những nước dẫn đầu về xuất khẩu một số loại nông sản, nhưng tổn thất sau thu hoạch vẫn ở mức cao, 25% đối với các loại quả, hơn 30% đối với các loại rau, 15-20% với các loại lương thực khác. Với tỷ lệ tổn thất này, mỗi năm chúng ta bị mất khoảng 6.318 tỷ đồng. Vấn đề bảo quản sau thu hoạch đối với nông sản đóng vai trò rất quan trọng để nâng cao sức cạnh tranh của nông sản Việt.
Tuy nhiên, việc ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ sau thu hoạch mới chỉ bắt đầu được quan tâm một cách đúng mức trong thời gian gần đây. Chưa kể, đa số các sản phẩm công nghệ trong lĩnh vực này được nhập khẩu hoặc chuyển giao công nghệ từ nước ngoài nên không chủ động được về nguồn cung, điều chỉnh về mặt chất lượng cho phù hợp với điều kiện trong nước.
Hiện nay, việc sử dụng sản phẩm bao gói khí quyển biến đổi để bảo quản rau, hoa quả và các nông sản khác đang là xu hướng vì góp phần giảm tỷ lệ hư hỏng của sản phẩm sau thu hoạch, nâng cao giá trị hàng hóa, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đây là thị trường rất tiềm năng mà chưa được khai thác hiệu quả ở Việt Nam.
Dự án “Hoàn thiện dây chuyền sản xuất và nâng cao chất lượng bao gói khí quyển biến đổi (MAP) phục vụ bảo quản nông sản, thực phẩm” nằm trong khuôn khổ Chương trình phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao do Bộ Công Thương quản lý. Sau một thời gian nỗ lực nghiên cứu, nhóm thực hiện dự án đã hoàn thiện bộ quy trình công nghệ sản xuất bao gói khí quyển biến đổi MAP quy mô 400 tấn/năm trên cơ sở màng PE chứa các phụ gia silica, zeolite và màng PE đục vi lỗ để bảo quản rau, quả sau thu hoạch.
Đồng thời, xây dựng dây chuyền thiết bị hoàn chỉnh, đồng bộ sản xuất bao gói khí quyển biến đổi công suất 400 tấn/năm và đã sản xuất được khoảng 187 tấn sản phẩm bao gói MAP đạt được các chỉ tiêu kỹ thuật đã đăng ký, đáp ứng quy chuẩn quốc gia về an toàn vệ sinh thực phẩm QCVN12-1:2011/BYT.
Cạnh tranh với sản phẩm nhập ngoại
Ưu điểm của công nghệ được tạo ra từ nhiệm vụ khoa học và công nghệ này đó là sử dụng nguồn nguyên liệu có sẵn trong nước, giá rẻ; chủ động công nghệ, thiết bị; sản phẩm có giá thành cạnh tranh so với sản phẩm nhập ngoại cùng chỉ tiêu chất lượng…
Màng MAP do dự án sản xuất đã được đăng ký nhãn hiệu Green MAP và có chất lượng tương đương màng MAP CE44 của Viện Công nghệ thực phẩm Hàn Quốc, trong khi đó, giá thành chỉ bằng 55 - 60% so với các sản phẩm cùng loại của Hàn Quốc hay Israel.
Đáng chú ý, dự án đã hoàn thiện quy trình công nghệ bảo quản 10 loại rau, quả bằng bao gói MAP: Rau mùi tàu, rau húng quế, ớt, đậu côve, cà chua, bắp cải, cải bó xôi, rau cải thìa, vải Lục Ngạn và xoài cát Hòa Lộc với thời gian bảo quản kéo dài hơn 2-3 lần so với bảo quản tự nhiên, tổn thất sau bảo quản
Ngoài ra, xây dựng được 5 mô hình bảo quản sau thu hoạch các loại rau, quả bằng bao gói MAP quy mô 500 - 5.000 kg, trong đó “Quy trình bảo quản quả vải bằng màng bao gói khí quyển biến đổi” đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích.
Công nghệ chế tạo màng MAP do các nhà khoa học Việt Nam nghiên cứu nên có thể chủ động sản xuất, cải tiến chất lượng, góp phần phát triển bền vững nền nông nghiệp Việt Nam.