Báo quốc tế đánh giá mô hình tăng trưởng kinh tế bền vững của Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu đầy thách thức
Mặc dù tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng quý giảm nhẹ từ 5,92% trong quý IV/2022 xuống 3,32% trong quý I/2023 và 4,14 trong quý II, Việt Nam tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khả quan, tờ The Star (Malaysia) đánh giá.
Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tốc độ tăng trưởng dương giúp Việt Nam khác biệt với tình trạng ảm đạm của một số nền kinh tế trong khối ASEAN và trên thế giới khi họ liên tiếp ghi nhận đà tăng trưởng âm trong những tháng gần đây.
Những chỉ số kinh tế khả quan
So với các nước có đà tăng trưởng dương thì chỉ số của Việt Nam vẫn tương đối tích cực. Thái Lan và Singapore ghi nhận tốc độ tăng trưởng GDP lần lượt là 2,7% và 0,4% trong Quý I năm nay. Ngoài khối ASEAN, Nhật Bản và Hàn Quốc ghi nhận mức tăng trưởng lần lượt chỉ là 0,4% và 0,3%.
Việt Nam cũng kiểm soát hiệu quả Chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Tính đến tháng 5, CPI chỉ tăng 0,01%, tiếp nối xu hướng giảm của các tháng trước.
Trong khi quyết định tăng giá điện góp phần làm tăng CPI 0,06 điểm % thì giá điện của Việt Nam vẫn thuộc hàng thấp nhất trong khối ASEAN nhờ các quy định nhất quán của chính phủ nhằm đảm bảo khả năng tiếp cận điện hợp lý cho người dân, tờ báo này đánh giá
Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam cũng có những tín hiệu tích cực. Tính đến ngày 20/5, tổng vốn đầu tư nước ngoài đạt 10,86 tỷ USD, vốn đăng ký đạt 5,26 tỷ USD. Chỉ số này đánh dấu mức tăng 65,2% về số dự án đăng ký và tăng 11,1% về vốn đăng ký so với năm trước.
Samsung, một nhà đóng góp vốn FDI lớn, đã đầu tư 20 tỷ USD vào Việt Nam, chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất điện tử và chất bán dẫn.
Trang The Star nhận định, những bước phát triển này khẳng định tiềm năng của Việt Nam là một thị trường hấp dẫn đối với đầu tư nước ngoài trong tương lai gần. Một thương vụ đáng chú ý thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài là dự án mua lại cổ phần của nhà đầu tư Nhật Bản tại VPBank, với tổng giá trị giao dịch lên tới 1,5 tỷ USD.
Nỗ lực thu hút đầu tư nước ngoài và đánh giá tích cực từ các tổ chức quốc tế
IMF cũng duy trì quan điểm tích cực về kinh tế Việt Nam.
Theo báo cáo mới nhất của IMF, GDP của Việt Nam tính theo sức mua tương đương (PPP) ước đạt 1,451 nghìn tỷ USD, đứng thứ 4 trong ASEAN. IMF dự báo GDP (PPP) của Việt Nam đạt 1,872 nghìn tỷ USD, vượt qua Thái Lan và trở thành nền kinh tế lớn thứ hai ở Đông Nam Á.
Trong Kỳ đánh giá tháng 3/2023, Ngân hàng Thế giới cũng ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ của kinh tế Việt Nam trong năm 2022, với mức tăng trưởng 8,0%, vượt qua mức bình quân 7,1% của giai đoạn 2016-2019.
Ngân hàng Thế giới dự báo tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 6,3% vào năm 2023.
Tuy nhiên, thu hút FDI không chỉ phụ thuộc vào nỗ lực trong nước mà còn cần sự quan tâm từ các nhà đầu tư nước ngoài.
Các chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Vương quốc Anh để tham dự Hội nghị Biến đổi Khí hậu của Liên hợp quốc tại Glasgow, Châu Âu vào cuối năm 2022 và Nhật Bản để tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 tháng 5 vừa qua đã thu hút được sự chú ý đáng kể từ giới truyền thông và các tập đoàn.
Các nhà quản lý quỹ châu Á chỉ ra rằng những nỗ lực này là nhằm đảm bảo rằng Việt Nam sẽ có thể gặt hái được nhiều lợi ích từ vị thế là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ở châu Á.
Theo tổ chức theo dõi và tham vấn đầu tư Energy Tracker Asia, những động thái này đã mang lại hiệu quả rõ rệt, ví dụ như Tập đoàn Adani bày tỏ ý định đầu tư thêm 3 tỷ USD vào Việt Nam chỉ hai ngày sau khi Hội nghị thượng đỉnh G7 kết thúc.
Các hoạt động ngoại giao lớn như chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol và đoàn doanh nghiệp gồm 205 thành viên, cùng chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Thủ tướng Phạm Minh Chính vào cuối tháng 6/2023 cũng thu hút nhiều sự quan tâm.
Các sự kiện này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy hơn nữa nền kinh tế Việt Nam và chứng minh rằng mục tiêu tăng trưởng 6,5% vẫn nằm trong tầm với.
Khủng hoảng tài chính toàn cầu đã dẫn đến những thay đổi thường xuyên và đột ngột trong nền kinh tế toàn cầu với những tác động tức thời. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn có các chính sách ứng phó chủ động và hiệu quả, đồng thời nhận được sự công nhận tích cực từ các tổ chức quốc tế.
"Trong giai đoạn lịch sử đầy biến động này, Việt Nam đã chứng tỏ khả năng phục hồi và tăng trưởng", trang the Star dẫn đánh giá từ một viện nghiên cứu kinh tế của Trung Quốc.