Báo quốc tế nhận định những cơ hội đầu tư vào thị trường bán lẻ tại Việt Nam
Theo trang Vietnam Briefing, sự phổ biến của hình thức mua sắm trực tuyến trong những năm gần đây đã giúp hoạt động kinh doanh chuỗi siêu thị ở Việt Nam tăng trưởng đáng kể. Đây là những cơ hội mà các nhà đầu tư nước ngoài đã nắm bắt được để phát triển thị trường bán lẻ tại Việt Nam.
Trong vài năm qua, những thay đổi trong hành vi mau sắm của khách hàng đã làm thay đổi đáng kể môi trường bán lẻ tại Việt Nam. Sự chuyển đổi này được đẩy nhanh bởi đại dịch Covid-19, buộc nhiều nhà kinh doanh tạp hóa phải thích nghi và đổi mới.
Cụ thể, vào năm 2021, các chợ truyền thống tại Việt Nam đã có sự suy giảm đáng kể. Các cửa hàng trên đường phố, chợ bán đồ tươi sống và cửa hàng nhỏ đã phải ngừng hoạt động do những hạn chế nghiêm ngặt về đại dịch Covid-19.
Những lần đóng cửa này đã dẫn đến sự thay đổi trong thói quen mua sắm hàng tạp hóa của người tiêu dùng, mở đường cho bối cảnh bán lẻ hiện đại hơn, trong đó mua sắm trực tuyến chiếm vị trí trung tâm.
Hơn nữa, những khoảng trống mà các cửa hàng nhỏ để lại do đại dịch Covid-19 đã mang lại cho những người kinh doanh siêu thị mảnh đất màu mỡ phát triển kinh doanh và đẩy nhanh việc mở rộng. Với sự phát triển của các trung tâm mua sắm hiện đại và sự phổ biến ngày càng tăng của thương mại điện tử, các siêu thị đã có vị trí thuận lợi để tiếp cận các cơ hội tăng trưởng mạnh mẽ.
Tuy nhiên, một số thách thức gây ra rủi ro đáng kể cho các nhà điều hành siêu thị ở Việt Nam là điều không tránh khỏi. Điển hình, sự gián đoạn của chuỗi cung ứng, quản lý giá cả hàng hóa không đầy đủ và chi phí gia tăng liên quan đến việc phân phối hàng hóa là những mối lo ngại ảnh hưởng đến cả doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Với vô số công ty mới tham gia vào hàng loạt hoạt động mua lại và thúc đẩy việc mở rộng các cửa hàng mới hay hiểu rõ những thách thức này trở nên cấp thiết hơn đối với các công ty nước ngoài đang tìm cách thiết lập sự hiện diện trong ngành siêu thị của Việt Nam.
Chuỗi siêu thị Việt Nam qua những con số
Lĩnh vực bán lẻ của Việt Nam đang phát triển nhanh chóng. Quy mô thị trường bán lẻ Việt Nam được dự đoán sẽ tăng từ 246,65 tỷ USD vào năm 2023 lên 435,59 tỷ USD vào năm 2028, với tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm là 12,05%.
Bán lẻ điện tử cũng đang phát triển với tốc độ theo cấp số nhân. Các doanh nghiệp thương mại điện tử tại Việt Nam mang về 14 tỷ USD vào năm 2022 và dự đoán sẽ mang về 32 tỷ USD vào năm 2025. Điều này thể hiện tiềm năng rất lớn tại thị trường bán lẻ Việt Nam đối với các doanh nghiệp nước ngoài.
Trong khi đó, siêu thị vẫn được xem là lựa chọn bán lẻ hấp dẫn tại Việt Nam với sản phẩm đa dạng, trải nghiệm khách hàng liền mạch và chất lượng sản phẩm được đảm bảo. Các siêu thị có một số lợi thế cạnh tranh nhất định so với các đối thủ nhỏ hơn trên thị trường bán lẻ và liên tục đạt được hiệu quả bán hàng tích cực trong những năm gần đây.
Dữ liệu từ Euromonitor cho thấy doanh thu siêu thị năm 2023 ước tính đạt 110.234 tỷ đồng (4,5 tỷ USD), tăng 8,8% so với năm trước. Những số liệu này đã khẳng định sự thay đổi đáng kể trong hành vi của người tiêu dùng đối với việc mua hàng tạp hóa tại các nhà bán lẻ tạp hóa hiện đại.
Ngoài ra, Tổng cục Thống kê cũng ghi nhận doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tại Việt Nam đạt gần 5.679 nghìn tỷ đồng (230 tỷ USD) vào năm 2022, tăng 19,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Những sản phẩm nhãn hiệu riêng cũng cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ và ngày càng phổ biến trong những năm gần đây. Các sản phẩm hiện trải rộng trên nhiều danh mục, bao gồm rau quả tươi, quần áo và các sản phẩm chăm sóc cá nhân. Điều này sẽ giúp hệ thống siêu thị đa dạng hóa dòng sản phẩm, giúp xây dựng lòng trung thành của khách hàng và củng cố lợi thế cạnh tranh. Các ông lớn như Co.opMart, Aeon Citimart, Bách Hóa Xanh, WinMart đều đang phát triển dòng sản phẩm nhãn hiệu riêng để giành thị phần lớn hơn.
Những công ty dẫn đầu phân khúc siêu thị Việt Nam hiện nay chủ yếu là các thương hiệu nội địa, trong đó Co.op Mart và Winmart đứng đầu danh sách với lần lượt 128 và 123 cửa hàng.
Nắm bắt cơ hội lớn đầu tư vào Việt Nam
Các doanh nghiệp, quỹ đầu tư nước ngoài đang tận dụng cơ hội đang tăng trưởng nhanh của thị trường bán lẻ Việt Nam và tăng cường bơm tiền vào các doanh nghiệp tại quốc gia Đông Nam Á này.
Gần đây, có thông tin cho biết công ty đầu tư tư nhân Bain Capital đã cam kết đầu tư ít nhất 200 triệu USD vào vốn cổ phần vào Tập đoàn Masan (MSN). Với mức giá 85.000 đồng/cổ phiếu, giá cổ phiếu này vượt qua giá thị trường 77.400 đồng/cổ phiếu được định giá trên sàn chứng khoán.
Hãng Reuters vào tháng 9/ 2023 cũng đưa tin quỹ đầu tư quốc gia GIC có trụ sở tại Singapore nằm trong số các nhà đầu tư đang đàm phán để mua 20% cổ phần của chuỗi siêu thị nhỏ Bách Hóa Xanh từ gã khổng lồ bán lẻ Thế Giới Di Động của Việt Nam.
Thỏa thuận tiềm năng này có thể trị giá lên tới 1,7 tỷ USD, nhấn mạnh sự quan tâm to lớn của các nhà đầu tư đối với thị trường bán lẻ Việt Nam.
Bên cạnh đó, vào tháng 2/023, gã khổng lồ bán lẻ Thái Lan Central Retail cũng công bố khoản đầu tư lớn nhất vào Việt Nam khoảng 1,45 tỷ USD trong thời gian 5 năm. Công ty có kế hoạch tăng số lượng siêu thị sở hữu tại Việt Nam lên 600 cửa hàng vào năm 2027.
Cùng với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng và tốc độ phát triển của thương mại điện tử bán lẻ, các siêu thị trong nước và quốc tế đang mở rộng sự hiện diện tại Việt Nam. Đồng thời, các nhà đầu tư nước ngoài cũng đang tận dụng tiềm năng cao của thị trường bán lẻ tại Việt Nam thông qua một số chiến lược mở rộng, bao gồm hoạt động M&A, nhượng quyền thương mại và hợp tác. Đây là thời điểm vàng để các tập đoàn nước ngoài đầu tư vào thị trường bán lẻ Việt Nam, đặc biệt là mảng siêu thị.
Như vậy, ngành bán lẻ tại Việt Nam hiện đang phát triển với tốc độ chóng mặt, mang lại cơ hội đáng kể cho các thương hiệu bán lẻ toàn cầu. Những năm gần đây chứng kiến những thương vụ M&A lớn và kế hoạch mở rộng từ các chuỗi siêu thị lớn tại Việt Nam.
Nền kinh tế hiện đại hóa của Việt Nam, tầng lớp trung lưu đang phát triển và tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử nhanh chóng sẽ đóng vai trò hỗ trợ cho triển vọng bán lẻ nước ngoài. Và chắc chắn, các công ty nên có sẵn kế hoạch để quản lý những thách thức thực tế về hậu cần và phân phối để sẵn sàng cho sự cạnh tranh khốc liệt từ các nhà bán lẻ địa phương./.