Báo quốc tế nói về chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm
Báo chí Trung Quốc và quốc tế đồng loạt đăng tải các bài viết nhận định chuyến công du Trung Quốc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ thúc đẩy hơn nữa quan hệ song phương.
Tân Hoa xã đưa tin, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ có chuyến thăm cấp nhà nước tới Trung Quốc từ ngày 18-20/8, theo lời mời của người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình.
Theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, trong chuyến thăm này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ hội đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và các quan chức hàng đầu khác như Thủ tướng Lý Cường, Ủy viên trưởng Ủy ban thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc Triệu Lạc Tế và Chủ tịch Chính hiệp Vương Hộ Ninh.
Người phát ngôn lưu ý, chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh hai nước đang nỗ lực triển khai những thỏa thuận đạt được trong chuyến thăm lịch sử của ông Tập Cận Bình tới Việt Nam vào tháng 12 năm ngoái. Bắc Kinh coi việc ông Tô Lâm chọn Trung Quốc là nước đầu tiên đến thăm sau khi nhậm chức Tổng Bí thư “thể hiện sự coi trọng và đánh giá rất cao của ông dành cho mối quan hệ giữa hai đảng và hai nhà nước”.
"Thông qua chuyến thăm này, Trung Quốc mong muốn phát huy tình hữu nghị truyền thống, làm sâu sắc hơn việc xây dựng cộng đồng Trung Quốc - Việt Nam cùng chung vận mệnh, cùng Việt Nam đạt được thành công trên con đường xây dựng xã hội chủ nghĩa, hướng tới hiện đại hóa, mang bản sắc riêng, cùng thúc đẩy sự nghiệp xã hội chủ nghĩa toàn cầu, đóng góp vào hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và toàn thế giới”, người phát ngôn nhấn mạnh.
Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc cũng có bài xã luận đánh giá chuyến công du của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm “phản ánh lập trường ngoại giao và lựa chọn chính sách nhất quán của Việt Nam, phù hợp với lợi ích cơ bản của cả Việt Nam và Trung Quốc, góp phần duy trì hòa bình và phát triển trong khu vực cũng như trên toàn cầu”.
Theo tờ báo, hợp tác Việt Nam - Trung Quốc dựa trên tinh thần láng giềng hữu nghị đã có từ nhiều thế kỷ, sự gần gũi về mặt địa lý, số phận đan xen, quan hệ “anh em, đồng chí”, hợp tác, ủng hộ và giúp đỡ lẫn nhau trong suốt quá trình đấu tranh cách mạng cũng như phát triển đất nước của hai dân tộc. Với nền tảng sâu sắc và vững chắc, chuyến thăm của ông Tô Lâm được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tiến triển mới trong quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc, trong bối cảnh hai bên đều đang trên con đường hiện đại hóa, phát triển mạnh mẽ nền kinh tế, hướng tới sự thịnh vượng và theo đuổi các mục tiêu thiên niên kỷ của mình.
Tờ báo cũng đề cập đến việc cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng năm 2021 đã khởi xướng việc xây dựng mô hình mới cho chính sách đối ngoại của Việt Nam, mang tên "ngoại giao cây tre". Chiến lược này nhằm tạo ra môi trường bên ngoài thuận lợi cho mục tiêu xây dựng đất nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam vào giữa thế kỷ 21. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm được kỳ vọng sẽ tiếp tục kiên trì con đường ngoại giao do Đại hội toàn quốc lần thứ 13 của Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra và thúc đẩy hơn nữa chiến lược "ngoại giao cây tre" này.
Thời báo Hoàn cầu còn nhắc tới một đặc điểm quan trọng của chính sách "ngoại giao cây tre" của Việt Nam là duy trì sự cân bằng chiến lược giữa các cường quốc trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Tờ báo cho rằng, mặc dù Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhậm chức chưa lâu, nhưng Việt Nam đang thể hiện tốt việc cân bằng trong các tương tác ngoại giao với các cường quốc như Trung Quốc, Mỹ và Nga.
Cùng quan điểm, kênh tin tức Channel NewsAsia có trụ sở ở Singapore dẫn lời Tiến sĩ Nguyễn Hồng Hải, giảng viên chính trị và quan hệ quốc tế tại Đại học VinUniversity nhận định, chuyến công du Trung Quốc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm "mang tính biểu tượng rất cao, đồng thời muốn gửi đi thông điệp rằng ông muốn tiếp nối di sản của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người đã đặt nền tảng chiến lược quan trọng cho quan hệ Việt Nam - Trung Quốc".
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm dự kiến sẽ thúc đẩy việc thực hiện các thỏa thuận quan trọng mà người tiền nhiệm đã ký kết với Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm Hà Nội cuối năm ngoái, về việc tăng cường một số lĩnh vực hợp tác như chính trị, an ninh và quốc phòng, hợp tác thông qua các cơ chế đa phương và quản lý tốt hơn các bất đồng giữa hai bên.
Các chuyên gia phân tích khác cũng cho rằng, trong cuộc tiếp xúc với các nhà lãnh đạo Trung Quốc, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ tìm kiếm cơ hội mở rộng tiếp cận thị trường đông dân thứ 2 thế giới cho các sản phẩm nông nghiệp và đầu tư chất lượng cao của Việt Nam. Hai bên cũng dự kiến sẽ đẩy nhanh kế hoạch xây dựng các tuyến đường sắt cao tốc nối Trung Quốc với Hà Nội và các thành phố cảng quan trọng của Việt Nam.
Nhân chuyến thăm cấp nhà nước đến Trung Quốc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, hãng thông tấn BBC của Anh ngày 17/8 đã đăng tải bài viết nhắc lại những cột mốc quan trọng trong quan hệ song phương, kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức vào tháng 1/1950.
BBC trích dẫn các số liệu cho thấy, Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất, đồng thời là thị trường nhập khẩu lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam. Riêng 7 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc đạt 112,2 tỷ USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2023.
Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc các sản phẩm như điện thoại di động, linh kiện, thiết bị điện tử, cao su, nông sản, thủy hải sản... và nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc máy móc, thiết bị, nguyên liệu sản xuất trong ngành may mặc, giày da, sắt thép, vật tư xây dựng... cho đến các mặt hàng sinh hoạt hằng ngày.
BBC dẫn lời các quan chức cho hay, kết nối đường sắt sẽ là chủ đề hàng đầu trong chương trình nghị sự khi ông Tô Lâm gặp ông Tập Cận Bình. Các tuyến đường sắt liền mạch được coi là rất quan trọng cho chuỗi cung ứng, khi ngày càng nhiều nhà sản xuất Trung Quốc chuyển hướng một số hoạt động xuất khẩu sang Việt Nam, trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ. Ngoài đường sắt, hai bên cũng dự kiến sẽ ký kết các thỏa thuận mới về đầu tư và thương mại nông sản.