Bao sái bàn thờ đón Tết thế nào cho đúng?
Bao sái bàn thờ là một nghi lễ rất quan trọng của người Việt. Vì vậy, gia chủ cần thực hiện đúng cách, tránh phạm phong thủy.
Bao sái bàn thờ là một nghi lễ rất quan trọng của người Việt. Vì vậy, gia chủ cần thực hiện đúng cách, tránh phạm phong thủy.
Bao sái bàn thờ chính là dọn dẹp bàn thờ và vệ sinh lại bát hương. Việc lau dọn bàn thờ có thể diễn ra quanh năm nhưng những ngày cuối năm lại đòi hỏi sự chu đáo, cẩn trọng và tỉ mỉ hơn. Bởi đây là dịp để xua đuổi những điều cũ kỹ và không may, đồng thời giúp bàn thờ gọn gàng, tố hảo đón năm mới bình an, may mắn.
Ngoài ra, việc lau dọn này không chỉ là làm sạch bề mặt mà còn có nhiều điều cần lưu ý bởi nó gắn liền với tâm linh.
Chị Hải Anh, 30 tuổi (Trần Kim Xuyên - Hà Nội) chia sẻ: "Như mọi năm, ngày bao sái bàn thờ được nhiều người lựa chọn nhất đó là trước hoặc sau khi thực hiện nghi thức cúng ông Công ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp. Nhiều người bận rộn, có thể tiến hành sớm hơn. Tuy nhiên, để "một công đôi việc", nhiều người thực hiện tiễn ông Công ông Táo xong sẽ bao sái bàn thờ vừa để tiết kiệm thời gian và cũng là lúc tiến hành tỉa chân nhang thuận lợi. Và nhà chị hai vợ chồng dân kinh doanh nên đã chọn ngày 22 tháng Chạp thực hiện lúc 9 giờ để lau dọn bàn thờ, tỉa chân nhang... tỉ mỉ cẩn thận để xua đuổi những điều cũ kỹ, không may của năm cũ đón năm mới hạnh phúc và bình an".
"Khi tiến hành bao sái nên thực hiện đúng trình tự từ bàn thờ thần linh rồi mới đến gia tiên, từ bài vị, bát hương mới đến bàn thờ. Lau rượu gừng trước sau đó mới đến nước hoa hồng vàng. Khi rút tỉa chân nhang cần làm từ tốn, tránh động bát hương và giữ lại 3-5 chân nhang cũ để tiếp nối năm cũ". Chị Hải Anh chia sẻ thêm.
Bao sái bàn thờ đã trở thành nghi thức quen thuộc của người Việt trước khi đón năm mới. Để thực hiện đúng cách cần nắm rõ 4 điều dưới đây:
Chuẩn bị đầy đủ dụng cụ để bao sái bàn thờ
- 1 chiếc khăn sạch, chổi nhỏ chuyên dùng để quét bụi.
- Chậu nước sạch, rượu gừng hoặc nước ngũ vị hương (giã gừng hòa với rượu hoặc nấu từ hồi, quế, sả, đinh hương, và gừng).
- Bát hương, đồ thờ cúng trên bàn thờ.
- Lễ vật: hương, nến, mâm lễ nhỏ (hoa quả, nước, trà, rượu, bánh chưng…).
- Văn khấn xin phép
Văn khấn trước khi rút chân hương
Con Nam Mô A Di Đà Phật (3 lần)
Tín chủ tên là:
Cư ngụ tại địa chỉ:
Hôm nay ngày..... tháng...... năm tín chủ con tự xét thấy bản thân mình chưa chu toàn nên để hương án có chút bụi bẩn, có chút chưa được tịnh tịnh, xanh yên.
Tín chủ xin kính cáo với các chư Vị (tùy theo bàn thờ đó thờ thần linh, hộ pháp, hay gia tiên…), chọn được ngày lành tháng tốt hôm nay xin cho phép tín chủ được sái tịnh để cho bàn thờ được trang nghiêm thanh tịnh, kính mong các chư vị chứng minh và gia hộ".
Mong các vị tạm ẩn tạm lánh, độ cho cho con lau dọn được khang trang mỹ hảo, cho hương án được an chính vị, cho âm phần được an yên, cho gia cư được lạc thổ. Cho cung tài không động, cung lộc không hao.
Chúng con người trần mắt thịt, tội lỗi đầy thân, chỉ biết kính cẩn tâm thành nếu có gì si mê lầm lỡ kính xin được tha thứ bỏ quá đại xá cho.
Con Nam Mô A Di Đà Phật (3 lần).
Chọn ngày/ giờ đẹp để bao sái bàn thờ
Dưới đây là gợi ý ngày đẹp, giờ đẹp để bao sái bàn thờ hợp với gia chủ, đón tài lộc vào nhà:
- Ngày 21 tháng Chạp (21/12/2024 âm lịch, nhằm 20/1/2025 dương lịch) bắt đầu tiến hành từ 9h10 đến 10h50 hoặc từ 15h10 đến 16h50. Ngày này hợp các tuổi Tý, Ngọ, Mão, Dậu, Dần, Thân, Tỵ, Hợi.
- Ngày 22 tháng Chạp (22/12/2024 âm lịch, nhằm 21/1/2025 dương lịch) bắt đầu tiến hành từ 9h10 đến 10h50 hoặc từ 13h10 đến 14h50. Ngày này hợp các tuổi Tý, Ngọ, Mão, Dậu, Hợi, Thìn, Tuất, Sửu, Mùi.
- Ngày 23 tháng Chạp (23/12/2024 âm lịch, nhằm 22/1/2025 dương lịch) bắt đầu tiến hành từ 7h10 đến 8h50 hoặc từ 13h10 đến 14h50. Ngày này hợp các tuổi Dần, Thân, Tỵ, Hợi, Thìn, Tuất, Sửu, Mùi.
- Ngày 24 tháng Chạp (24/12/2024 âm lịch, nhằm ngày 23/1/2025 dương lịch) bắt đầu tiến hành từ 7h10 đến 8h50 hoặc từ 9h10 đến 10h50, từ 15h10 đến 16h50. Ngày này hợp các tuổi Tý, Ngọ, Mão, Dậu, Dần, Thân, Tỵ, Hợi.
- Ngày 25 tháng Chạp (25/12/2024 âm lịch, nhằm ngày 24/1/2025 dương lịch) bắt đầu tiến hành từ 7h10 đến 8h50, từ 15h10 đến 16h50. Ngày này hợp các tuổi Tý, Ngọ, Mão, Dậu, Dần, Thìn, Tuất, Sửu, Mùi.
- Ngày 26 tháng Chạp (26/12/2024 âm lịch, nhằm ngày 25/1/2025 dương lịch) bắt đầu tiến hành từ 5h10 đến 6h50, từ 15h10 đến 16h50. Ngày này hợp các tuổi Dần, Thân, Tỵ, Hợi, Thìn, Tuất, Sửu, Mùi.
- Ngày 28 tháng Chạp (28/12/2024 âm lịch, nhằm ngày 27/1/2025 dương lịch) bắt đầu tiến hành từ 7h10 đến 8h50 hoặc từ 9h10 đến 10h50, từ 13h10 đến 14h50. Ngày này hợp các tuổi Tý, Ngọ, Mão, Dậu, Hợi, Thìn, Tuất, Sửu, Mùi.
Thực hiện bao sái bàn thờ đúng cách
- Thắp hương xin phép: Đợi hương cháy hết 2/3 hoặc hết rồi mới bắt đầu lau dọn.
- Dọn sạch đồ thờ: Nhẹ nhàng bày các đồ thờ cúng xuống một chiếc khăn sạch hoặc bàn phủ khăn. Đừng làm xáo trộn vị trí của bát hương. Nếu cần di chuyển, hãy ghi nhớ vị trí cũ.
- Tỉa chân nhang: Rút bớt chân nhang (chỉ để lại số lẻ như 3, 5, 7, 9). Chân nhang đã rút cần được hóa vàng, tro mang thả sông hoặc gốc cây. Không đổ chân nhang vào thùng rác.
- Làm sạch bàn thờ: Dùng khăn sạch thấm nước rượu gừng hoặc nước ngũ vị hương lau từ trên xuống dưới. Lau kỹ các bát hương, đồ thờ như đèn, nến, lọ hoa, mâm bồng.
Không sử dụng nước lã, không dùng chung khăn lau bàn thờ với các vật dụng khác.
- Bố trí lại bàn thờ: Sau khi lau dọn sạch sẽ, đặt các vật phẩm trở lại đúng vị trí ban đầu.
Làm lễ tạ ơn
Sau khi bao sái bàn thờ xong gia chủ cần làm chuẩn bị mâm lễ nhỏ, thắp hương và khấn tạ ơn thần linh, tổ tiên.
Việc lau dọn bàn thờ, bao sái không chỉ là việc làm bày tỏ sự thành tâm, hiếu nghĩa của người Việt, tri ân với gia tiên, tiền tổ và các bậc thần linh, theo quan niệm dân gian còn đem lại sinh khí và tài vận mới cho gia chủ trong năm mới.