Bão số 3 cách Quảng Ninh 86 km về phía Đông, từ tối nay Hưng Yên, Ninh Bình có mưa rất to
Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết hoàn lưu của bão số 3 đã gây gió mạnh ở nhiều địa phương như Quảng Ninh, Hải Phòng, Hưng Yên, Thanh Hóa...
- Bão số 3 (tên quốc tế Wipha) đang cách Quảng Ninh khoảng 86 km, cách Hải Phòng khoảng 210 km về phía Đông, cách Hưng Yên khoảng 230 km, cách Ninh Bình khoảng 257 km về phía Đông Đông Bắc.
- Bộ Công an có công điện yêu cầu các đơn vị trực thuộc, Công an một số địa phương tập trung lực lượng, phương tiện để ứng phó.
- Nghệ An có công điện tuyệt đối cấm tất cả các loại tàu thuyền và phương tiện vận tải ra khơi từ 5 giờ sáng 21-7; tất cả tàu thuyền đang hoạt động trên biển phải khẩn trương vào bờ, neo đậu an toàn trước 10 giờ cùng ngày.
- Đặc khu Bạch Long Vĩ ghi nhận gió mạnh cấp 8-9, trời mưa dần nặng hạt hơn...
21/07/2025 15:05
Đặc khu Bạch Long Vĩ đã có gió mạnh cấp 8, giật cấp 9
Bão số 3 (tên quốc tế Wipha) đang ở vịnh Bắc Bộ. Do ảnh hưởng của bão số 3, tại đặc khu Bạch Long Vĩ đã có gió mạnh cấp 8, giật cấp 9; đặc khu Cô Tô gió mạnh cấp 6, giật cấp 7.
Lúc 13 giờ ngày 21-7, tâm bão ở khoảng 21,1°N; 109,1°E, cách Quảng Ninh khoảng 120 km, Hải Phòng 260 km, Hưng Yên 280 km và Ninh Bình khoảng 310 km về phía Đông Đông Bắc.
Gặp điều kiện thuận lợi, cường độ bão đang mạnh trở lại, hiện ở cuối cấp 9, đầu cấp 10 (75–102 km/giờ), giật cấp 12. Bão di chuyển hướng Tây Tây Nam với tốc độ 10–15 km/giờ. Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, đến khoảng 1 giờ sáng 22-7, bão có khả năng mạnh lên cấp 10-11, giật cấp 14.
Vùng nguy hiểm trên biển tại thời điểm này là khu vực phía Bắc vĩ tuyến 18,5 độ Vĩ Bắc, từ kinh tuyến 106,0 đến 112,0 độ Kinh Đông. Khu vực chịu ảnh hưởng gồm vùng biển phía Tây Bắc khu vực Bắc Biển Đông, vịnh Bắc Bộ, và vùng biển ven bờ các tỉnh từ Quảng Ninh đến Ninh Bình. Cấp độ rủi ro thiên tai được đánh giá là cấp 3.

Dự báo vùng ảnh hưởng của bão số 3. Ảnh: VNDMS
Dự báo đến trưa ngày mai, 22-7, bão tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Nam với vận tốc tương tự. Tâm bão dự báo nằm trên vùng biển từ Hải Phòng đến Thanh Hóa, tại khoảng 20,3 độ Vĩ Bắc và 106,6 độ Kinh Đông. Cường độ bão giữ nguyên ở cấp 10–11, giật cấp 14.
Vùng nguy hiểm mở rộng về phía Tây, nằm phía Bắc vĩ tuyến 18,5 độ Vĩ Bắc và phía Tây kinh tuyến 110,0 độ Kinh Đông. Các khu vực chịu ảnh hưởng bao gồm vịnh Bắc Bộ, vùng biển ven bờ và cả đất liền các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nghệ An. Cấp độ rủi ro thiên tai vẫn ở mức cấp 3.
Dự báo do ảnh hưởng của bão số 3, vùng biển Tây Bắc khu vực Bắc Biển Đông: gió cấp 7–8, giật cấp 10; sóng 3,0–5,0m; biển động mạnh. Bắc vịnh Bắc Bộ (Bạch Long Vĩ, Cô Tô, Vân Đồn, Cát Hải, Hòn Dấu): gió cấp 6–7, tăng lên cấp 8–9, vùng gần tâm bão cấp 10–11, giật cấp 14; sóng 4,0–6,0 m; biển động dữ dội. Nam vịnh Bắc Bộ (Hòn Ngư): gió dần lên cấp 6–7, vùng gần tâm bão cấp 8–9, giật cấp 11; sóng cao 2,0–4,0 m; biển động rất mạnh.
Cảnh báo nguy cơ ngập úng tại các cửa sông, vùng trũng thấp vào chiều 22-7. Vùng ven biển Quảng Ninh – Hưng Yên: nước dâng cao 0,5–1,0m, trong đó Ba Lạt 2,4–2,6 m; Hòn Dấu: 3,9–4,3 m; Cửa Ông: 4,6–5,0 m; Trà Cổ: 3,6–4,0 m.
Các phương tiện, công trình như tàu du lịch, vận tải, bè nuôi trồng thủy sản, đê kè, đường ven biển đều không an toàn khi hoạt động trong vùng ảnh hưởng bão.
Trên đất liền, từ tối và đêm nay, vùng ven biển từ Quảng Ninh đến Nghệ An có gió mạnh cấp 7–9, vùng gần tâm bão cấp 10–11, giật cấp 14. Khu vực sâu trong đất liền như Hải Phòng, Hưng Yên, Ninh Bình, Thanh Hóa: gió cấp 6, giật cấp 7–8. Lưu ý, gió cấp 10–11 có thể gây đổ cây, cột điện, tốc mái, thiệt hại nặng.
Từ nay đến 23-7, Đông Bắc, đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa, Nghệ An: 200–350mm, có nơi trên 600 mm. Các nơi khác Bắc Bộ và Hà Tĩnh: 100–200 mm, có nơi trên 300 mm. Cảnh báo khả năng mưa cực lớn (>150 mm/3 giờ); nguy cơ lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi; ngập lụt tại vùng trũng thấp, đô thị.
Khu vực vịnh Bắc Bộ, vùng biển ven bờ và đất liền từ Quảng Ninh đến Nghệ An có cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3.
AN HIỀN
21/07/2025 15:10
Hà Nội xuất hiện mưa nặng hạt
- Theo ghi nhận, từ trưa 21-7, do anh hưởng của cơn bão số 3, Hà Nội xuất hiện nhiều cơn mưa nặng hạt khiến cho người tham gia giao thông giạm nhiều khó khăn. Nhiều đoạn đường trũng có dấu hiện ngập nước nhẹ. Ai nấy ra đường lúc này đều trang bị cho mình áo mưa.



Hà Nội xuất hiện nhiều cơn mưa nặng hạt khiến cho người tham gia giao thông giạm nhiều khó khăn. Ảnh: PHI HÙNG
- Nhiều đơn vị, địa phương như Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bộ Công an, Bộ Tổng tham mưu, Bộ Nông nghiệp và Môi trường… đã ra văn bản, công điện nhằm chuẩn bị ứng phó với bão số 3.



Bảo vệ tòa nhà HDI, Tây Hồ (Hà Nội) dùng bao cát để chặn vào các cửa kính, tránh thiệt hại về tài sản do ảnh hưởng của bão số 3. Các cây cảnh xung quanh cũng được người dân neo chắc chắn. Ảnh: PHI HÙNG
- Tại Lâm Đồng: Mưa kèm gió mạnh làm ngã đổ nhiều cây xanh, một số ô tô bị đè bẹp, một ngôi nhà bị gió thổi bay mái tôn… trên địa bàn phường Xuân Hương – Đà Lạt.
PHI HÙNG
21/07/2025 15:17
Bắc Ninh sẵn sàng ứng phó với bão số 3
Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Văn Gấu cũng đã đi kiểm tra công tác triển khai ứng phó với bão số 3 tại một số địa bàn trọng điểm trong tỉnh như: trạm bơm Lãng Sơn, đê bối Lãng Sơn, trạm bơm Tư Mại và đê tả cầu Ba Tổng.
Qua kiểm tra tại các công trình thủy lợi phục vụ tiêu úng, Bí thư Bắc Ninh đánh giá cao sự nỗ lực của các địa phương, đơn vị quản lý đã chủ động sửa chữa, nâng cấp, khắc phục kịp thời sự cố, bảo đảm an toàn công trình thủy lợi.

Ông Nguyễn Văn Gấu (thứ 3 từ phải sang) trao đổi với lực lượng làm nhiệm vụ phòng, chống lụt bão tại phường Cảnh Thụy. Ảnh: XN
Ông Nguyễn Văn Gấu yêu cầu các đơn vị cử người trực 24/24 giờ, sẵn sàng các phương án với tinh thần chủ động; đẩy mạnh tuyên truyền về tình hình mưa bão trên các phương tiện thông tin để cán bộ và Nhân dân nắm được; tích cực phối hợp với ngành điện bảo đảm cung ứng điện giúp trạm bơm hoạt động liên tục, không gián đoạn trong mùa mưa bão.
Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh cũng động viên lực lượng trực, đồng thời nhấn mạnh, thời tiết, thiên tai tiếp tục có những diễn biến phức tạp, do vậy các cơ quan, đơn vị, địa phương cần bám sát tình hình mưa bão, mực nước sông để tham mưu lãnh đạo tỉnh có chỉ đạo kịp thời.
Đặc biệt phải chủ động triển khai các biện pháp bảo vệ hệ thống đê điều, trạm bơm trên địa bàn; tiếp tục rà soát, bổ sung phương án huy động lực lượng, phương tiện, sẵn sàng ứng phó với các tình huống, sự cố bất thường.
XUÂN NGUYỄN
21/07/2025 15:29
Phó Thủ tướng: Phải chủ động ứng phó với bão
Kiểm tra công tác phòng, chống bão số 3 tại TP Hải Phòng, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà lưu ý TP cần đặc biệt chú trọng công tác dự báo sớm và chính xác, nhằm có phương án ứng phó kịp thời, hiệu quả.
Ông yêu cầu phải kiểm soát từ sớm, tập trung xử lý những nơi xung yếu, đê chưa đạt chất lượng; đồng thời rà soát lại toàn bộ các khu vực có nguy cơ sạt lở để xử lý dứt điểm.
“Sau mỗi trận bão phải rút kinh nghiệm và hành động dứt khoát, tránh tình trạng lặp lại" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh và nêu rõ phải đặc biệt quan tâm, kiểm soát chặt chẽ những hạng mục đang thi công dở dang, tiềm ẩn rủi ro lớn trong bão.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà kiểm tra công tác phòng, chống bão số 3 tại Hải Phòng. Ảnh: ĐT
Đối với khu vực lồng bè phải kiên quyết cưỡng chế nhưng đồng thời phải có phương án bảo vệ tài sản cho người dân, để họ yên tâm di dời. Các lực lượng vũ trang cần được huy động tối đa để giúp dân chằng chống, bảo vệ lồng bè – coi đây là “cuộc chạy đua với thời gian trước bão”.
“Chúng ta không thể mãi ‘đối phó’ với bão – cần chuyển từ ứng phó bị động sang giải pháp căn cơ, kiên cố, ứng dụng công nghệ để bảo đảm sinh kế bền vững cho người dân" - Phó Thủ tướng nói.
NGỌC SƠN
21/07/2025 15:31
Đường sắt lên phương án chuyển tải hành khách
Cục Đường sắt đã yêu cầu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam lên kế hoạch điều chỉnh giờ chạy tàu, giảm số chuyến đi qua hoặc dừng đỗ tại khu vực ảnh hưởng.
Cùng đó, ngành đường sắt phải chuẩn bị phương án bảo quản hàng hóa, vận chuyển vật tư dự phòng, chuyển tải hành khách và dự trữ đầy đủ lương thực, nước uống, thuốc men, vật tư y tế… trong trường hợp phải dừng tàu đột xuất do thời tiết.
Trước đó, để để phòng tránh ảnh hưởng của bão, ngành đường sắt đã quyết định dừng chạy tàu khách liên vận quốc tế MR1 từ ga Gia Lâm đi Nam Ninh (Trung Quốc) trong tối 21-7. Hành khách đã mua vé được hoàn trả vé không thu phí.
VIẾT LONG
21/07/2025 15:34
Ninh Bình tạm dừng đón khách du lịch bằng phương tiện đường thủy nội địa
Thông tin từ tỉnh Ninh Bình, Sở Du lịch tỉnh đã có văn bản thông báo tạm dừng đón khách du lịch bằng phương tiện đường thủy nội địa từ 13 giờ ngày 21-7 cho đến khi có thông báo mới.
Lý do của việc tạm dừng này là để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho du khách và người lao động. Sở yêu cầu Ban Quản lý các khu, điểm du lịch chủ động thông báo tới du khách, đơn vị lữ hành, hướng dẫn phương án di chuyển an toàn, đồng thời phối hợp với lực lượng chức năng triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn tại bến, bãi.
Các đơn vị vận hành phương tiện thủy tổ chức neo đậu tàu, thuyền tại vị trí an toàn; kiểm tra trang thiết bị cứu sinh, sẵn sàng phối hợp cứu hộ khi có yêu cầu.
CHÂN LUẬN
21/07/2025 15:36
Hà Tĩnh cấm biển và đang tìm kiếm 1 ngư dân mất tích
Chủ động phòng, chống bão số 3, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Trọng Hải đã giao Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo lực lượng chức năng phối hợp với các đơn vị, địa phương triển khai ngay việc cấm các phương tiện ra khơi trước 12 giờ ngày 21-7.
Cho đến 15 giờ 30 phút, trên địa bàn các xã ven biển ở Hà Tĩnh đã có mưa vừa và mưa to. Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh và chính quyền các xã đã hướng dẫn ngư dân neo đậu tàu, thuyền tại các khu neo đậu an toàn, kiên quyết không để người dân ở lại trên tàu khi bão đổ bộ vào.

Công tác kéo thuyền lên bờ và tìm kiếm ngư dân Hoàng Văn Minh đang được diễn ra khẩn trương.
Hiện lực lượng chức năng và người thân đang nỗ lực tìm kiếm ông Hoàng Văn Minh (57 tuổi, trú thôn Đông Tây, xã Cổ Đạm, Hà Tĩnh) bị chìm thuyền, mất tích trên biển.
Khoảng 20 giờ tối 19-7, ông Minh cùng ngư dân Trương Văn Hồng (trú xã Cổ Đạm) ra khơi đánh bắt cá, cách đất liền gần 2 hải lý.
Trong đêm tối, con thuyền của ông Minh bất ngờ gặp giông, lốc xoáy làm thuyền bị chìm. Anh Hồng được tàu cá của các ngư dân cứu sống, còn ông Minh bị sóng cuống đang mất tích. Do thời tiết có mưa, gió, sóng biển lớn nên công tác tìm kiếm ông Minh đang gặp khó khăn.
ĐẮC LAM
21/07/2025 15:40
Phú Thọ: Bám sát diễn biến thời tiết, trực 24/24
Sáng 21-7, ông Trần Duy Đông, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, cùng đoàn công tác đi kiểm tra công tác chủ động phòng, chống bão số 3 tại một số địa phương trong tỉnh.
Ông Đông cùng đoàn công tác đến kiểm tra Trạm bơm tiêu Sơn Tình, xã Phú Khê; khu vực dân cư bị úng ngập vùng Phương Xá, xã Cẩm Khê; vị trí xung yếu đê hữu ngòi Giành, xã Tiên Lương; Hồ Ao Châu, xã Hạ Hòa.

Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Trần Duy Đông (ngoài cùng bên trái) kiểm tra thực tế tại khu vực dân cư bị úng ngập vùng Phương Xá, xã Cẩm Khê.
Qua kiểm tra thực tế, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông yêu cầu các sở, ban ngành phối hợp chặt chẽ với các địa phương, chủ động phòng chống thiên tai theo phương châm 4 tại chỗ; cảnh báo tại các địa điểm xung yếu, các ngầm tràn, khu vực có nguy cơ xảy ra lũ cuốn, sạt lở…
Các Công ty TNHH MTV Thủy lợi cần bám sát diễn biến thời tiết, chủ động triển khai các phương án ứng phó kịp thời, phân công người trực 24/24 giờ...
XUÂN NGUYỄN
21/07/2025 15:52
Quảng Ninh: Di dời hơn 7.500 người ở các khu nuôi trồng thủy sản lên bờ an toàn
Theo Ban Chỉ huy PCTT-TKCN và phòng thủ dân sự tỉnh Quảng Ninh, toàn tỉnh có 7.708 cơ sở nuôi trồng thủy sản, trong đó 800 cơ sở nuôi trồng thủy sản trên biển đều đã được thông tin về bão để triển các giải pháp ứng phó nhằm đảm bảo an toàn.
Việc rà soát, di dời người dân ở các khu NTTS lên bờ (ưu tiên phụ nữ, người già, trẻ nhỏ) đã được tỉnh triển khai từ trưa 19-7.

Lãnh đạo đặc khu Vân Đồn (Quảng Ninh) kiểm tra công tác di dời người dân ở các khu nuôi trồng thủy sản lên bờ.
Theo báo cáo, đến 9 giờ sáng 21-7, toàn tỉnh đã đưa 7.518 người lên bờ an toàn và tiếp tục rà soát hoàn thành công tác này vào trưa cùng ngày.
Bên cạnh đó, toàn tỉnh có 2.078 nhà có nguy cơ bị ngập lụt, sạt lở… và không đảm bảo an toàn khi bão mạnh ảnh hưởng. UBND các địa phương đã thông tin và lập phương án di dời khi có nguy cơ và thông báo đến các hộ dân để chủ động thực hiện.
Trước đó, trong ngày 20-7, các địa phương cũng đã tổ chức đưa khoảng 14.000 khách du lịch các tuyến đảo về bờ an toàn. Tính đến 17 giờ ngày 20-7 chỉ còn 47 khách du lịch có nhu cầu ở lại đang lưu trú trên các đảo thuộc Đặc khu Cô Tô và Đặc khu Vân Đồn. Địa phương đã chỉ đạo các doanh nghiệp du lịch đảm bảo nhu cầu sinh hoạt và an toàn của khách.
NGỌC SƠN
21/07/2025 15:57
Phú Thọ: Tạm dừng cầu phao Phong Châu
Theo Đại tá Nguyễn Đăng Chiến, Trưởng phòng Tuyên huấn, Binh chủng Công Binh, thực hiện chỉ đạo của Bộ Quốc phòng và Binh chủng Công binh về việc phòng, chống cơn bão số 3, từ 19 giờ 21-7-2025, Lữ đoàn 249 sẽ tạm dừng bảo đảm cầu, phà tại khu vực Phong Châu.

Cầu phao Phong Châu. Ảnh: NH
19 giờ 30 đơn vị sẽ cắt cầu, tổ chức neo đậu và ghim các trang bị bảo đảm cầu, phà.
Lữ đoàn 249 cũng tổ chức trực và thường xuyên theo dõi dự báo thời tiết khí hậu thủy văn quốc gia và đo lưu tốc dòng chảy, khi điều kiện an toàn sẽ nối lại cầu phao hoặc bảo đảm phà đưa Nhân dân qua sông.
XUÂN NGUYỄN
21/07/2025 16:06
Cảnh báo nguy cơ lũ quét, sạt lở, sụt lún đất ở Quảng Ninh
15 giờ 30 chiều 21-7, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn phát tin cảnh báo nguy cơ lũ quét, sạt lở, sụt lún đất trên khu vực tỉnh Quảng Ninh.
Theo đó, trong sáu giờ qua, khu vực tỉnh Quảng Ninh đã có mưa vừa, mưa to. Đến nay, mưa chưa có dấu hiệu ngừng lại. Mô hình độ ẩm đất cho thấy một số khu vực thuộc tỉnh Quảng Ninh đã gần bão hòa (trên 85%) hoặc đạt trạng thái bão hòa.
Cảnh báo: Trong sáu giờ tới, có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất trên sườn dốc, suối nhỏ tại nhiều khu vực.
Cụ thể, đặc khu Cô Tô, Đặc khu Vân Đồn, Đầm Hà, Ba Chẽ, Bình Liêu, Điền Xá, Đông Ngũ, Đường Hoa, Hải Hòa, Hải Lạng, Bình Khê, Cẩm Phả, Cửa Ông, Hoành Bồ, Móng Cái 3, Mông Dương, Quang Hanh, Vàng Danh, Yên Tử, Quảng Hà, Quảng La, Quảng Tân, Tiên Yên.
21/07/2025 16:20
Thanh Hóa: Xã biên giới dựng lán trại sẵn sàng di dời dân đến nơi an toàn
Trước diễn biến phức tạp, khó lường của bão số 3, xã biên giới Na Mèo, tỉnh Thanh Hóa đã huy động người dân, công an, quân đội dựng lán tạm, sẵn sàng phương án di dân ở nơi dễ xảy ra sạt lở đến nơi an toàn.
Theo UBND xã Na Mèo, tình trạng sạt lở trong thời gian qua đã đe dọa trực tiếp đến an toàn tính mạng của 55 hộ dân với 220 nhân khẩu sinh sống tại bản, nhất là khi bão số 3 được dự báo gây mưa lớn, có nguy cơ xảy ra sạt lở rất cao.



Được sự hỗ trợ của Bộ đội Biên phòng, Công an, đến sáng 21-7, khu lán tạm đã cơ bản được hoàn thành, đáp ứng nhu cầu tránh trú tạm thời của toàn bộ người dân bản Cha Khót, xã Na Mèo, tỉnh Thanh Hóa khi tình huống sạt lở xảy ra.
Từ ngày 20-7, UBND xã Na Mèo đã phân công cán bộ trực tiếp đến bản tuyên truyền, vận động bà con chuẩn bị nhu yếu phẩm, vật dụng thiết yếu, sẵn sàng di dời đến nơi tránh trú an toàn trong tình huống khẩn cấp có thể xảy ra.
Trao đổi với PV, Phó Chủ tịch UBND xã Na Mèo Ngân Phúc Hậu, cho hay được sự hỗ trợ của Bộ đội Biên phòng, Công an, đến sáng 21-7, khu lán tạm đã cơ bản được hoàn thành, đáp ứng nhu cầu tránh trú tạm thời của toàn bộ người dân bản Cha Khót khi tình huống sạt lở xảy ra.
Hiện xã Na Mèo cũng chủ động các điều kiện cần thiết để phục vụ người dân trong thời gian tránh trú, như lương thực, thực phẩm, điện sáng, nước uống... đảm bảo an toàn cho người, tài sản của các hộ dân sinh sống trong khu vực ảnh hưởng do bão số 3 gây ra.
Được biết bản Cha Khót, xã Na Mèo nằm giáp biên giới Việt - Lào, là nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Thái, cách xa trung tâm xã Na Mèo, giao thông đi lại khó khăn.
21/07/2025 16:22
Đưa máy bay về khu vực an toàn trước khi bão số 3 vào
Đến 16 giờ chiều 21-7, Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài thực hiện xong việc gia cố trang thiết bị, phương tiện ngoài trời, đảm bảo an toàn khu vực khai thác.

Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài thực hiện gia cố trang thiết bị, phương tiện ngoài trời, đảm bảo an toàn khu vực khai thác, trước khi bão số 3 vào.
Còn các hãng bay cũng thực hiện chằng néo máy bay, đưa máy bay về khu vực an toàn trước khi bão vào.
VIẾT LONG
21/07/2025 16:41
Bão đang áp sát đất liền
Cập nhật lúc 16 giờ, tâm bão số 3 đang ở khoảng 21.0 độ Vĩ Bắc; 108.7 độ Kinh Đông. Bão đang cách Quảng Ninh khoảng 100 km, cách Hải Phòng khoảng 220 km về phía Đông, cách Hưng Yên khoảng 240 km, cách Ninh Bình khoảng 270 km về phía Đông Đông Bắc.
Sức gió mạnh nhất: Cấp 9-10 (75-102 km/giờ), giật cấp 12.
Dự báo: Trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, tốc độ khoảng 15 km/giờ.



Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Công an Hà Nội đã kiểm tra công tác phòng chống bão số 3.
Trước dự báo về cơn bão số 3 (Wipha) có diễn biến phức tạp và cường độ mạnh, Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Công an Hà Nội đã kiểm tra dọc tuyến sông Hồng (đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến cầu Nhật Tân). Đội cứu hộ trên sông cũng chuẩn bị sẵn sàng các phương án, trang thiết bị để ứng trực các tình huống xấu có thể xảy ra khi bão ảnh hưởng tới đất liền.
Tổ công tác kiểm tra các bến khách, nhà nổi, phương tiện thủy nội địa, công trình ven sông và những khu vực tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn khi mưa bão xảy ra. Đồng thời, hỗ trợ người dân neo đậu thuyền, nhà nổi chắc chắn để sẵn sàng đón bão.
Cùng ngày, Đội Cảnh sát đường thủy 1, Phòng CSGT Hà Nội phối hợp chính quyền địa phương tổ chức kiểm tra tại bến đò Liên Trung (xã Ô Diên), bến đò Thọ An, Chu Phan (xã Liên Minh).
Lực lượng chức năng đã trực tiếp tuyên truyền hướng dẫn các hộ dân tuyệt đối không ở lại trên phương tiện khi có gió lớn, mưa to; chủ động di chuyển vào bờ an toàn khi có yêu cầu từ chính quyền.
PHI HÙNG
21/07/2025 16:46
Lào Cai: Rà soát tất cả các địa điểm nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở
Trước dự báo bão số 3 gây mưa rất lớn tại tỉnh Lào Cai, UBND tỉnh đã có công điện hỏa tốc tập trung ứng phó với bão số 3 và mưa lũ.
Hiện nay, UBND các xã, phường tại Lào Cai đang cử lực lượng đi rà soát tất cả các địa điểm có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét và sạt lở đất. Tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân vừa kiên quyết di dời các hộ ở khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn.
Đồng thời, có phương án hỗ trợ chỗ ở tạm, lương thực, nhu yếu phẩm cho người dân phải sơ tán, bảo đảm ổn định đời sống cho người dân; chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm theo phương châm “bốn tại chỗ” để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống.

Lực lượng chức năng phường Yên Bái kiểm tra tại vị trí có nguy cơ sạt lở.
UBND tỉnh Lào Cai yêu cầu chủ tịch UBND các xã, phường căn cứ tình hình thực tế, chủ động thông tin, chỉ đạo, hỗ trợ người dân ứng phó với bão, lũ. Cập nhật kịp thời diễn biến thời tiết, tuyên truyền kỹ năng phòng tránh gió mạnh, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt.
Kiểm tra, bảo đảm an toàn hồ chứa, hạ du; bố trí lực lượng vận hành điều tiết. Rà soát đê điều, chuẩn bị sẵn vật tư, nhân lực, phương tiện để hộ đê khi có sự cố.
Bố trí trực, canh gác tại ngầm, tràn, đường suối; hướng dẫn giao thông, cấm phương tiện không đảm bảo an toàn. Nghiêm cấm người dân vớt củi, lội qua suối, đánh cá khi có lũ. Tuyên truyền người dân không ngủ trên đồi, nương vào ngày mưa lũ…
XUÂN NGUYỄN
21/07/2025 18:40
Bão số 3 đang mạnh lên, ngày mai đổ bộ đất liền Việt Nam
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, lúc 16 giờ, bão số 3 đang cách Quảng Ninh 100 km, cách Hải Phòng 220 km, cách Hưng Yên 240 km, cách Ninh Bình 270 km.
Sức gió mạnh nhất cấp 9–10 (75–102 km/giờ), giật cấp 12. Bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam với tốc độ khoảng 15 km/giờ.

Dự báo vùng ảnh hưởng của bão số 3. Ảnh: VNDMS
Cơ quan khí tượng thủy văn quốc gia dự báo, khoảng sáng sớm ngày mai, cường độ bão số 3 sẽ mạnh lên cấp 10-11, giật cấp 14 và vẫn có khả năng mạnh thêm.
Dự báo trong sáng đến chiều mai, bão sẽ đổ bộ đất liền ven biển từ Hải Phòng–Thanh Hóa, với cường độ cấp 9-10, giật cấp 13.
Do ảnh hưởng của bão, từ đêm nay, tại ven biển Quảng Ninh – Nghệ An, gió mạnh dần lên cấp 7–9, vùng gần tâm bão cấp 10–11, giật cấp 14.
Hải Phòng, Hưng Yên, Bắc Ninh, Hà Nội, Ninh Bình, Thanh Hóa có gió cấp 6, giật cấp 7–8.
Từ chiều tối nay, khu Đông Bắc, đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa, Nghệ An: mưa to–rất to, phổ biến 200–350 mm, có nơi trên 600 mm. Các nơi khác ở Bắc Bộ và Hà Tĩnh: mưa 100–200 mm, có nơi trên 300 mm.
Cảnh báo lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt.
AN HIỀN
21/07/2025 18:46
Quảng Ninh, Hải Phòng, Hưng Yên, Ninh Bình, Thanh Hóa đã có mưa to đến rất to
18 giờ chiều nay, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia tổ chức cung cấp thông tin về dự báo diễn biến, tác động của bão số 3.
Buổi cung cấp thông tin do ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm chủ trì.
Tại buổi cung cấp thông tin, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết hoàn lưu của bão số 3 đã gây gió mạnh ở nhiều địa phương.

Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia.
Tại Quảng Ninh, các khu vực Uông Bí, Móng Cái đã có gió giật cấp 7; Bãi Cháy gió giật cấp 6; Cô Tô gió mạnh cấp 6, gió giật cấp 7;…
Tại Hải Phòng: Đặc khu Bạch Long Vỹ gió mạnh cấp 8, giật cấp 10; sóng cao nhất 1,7 m; Phủ Liễn gió mạnh cấp 5, giật cấp 7.
Tại Hưng Yên: Gió tại trạm thủy văn Ba Lạt mạnh cấp 6. Mưa phổ biến 40-50mm, và vẫn đang có mưa vừa, một số nơi mưa to.
Tại Ninh Bình: Trạm Văn Lý gió mạnh cấp 5…
Tại Thanh Hóa: Trạm Thanh Hóa gió mạnh nhất cấp 3; trạm Sầm Sơn gió mạnh gió mạnh 5m/s, giật 7m/s.
Từ ngày hôm qua đến chiều tối nay, ở khu vực Đông Bắc, đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An đã có mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to như: trạm Long Dinh (Quảng Ninh) 131.4 mm, trạm Cẩm Phả (Quảng Ninh) 130.8 mm, trạm Thanh Mai (Nghệ An) 104.4 mm, trạm Cát Bà (Hải Phòng) 89.4 mm, trạm Quang Chiểu (Thanh Hóa) 73.6 mm.
Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, ở đặc khu Bạch Long Vĩ đã có gió mạnh cấp 8, giật cấp 9; đặc khu Cô Tô và Cát Bà (đặc khu Cát Hải) có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7.
Ông Mai Văn Khiêm cho biết dự báo khoảng trưa đến chiều mai (22-7) vùng tâm bão số 3 sẽ đi vào đất liền các tỉnh từ Hải Phòng đến Bắc Thanh Hóa.
Do ảnh hưởng của bão, khu vực ven biển Hải Phòng, ven biển Hưng Yên (Thái Bình cũ) có gió cấp 9-10, giật cấp 13-14; ven biển Ninh Bình có gió cấp 8-9, giật cấp 13; ven biển Thanh Hóa (tập trung ở phía Bắc) có gió cấp 7-8, giật cấp 8-9.
Tại Thủ đô Hà Nội, trưa và chiều mai có gió mạnh cấp 5-6, giật 7-8.
Dự báo triều cường cao (bao gồm cả nước dâng do bão) sẽ xuất hiện vào buổi chiều 22-7.
Cụ thể, tại Ba Lạt (Hưng Yên) cao 2,4-2,6 m (13-16 giờ); tại Hòn Dấu (Hải Phòng) cao 3,9-4,3 m (13-16 giờ); tại Cửa Ông (Quảng Ninh) cao 4,6-5,0 m (14-17 giờ); và tại Trà Cổ (Quảng Ninh) cao 3,6-4,0 m (14-17 giờ).
Dự báo mưa to diện rộng từ nay tối và đêm nay đến sáng 23-7, trọng tâm là Hưng Yên, Ninh Bình, Nam Phú Thọ, Thanh Hóa, Nghệ An phổ biến 200-350 mm, cục bộ có nơi trên 600 mm.
Các nơi khác ở khu vực Bắc Bộ và Hà Tĩnh có mưa vừa, mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to và dông với lượng mưa phổ biến 100-200 mm, cục bộ có nơi trên 300 mm.
Cảnh báo nguy cơ mưa có cường suất lớn (>150 mm/3 giờ). Lượng mưa lớn trong thời gian ngắn có thể gây lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt ở vùng trũng thấp.
Theo ông Mai Văn Khiêm, cho biết gần 2 giờ qua, tâm bão không di chuyển. Cơn bão có nguy cơ tăng cường độ, thời gian ảnh hưởng sẽ nguy hiểm hơn so với việc di chuyển nhanh.
21/07/2025 18:49
Hưng Yên cần rà soát kỹ các khu vực xung yếu trước bão số 3
Chiều 21-7, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cùng đoàn công tác của Chính phủ đã kiểm tra thực tế công tác phòng, chống bão số 3 tại tỉnh Hưng Yên ở các khu vực trọng điểm như khu neo đậu tàu thuyền cảng cá Tân Sơn (xã Thái Thụy), trạm bơm chống ngập Mai Diêm (Khu công nghiệp Liên Hà Thái).
Với tinh thần không được chủ quan, Phó Thủ tướng yêu cầu địa phương tiếp tục duy trì nghiêm chế độ trực ban, thường xuyên cập nhật tình hình thời tiết, thông tin kịp thời đến người dân để chủ động các biện pháp bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản.


Lực lượng phòng chống bão của phường Trần Hưng Đạo, tỉnh Hưng yên cắt tỉa cây xanh phòng chống bão.
Đặc biệt, ông lưu ý tỉnh cần rà soát ngay các khu vực trọng điểm, công trình xung yếu, có nguy cơ cao ảnh hưởng bởi bão để chuẩn bị kịch bản ứng phó phù hợp và kịp thời.
“Các lực lượng chức năng phải sẵn sàng phối hợp xử lý nhanh chóng mọi tình huống phát sinh, hạn chế tối đa thiệt hại, không để xảy ra tình huống bị động” - Phó Thủ tướng chỉ đạo.

Phó Thủ tướng động viên ngư dân tại khu neo đậu tàu cá ở xã Thái Thụy, tỉnh Hưng Yên. Ảnh: VGP
Theo báo cáo nhanh của UBND tỉnh Hưng Yên, toàn tỉnh có 1.132 tàu, thuyền với 3.241 lao động. Tính đến 15 giờ cùng ngày, hơn 1.100 phương tiện cùng trên 3.000 lao động đã về neo đậu tại các bến trong tỉnh; 30 tàu, 206 lao động neo tại bến ngoài tỉnh.
Ngoài ra, tỉnh còn có gần 2.000 đầm ngoài đê, chòi canh và hàng ngàn lồng, bè nuôi trồng thủy sản đều đã được bố trí tránh trú an toàn. Trước đó, tỉnh Hưng Yên đã cấm biển từ 18 giờ ngày 20-7.
Về sản xuất nông nghiệp, toàn tỉnh đã gieo cấy 94.640/97.500 ha lúa (đạt 97,1% kế hoạch), trồng 8.457 ha rau màu vụ Hè-Thu và khoảng 5.800 ha nhãn đang giai đoạn phát triển quả.

Các lực lượng đi kiểm tra công tác phòng chống bão số 3. Ảnh: ĐÀM THANH
Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Hưng Yên, từ 0 giờ đến 15 giờ ngày 21-7, lượng mưa đo được tại nhiều nơi khá cao: Vũ Hòa 48,4 mm, Đông Hưng 47,2 mm, Bình Thanh 46,2 mm.

Các tàu thuyền đã di chuyển, neo đậu ở nơi an toàn trước khi bão số 3 đổ bộ. Ảnh: ĐÀM THANH
Dự báo từ đêm 21-7, tỉnh Hưng Yên sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão số 3. Gió tại vùng biển ngoài khơi có thể mạnh cấp 9-10, giật cấp 11-12; sóng cao từ 3-4 m, biển động dữ dội. Trên đất liền, từ ngày 21 đến 23-7, sẽ có mưa to đến rất to và dông, lượng mưa phổ biến từ 200-300 mm, có nơi vượt ngưỡng 300 mm.
Trước tình hình này, Phó Thủ tướng yêu cầu Hưng Yên tiếp tục chủ động theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, sẵn sàng các phương án bảo vệ an toàn cho người dân, đặc biệt tại các vùng trũng thấp, khu vực nuôi trồng thủy sản và công trình hạ tầng trọng yếu.
21/07/2025 19:06
Nghệ An sẵn sàng sơ tán những hộ dân ở khu vực nguy hiểm
Chiều tối 21-7, trên địa bàn Nghệ An có mưa nhỏ, vùng biển ít mưa, gió nhẹ. Các ngư dân đã đưa tàu vào tại các khu vực neo đậu tàu cá.
Ghi nhận tại khu vực Cửa Hội và hạ nguồn sông Lam (giáp ranh tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh) nhiều tàu cảnh sát sát biển đã neo đậu, túc trực sẵn sàng ứng cứu, phòng chống bão số 3.


Bộ đội Biên phòng Nghệ An tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ ngư dân thực hiện các biện pháp ứng phó nhằm giảm thiểu thiệt hại do bão.
Theo Ban Chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh Nghệ An, trên địa bàn tỉnh có 2.816 phương tiện với hơn 12.000 lao động trực tiếp đánh bắt hải sản. Tất cả các tàu, thuyền đã vào neo đậu tại bến an toàn.
Văn phòng thường trực Ban chỉ huy phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự (PCTT-TKCN và PTDS) tỉnh Nghệ An, cho biết thời gian vừa qua, Nghệ An đã xảy ra mưa lớn cục bộ gây sạt lở đất tại một số huyện miền núi. Trong trường hợp có mưa lớn tiếp tục xảy ra thì nguy cơ sạt lở vùng miền núi, trung du, vùng hạ du hồ đập ở Nghệ An là rất lớn.
Do đó, UBND tỉnh Nghệ An đã yêu cầu các địa phương tổ chức rà soát, sẵn sàng phương án sơ tán những hộ dân ở khu vực nguy hiểm, nhất là khu vực ven biển, khu vực nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét, ngập sâu đến nơi an toàn.

Tàu cảnh sát biển sẵn sàng ứng cứu khi bão số 3 vào.
Nghệ An có 23 hồ chứa thủy điện đang vận hành khai thác. Trong đó, có 8 hồ chứa đang thực hiện vận hành theo Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Cả (gồm các hồ Bản Vẽ, Khe Bổ, Chi Khê, Nậm Nơn, Nậm Mô, Bản Ang, Nhạn Hạc A, Châu Thắng), các hồ còn lại vận hành theo quy trình đơn hồ.
Riêng hồ thủy điện Bản Vẽ ở miền núi Nghệ An hiện nay đang ở cao trình 188,33/200 (ứng với dung tích khoảng 1,35/1,83 tỉ m³). Các hồ chứa thủy điện hiện nay đang vận hành bình thường theo đúng quy trình được Bộ Công Thương và UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt. Tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo tuyệt đối không để người dân ở trên lồng bè trong khi có bão, mưa lũ.
ĐẮC LAM
21/07/2025 19:34
Bão đổ bộ trong khoảng từ 10h – 15 giờ ngày 22-7
Tại buổi cung cấp thông tin, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho hay cơn bão này có hoàn lưu rất rộng.
“Hôm qua khi chưa vào Vịnh Bắc Bộ thì từ chiều tối, gần như toàn bộ khu vực Vịnh Bắc Bộ đều đã có mưa. Mưa diễn ra liên tục cả đêm, mưa cả trên đất liền, khu vực ven biển đất liền, trong đó có Hà Nội. Từ trưa nay, mức độ tác động của bão tăng dần” – ông Khiêm nói.
Về nguy hiểm do bão gây ra, ông Khiêm đánh giá khu vực chịu ảnh hưởng nguy hiểm đầu tiên là Quảng Ninh và khu vực Đông Bắc. Khu vực này, từ trưa cho đến chiều nay đã có mưa tương đối lớn. Một số điểm mưa có lượng mưa đến 175 mm, có nơi đến gần 200 mm. Mưa có thể kéo dài đến chiều tối mai, sau đó giảm dần.
Một số trạm đã quan trắc được gió mạnh. Mặc dù đảo Bạch Long Vĩ còn cách tâm bão khoảng 130 km về phía Đông Đông Bắc nhưng chiều nay đã quan trắc được gió mạnh cấp 8, giật cấp 9. Với xu hướng bão di chuyển như hiện tai, nhiều khả năng trong đêm nay cho đến rạng sáng mai, khu vực Bạch Long Vĩ sẽ chịu tác động gió bão mạnh hơn, có thể lên đến cấp 9, cấp 10, thậm chí là cấp 11. Do vậy cần hết sức là chú ý.
Ngoài ra, từ giờ đến sáng sớm mai, vùng biển ven bờ Quảng Ninh có thể có gió mạnh lên đến cấp 9, cấp 10. Vùng đất liền ven biển Quảng Ninh có thể có gió cấp 7, 8.
Từ đêm nay đến 9 giờ sáng mai, mưa bắt đầu tập trung nhiều ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ.
“Chúng tôi nhận định, bắt đầu từ đêm nay mưa sẽ tăng cường dần lên. Vùng tâm bão số 3 sẽ đi vào giữa khu vực Nam Hải Phòng đến Bắc Thanh Hóa. Thời gian bão vào khoảng từ 10 giờ trưa mai đến 15 giờ chiều mai” – theo ông Mai Văn Khiêm
Cùng thời điểm này, vùng ven biển đất liền các cái khu vực từ nam Hải Phòng cho đến bắc Thanh Hóa sẽ có gió mạnh, gió nguy hiểm nhất, với gió mạnh lên cấp 8, cấp 9, một số khu vực gần vùng tâm lên đến cấp 10 và giật cấp 13.
Riêng đối với khu vực đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa, Nghệ An, mưa tăng cường vào đêm nay và có thể kéo dài cho đến sáng 23-7 sau đó giảm dần vì hoàn lưu bão đã dịch chuyển sang phía khu vực Thượng Lào.
Dự báo chi tiết các xã, phường cần ứng phó gió mạnh ven biển, sóng và nước dâng.
- Quảng Ninh: Phường: Bãi Cháy, Hà Tu. Hồng Gai, Hạ Long, Móng Cái 1, 2, 3; Đặc khu Cô Tô và Vân Đồn.
- Hải Phòng: Đặc khu Bạch Long Vỹ; Đặc khu Cát Hải, Phường: Hải An, Dương Kinh, Đồ Sơn và các xã Kiến Thụy, Tiên Lãng.
- Ninh Bình: 15 xã ven biển gồm Xã Giao Minh, Xã Giao Hòa, Xã Giao Phúc, Xã Giao Hưng, Xã Giao Bình, Xã Giao Ninh, Xã Hải Hưng, Xã Hải Quang, Xã Hải Tiến, Xã Hải Xuân, Xã Hải Thịnh, Xã Rạng Đông, Xã Nghĩa Lâm, Xã Kim Đông, Xã Bình Minh; Đê kè Cồn Tròn đoạn từ K20+000 - K21+633; đê biển Hải Hậu; Đê kè Cồn Tròn, Hải Thịnh II, Hải Thịnh III.
- Hưng Yên: Xã Thái Thụy và xã Tiền Hải.
- Thanh Hóa: 16 xã khu vực mép nước bao gồm các xã Nga An, Tân Tiến, Vạn Lộc, Hoa Lộc, Hoàng Tiến, Hoàng Thanh, phường Sầm Sơn, phường Nam Sẩm Sơn, Quảng Ninh, Quảng Bình, Tiên Trang, Ngọc Sơn, Tân Dân, phường Hải Lĩnh, phường Tĩnh gia, phường Hải Bình và phường Nghi Sơn.
Cảnh báo chi tiết các xã có nguy cơ xảy ra lũ quét và trượt lở đất:
- Thanh Hóa (24 xã): Mường Lát, Mường Chanh, Mường Lý, Nhi Sơn, Pù Nhi, Quang Chiểu, Tam Chung, Trung Lý// Quan Sơn, Tam lư, Trung Hạ, Na Mèo, Sơn Thủy, Sơn Điện, Mường Mìn, Tam Thanh// Hồi Xuân, Nam Xuân, Thiên Phủ, Hiền Kiệt, Phú Lệ, Trung Thành, Trung Sơn, Phú Xuân.
- Nghệ An (50 xã): Bắc Lý, Chiêu Lưu, Huồi Tụ, Hữu Kiệm, Keng Đu, Mường Xén, Mường Lống, Mường Típ, Mỹ Lý, Na Loi, Na Ngoi, Nậm Cắn, Hữu Khuông, Lượng Minh, Nga My, Nhôn Mai, Tam Quang, Tam Thái, Tương Dương, Yên Hòa, Yên Na, Mường Quàng, Quế Phong, Thông Thụ, Tiền Phong, Tri Lễ, Bình Chuẩn, Cam Phục, Châu Khê, Con Cuông, Mậu Thạch, Môn Sơn, Châu Bình, Châu Tiến, Hạnh Thiết, Hùng Chân, Quỳ Châu, Châu Hồng, Châu Lộc, Minh Hợp, Mường Chọng, Mường Ham, Quỳ Hợp, Tam Hợp, Nghĩa Đàn, Nghĩa Hưng, Nghĩa Khánh, Nghĩa Lâm, Nghĩa Lộc, Nghĩa Mai, Nghĩa Thọ.
- Sơn La: Mường Lèo, P. Mộc Châu, Púng Bánh.
21/07/2025 20:00
Bão đang cách Quảng Ninh 86 km về phía Đông
Lúc 19 giờ, vị trí tâm bão số 3 đang ở khoảng 20.9 độ Vĩ Bắc; 108.5 độ Kinh Đông, cách Quảng Ninh khoảng 86 km, cách Hải Phòng khoảng 210 km về phía Đông, cách Hưng Yên khoảng 230 km, cách Ninh Bình khoảng 257 km về phía Đông Đông Bắc.
Sức gió mạnh nhất: Cấp 9-10 (75-102 km/h), giật cấp 13.

Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn Bắc Bộ, bão số 3 (bão Wipha) có khả năng gây mưa lớn diện rộng kéo dài ở khu vực Bắc Bộ, trong đó có Thủ đô Hà Nội. Dự kiến, mực nước các sông sẽ lên cao trong những ngày tới.
Cụ thể, từ hôm nay (21-7) đến ngày 25-7, trên các sông ở khu vực Hà Nội có khả năng xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên từ 1,5 đến 3,5m. Trong đợt lũ này, đỉnh lũ sông Đà, sông Hồng, sông Đuống có khả năng ở mức dưới báo động một; sông Đáy, các sông suối nhỏ, sông nội tỉnh như sông Bùi, sông Tích, sông Cà Lồ... có khả năng ở mức báo động một đến trên báo động hai.
Các địa phương chịu ảnh hưởng lớn của mực nước các sông lên cao trong những ngày tới gồm xã Xuân Mai, xã Quảng Bị, xã Trần Phú, phường Chương Mỹ, xã Đan Phượng, xã Mỹ Đức, xã Thanh Oai, xã Hòa Xá, xã Vân Đình…
Mực nước sông lên cao có thể gây ngập úng, sạt lở tại các vùng trũng thấp, ven sông, các bãi nổi giữa sông, ven sông, các ngầm, tràn, cầu, cống, đường giao thông khu vực ven sông Đà, sông Hồng, sông Đuống, sông Đáy, sông Bùi, sông Tích, sông Cà Lồ, ảnh hưởng đến con người, một số khu công nghiệp, khu nuôi trồng thủy sản, nông nghiệp và sinh hoạt, giao thông của người dân.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của mưa to với cường độ lớn, nguy cơ cao xảy ra ngập úng tại một số khu đô thị, nhiều tuyến phố nội thành Hà Nội, với độ sâu ngập từ 0,2-0,5m, có nơi trên 0,5m; thời gian duy trì ngập từ 30-60 phút, có nơi thời gian ngập lâu hơn.
A.HIỀN - M.TRUC
21/07/2025 20:19
Nghệ An di dời khẩn cấp 19 hộ dân
Để tránh sạt lở núi và lũ quét như Làng Nủ năm trước, chiều tối 21-7, chính quyền địa phương xã Nhôn Mai (Nghệ An) đã quyết định huy động lực lượng sơ tán 19 hộ dân với 86 nhân khẩu ở bản Xói Voi (xã Nhôn Mai) đến nơi trú ẩn an toàn.
Theo ông Lê Hồng Thái- Chủ tịch UBND xã Nhôn Mai cho biết: “Hiện tất cả người dân có nguy cơ bị sạt lở núi đã được di dời, bố trí nơi ăn, nghỉ, sinh hoạt an toàn”.



Núi Phà Mạt với những vết nứt, sạt lở nguy hiểm và chính quyền đã di dời khẩn cấp 19 hộ dân đến nơi an toàn
Bản Xói Voi nằm dưới chân núi Phà Mạt đã xuất hiện nhiều vết nứt lớn, chiều dài khoảng 500m, rộng 0,6-1,15m, có nhiều đoạn bị tụt xuống so với mặt đất tự nhiên từ 1 m đến 1,5m.
Trước dự báo cơn bão số 3 kèm theo mưa lớn, xã Nhôn Mai đã huy động dân quân, Bộ đội Biên Phòng Nhân Mai che chắn nhà văn hóa cộng đồng bản Xói Voi và tuyên truyền, vận động người dân đến tạm trú.
Theo thống kê cho thấy, trên địa bàn xã Nhôn Mai có 58 hộ với 294 nhân khẩu tại các bản làng bị ảnh hưởng bởi tình trạng sạt lở đất, lũ quét.
UBND xã Nhôn Mai đã có tờ trình gửi UBND tỉnh Nghệ An đề nghị có phương án hỗ trợ, tổ chức phương án tái định cư cho nhân dân trong thời gian sớm nhất.
Ngày 21-7, Bộ KH&CN cũng có Công điện 04/CĐ-BKHCN gửi Sở KH&CN tỉnh, TP khu vực Bắc Bộ và ven biển từ Quảng Ninh đến Đắk Lắk; các đơn vị thuộc Bộ, các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông, về việc chủ động ứng phó với bão số 3.
Bộ này yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông tập trung triển khai ngay các biện pháp bảo đảm an toàn hệ thống thông tin liên lạc phục vụ công tác chỉ đạo điều hành ứng phó bão, lên phương án ứng cứu thông tin khi có sự cố xảy ra.
Tập trung gia cố nhà trạm, cột ăng ten, trạm thu phát sóng di động, các tuyến truyền dẫn và mạng ngoại vi có khả năng bị ảnh hưởng của bão. Bổ sung các thiết bị dự phòng như máy nổ, nhiên liệu máy nổ, ắc quy cho các đơn vị trên địa bàn dự kiến nằm trong vùng ảnh hưởng trực tiếp của bão.
Sẵn sàng tổ chức nhắn tin cảnh báo bão tới các thuê bao trên địa bàn có khả năng bị ảnh hưởng theo yêu cầu…
Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thông tin vệ tinh rà soát thiết bị liên lạc, sẵn sàng cung cấp dịch vụ, thông tin tới các thuê bao sạc pin điện thoại, kiểm tra điện thoại sẵn sàng sử dụng…
VIẾT THỊNH
Đ.LAM
21/07/2025 21:14
Chủ tịch TP Hà Nội: Sẵn sàng sơ tán dân khỏi vùng nguy hiểm
Do ảnh hưởng của bão số 3, dự báo từ chiều tối 21 đến sáng 24-7, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ sẽ chịu ảnh hưởng của bão, trong đó Hà Nội có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to kèm dông. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở miền núi và ngập lụt tại vùng trũng, đô thị.
Trước tình hình này, UBND TP Hà Nội vừa phát đi công điện khẩn yêu cầu toàn bộ hệ thống chính quyền từ thành phố đến cơ sở tập trung cao độ cho công tác phòng chống thiên tai.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội chỉ đạo các địa phương phải rà soát khu dân cư, lập phương án sơ tán người dân khỏi khu vực nhà yếu, vùng nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, ngập sâu. Phương châm “4 tại chỗ” (lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ và chỉ huy tại chỗ) cần được triển khai hiệu quả…
Các phường, xã phải kiểm soát chặt chẽ giao thông trong thời điểm bão đổ bộ, hạn chế người dân ra đường, nhất là tại các điểm ngập sâu, ngầm tràn, khu vực nguy cơ sạt lở. Lực lượng, vật tư, thiết bị phải sẵn sàng để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các tuyến trục chính.
Công điện cũng yêu cầu Sở NN&PTNT cùng các địa phương kiểm tra, thực hiện ngay các phương án bảo vệ đê điều trọng điểm, gia cố các điểm xung yếu, công trình chưa hoàn thiện.
Tổng Công ty Điện lực Hà Nội phối hợp với Sở Công Thương được giao đảm bảo cấp điện an toàn, liên tục, đặc biệt cho các trạm bơm tiêu phục vụ công tác chống úng ngập.
Sở Xây dựng, Công ty Công viên Cây xanh Hà Nội và các đơn vị liên quan được yêu cầu tăng cường lực lượng, phương tiện để xử lý nhanh cây gãy đổ, đảm bảo an toàn và giao thông đô thị.
UBND TP Hà Nội yêu cầu toàn bộ hệ thống chính trị, các đơn vị chức năng trực 24/24 giờ, theo dõi sát tình hình mưa bão để triển khai ứng phó kịp thời, bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân và nhà nước.