Vì sao việc cứu nạn tàu Vịnh Xanh 58 có 'độ trễ'?

Đại diện cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh cho rằng công tác cứu hộ - cứu nạn trong vụ tai nạn lật tàu Vịnh Xanh 58 có 'độ trễ' bởi nhiều nguyên nhân.

Vụ lật tàu Vịnh Xanh 58 mang số hiệu QN 7105 trên Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) là vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng xảy ra vào chiều ngày 19/7, khiến 36 người thiệt mạng và 3 người mất tích. Ngay khi sự việc xảy ra, các ngành chức năng đã thực hiện công tác hỗ trợ, giúp đỡ gia đình người bị nạn.

Trong ngày 22/7, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ban hành công điện yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan của thành phố kịp thời tổ chức thăm hỏi, động viên và hỗ trợ cả về vật chất, tinh thần cho gia đình các nạn nhân.

Vụ tai nạn là sự việc đáng tiếc song cũng đặt ra rất nhiều câu hỏi về việc quản lý hoạt động của các tàu du lịch trên vịnh Hạ Long: từ việc đóng tàu, các tiêu chuẩn an toàn tàu khi hoạt động trên vịnh, cũng như công tác đăng kiểm và quản lý vận hành. Bên cạnh đó, công tác cứu hộ - cứu nạn là vấn đề cần được nhắc đến trong vụ việc này khi vị trí xảy ra cách bờ vài km, nhưng phải gần hai tiếng sau khi sự cố xảy ra, lực lượng cứu nạn – cứu hộ của tỉnh Quảng Ninh mới nhận được tin báo và tiếp cận hiện trường.

Tại cuộc họp báo về vụ tai nạn, đại diện cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh cho rằng công tác cứu hộ - cứu nạn có "độ trễ" bởi nhiều nguyên nhân.

Đại tá Hoàng Văn Thuyết - Chính ủy Ban chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Việc dông lốc như thế khiến nhiều người đặt ra câu hỏi 'tại sao cứu hộ cứu nạn trễ'? Ban chỉ huy của tôi cách vị trí gặp nạn chỉ 3km đường chim bay, trưa hôm đó rất nắng, lúc đó nhiệt độ ngoài trời hơn 40 độ và sau thời gian rất ngắn, chỉ tầm 15 phút là mưa đá và giông lốc rất to, vào đúng lúc đó thì tàu Vịnh Xanh 58 gặp nạn và mất tín hiệu”.

Trên thực tế, tàu Vịnh Xanh 58 đã không nhận được cảnh báo về khả năng dông lốc xảy ra trên vịnh Hạ Long trước khi tàu khởi hành. Ông Bùi Hồng Minh – Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ninh cho biết thêm: “Ngày 19/7, bản tin dự báo thời tiết 6h30 và 10h sáng đều thông báo thời tiết không có gì bất thường, đến 13h30 thì có cảnh báo dông lốc nhưng thời điểm tàu ra khỏi cảng là 12h45”.

Sau 30 phút khởi hành, tàu Vịnh Xanh bị lật úp trên vịnh do dông lốc, tuy nhiên gần hai tiếng sau, lực lượng chức năng mới nhận được tin báo khiến cho việc tiếp cận hiện trường để cứu nạn, cứu hộ chậm trễ tính từ thời điểm xảy ra sự cố.

Ông Nguyễn Văn Công – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của tỉnh tiếp nhận thông tin lúc 15h30. Ngay sau đó, chúng tôi đã điều thuyền cứu hộ ngay và sau 15 phút tàu biên phòng có mặt tại hiện trường”.

Đại tá Hoàng Văn Thuyết - Chính ủy Ban Chi huy Quân sự tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Từ 2h đến khi dông lốc kết thúc khoảng 3h, nếu chúng tôi có thông tin thì không bao giờ có chuyện đó”.

Chỉ 15 phút là lực lượng chức năng có thể đến địa điểm xảy ra vụ tai nạn kể từ khi nhận được tin báo, thế nhưng một số nạn nhân may mắn sống sót vẫn lênh đênh trên biển hơn 3 tiếng đồng hồ. Anh Đặng Anh Tuấn – nạn nhân vụ lật tàu cho biết: “Hội của em còn cứu người và đợi rất lâu, đến khi trời xẩm tối rồi mới thấy tàu biên phòng đến đầu tiên".

Anh Phan Huy Hoàng – nạn nhân vụ lật tàu cũng cho hay: “Thời gian cứu nạn so với khoảng cách với bờ mình nghĩ là quá lâu, nhưng do tình hình như vậy, mình cũng không biết phải nói gì do không rõ nguyên nhân như nào".

Giữa lúc dông lốc quần thảo trên mặt vịnh, những nạn nhân, trong đó có cả trẻ em, bị nạn cách bờ chỉ vài km nhưng khoảng cách giữa sự sống và cái chết lại được đo bằng hàng giờ đồng hồ chờ đợi. Có những người đã không thể đợi và bây giờ vẫn chưa được tìm thấy.

Có nhiều nguyên nhân ban đầu được nêu ra để giải thích cho vụ tai nạn cũng như công tác cứu nạn – cứu hộ có "độ trễ", trong đó nguyên nhân được nhắc đến nhiều là do diễn biến thời tiết dị thường. Tuy vậy, cho dù với bất cứ lý do gì thì đã đến lúc các ngành chức năng cần một cuộc tổng ra soát về tiêu chuẩn an toàn của các con tàu du lịch hoạt động trên vịnh Hạ Long cũng như quy trình ứng phó, cứu hộ - cứu nạn khi sự cố xảy ra.

Bá Đức - Quốc Dũng

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/vi-sao-viec-cuu-nan-tau-vinh-xanh-58-co-do-tre-348199.htm