Bão số 3-Điều hành linh hoạt, ứng phó hiệu quả
Cơn bão số 3 (Wipha) không chỉ là một hiện tượng thời tiết khắc nghiệt mà còn là phép thử thực tế và toàn diện đối với hiệu quả vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp vừa được tổ chức sau sáp nhập ở tỉnh Ninh Bình. Kết quả cho thấy, sự vận hành đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả từ tỉnh đến xã, phường minh chứng cho nhận định mỗi xã, phường là một 'pháo đài' trong phòng thủ dân sự.

Cán bộ Đồn Biên phòng Kim Sơn yêu cầu chủ phương tiện khẩn trương neo đậu, tránh, trú bão. Ảnh: Trường Giang
Mỗi xã, phường là một “pháo đài”
Khi những cơn gió cấp 8-9, giật cấp 11 quần thảo trên vùng đất ven biển, chính quyền cấp xã, phường - cấp gần dân nhất đã thể hiện rõ vai trò là những “pháo đài” vững chắc trong công cuộc phòng thủ dân sự, sẵn sàng ứng phó và xử lý mọi tình huống khẩn cấp.
Ngay từ ngày 20/7, khi Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cảnh báo nguy cơ bão đổ bộ trực tiếp vào khu vực Hưng Yên - Ninh Bình, chính quyền các xã, phường đã khẩn trương triển khai lực lượng, rà soát các điểm xung yếu, chủ động kích hoạt phương án phòng, chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”. Điều này không chỉ được thực hiện bài bản tại những địa bàn ven biển như xã Kim Đông, xã Giao Ninh, xã Hải Thịnh mà còn ở các khu vực nội đồng như phường Tam Chúc, phường Duy Tân, nơi có tuyến đê Sông Hồng và công trình đầu mối thủy lợi quan trọng.
Tại xã Kim Đông, một trong những địa phương có tới 1.000 hộ dân nuôi trồng thủy sản ngoài đê, vùng chịu ảnh hưởng trực tiếp nếu bão đổ bộ. Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự xã đã được thành lập từ sớm. Đội xung kích được tổ chức chặt chẽ, 9 chốt chặn tại các điểm xung yếu được thiết lập, vật tư như: bao tải, áo phao, lương thực, máy phát điện được chuẩn bị chu đáo. Chính quyền xã cũng thiết lập các kênh thông tin liên lạc nhanh, cập nhật bản tin thời tiết 24/7 để chủ động di dời người dân khi cần thiết.
Cũng với tinh thần chủ động ấy, xã Giao Ninh đã phối hợp chặt chẽ với Đồn Biên phòng Quất Lâm và Trạm Kiểm ngư để kêu gọi toàn bộ 134 tàu, thuyền và 357 lao động vào nơi trú tránh an toàn, đồng thời rà soát, sơ tán người dân ở các khu vực có nguy cơ cao như cửa sông, ven biển, nhà tạm. Địa phương cũng chuẩn bị sẵn sàng phương tiện, vật tư, lực lượng tuần tra, bảo vệ các trọng điểm như đê Cổ Vạy, tuyến đê tả Sông Sò. Điều đáng ghi nhận là tinh thần chủ động không chỉ đến từ cấp chính quyền xã, mà đã lan tỏa đến từng tổ dân phố, từng hộ dân.
Tại phường Tam Chúc, đội xung kích được phân công túc trực tại các điếm canh đê, kiểm tra kỹ toàn bộ mái đê phía đồng, mặt đê, khu vực hành lang bảo vệ… nhằm phát hiện kịp thời các vết nứt, điểm thấm để xử lý ngay từ giờ đầu.
Ông Phạm Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND phường nhấn mạnh: Tất cả các tình huống đều có phương án ứng phó cụ thể. Chúng tôi thực hiện nghiêm túc phương châm “4 tại chỗ”, xử lý mọi tình huống ngay tại chỗ, không để bị động. Sự linh hoạt trong điều hành ở cấp xã, phường, đặc biệt là trong việc tổ chức lực lượng, dự trữ vật tư, phân công cán bộ phụ trách địa bàn, phối hợp với các đơn vị như Biên phòng, Công ty Khai thác công trình thủy lợi… đã giúp việc ứng phó không bị đứt gãy và đạt hiệu quả cao, bất kể bộ máy chính quyền địa phương hai cấp mới chỉ vừa đi vào vận hành sau sáp nhập đơn vị hành chính.
Tuân thủ nguyên tắc “3 phải”
Tại phiên họp thứ nhất, Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh nguyên tắc “3 phải” trong công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn: Phòng ngừa từ sớm, từ xa; Ứng phó bình tĩnh, kịp thời, hiệu quả; Khắc phục toàn diện, huy động sức dân. Cơn bão số 3 là phép thử sinh động cho việc thực thi 3 nguyên tắc này trên thực địa.
Thực tế tại Ninh Bình, phòng ngừa từ sớm, từ xa, không chỉ là lời hiệu triệu mà đã được chính quyền Ninh Bình cụ thể hóa bằng hành động. Ngay sau khi nhận định bão có khả năng ảnh hưởng trực tiếp, UBND tỉnh đã tổ chức cuộc họp trực tuyến đến 129 xã, phường; ban hành liên tiếp 4 công điện chỉ đạo; cấm tàu thuyền ra khơi; sắp xếp phương tiện về nơi neo đậu; triển khai di dân vùng có nguy cơ cao. Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, phân công từng thành viên bám sát cơ sở. Sở Nông nghiệp và Môi trường phối hợp giám sát, dự báo chính xác, đưa ra phương án vận hành công trình thủy lợi, điều tiết tiêu úng, bảo vệ đê điều. Chính quyền địa phương, đặc biệt là các xã ven biển, vùng đê yếu, đã không đợi lệnh mới hành động. Họ chủ động cắt tỉa cây cối, hướng dẫn người dân chằng chống nhà cửa, sơ tán khỏi nhà yếu, chòi canh, khu sản xuất nuôi trồng ven biển.
Ứng phó bình tĩnh, kịp thời, hiệu quả thể hiện rõ trong cách tỉnh Ninh Bình xử lý tình huống khi bão đổ bộ trưa ngày 22/7. Với sức gió giật cấp 10, lượng mưa có nơi lên tới 339,5mm (Phú Lễ), gần như toàn tỉnh bị ảnh hưởng. Nhưng nhờ triển khai từ sớm, toàn bộ 3.510 người dân ở vùng nguy hiểm được sơ tán an toàn; 1.861 tàu/5.724 lao động được kêu gọi về nơi trú tránh. Gần 900 lao động ở khu vực đầm nuôi thủy sản ngoài đê, 462 hộ ở chung cư cũ và nhà yếu đã được di dời trước bão.
Lực lượng công an, quân đội, dân quân tự vệ, y tế, điện lực, thủy lợi… đồng loạt triển khai xử lý các điểm sạt lở, khắc phục sự cố điện, thông tin liên lạc, vận hành 662 máy bơm tại 158 trạm để tiêu úng hơn 56.000ha lúa bị ngập, trong đó có tới 30.870ha ngập trắng. Chính nhờ sự bình tĩnh và hiệu quả ấy mà tỉnh Ninh Bình không ghi nhận thiệt hại về người, một kết quả rất đáng ghi nhận trong bối cảnh bão mạnh, ảnh hưởng rộng.
Khắc phục toàn diện, huy động sức dân là bước cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng trong chuỗi quy trình ứng phó. Ngay sau khi bão tan, các địa phương trong tỉnh đã huy động tối đa lực lượng, từ cán bộ, công chức, đoàn thể, quân đội đến người dân để thu dọn cây đổ, sửa chữa đường dây điện, cứu úng cho lúa, khử trùng môi trường, không để dịch bệnh bùng phát. Các xã như Yên Đồng, Gia Phong kịp thời khắc phục hư hỏng hệ thống loa truyền thanh, các khu vực có cây cối đổ gãy, công trình bị tốc mái.
Sự hỗ trợ của người dân là yếu tố quyết định trong giai đoạn hậu bão. Từ việc tự giác chuẩn bị lương thực cho nhiều ngày, phối hợp trong sơ tán, bảo vệ tài sản chung cho đến việc chung tay khắc phục thiệt hại. Nếu như mỗi xã, phường là một “pháo đài” thì “mỗi người dân là một chiến sĩ”, tinh thần ấy đã được khơi dậy mạnh mẽ trong các lần phòng chống thiên tai và tiếp tục được phát huy ở cơn bão số 3.
Bài học để đi tiếp
Từ cơn bão số 3 (Wipha), một lần nữa có thể khẳng định: Việc tổ chức chính quyền địa phương theo mô hình hai cấp ở Ninh Bình cho thấy hiệu quả thực tiễn, đặc biệt trong điều kiện thiên tai phức tạp. Cấp tỉnh giữ vai trò chỉ đạo tổng thể, điều phối, ban hành chính sách ứng phó; cấp xã, phường là nơi trực tiếp triển khai, kiểm tra và xử lý tình huống.
Qua thực tiễn ứng phó với cơn bão số 3, có thể rút một số bài học kinh nghiệm quan trọng. Thứ nhất, phân quyền rõ ràng, chỉ đạo sâu sát từ tỉnh đến cơ sở là điều kiện tiên quyết để ứng phó hiệu quả với thiên tai. Mô hình chính quyền hai cấp đã bảo đảm sự điều hành thống nhất, không chồng chéo, đồng thời phát huy được vai trò chủ động, linh hoạt của cấp xã, nơi gần dân nhất, đồng thời khẳng định hiệu quả điều hành “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt” trong bối cảnh thiên tai khẩn cấp.
Việc cấp xã chủ động thành lập đội xung kích, lập chốt canh đê, sơ tán dân vùng nguy hiểm, chuẩn bị lương thực, vật tư, phương tiện đã chứng minh rằng cấp cơ sở chính là tuyến đầu vững chắc. Hiệu quả của nguyên tắc 4 tại chỗ (gồm chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ) chỉ có thể phát huy nếu xã, phường thực sự được trao quyền, được chuẩn bị từ trước và có sự phối hợp tốt với các ngành, đơn vị chuyên môn.
Một bài học sâu sắc là việc phòng, chống thiên tai không chỉ là nhiệm vụ của chính quyền mà cần có sự tham gia tích cực của người dân. Từ việc người dân phối hợp sơ tán, chằng chống nhà cửa, đến hỗ trợ khắc phục hậu quả, dọn dẹp, khử trùng… cho thấy sức dân là nguồn lực không thể thay thế. Chính quyền địa phương hai cấp, nhất là cấp xã, cần tiếp tục phát huy vai trò dân vận, xây dựng niềm tin và tăng cường năng lực cộng đồng trong ứng phó thiên tai.
“Phép thử” bão số 3 không chỉ chứng minh khả năng hành động nhanh, hiệu quả của bộ máy chính quyền địa phương hai cấp, mà còn khẳng định tư duy quản lý hiện đại, đặt người dân vào trung tâm, phát huy nội lực cơ sở. Đó là hướng đi tất yếu trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, thiên tai xảy ra với cường độ và tần suất lớn hơn.
Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/bao-so-3-dieu-hanh-linh-hoat-ung-pho-hieu-qua-973075.htm