Bão số 3 rất mạnh: Dự báo sát, ứng phó cao

Bão số 3 có thể mạnh tới cấp 16, giật trên cấp 17 - cấp siêu bão và rủi ro thiên tai ở cấp thảm họa. Bắc Bộ và các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Nghệ An phải triển khai công tác ứng phó ở cấp cao nhất

Chiều 4-9, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT) Lê Minh Hoan, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, chủ trì cuộc họp ứng phó bão số 3 (bão Yagi). Cuộc họp được kết nối trực tuyến với 11 tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Nghệ An.

Bão liên tục tăng cấp

Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, cho biết sau khi vào biển Đông, trong vòng hơn 24 giờ, cường độ bão số 3 đã tăng 4 cấp. Trong 24 - 48 giờ tới, bão sẽ tiếp tục mạnh lên cho đến khi áp sát vùng biển phía Đông đảo Hải Nam (Trung Quốc).

"Các dự báo của Việt Nam và quốc tế tương đối thống nhất về mặt quỹ đạo di chuyển và cường độ. Hầu hết các dự báo quốc tế đều nhận định bão tăng cường độ lên cấp 15, có cơ quan dự báo bão tăng cấp 16, đạt cấp siêu bão" - ông Khiêm nói.

Theo ông Khiêm, khoảng đêm 6-9 đến rạng sáng 7-9, bão số 3 sẽ vào vịnh Bắc Bộ với cường độ mạnh cấp 12-13, giật cấp 15 và hướng vào ven biển các tỉnh Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ.

Về tác động của bão trên biển, từ ngày 5 đến 6-9, bão số 3 tăng cường độ, gió mạnh có thể đạt tới cấp 15, giật trên cấp 17 ở vùng gần tâm bão.

Dự báo hướng di chuyển của bão số 3

Dự báo hướng di chuyển của bão số 3

Đối với đất liền, từ trưa đến chiều 7-9, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình là các tỉnh trọng tâm chịu ảnh hưởng của bão, có thể có gió mạnh từ cấp 9 đến cấp 11, giật cấp 13.

"Trường hợp bão đi lệch lên phía Bắc thì tác động của bão sẽ thấp hơn, còn trường hợp xấu hơn, bão lệch xuống phía Nam khoảng 50 - 100 km thì hoàn lưu bão sẽ bao trùm các tỉnh đồng bằng, thậm chí cả Hà Nội, Bắc Ninh... cũng chịu ảnh hưởng" - ông Mai Văn Khiêm cho hay.

Bão số 3 có thể gây ra đợt mưa lớn ở các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ từ ngày 7 đến 9-9, nguy cơ rất cao gây ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất. Cảnh báo khả năng mưa giông, lốc xoáy vành ngoài hoàn lưu bão.

Nguy cơ gây thiệt hại lớn

Tại cuộc họp, đại tá Nguyễn Văn Khanh, Phó Tham mưu trưởng, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, cho biết đến chiều 4-9, lực lượng chức năng đã kiểm đếm, hướng dẫn cho 50.137 tàu cá/219.864 người biết về hướng đi của bão để di chuyển về khu vực an toàn.

Theo đại diện Cục Cứu hộ cứu nạn (Bộ Quốc phòng), các Quân khu 1 đến Quân khu 5 đã huy động hơn 45.000 chiến sĩ túc trực và hơn 4.000 tàu thuyền, máy bay ứng phó với cơn bão số 3. Còn Bộ Công an đã chỉ đạo công an các địa phương thường trực, ứng trực 100% quân số để phòng chống bão.

Ông Phạm Đức Luận, Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và phòng chống thiên tai (Bộ NN-PTNT), thông tin trên các tuyến đê biển, đê cửa sông các tỉnh, thành ven biển từ Quảng Ninh - Nghệ An có 32 trọng điểm cần đặc biệt lưu ý. "Các tuyến đê biển trên hiện được thiết kế chống chịu với bão cấp 9 - cấp 10. Vì vậy, nếu bão số 3 đổ bộ với cấp 13 trở lên thì thiệt hại sẽ rất lớn" - ông Luận lo ngại.

Tuyệt đối không chủ quan

Bộ trưởng Lê Minh Hoan đánh giá Yagi là cơn bão mạnh hiếm gặp trong vòng 10 năm trở lại đây và đề nghị các địa phương tuyệt đối không chủ quan. Ông nhấn mạnh nhiệm vụ trọng tâm những giờ tới là kiên quyết kêu gọi, hướng dẫn các tàu thuyền, phương tiện (bao gồm cả tàu du lịch, tàu vận tải) còn hoạt động trên biển, ven biển chủ động thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú an toàn.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan nhận định bão số 3 rất mạnh, không được chủ quan trong phòng, chống

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan nhận định bão số 3 rất mạnh, không được chủ quan trong phòng, chống

Các địa phương phải kiên quyết không để người dân ở lại trên các lồng, bè, chòi canh khi bão đổ bộ; có phương án bảo đảm an toàn cho khách du lịch và người dân trên các đảo. Tùy theo diễn biến của bão chủ động cấm biển, cấm các hoạt động tập trung đông người, nhất là ở các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nghệ An.

Đối với vùng đồng bằng, miền núi, phải triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn.

Tính tới tình huống nâng cấp cảnh báo

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp lưu ý các dự báo hiện nay cho thấy bão số 3 rất mạnh. Khu vực dự báo bão đổ bộ là vùng trọng điểm về công nghiệp và nông nghiệp phía Bắc, nguy cơ thiệt hại sẽ rất lớn nếu không có phương án phòng chống kỹ càng.

Hiện nay, rủi ro thiên tai do bão số 3 được đánh giá ở cấp 4 - mức Chính phủ chỉ đạo. Nhưng nếu nâng cảnh báo lên cấp 5 (cấp thảm họa), Chủ tịch nước phải ban bố lệnh khẩn cấp - ngang với tình trạng chiến tranh. Do đó, ông Hiệp đề nghị Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cần dự báo sát, đúng tình hình bão số 3 để có thể ra các kịch bản phòng chống.

Các tỉnh ven biển khẩn trương chống bão

Sau khi Thủ tướng Chính phủ có công điện về phòng chống bão số 3, các địa phương như Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa... đã triển khai các biện pháp ứng phó bão trên tinh thần sẵn sàng cao nhất.

Ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, cho biết đã yêu cầu các huyện, thị xã, TP tổ chức rà soát, kiểm đếm, thông tin, hướng dẫn phương tiện, tàu thuyền (bao gồm cả tàu cá, tàu vận tải, tàu du lịch) còn đang hoạt động trên biển biết, không đi vào hoặc thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú an toàn; có biện pháp bảo đảm an toàn cho tàu thuyền tại khu neo đậu.

Quảng Ninh thì đã chỉ đạo rà soát tàu thuyền trên biển, an toàn các công trình đang thi công, mới thi công xong. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Cường cho biết ngành giao thông đã sẵn sàng bố trí ứng trực tại các vị trí xung yếu. Đối với cầu Bãi Cháy, nếu gió cấp 6 sẽ cấm phương tiện qua lại.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Đức Thọ cho hay chậm nhất trong ngày 5-9, toàn bộ tàu thuyền phải di chuyển vào nơi tránh trú an toàn. Toàn bộ du khách ở các đảo cũng sẽ được đưa vào đất liền.

N.Thế - T.Tuấn

Bài và ảnh: VĂN DUẨN

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/bao-so-3-rat-manh-du-bao-sat-ung-pho-cao-196240904211005415.htm