Bão số 3 sẽ đổ bộ đất liền vào chiều 7/9, các địa phương cần chủ động cao nhất công tác ứng phó

Dự báo bão số 3 (bão Yagi) sẽ tăng cường độ lên rất mạnh, có thể lên đến cấp 15, giật trên cấp 17, sẽ độ bộ vào đất liền khoảng chiều tối 7/9/2024. Dự báo 5 tỉnh, thành phố gồm: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình sẽ chịu tác động nhiều nhất của bão số 3…

Bộ trưởng Lê Minh Hoan chủ trì hội nghị trực tuyến với các bộ, ngành, và 11 tỉnh, thành phố về ứng phó bão số 3.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan chủ trì hội nghị trực tuyến với các bộ, ngành, và 11 tỉnh, thành phố về ứng phó bão số 3.

Chiều 4/9/2024, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan chủ trì hội nghị trực tuyến với các bộ, ngành, và 11 tỉnh, thành phố về ứng phó bão số 3.

CÓ THỂ SẼ LÀ “SIÊU BÃO”

Báo cáo tại cuộc họp, ông Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cho biết hồi 13 giờ ngày 4/9, vị trí tâm bão Yagi ở vào khoảng 19,1 độ Vĩ Bắc; 117,5 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 710km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (118-133km/giờ), giật cấp 15, di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ 5-10km/giờ.

Dự báo đường đi của bão số 3.

Dự báo đường đi của bão số 3.

"Sau khi vào Biển Đông, trong vòng hơn 24 giờ, cường độ bão đã tăng 4 cấp. Hiện nay, nhiệt độ nước biển đang rất cao, các điều kiện khí quyển cũng rất thuận lợi để bão mạnh lên. Trong 24 - 48 giờ tới, cường độ bão sẽ tiếp tục mạnh lên cho đến khi áp sát vùng biển phía đông đảo Hải Nam (Trung Quốc)", ông Khiêm thông tin.

Ông Mai Văn Khiêm: "Bão số 3 sẽ tương tự với bão Kalmaegi năm 2014, bão Talim năm 2023".

Ông Mai Văn Khiêm: "Bão số 3 sẽ tương tự với bão Kalmaegi năm 2014, bão Talim năm 2023".

Theo ông Khiêm, Việt Nam và cơ quan quốc tế đều đưa ra dự báo tương đối thống nhất về hướng và cường độ của cơn bão này, cho rằng sẽ tương tự với bão Kalmaegi năm 2014, bão Talim năm 2023. Dự báo từ ngày 5 đến 6/9, bão số 3 tiếp tục tăng cường độ, gió mạnh có thể đạt tới cấp 15, giật trên cấp 17 ở vùng gần tâm bão, cũng không loại trừ khả năng gió bão mạnh cấp 16 (cấp siêu bão) khi ở phía đông đảo Hải Nam.

"Với kịch bản hướng đi của cơn bão như hiện nay, lượng mưa sẽ rất lớn khoảng 200-300mm và có thể lên tới 500mm. Một khả năng khác là bão lệch lên phía bắc, đi dọc ven biển Quảng Tây (Trung Quốc) thì những tác động về mưa, gió sẽ giảm hơn. Tuy vậy, kịch bản này ít có khả năng hơn”.

Ông Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia.

Theo dự báo, khoảng đêm 6 đến rạng sáng 7/9, bão số 3 sẽ vào vịnh Bắc Bộ với cường độ mạnh cấp 12-13, giật cấp 15 và hướng vào ven biển các tỉnh Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ. Trên đất liền, từ gần trưa và chiều 7/9, từ Quảng Ninh - Hà Tĩnh, trong đó Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình là 5 tỉnh/thành phố dự báo chịu tác động của bão mạnh nhất, gió vùng ven biển gần tâm bão có thể lên tới cấp 9-11, giật cấp 13.

Từ ngày 7 đến 9/9, ở Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ có khả năng xảy ra một đợt mưa lớn diện rộng.

Ông Phạm Đức Luận, Cục trưởng Cục Quản lý Đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết theo báo cáo của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, đã kiểm đếm, hướng dẫn cho 50.137 tàu cá/219.864 người, trong đó có 504 tàu/3.356 người đang hoạt động tại khu vực Bắc biển Đông và quần đảo Hoàng Sa (khu vực nguy hiểm). Các phương tiện đã nhận được thông tin và đang di chuyển tránh trú.

Ông Phạm Đức Luận: "Các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Nghệ An hiện có 32 trọng điểm đê điều xung yếu cần đặc biệt lưu ý".

Ông Phạm Đức Luận: "Các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Nghệ An hiện có 32 trọng điểm đê điều xung yếu cần đặc biệt lưu ý".

Các tỉnh Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định dự kiến sẽ cấm biển từ ngày 06/9/2024. Về tình hình đê điều, ông Luận cho hay trên các tuyến đê biển, đê cửa sông các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Nghệ An hiện có 32 trọng điểm đê điều xung yếu cần đặc biệt lưu ý (Quảng Ninh: 2, Hải Phòng 10, Thái Bình 8, Nam Định 8, Ninh Bình 3, Thanh Hóa 1); 3 công trình đang thi công (2 cống trên tuyến đê Hà Nam, tỉnh Quảng Ninh; tu bổ, nâng cấp đê biển I, TP Hải Phòng).

Hiện một số vị trí đê, kè đã xảy ra sự cố nhưng chưa được xử lý, khắc phục (kè Thịnh Long trên tuyến đê biển Hải Hậu, Nam Định); tuyến đê Bình Minh 4, tỉnh Ninh Bình mới hoàn thành nhưng chưa được gia cố mặt, mái phía đồng. Các tuyến đê biển hiện được thiết kế chống chịu với bão cấp 9-10, triều trung bình 5%; nên sẽ nguy cơ cao bị thiệt hại khi bão vào vịnh Bắc Bộ với cường độ cấp 12-13, giật cấp 16 (vượt mức thiết kế).

PHẢI CHỦ ĐỘNG CAO NHẤT TRONG CÔNG TÁC ỨNG PHÓ

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cho biết theo dự báo hiện nay, bão Yagi là cơn bão rất mạnh; đã rất lâu mới có một cơn bão mạnh như vậy với mức độ ảnh hưởng ở đất liền, trên biển và cả miền Bắc.

Lãnh đạo nhiều địa phương tham dự hội nghị trực tuyến.

Lãnh đạo nhiều địa phương tham dự hội nghị trực tuyến.

"Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng là tam giác phát triển, toàn bộ vùng trọng điểm nông nghiệp miền Bắc cũng ở vùng này. Theo thống kê khoảng 20.000 lồng cá; gần 1 triệu hecta lúa mùa, đến thời điểm này một nửa đang trổ bông, chỉ cần mưa ngập 24 giờ sẽ hỏng. Đấy là chưa nói đến lượng rau màu bà con chuẩn bị cho tết rất lớn. Trong vùng này, nếu bão đổ bộ lo lắng lớn nhất là ngập úng ở cả đô thị, đồng bằng và sạt lở ở miền núi", ông Hiệp nhấn mạnh.

"Nếu bão Yagi ở cấp hiện tại (cấp độ rủi ro thiên tai cấp 4), sẽ lập Ban chỉ đạo tiền phương, tính toán các kịch bản và phân công các bộ, ngành, đơn vị để kiểm tra; nhưng nếu bão ở cấp độ rủi ro thiên tai cấp 5 (cấp độ thảm họa), thẩm quyền sẽ cao hơn".

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

"Như báo cáo thì các tỉnh đang rất chủ động, nhưng nhiều năm nay mới có một cơn bão lớn như vậy nên tôi đề nghị các tỉnh không chủ quan. Trước hết, làm thế nào để hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản. Đặc biệt, các đô thị lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh cũng đứng trước nguy cơ ngập lụt nếu xảy ra mưa lớn”, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cảnh báo.

Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, bão số 3 là cơn bão rất mạnh, đề nghị các địa phương tuyệt đối không chủ quan, đồng thời cần chủ động cao nhất trong công tác ứng phó nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của Nhân dân và Nhà nước.

“Tính từ năm 2014, đến nay chúng ta mới theo dõi một cơn siêu bão có cường độ rất lớn như bão Yagi. Ít có cơn bão nào mà các trung tâm dự báo quốc tế trùng khớp cả về phạm vi, cường độ, kịch bản hướng đi, tâm bão,... như cơn bão này", ông Hoan nói.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: "Mỗi cơ quan, ban ngành, địa phương đều chủ động và tự mình vạch ra rủi ro để đối phó".

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: "Mỗi cơ quan, ban ngành, địa phương đều chủ động và tự mình vạch ra rủi ro để đối phó".

Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị các địa phương cần chủ động ứng phó bão số 3, bởi không còn nhiều thời gian. Đồng thời yêu cầu các địa phương cần đưa ra các tình huống, kịch bản cụ thể để hạn chế rủi ro về tính mạng con người cũng như cơ sở kinh tế, hạ tầng. Mỗi người, mỗi cơ quan, ban ngành, địa phương đều chủ động và tự mình vạch ra rủi ro để đối phó.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan chỉ rõ: Nhiệm vụ trọng tâm những giờ tới là kiên quyết kêu gọi, hướng dẫn các tàu thuyền, phương tiện (bao gồm cả tàu du lịch, tàu vận tải) còn hoạt động trên biển, ven biển chủ động thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú an toàn. Các địa phương kiên quyết không để người dân ở lại trên các lồng, bè, chòi canh khi bão đổ bộ; có phương án đảm bảo an toàn cho khách du lịch và người dân trên các đảo. Tùy theo diễn biến của bão chủ động cấm biển, cấm các hoạt động tập trung đông người, nhất là các tỉnh, TP từ Quảng Ninh đến Nghệ An.

Vùng đồng bằng, miền núi, cần triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn.

Chu Khôi

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/bao-so-3-se-do-bo-dat-lien-vao-chieu-7-9-cac-dia-phuong-can-chu-dong-cao-nhat-cong-tac-ung-pho.htm