Bão số 3 tăng cường độ trong hai ngày tới với gió cấp 15-16, giật trên cấp 17

Trước diễn biến của bão số 3, nhiều địa phương đang chủ động sơ tán, di dời người dân đến nơi an toàn, sẵn sàng các phương án tại chỗ để xử lý kịp thời khi có tình huống xảy ra.

Bản đồ đường đi của bão số 3 lúc 13h ngày 4/9/2024. (Ảnh: TTXVN phát)

Bản đồ đường đi của bão số 3 lúc 13h ngày 4/9/2024. (Ảnh: TTXVN phát)

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hồi 16h ngày 4/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,2 độ Vĩ Bắc; 117,2 độ Kinh Đông trên vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 680km về phía Đông.

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13 (118-149 km/h), giật cấp 16, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ khoảng 5-10 km/h.

Dự báo, đến 16h ngày 5/9, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ khoảng 10 km/h, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 400km về phía Đông. Sức gió mạnh cấp 14, giật cấp 17. Khu vực chịu ảnh hưởng của bão là phía Bắc của khu vực Bắc Biển Đông; độ rủi ro thiên tai cấp 4.

Đến 16h ngày 6/9, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ khoảng 15 km/h, trên vùng biển đảo Hải Nam (Trung Quốc). Sức gió mạnh cấp 15-16, giật trên cấp 17. Khu vực chịu ảnh hưởng của bão là phía Bắc của khu vực Bắc Biển Đông; độ rủi ro thiên tai cấp 4.

Đến 16h ngày 7/9, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ khoảng 15-20 km/giờ và đi vào vịnh Bắc Bộ, trên đất liền phía Đông Bắc Bộ. Sức gió mạnh cấp 10-11, giật cấp 13.

Khu vực chịu ảnh hưởng của bão là phía Tây Bắc của khu vực Bắc Biển Đông và vịnh Bắc Bộ; độ rủi ro thiên tai cấp 3; vịnh Bắc Bộ cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3.

Cảnh báo, từ 72 đến 120 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km, cường độ tiếp tục giảm dần.

Do ảnh hưởng của bão, khu vực Bắc Biển Đông gió mạnh cấp 9-11. Vùng gần tâm bão đi qua cấp 12-14, giật trên cấp 17, biển động dữ dội.

Từ ngày 5-6/9, bão số 3 tiếp tục tăng cường độ có thể đạt cấp 15-16, giật trên cấp 17 trên vùng biển phía Bắc của khu vực Bắc Biển Đông.

Trong 24 giờ tới, vùng biển khu vực Bắc Biển Đông có sóng biển cao 5-7m, vùng gần tâm bão 7-10m. Từ ngày 6/9 có thể tăng dần lên 10-12m, biển động dữ dội và rất nguy hiểm đối với tàu thuyền hoạt động tại vùng biển trên.

Cùng với đó, thông tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong chiều tối và tối 4//9, khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa rào và rải rác có dông, có nơi mưa to đến rất to với lượng mưa từ 15-30mm, cục bộ có nơi trên 70mm.

Khu vực từ Đà Nẵng đến Bình Thuận có mưa rào và dông rải rác, có nơi mưa to với lượng mưa từ 10-30mm, cục bộ có nơi trên 60mm, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.

Mưa lớn cục bộ có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp; lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc (thông tin cảnh báo khu vực nguy cơ lũ quét, sạt lở đất thời gian thực được cung cấp trực tuyến trên cổng thông tin điện từ của Tổng cục Khí tượng Thủy văn tại địa chỉ https://luquetsatlo.nchmf.gov.vn và trong bản tin riêng cảnh báo lũ quét, sạt lở đất). Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lốc, sét cấp 1.

Chủ động sơ tán người dân vùng nguy cơ, di dời người dân đến nơi an toàn

Chiều 4/9, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Bình có văn bản hỏa tốc yêu cầu các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương khẩn trương chằng chống nhà cửa, kho tàng, trường học, bệnh viện, bến cảng, xí nghiệp, biển hiệu và các lồng, bè, trang trại nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản ở trên sông, ven biển. Qua đó, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản, đặc biệt là ở hai huyện ven biển Thái Thụy, Tiền Hải; sẵn sàng di dời các hộ dân sinh sống trong nhà yếu, khu vực nguy hiểm, số lao động nuôi ngao, nuôi trồng thủy sản, hải sản các vùng bãi thấp ven sông, ven biển vào nơi an toàn.

 Nhân viên Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình Đô thị tỉnh Thái Bình cắt tỉa cây tại địa bàn thành phố để phòng chống bão số 3. (Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN)

Nhân viên Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình Đô thị tỉnh Thái Bình cắt tỉa cây tại địa bàn thành phố để phòng chống bão số 3. (Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN)

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận yêu cầu các đơn vị, bằng mọi biện pháp kêu gọi, kiểm đếm, hướng dẫn các tàu, thuyền vào nơi tránh, trú an toàn, sắp xếp không để xảy ra va chạm và chìm tàu tại nơi neo đậu.

Các đơn vị quản lý hệ thống thủy nông cử cán bộ thường trực 24/24 giờ theo dõi mực nước, đóng cống tưới, mở cống tiêu; khơi thông, giải phóng dòng chảy, triệt để tiêu nước trong hệ thống.

Đồng thời chủ động vận hành trạm bơm tiêu, đề phòng mưa lớn gây ngập úng lúa mùa, hoa màu và các khu vực trũng, thấp, khu công nghiệp, đô thị, dân cư tập trung.

Các cấp, ngành, địa phương triển khai phương án bảo vệ trọng điểm đê điều xung yếu, chống tràn ở vị trí đê thấp, đê bối, bờ bao.

Các bên liên quan bố trí lực lượng hướng dẫn, cảnh báo người dân tại các bến đò ngang không hoạt động trong những khu vực nguy hiểm, gần các cống qua đê, cầu giao thông, khu vực ven sông có dòng chảy xiết để đảm bảo an toàn.

Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Bình họp triển khai các biện pháp ứng phó với bão số 3.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Bình Lại Văn Hoàn, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh yêu cầu các huyện, thành phố thực hiện nghiêm các nội dung chỉ đạo và các Công điện ứng phó với bão của Trung ương, địa phương; tập trung tuyên truyền, thông tin tình hình, diễn biến và cấp độ của bão ở từng thời điểm. Bên cạnh đó, các ngành tích cực, chủ động kiểm tra, đôn đốc, có phương án, kịch bản bảo đảm an toàn các trọng điểm xung yếu; an toàn hệ thống đê điều, công trình giao thông, xây dựng, khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh theo phương án "4 tại chỗ."

 Tỉnh Thái Bình chỉ đạo các đơn vị thủy nông đóng các cống tưới nước, mở các cống tiêu nước để ứng phó với bão số 3. (Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN)

Tỉnh Thái Bình chỉ đạo các đơn vị thủy nông đóng các cống tưới nước, mở các cống tiêu nước để ứng phó với bão số 3. (Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN)

Toàn tỉnh Thái Bình có 995 tàu, thuyền với 2.950 lao động đang hoạt động trên biển. Trong đó, 255 phương tiện với 682 lao động đang ở ven biển Thái Bình; 41 phương tiện với 235 lao động hoạt động ngoài tỉnh; 674 phương tiện với 1.823 lao động đã vào neo đậu nội tỉnh; 25 phương tiện với 198 lao động neo đậu tại các bến ngoài tỉnh. Tất cả số phương tiện trên đều liên lạc được với gia đình, không có phương tiện hoạt động ở vùng nguy hiểm.

“4 tại chỗ” kịp thời xử lý khi có tình huống xảy ra

Ngày 4/9, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Nam Định Trần Anh Dũng đã đi kiểm tra công tác phòng, chống, ứng phó với cơn bão số 3 tại Cống Thanh Niên (xã Bạch Long, huyện Giao Thủy), kè biển xã Hải Đông, kè Hải Thịnh 3, kè Cồn Tròn, thị trấn Thịnh Long (huyện Hải Hậu).

Ông Trần Anh Dũng yêu cầu Ủy ban Nhân dân các huyện chủ động theo dõi sát dự báo, diễn biến bão, kịp thời chỉ đạo, triển khai ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ,” không để bị động, bất ngờ.

Đối với các vị trí xung yếu, ngành chức năng, các địa phương cần chủ động bố trí lực lượng ứng trực, chuẩn bị đầy đủ vật tư dự trữ, phương tiện, nhân lực để sẵn sàng ứng cứu, cứu hộ cứu nạn khi có tình huống xảy ra.

Căn cứ tình hình thực tế và khả năng ảnh hưởng của bão, mưa, lũ, các sở, ngành chức năng và địa phương chủ động thông tin kịp thời, chỉ đạo, hướng dẫn người dân ứng phó với bão, lũ...

Các địa phương ven biển rà soát, chủ động, sẵn sàng sơ tán người dân ra khỏi nơi không đảm bảo an toàn, khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, sạt lở, nhất là ở cửa sông, ven biển.

Các sở, ngành liên quan phát hiện, báo cáo Ủy ban Nhân dân tỉnh và phối hợp với các đơn vị xử lý kịp thời ngay những sự cố, hư hỏng của đê, kè, cống; chỉ đạo vận hành linh hoạt điều tiết nước khi mưa lũ kéo dài, đảm bảo an toàn các công trình thủy lợi và sản xuất nông nghiệp.

Nam Định có 535km đê (hơn 279km đê sông, hơn 39km đê cửa sông, hơn 75km đê biển). Trên các tuyến đê biển hiện không có công trình đang thi công.

Các cấp, ngành địa phương đang rà soát hiện trạng toàn bộ hệ thống đê, kè, cống, lên phương án bảo vệ 38 trọng điểm xung yếu; chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, vật tư, phương tiện để hộ đê, kịp thời xử lý khi có tình huống xảy ra.

Tại vùng bồi, bãi, các ngành chức năng rà soát phương án sơ tán dân, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

Hiện tất cả 1.714 phương tiện tàu, thuyền với 5.287 ngư dân và những người trên các lều, chòi trông coi đầm bãi đều đã nhận được thông báo về diễn biến, hướng đi của bão và đang trên đường vào bờ.

Tỉnh có diện tích lúa mùa và nuôi thủy sản đã được các bên chủ động lên phương án bảo vệ để giảm thiệt hại ở mức thấp nhất.

Còn 11 tàu của Bình Định nằm trong vùng nguy hiểm của bão

Theo báo cáo nhanh từ Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định, tính đến 15h ngày 4/9, có 11 tàu cá nằm ngoài vùng ảnh hưởng nhưng vẫn nằm trong vùng nguy hiểm (phía Bắc Vĩ tuyến 16,0; phía Đông Kinh tuyến 112,5) của bão số 3. Trong đó, có một tàu ở thành phố Quy Nhơn, 10 tàu còn lại đều thuộc thị xã Hoài Nhơn.

Các tàu này đã nhận được thông báo của cơ quan chức năng và đang trên đường di chuyển về nơi an toàn. Bình Định đang khẩn trương hỗ trợ, theo dõi tàu BĐ 40293 TS về bờ vì gặp sự cố trên biển.

 Ảnh minh họa. (Ảnh: Đoàn Hữu Trung/TTXVN)

Ảnh minh họa. (Ảnh: Đoàn Hữu Trung/TTXVN)

Cụ thể, tàu BĐ 40293 TS có công suất 50CV (chiều dài 13,7m), trên tàu có hai người, chủ tàu là ông Trần Hiếu ở xã Mỹ Thắng, huyện Phù Mỹ (tỉnh Bình Định).

Lúc 23h ngày 3/9, khi tàu đang hoạt động trên vùng biển cách cửa biển Thuận An, tỉnh Thừa Thiên-Huế khoảng 63 hải lý về hướng Đông Bắc thì thuyền viên Trần Trung Thi (sinh năm 1991, ở xã Mỹ Thắng, huyện Phù Mỹ) bị dây cáp kéo lưới va trúng đầu làm bị thương.

Thuyền trưởng đang điều khiển phương tiện đưa thuyền viên bị nạn vào bờ để cấp cứu. Dự kiến, đến 22h ngày 4/9, tàu BĐ 40293 TS sẽ về đến cửa biển Thuận An (tỉnh Thừa Thiên-Huế).

Theo kết quả kiểm đếm tàu thuyền lúc 15h ngày 4/9, toàn tỉnh Bình Định vẫn còn 1.154 tàu với 4.576 người đang hoạt động trên các vùng biển. Trong đó, ngư trường giữa Hoàng Sa-Trường Sa hiện có 191 tàu/1.146 người; ngư trường Trường Sa có 297 tàu/1.782 người; ngư trường Hoàng Sa-Bắc Biển Đông có 14 tàu/84 người.

Số tàu thuyền còn lại chủ yếu ở các ngư trường gần bờ từ Hải Phòng-Kiên Giang. Bên cạnh đó, tỉnh cũng có 5.085 tàu, thuyền/36.097 người đang hoạt động ven bờ trong tỉnh, neo đậu tại bến./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/bao-so-3-tang-cuong-do-trong-hai-ngay-toi-voi-gio-cap-15-16-giat-tren-cap-17-post974210.vnp