Bão số 3 và hoàn lưu sau bão: 103 người chết, mất tích, 752 người bị thương

Thống kê của Bộ NN&PTNT đến sáng 10/9/2024, ghi nhận: Có 103 người chết, mất tích; 752 người bị thương do bão số 3, trong đó, Cao Bằng có 33 người, Lào Cai có 29 người chết và mất tích do bão; số lượng tàu thuyền các loại bị chìm tại nơi neo đậu ở Quảng Ninh đã tăng lên con số 85 tàu thuyền; số lượng lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi là 1.577 lồng bè, tập trung ở Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương.

* 103 người chết,mất tích; 752 người bị thương

Thống kê của Bộ NN&PTNT đến sáng 10/9/2024, ghi nhận: Có 103 người chết, mất tích; 752 người bị thương do bão số 3, trong đó, Cao Bằng có 33 người, Lào Cai có 29 người chết và mất tích do bão; số lượng tàu thuyền các loại bị chìm tại nơi neo đậu ở Quảng Ninh đã tăng lên con số 85 tàu thuyền; số lượng lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi là 1.577 lồng bè, tập trung ở Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương.

Về nông nghiệp, diện tích lúa và hoa màu bị úng ngập và thiệt hại tiếp tục tăng mạnh. Đã có 148.632 ha lúa bị ngập úng, thiệt hại; tập trung chủ yếu tại Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương, Hà Nội, Hưng Yên. Hơn 26.000 ha hoa màu bị ngập úng, thiệt hại; trên 11.000 ha cây ăn quả bị hư hại. Hiện có 1.111 con gia súc, 680.243 con gia cầm bị chết, tập trung ở Hải Dương và Hải Phòng.

 Nước sông dâng cao dẫn đến ngập lụt tại nhiều địa phương. Ảnh TTXVN

Nước sông dâng cao dẫn đến ngập lụt tại nhiều địa phương. Ảnh TTXVN

Đến ngày 10/9, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đã huy động 48.485 cán bộ, chiến sỹ và 970 phương tiện tham gia hỗ trợ các địa phương tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả bão, mưa lũ.Theo thông tin từ Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lào Cai, trong 3 ngày từ 7 - 9/9, mưa lũ, sạt lở, lũ quét đã làm 20 người chết (Sa Pa 7 người, Văn Bàn 2 người, Bắc Hà 6 người và Si Ma Cai 5 người); 11 người mất tích (1 người tại thị xã Sa Pa; 10 người tại huyện Bát Xát); làm bị thương 14 người (10 người tại thị xã Sa Pa; 3 người tại huyện Bát Xát và 1 người tại huyện Bắc Hà).

Vụ sập cầu Phong Châu (Phú Thọ): Nỗ lực tìm kiếm người mất tích

Theo Đại tá Trần Nho Lương, Phó Chỉ huy trưởng, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Phú Thọ, ngay sau khi sự cố xảy ra, lãnh đạo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã đến hiện trường chỉ đạo, huy động 350 cán bộ, chiến sỹ, trong đó có 231 đồng chí là lực lượng thường trực cùng với lực lượng dân quân tự vệ, đồng thời sử dụng 11 ô tô, 5 xuồng máy, một thiết bị chế áp điện tử làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn để tìm kiếm, cứu vớt những nạn nhân sau vụ sập cầu.

 Hiện vẫn còn 8 người mất tích trong vụ sập cầu Phong Châu.

Hiện vẫn còn 8 người mất tích trong vụ sập cầu Phong Châu.

Đến đêm 9/9, lực lượng chức năng tỉnh Phú Thọ đã xác định có 8 người đang mất tích gồm: Nguyễn Hà Chi (sinh năm 2005, tại Đắk Nông); Nguyễn Thị Lan (SN 2005, trú tại Vạn Xuân, Tam Nông); Dương Công Chiến (SN 1981, trú xã Dân Quyền, Tam Nông); Hà Quốc Chí (SN 1986, trú xã Chu Hóa, thành phố Việt Trì); Lương Xuân Thành (SN 1968, trú xã Thạch Đồng, Thanh Thủy); Nguyễn Thị Hường (SN 1976, trú tại Thạch Đồng, Thanh Thủy); Nguyễn Thị Bích Hằng (SN 1988, trú tại Thụy Vân, thành phố Việt Trì); Nguyễn Thị Yến (SN 1979, tại xã Sơn Vi, Lâm Thao).

Ba người bị thương là Bùi Quý Trọng (SN 1991) và Nguyễn Minh Hải (SN 1994) cùng trú tại xã Vạn Xuân, Tam Nông); Phan Trường Sơn (SN 1984, trú tại xã Hương Nộn, Tam Nông).

* Hà Nội: Hà Nội báo động lũ khẩn cấp, cảnh báo ngập lụt mở rộng

Ban Chỉ huy PCTT và TKCN Hà Nội đã ra Lệnh báo động trên sông Hồng vào hồi 9 giờ 00 phút ngày 10/9/2024 tại địa phận các xã ven đê thuộc huyện Thường Tín, Phú Xuyên. Ban Chỉ huy PCTT và TKCN Hà Nội các huyện Thường Tín, Phú Xuyên, các đơn vị ở địa phận trên và các ngành, các cán bộ đã được giao nhiệm vụ thi hành nghiêm chỉnh những quy định khi có lệnh báo động I.

 Nước sông Hồng lên rất nhanh. Ảnh Báo Tin tức.

Nước sông Hồng lên rất nhanh. Ảnh Báo Tin tức.

Theo thông tin từ Đài khí tượng thủy văn khu vực Đồng bằng và Trung du Bắc Bộ: Do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới có trục qua Bắc Bộ kết hợp áp cao lục địa tăng cường, từ sáng sớm nay đến sáng 12/9 thành phố Hà Nội có mưa vừa, mưa to có nơi mưa rất to và dông. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Lượng mưa phổ biến 80 - 150mm, có nơi trên 250mm, cụ thể: Các quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Long Biên, Tây Hồ, Cầu Giấy, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Hà Đông, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm và các huyện: Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh: 100 - 200mm, có nơi trên 300mm. Thị xã Sơn Tây và các huyện Thanh Trì, Thường Tín, Thanh Oai, Phúc Thọ,Thạch Thất, Quốc Oai, Đan Phương, Hoài Đức, Chương Mỹ, Ba Vì, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Phú Xuyên: 80 - 150mm, có nơi trên 250mm.

Khu vực nội thành, theo báo cáo của Công ty TNHH MTV thoát nước Hà Nội, tại thời điểm 06h30 ngày 10/9/2024, qua công tác kiểm tra của Công ty, trên địa bàn Thành phố còn một số điểm úng ngập tại: Lưu vực sông Tô Lịch: Vĩnh Hưng, Đường 2,5 hồ Đền Lừ, Thái Hà, Quan Nhân, Triều khúc; Lưu vực sông Cầu Bây: Cổ Linh, Đàm Quang Trung, Vũ Xuân Thiều, Ngọc Lâm; Lưu vực sông Nhuệ: Phan Văn Trường, Đại lộ Thăng Long (Ngã ba giao Lê Trọng Tấn), Hầm chui (số 3, số 5, số 6, Km9+656), đường Tố Hữu, Yên Nghĩa (Bến xe Yên Nghĩa tới ngã ba Ba La), đường Quyết Thắng, HH2 Nguyễn Trác, Võ Chí Công, Dương Đình Nghệ, Nguyễn Khánh Toàn, Thiên Hiền, phố Nhuệ Giang Ngọc Hồi, Yên Xá, Cầu Bươu.

 Khu vui chơi hàng ngày của trẻ em cũng ngập sâu. Ảnh Báo Tin tức

Khu vui chơi hàng ngày của trẻ em cũng ngập sâu. Ảnh Báo Tin tức

Khu vực ngoại thành, theo báo cáo của các quận, huyện, thị xã, tính đến thời điểm 7h ngày 10/9/2024 tình hình úng ngập như sau: lúa bị đổ 24.842 ha; lúa bị ngập 2.476 ha; rau màu bị ngập, ảnh hưởng 4.046 ha; cây ăn quả bị ảnh hưởng 3.924 ha, thủy sản bị ảnh hưởng 453 ha; nhà màng, nhà lưới bị ảnh hưởng 69.550 m2; gia súc bị chết 29 con; gia cầm chết, thất lạc 37.508 con; cây xanh gẫy đổ 110.133 cây (theo báo cáo của các quận, huyện, thị xã bao gồm cây đô thị và các loại cây khác)...

Hiện nay, mực nước sông Hồng, sông Đà, sông Đuống đang lên nhanh và ở mức cao (theo dự báo sẽ đạt báo động I vào đêm 10/9), Ban Chỉ huy PCTT và TKCN Thành phố đề nghị các quận huyện, thị xã dọc các sông trên tổ chức kiểm tra để có biện pháp ứng phó kịp thời khi lũ dâng cao.

Mực nước sông Tích, sông Bùi đang ở mức cao (trên báo động III), ảnh hưởng đến địa bàn các huyện Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức. Đặc biệt là tình trạng ngập úng tại các khu dân cư.

* Lào Cai: Mưa lũ làm 31 người chết và mất tích

Đặc biệt, lũ trên sông Hồng đã vượt mức báo động 3 gây ngập lụt nhiều khu vực của TP Lào Cai và các địa phương ven sông khiến hàng trăm nhà dân bị ngập úng nghiêm trọng.

Theo thống kê từ các địa phương, toàn tỉnh đã có 1.109 nhà dân bị ngập nước, sạt lở và lũ cuốn trôi (Sa Pa 18 nhà, Bảo Thắng 361 nhà, Văn Bàn 48 nhà, Bắc Hà 15 nhà, Bát Xát 97 nhà, Si Ma Cai 14 nhà, Bảo Yên 518 nhà, TP Lào Cai 38 nhà).

 Lực lượng Công an Lào Cai giúp dân di chuyển tài sản đến nơi an toàn. (Ảnh: CA Lào Cai).

Lực lượng Công an Lào Cai giúp dân di chuyển tài sản đến nơi an toàn. (Ảnh: CA Lào Cai).

Về sản xuất nông nghiệp, mưa lũ, sạt lở đã làm ngập úng, vùi lấp 892,32 ha lúa mùa (huyện Văn Bàn 269,69 ha; Bảo Thắng 143,8 ha; Bảo Yên 466,14 ha; Sa Pa 0,69 ha và Bát Xát 12 ha). Mưa lũ cũng làm gãy đổ 475,04 ha ngô và cây hoa màu khác (Văn Bàn 68,39 ha; Bảo Thắng 141,15 ha; TP Lào Cai 123 ha; Bảo Yên 74,5 ha; Bát Xát 68 ha); làm vỡ và tràn bờ 28,35 ha ao nuôi cá (huyện Văn Bàn 13,7 ha, Bảo Thắng 8,2 ha, TP Lào Cai 5 ha, Bảo yên 1,45 ha)...Ngoài ra lũ cũng cuốn trôi 15 con trâu (Văn Bàn 14, Sa Pa 1).

 Hiện trường vụ 6 người chết do sạt lở đất ở Sa Pa.

Hiện trường vụ 6 người chết do sạt lở đất ở Sa Pa.

Về giao thông, mưa lũ làm các tuyến Quốc lộ 4, 4D, 279, 70 đi qua địa bàn tỉnh có nhiều vị trí bị sạt ta luy, ngập nước, gây ách tắc giao thông cục bộ. Các tuyến Tỉnh lộ 151, 152, 153, 154, 155, 156, 156B, 160, 162 có nhiều vị trí bị sạt lở, ngập nước, gây ách tắc giao thông. Cùng với đó, có 33 tuyến đường liên huyện bị sạt lở, ngập nước; 9 công trình thủy lợi bị hư hỏng.

Về công trình y tế, giáo dục, mưa lũ đã làm 7 trường học của huyện Si Ma Cai bị hư hỏng; 1 trạm y tế ở xã Yên Sơn (Bảo Yên) bị ngập nước gây ảnh hưởng đến đồ dùng, thiết bị.

Ngoài ra, dông lốc, sét đánh cũng làm hư hỏng 4 trạm phát sóng BTS; làm gẫy 1 cột điện đường dây 35 KV tuyến Nà Nheo, xã Khánh Yên Hạ (Văn Bàn); làm 6 xe máy ngập nước và 1 ô tô bán tải bị lũ cuốn trôi…

 Lũ sông Hồng đã tràn vào TP Lào Cai.

Lũ sông Hồng đã tràn vào TP Lào Cai.

Dự báo trong 12h tới, trên địa bàn tỉnh Lào Cai tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, lũ trên sông Hồng và Sông Chảy vẫn duy trì ở mức cao, trên báo động 3 từ 2,5 - 4,0m.

Lũ lên cao có thể gây ngập úng trên diện rộng cho nhiều khu vực dân cư, trường học, đường giao thông tại các huyện: Bắc Hà, Bảo Yên, Bảo Thắng, Văn Bàn, TP Lào Cai.

Do đó, người dân cần theo dõi diễn biến của mưa, lũ để có biện pháp phòng tránh.

Chiều tối ngày 9/9/2024, Đoàn công tác Chính phủ do Phó Thủ tướng Lê Thành Long làm Trưởng đoàn đã đến kiểm tra một số địa điểm chịu ảnh hưởng do bão số 3, hoàn lưu của bão tại TP Lào Cai và làm việc với lãnh đạo tỉnh Lào Cai về công tác ứng phó thiên tai, cứu nạn cứu hộ, tình hình thiệt hại trên địa bàn tỉnh.

Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh Lào Cai huy động lực lượng khắc phục sớm tình trạng các nơi bị chia cắt và cô lập, trước hết mở đường vào, đảm bảo an toàn, cấm và hạn chế dân đến những nơi nguy hiểm; cố gắng tiếp tế lương thực, thuốc men; không để người dân thiếu, đói. Lào Cai cần sẵn sàng lực lượng để dự báo, dự kiến những tình huống xấu hơn, trước hết sử dụng các lực lượng tại chỗ, sẵn sàng cung cấp các nhu yếu phẩm thiết yếu, phương tiện đường thủy sẵn sàng. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu tỉnh Lào Cai sớm thống kê, có đề xuất cụ thể, trong những trường hợp cần thiết cần chủ động đề xuất với Trung ương hỗ trợ để sớm khắc phục hậu quả mưa lũ.

P.V

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/van-hoa-xa-hoi/doi-song-xa-hoi/bao-so-3-va-hoan-luu-sau-bao-103-nguoi-chet-mat-tich-752-nguoi-bi-thuong-164285.html