Bão số 3 và mưa lũ gây thiệt hại kinh tế ước trên 81.500 tỷ đồng
Do bị tác động dồn dập trong thời đoạn rất ngắn của các loại hình thiên tai cực đoan đã gây thiệt hại nặng nề, đặc biệt là thiệt hại do sạt lở đất, lũ quét. Tổng thiệt hại kinh tế ước tính ban đầu trên 81.503 tỷ đồng.
Sáng 28/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác phòng chống và khắc phục hậu quả bão số 3.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho cho biết, nhờ có sự chỉ đạo tập trung và sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành cùng sự nỗ lực, cố gắng rất lớn của nhân dân trong phòng chống, khắc phục hậu quả bão lũ, nên đã góp phần giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản cho người dân, doanh nghiệp và nhà nước. Tuy nhiên, do bị tác động dồn dập trong thời đoạn rất ngắn của các loại hình thiên tai cực đoan đã gây thiệt hại nặng nề, đặc biệt là thiệt hại do sạt lở đất, lũ quét. Tổng thiệt hại kinh tế ước tính ban đầu trên 81.503 tỷ đồng.
Để sớm khắc phục hậu quả, ổn định đời sống nhân dân, khôi phục sản xuất sau bão lũ, đồng thời có giải pháp căn cơ lâu dài, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, các bộ ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc, đầy đủ 6 nhóm giải pháp tại Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 17/9/2024 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 (Yagi), nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát.
Thực hiện Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 17/9/2024 của Chính phủ, các địa phương đã tổng hợp, đánh giá và đề xuất hỗ trợ 25.038 tỷ đồng để khắc phục hậu quả. Trên cơ sở báo cáo của các địa phương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ 10.000 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2024 cho các địa phương, tập trung hỗ trợ dân sinh, sửa chữa, tu bổ, nâng cấp hệ thống đê điều, hồ chứa thủy lợi, nhất là các công trình xung yếu, bị thiệt hại trong đợt mưa lũ; tu sửa, khắc phục đường giao thông, cơ sở y tế, giáo dục, phục hồi sản xuất nông nghiệp, sắp xếp, di dời người dân vùng có nguy cơ cao thiên tai, nhất là sạt lở đất, lũ quét khu vực miền núi đến nơi an toàn.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định quy định về thanh lý rừng trồng; trên cơ sở đó tổ chức thanh lý diện tích rừng bị thiệt hại được đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước (khoảng 52.000 - 87.000 ha).
Trong khả năng của mình, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ động huy động nguồn tài trợ từ các doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp FDI, tuy nhiên nguồn lực có giới hạn so với nhu cầu của các địa phương. Hiện nay, một số địa phương đang xin hỗ trợ hạt giống từ nguồn Dự trữ Quốc gia. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tổng hợp; kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ, các Bộ ngành có liên quan sớm có ý kiến, phê duyệt để các địa phương tiếp nhận được hạt giống kịp thời đáp ứng được nhu cầu của bà con nông dân vùng bị ảnh hưởng của thiên tai.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang rà soát sửa đổi Nghị định 02/2017/NĐ-CP về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp vùng bị thiên tai, dịch bệnh cho phù hợp với tình hình hiện nay. Bộ đề nghị Chính phủ cho chủ trương thực hiện theo quy trình rút gọn để kịp thời hỗ trợ người dân.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, các địa phương cần tập trung lực lượng tìm kiếm người mất tích tại sự cố cầu Phong Châu, tỉnh Phú Thọ và mất tích do lũ, lũ quét, sạt lở đất (Lào Cai, Cao Bằng,…). Tổ chức cứu trợ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho các hộ dân có nguy cơ thiếu đói; huy động lực lượng hỗ trợ người dân sửa chữa nhà ở, dọn dẹp vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh. Rà soát các gia đình bị mất nhà để tái định cư cho người dân đến chỗ an toàn và hoàn thành chậm nhất trước ngày 31/12/2024.
Các địa phương tập trung chỉ đạo, có kế hoạch sản xuất linh hoạt, hiệu quả và hướng dẫn các biện pháp khắc phục hậu quả cụ thể cho từng địa phương, vùng miền, trong đó sẵn sàng nguồn giống để hỗ trợ người dân nhanh chóng khôi phục sản xuất. Đồng thời, theo dõi sát tình hình, diễn biến nguồn cung, giá cả hàng hóa trên địa bàn, nhất là tại các khu vực vừa xảy ra lũ quét, lũ ống, sạt lở đất nặng nề, kịp thời bảo đảm nguồn cung, kiểm soát giá cả, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, đẩy giá, lợi dụng thiên tai, bão lũ để trục lợi.
Địa phương chủ động huy động nguồn lực để khẩn trương khắc phục, sửa chữa các công trình đê điều, thủy lợi, hạ tầng giao thông, hạ tầng cơ sở…; triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách giãn hoãn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí,… đối với các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp bị thiệt hại do bão, mưa lũ… Có những giải pháp phù hợp đưa cuộc sống người dân bị ảnh hưởng nhanh chóng trở lại bình thường.
Về lâu dài, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị, các bộ ngành, địa phương cần nghiên cứu các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện đồng bộ hướng đến mục tiêu "Từ ứng phó đến hành động sớm, tăng cường khả năng chống chịu".
Riêng về nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ rà soát, bố trí sắp xếp, di dời người dân vùng có nguy cơ cao thiên tai, nhất là sạt lở đất, lũ quét khu vực miền núi đến nơi an toàn, đồng thời tạo sinh kế bền vững cho người dân ở nơi ở mới.
Địa phương rà soát, cơ cấu lại cây trồng, vật nuôi ở các vùng, các địa phương theo hướng thuận thiên, hiệu quả, bền vững hơn, an toàn trước thiên tai. Cùng với đó là tăng cường quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, nâng cao chất lượng rừng, nhất là rừng tự nhiên, phòng hộ.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng đề nghị các địa phương khẩn trương, rà soát thống kê đánh giá thiệt hại và thực hiện hỗ trợ ngay cho nhân dân, trước mắt áp dụng theo quy định tại Nghị định 02/2017/NĐ-CP cho đến khi ban hành nghị định mới. Địa phương chỉ đạo về khôi phục sản xuất nông nghiệp theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Các tỉnh, thành phố tích cực giải quyết các thủ tục hành chính khi doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, chủ hộ sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp đề xuất, đầu tư các dự án mới tại địa phương. Thời gian giải quyết thủ tục hành chính không quá 1/2 thời gian tối đa được quy định tại pháp luật hiện hành.
Các tỉnh, thành phố phối hợp, chỉ đạo các cơ quan quan thuế, cơ quan ngân hàng, tổ chức tín dụng trên thực hiện khoanh nợ, giãn nợ, giảm 100% thuế các khoản thuế phải nộp đến hết ngày 31/12/2025 đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ hộ sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp bị thiệt hại do thiên tai gây ra. Đồng thời, tiếp tục cho vay với quy trình thủ tục rút gọn để sớm phục hồi sản xuất.