Bão số 4 có thể gây ngập lụt 60 quận - huyện, chuyên gia khuyến cáo người dân cần sơ tán gấp

Bão số 4 chuẩn bị đổ bộ vào đất liền vào sáng ngày mai. Với cường độ mạnh, cơn bão này dự kiến có thể gây mưa lớn và ngập lụt diện rộng tại khu vực Trung Bộ.

Theo chuyên gia về biến đổi khí hậu TS. Nguyễn Ngọc Huy, bão số 4 sẽ là “cơn bão lịch sử về sức mạnh, về cấp độ lớn nhất từng đổ bộ vào đất liền của Việt Nam”.

Tâm bão và vùng gió siêu lớn đi vào đất liền các tỉnh trên từ 7h sáng ngày 28/9, TS, Nguyễn Ngọc Huy dự báo. Tuy nhiên, từ đêm 27/9 đã có gió giật, sóng cồn. Do bán kính bão lớn, các tỉnh trong vùng ảnh hưởng của gió mạnh bao gồm từ: Khánh Hòa đến Quảng Bình và phía Bắc của Tây Nguyên. Vùng ảnh hưởng gió siêu mạnh gồm Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng, Huế, Quảng Trị.

“Bão số 4 mang đến một lượng mưa lớn khủng khiếp nên nguy cơ ngập do bão rất cao. Bão vào đất liền đúng lúc triều cường cao nên sẽ có nguy cơ ngập do nước biển ở vùng thấp ven biển”, TS. Nguyễn Ngọc Huy cho biết.

Vì vậy, chuyên gia khuyến cáo người dân đang ở vùng nông thôn ven biển, thành phố ven biển ở nhà cấp 4, tường yếu, mái tôn… thì "hãy sơ tán ngay lập tức" theo hướng dẫn của chính quyền địa phương và trước 16h ngày 27/9.

 Người dân cần sơ tán gấp để tránh nguy hiểm khi bão Noru đổ bộ. Ảnh minh họa: Huy Đạt

Người dân cần sơ tán gấp để tránh nguy hiểm khi bão Noru đổ bộ. Ảnh minh họa: Huy Đạt

Khi bão đổ bộ, nhiều tuyến đường có thể bị sạt lở, chia cắt, một số khu vực sẽ bị cô lập nhiều ngày và mất điện lưới, do đó, người dân cần chuẩn bị sẵn đồ ăn, nước uống, thuốc men... để duy trì trong vòng 4-5 ngày; sạc đầy pin các thiết bị liên lạc, đèn pin.

Đồng thời, những hộ dân có ô tô, xe máy thì tránh để dưới tán cây, ở vùng thấp trũng, cần gửi xe chỗ cao. Các tòa nhà có hầm để xe cần dùng bao cát để chắn đề phòng nước vào ngập hầm.

Người dân nuôi trồng thủy sản ven bờ cần có phương án bảo vệ tài sản, tuyệt đối không ở lại chòi canh trên các lồng, bè khi bão đổ bộ.

Theo chuyên gia Nguyễn Ngọc Huy, khi đưa tàu, thuyền vào nơi neo đậu tránh trú bão, người dân cần có phương pháp chằng chống khoa học, đề phòng gió mạnh vẫn có thể làm các phương tiện va đập dẫn đến thiệt hại về tài sản. Người dân cũng tuyệt đối không ở lại các phương tiện tại khu neo đậu khi bão đổ bộ.

Tổng cục Khí tượng Thủy văn cho biết, khả năng xảy ra lũ sẽ được chia làm 2 kịch bản.

Nếu mưa lớn 250-350mm, Các Quảng Bình-Thừa Thiên Huế, sông Thu Bồn (Quảng Nam) và các sông ở Phú Yên lên mức báo động (BĐ)1-BĐ2, có sông trên BĐ2; sông Vu Gia (Quảng Nam).

Sông Vu Gia (Quảng Nam), các sông ở Quảng Ngãi, Bình Định và khu vực Bắc Tây Nguyên lên mức BĐ2-BĐ3, có sông lên trên BĐ3.

Trường hợp mưa lớn phổ biến trên 400mm, đỉnh lũ trên các ông ở khu vực Trung Trung Bộ, bắc Tây Nguyên phổ biến ở mức BĐ2-BĐ3 và trên BĐ3. Riêng sông Hương tại Huế lên mức BĐ2 và trên BĐ2.

Với kịch bản này sẽ có khoảng trên 60 huyện và khu đô thị có nguy cơ ngập lụt. Bao gồm:

Quảng Bình: Quảng Trạch, Tuyên Hóa, Minh Hóa, Bố Trạch, TP. Đồng Hới, Tx. Ba Đồn, Lệ Thủy

Quảng Trị: Hướng Hóa, Đắkrông, Gio Linh, Cam Lộ, Triệu Phong, Hải Lăng, TX. Quảng Trị, TP. Đông Hà

Huế: Phú Vang, Quảng Điền, Phú Lộc, TP. Huế

TP.Đà Nẵng: Liên Chiểu, Cẩm Lệ, Thanh Khê, Hải Châu, Ngũ Hành Sơn

Quảng Nam: Đại Lộc, Duy Xuyên, Điện Bàn, Hội An, Thăng Bình, Núi Thành, TP. Tam Kỳ

Quảng Ngãi: Trà Bồng, Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Mộ Đức, Đức Phổ, TP. Quảng Ngãi

Bình Định: An Lão, Hoài Nhơn, Hoàn Ân, Phù Mỹ, Phù Cát, An Nhơn, Tuy Phước, Tp Quy Nhơn

Phú Yên: Sông Cầu, Đồng Xuân, Tuy An, Phú Hòa, Tp Tuy Hòa

Kon Tum: Đăk Glei, Đăk Tô, Đăk Hà, KonPlong, TP KonTum, Sa Thầy, Ia H'Drai

Gia Lai: Mang Yang, Phú Thiện, Ayunpa, Krông Pa, An Khê, K Pang, TX An Khê

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, vào lúc 10 giờ ngày 27/9, vị trí tâm bão cách đất liền khu vực Đà Nẵng-Quảng Ngãi khoảng 310km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14-15 (150-183km/giờ), giật trên cấp 17. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 300km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 150km tính từ tâm bão.

Hướng đi của bão Noru trong những giờ tiếp theo. Ảnh: NCHMF

Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km và có khả năng mạnh thêm. Đến 22 giờ ngày 27/9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,6 độ Vĩ Bắc; 109,2 độ Kinh Đông, trên vùng biển Đà Nẵng-Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 15 (167-183km/giờ), giật trên cấp 17.

Dự báo trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km, đi vào đất liền các tỉnh Trung Trung Bộ. Đến 10 giờ ngày 28/9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,8 độ Vĩ Bắc; 107,0 độ Kinh Đông, trên khu vực biên giới Việt-Lào. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-102km/giờ), giật cấp 12.

Ảnh hưởng của bão số 4, vùng biển phía Tây Nam khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa), vùng biển phía Tây Bắc khu vực Giữa Biển Đông có mưa bão, gió mạnh cấp 8-10, sau tăng lên cấp 11-12, vùng gần tâm bão cấp 14-15, giật cấp 17; sóng biển cao 9-11m, biển động dữ dội.

Khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa), khu vực Bình Thuận đến Cà Mau và khu vực vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9, sóng cao 3-4m, biển động mạnh.

Trần Anh

Nguồn Tiêu Dùng: https://tieudung.giadinhonline.vn/bao-so-4-co-the-gay-ngap-lut-60-quan--huyen-chuyen-gia-khuyen-cao-nguoi-dan-can-so-tan-gap-d6618.html