Bão số 4 làm một người chết, thiệt hại lớn về tài sản
Chiều 30-8, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Quảng Bình cho biết, bão số 4 đã đổ bộ trực tiếp vào Quảng Bình không lớn và mưa nhỏ, nhưng đã làm hai người chết và bị thương.
Cụ thể, đêm 29-8, trong lúc chằng chống nhà cửa, ông Nguyễn Ngọc Việt (SN 1965, ở tổ dân phố Thuận Bài, phường Quảng Thuận, thị xã Ba Đồn) bị ngã từ trên mái nhà xuống tử vong. Ngoài ra, một người dân khác ở xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh bị thương cũng trong trường hợp tương tự.
Ngoài ra, bão đã làm tốc mái 20 ngôi nhà, một trường học và hai nhà văn hóa; 600 ha lúa hè thu chưa kịp thu hoạch bị gãy đổ, bốn ha hoa màu và 2,7 ha cây ăn quả bị ngập, 1.500 cây cối bị đổ, gãy. Trong số ba tàu cá bị nạn trên biển thì hai tàu được lai dắt vào bờ, riêng tàu cá QB 98799 TS của ông Nguyễn Văn Dũng ở thị xã Ba Đồn bị vỡ, chìm, tất cả ngư dân đều được cứu an toàn.
Toàn tỉnh có 33 xuất tuyến, đoạn đường dây mất điện gián đoạn, ảnh hưởng đến sinh hoạt của hơn 140 nghìn khách hàng sử dụng điện, tập trung tại hai huyện Bố Trạch và Quảng Trạch.
Ngay khi bão tan, Công ty điện lực Quảng Bình đã huy toàn bộ công nhân và phương tiện kỹ thuật khẩn trương khắc phục sự cố lưới điện. Đơn vị phấn đấu đến 18 giờ chiều nay, cấp điện trở lại cho toàn bộ khách hàng.
* Bão số 4 gây mưa phổ biến từ 100 đến 200 mm ở tỉnh Thanh Hóa. Các ngành, địa phương luôn chủ động ứng phó mưa bão nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.
Sáng 30-8, trên địa bàn huyện Thạch Thành có mưa to, tổng lượng mưa tại trạm Thủy văn Kim Tân đến 13 giờ cùng ngày là 115 mm. Điểm tràn trên quốc lộ 217B đoạn qua xã Thành Minh và Thành Mỹ bị ngập, tắc giao thông nhiều giờ; tuyến giao thông từ xã Thành Tiến đi các xã: Thành Long, Thành An, Ngọc Trạo cũng bị ngập nước sâu nhiều điểm; đường tỉnh 516B từ xã Thành Tiến, huyện Thạch Thành đi xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc bị chia cắt cục bộ.
Nước từ hồ Tây Trác đổ xuống hạ lưu gây ngập 500 ha lúa, ngô, mía, ao nuôi thủy sản và hàng chục nhà dân ở xã Thành Long. Ở huyện vùng cao Mường Lát phát sinh sạt lở tại km 77+600 trên quốc lộ 15C nhưng đã đã khắc phục và thông tuyến. Thị trấn Mường Lát sơ tán một hộ dân sinh sống ở khu vực nguy cơ xảy ra sạt lở cao đến nơi an toàn. Vụ mùa này, huyện đồng chiêm trũng Nông Cống có 10.100 ha lúa và nhân dân các địa phương chủ động tiêu thoát nước đệm, đã thu hoạch 1.100 ha lúa ở vùng ngoại đê, nâng diện tích lúa đã thu hoạch lên 2.600 ha.
Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa, trên địa bàn huyện Triệu Sơn, Ngọc Lặc có tổng lượng mưa tới gần 250 mm và lượng mưa phổ biến trong tỉnh từ 100 đến 200 mm. Các địa phương đã sơ tán 209 hộ ở khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn.
Đến thời điểm này mưa bão làm thiệt hại hoàn toàn bốn nhà ở, tốc mái 103 nhà, ngập 282 nhà dân. Toàn tỉnh có 4.520 ha lúa, hơn 1.000 ha cây trồng hằng năm, 117 ha rau màu, hơn 80 ha cây ăn quả, 85 ha cây lâm nghiệp, 512 cây xanh bị đổ, gãy, ngập, hư hỏng; chín trang trại bị ngập nước, 2.100 con gia cầm bị chết. Mái đê hữu sông Mã bị sạt lở 50 m ở xã Quý Lộc, huyện Yên Định; bốn đập thủy lợi, hồ chứa ở các huyện: Ngọc Lặc, Vĩnh Lộc, Như Thanh và 82 m đê sông ở huyện Thiệu Hóa bị sạt lở. Các tuyến quốc lộ bị sạt lở 27.650 m3 ta-luy dương, sạt 35 m ta-luy âm và các tuyến đường do tỉnh quản lý cũng bị sạt lở, sa bồi 2.270 m3. Có bốn điểm trường học bị ảnh hưởng, 15 phòng học bị ngập; ba công trình văn hóa bị hư hỏng; thiệt hại hơn 236 ha nuôi thả thủy sản; đổ, gãy 22 cột điện, đứt 50 m dây điện...
Thanh Hóa đã xử lý kịp thời điểm sạt lở đê hữu sông Mã, thuộc xã Quý Lộc, huyện Yên Định. Hiện, các địa phương cùng các ngành chức năng tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ theo phương án bốn tại chỗ. Được biết, trên gần 100 km quốc lộ 15C thuộc huyện Mường Lát, doanh nghiệp quản lý đường bộ bố trí hơn 10 phương tiện cơ giới, máy xúc tại các điểm xung yếu trên tuyến để xử lý kịp thời các sự cố phát sinh. Sở Giao thông vận tải Thanh Hóa huy động tối đa nhân lực, phương tiện khắc phục các sự cố trên các tuyến giao thông, cắm biển báo nguy hiểm, làm rào chắn, bố trí nhân lực trực gác, điều tiết giao thông ở các điểm sạt lở, ngập nước. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo tiêu úng, hướng dẫn các địa phương khắc phục hậu quả thiên tai, khôi phục sản xuất sau mưa lũ.
* Do ảnh hưởng của bão số 4, từ chiều tối 29-8 đến nay, tại Phú Thọ đã có mưa to đến rất to, kèm theo gió lốc đã làm nhiều ngồi nhà, trường học ở các địa phương trong tỉnh bị thiệt hại nặng nề.
Tại các xã Yên Lương, Yên Lãng, Yên Sơn, Tân Minh, Thượng Cửu, Đông Cửu, Khả Cửu thuộc huyện miền núi Thanh Sơn, mưa bão đã làm hơn 60 mái nhà của người dân, nhà văn hóa, trường học bị tốc mái, hư hỏng.
Theo thông tin của UBND huyện Thanh Sơn, tại khu Bồ Xồ, xã Yên Lương có 100 hộ là đồng bào Dao, tỷ lệ hộ nghèo chiếm rất cao nên rất khó khăn trong việc sửa chữa lại nhà. Bởi vậy, sau khi kiểm tra thực tế tại các xã bị ảnh hưởng do bão số 4 gây ra, UBND huyện Thanh Sơn đã hỗ trợ 6 triệu đồng cho những hộ thuộc diện hộ nghèo bị tốc mái, hư hỏng.
Tại huyện Yên Lập, mưa lớn kèm theo lốc đã làm hàng chục ngôi nhà của người dân; trường mầm non, cột điện hạ thế… bị sập, tốc mái, đổ gãy. Theo thống kê thiệt hại ban đầu của huyện Thanh Sơn và Yên Lập ước tính hơn 1,5 tỷ đồng.
Ngay sau khi sự việc xảy ra, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu hộ cứu nạn các huyện Thanh Sơn, Yên Lập đã chỉ đạo các địa phương trên địa bàn huyện túc trực 24/24 tại các điểm có nước lũ chảy qua, kiên quyết không cho người dân, phương tiện giao thông di chuyển qua lại, đảm bảo an toàn về tính mạng cũng như tài sản cho nhân dân; theo dõi sát sao tình hình mưa lũ, đặc biệt là sạt lở, đề phòng lốc xoáy.
* Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Yên Bái, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 4, nhiều nơi trong tỉnh Yên Bái có mưa lớn và dông, một số nơi có gió mạnh gây thiệt hại về tài sản của người dân.
Tính đến 16 giờ ngày 30-8, có 652 nhà bị tốc mái (huyện Văn Chấn 447 nhà; thị xã Nghĩa Lộ 200 nhà, Trạm Tấu năm nhà). Hơn 135 ha lúa và cây lâm nghiệp bị gãy đổ, ước thiệt hại ban đầu khoảng 3,3 tỷ đồng.
Ngay sau khi xảy ra thiên tai, các địa phương đã huy động lực lượng tại chỗ giúp những hộ gia đình khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra, khôi phục lại nhà cửa bảo đảm cuộc sống cho người dân.