Bão số 4 (Noru): Nhiều người thoát chết trong gang tấc
Sau bão số 4 (Noru), tại các tỉnh miền Trung, hàng trăm ngôi nhà, ki-ốt bị tốc mái, sập đổ. Riêng tỉnh Quảng Trị có 4 người bị thương phải nhập viện cấp cứu; huyện Hòa Vang (TP Đà Nẵng) ghi nhận 1 người bị thương.
Quảng Trị: 4 người bị thương
Trưa 28-9, đại tá Lê Văn Phương, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị, cho biết sáng cùng ngày, đơn vị đã huy động hơn 400 cán bộ, chiến sĩ phối hợp, hỗ trợ người dân toàn tỉnh khắc phục hậu quả do bão số 4 (Noru) gây ra.
Theo ghi nhận của phóng viên, tại huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, công tác khắc phục hậu quả mưa bão đang được triển khai khẩn trương.
Trong đó, hơn 100 người, gồm: lực lượng biên phòng, cảnh sát biển, dân quân đã cùng người dân địa phương dọn dẹp, sửa chữa hàng quán, nhà ở tại khu phố 3, thị trấn Cửa Việt. Lực lượng chức năng cũng cắt tỉa, vận chuyển hàng chục cây xanh bị ngã đổ khỏi hiện trường.
Trước đó, trận lốc xoáy vào chiều 27-9 đã khiến hơn 120 ngôi nhà và 180 ki-ốt tại chợ Cửa Việt (khu phố 3, thị trấn Cửa Việt) bị tốc mái, sập đổ, hư hại nặng; 4 người dân bị thương phải nhập viện cấp cứu, điều trị.
Đồn Biên phòng Cảng Cửa Việt đã huy động hơn 60 cán bộ, chiến sĩ phối hợp lực lượng Hải quân 202 và dân quân địa phương hỗ trợ, giúp người dân, tiểu thương buôn bán tại đây khắc phục hậu quả của trận lốc xoáy.
Quảng Ngãi: Hơn 630 ngôi nhà bị tốc mái
Tại tỉnh Quảng Ngãi, theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, tính đến 10 giờ 30 phút ngày 28-9, bão số 4 đã làm 3 ngôi nhà trên địa bàn huyện Sơn Tây và Bình Sơn bị sập đổ; 633 ngôi nhà và 8 điểm trường học, nhà công trạm y tế bị tốc mái, hư hỏng.
Khoảng 22 giờ 30 phút đêm 27-9, mưa gió từ biển thốc vào rất mạnh khiến căn nhà cấp 4 của ông Kiều Hà (thôn Đông Lỗ, xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) bị sập hoàn toàn.
"Tôi vừa chợp mắt thì nghe một tiếng động rất lớn từ nhà kế bên. Chưa kịp hoàn hồn, một bức tường lớn từ trên mái nhà rơi thẳng xuống nơi tôi nằm ngủ. May sao tôi ngủ phía bên này, nếu nằm bên kia đã chết rồi" - ông Kiều Hà nhớ lại.
Chưa hết lo sợ, bà Đỗ Thị Tâm (vợ ông Hà) kể: "Tôi đang ngủ trong buồng thì nghe tiếng động mạnh rồi bức tường ập xuống. Chắc ông bà thương, trời Phật phù hộ nên vợ chồng tôi thoát chết".
Ông Nguyễn Thanh Hiếu, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn, cho biết do sức gió quá lớn đã xô đổ bức tường ngôi nhà cao tầng của hàng xóm, rồi đổ trực diện xuống nhà ông Hà. Ngôi nhà cao tầng này vừa được dọn dỡ để bàn giao mặt bằng cho một công ty xây nhà máy, chỉ còn trơ trọi lại bức tường nên không thể trụ vững trong gió lớn.
TP Đà Nẵng: Bảo đảm an toàn nơi ở cho người dân
Bộ Chỉ huy quân sự TP Đà Nẵng thông tin tính đến 10 giờ sáng 28-9, tại huyện Hòa Vang có 1 người bị thương do bão số 4.
Toàn TP Đà Nẵng có 44 nhà dân bị tốc mái, 2 ghe bị chìm tại âu thuyền Thọ Quang (quận Sơn Trà) và 1 tàu cá bị mắc cạn. Bộ Chỉ huy quân sự TP Đà Nẵng tiếp tục sẵn sàng lực lượng để hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả.
Liên quan việc đưa dân sơ tán về nơi ở, TP Đà Nẵng đề nghị UBND các quận, huyện chủ trì, phối hợp Công an thành phố và các đơn vị liên quan kiểm tra các khu vực nhà dân để bảo đảm an toàn kết cấu, an toàn điện, ngập nước và các rủi ro khác.
Quảng Bình: 1 người chết đuối
Tại tỉnh Quảng Bình, cùng ngày, ông Đinh Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa, cho biết đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương sẵn sàng di dời người dân và tài sản đến nơi an toàn để tránh lũ dâng cao.
Tại huyện Minh Hóa (tỉnh Quảng Bình), lực lượng chức năng cũng cắm biển cảnh báo, bố trí lực lượng túc trực để ngăn người dân và phương tiện đi lại ở khu vực nguy hiểm khi nước lũ dâng cao.
Ông Dũng nhận định sau hoàn lưu bão số 4 sẽ gây mưa lớn trên diện rộng, mực nước sông Gianh có khả năng lên nhanh. Để ứng phó với tình trạng ngập lụt, huyện lên phương án di dân theo từng mức độ. Theo đó, nếu nước lũ trên báo động 3, dự kiến di dân với 2.100 hộ/hơn 7.300 nhân khẩu; trường hợp nước lũ trên báo động 3, nước sông dâng cao 1 m, dự kiến di dân trên 3.700 hộ với hơn 12.800 nhân khẩu.
Tại huyện Quảng Trạch, khoảng 19 giờ 30 ngày 27-9, trong lúc đi thả lưới đánh bắt cá gần nhà trên sông Loan, ông Phạm Văn Th. (SN 1960, ở thôn Sơn Tùng, xã Quảng Châu) bị chết đuối. Sáng nay, thi thể được phát hiện ở bãi bồi sông Loan.
Chính quyền xã Quảng Châu, các đoàn thể và gia đình đang tổ chức mai táng cho nạn nhân theo phong tục địa phương.
TP Đà Nẵng: Học sinh trở lại trường từ ngày mai, 29-9
Trưa 28-9, UBND TP Đà Nẵng cho biết đã có công văn về việc cho phép người dân đi làm, đi lại bình thường và đưa người đi sơ tán về nơi ở kể từ 11 giờ ngày 28-9. Tuy nhiên, các hoạt động tắm biển, đánh bắt trên biển, sông suối, hồ, đập... vẫn chưa được phép.
Cán bộ, công chức, viên chức đi làm lại từ 13 giờ 30 phút ngày 28-9. Ban Quản lý KCN và khu công nghệ cao, các doanh nghiệp... chủ động thông báo thời gian cho công nhân, người lao động đi làm lại phù hợp tình hình thực tế tại đơn vị.
Cùng ngày, Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng cho biết trẻ mầm non, học sinh phổ thông, học viên giáo dục thường xuyên trên địa bàn thành phố đi học trở lại vào sáng thứ năm, ngày 29-9.
Các trường tập trung toàn bộ lực lượng và phương tiện, nhanh chóng khắc phục hậu quả do bão gây ra, bảo đảm an toàn, vệ sinh trường học, báo cáo trước 17 giờ ngày 28-9.